Xúc động người mẹ Nhật học tiếng Việt vì con trai
Một cô giáo dạy tiếng Việt của Trường đại học Osaka (Nhật Bản) đã gửi đến Tuổi Trẻ câu chuyện xúc động về một người mẹ Nhật kiên trì học tiếng Việt ở độ tuổi ngoài 60 vì con trai đã mất của mìn
Xúc động người mẹ Nhật học tiếng Việt vì con trai
Một cô giáo dạy tiếng Việt của Trường đại học Osaka (Nhật Bản) đã gửi đến Tuổi Trẻ câu chuyện xúc động về một người mẹ Nhật kiên trì học tiếng Việt ở độ tuổi ngoài 60 vì con trai đã mất của mình.
Cô Nakajima dạy (tình nguyện) môn âm nhạc cho các em tại một trường dành cho trẻ khuyết tật tại Việt Nam – Ảnh do tác giả cung cấp |
Cuối năm ngoái, tôi và một giáo viên người Nhật cùng thuộc bộ môn tiếng Việt của Trường đại học Osaka làm giám khảo cho cuộc thi vấn đáp để quyết định việc có thể tiếp nhận một học viên muốn vào học ở bộ môn tiếng Việt hay không.
Tên cô là Nakajima Hiroko, đã về hưu và đã ngoài 60 tuổi.
Những dòng chữ của con trai viết về Việt Nam đã khắc sâu trong tâm trí cô Nakajima và cô đã quyết định học tiếng Việt để hiểu hơn về đất nước mà người con trai yêu quý của cô thích đến nỗi đã viết rằng nhất định sẽ quay lại |
Sự kiên trì của người mẹ
Trước khi được hỏi chuyện cô Nakajima Hiroko với tư cách là giám khảo, tôi đã được biết cô nhiều năm trong những sinh hoạt mang tính giao lưu ngôn ngữ, văn hóa tại Câu lạc bộ những người yêu Việt Nam (Vietnamist Club) do giáo sư đã về hưu Tomita Kenji làm đại diện.
Trong hồ sơ dự thi, cô xin được vào học theo chế độ chuyển tiếp, tức là học thẳng lên năm thứ 3 của chương trình chính quy bốn năm của bộ môn tiếng Việt, vì cô vừa hoàn tất chương trình hai năm học tiếng Việt tại một trường cao đẳng.
Mắt tôi dừng hẳn lại ở phần ghi lý do xin nhập học của cô, trong đó có nói cô quyết định học tiếng Việt vì người con trai yêu quý đã qua đời của mình.
Thú thật là ngay tại thời điểm đó, tôi đã quyết định sẽ mời cô đến học (nếu giáo viên gác thi cùng tôi cũng tán thành quyết định này của tôi).
Trong buổi thi vấn đáp ấy, tôi xúc động khi thấy cô cố gắng sắp xếp các từ, ngữ pháp và uốn phát âm của mình để những câu trả lời hoàn toàn bằng tiếng Việt của cô có thể ở mức tốt nhất. Cũng có câu hỏi cô không hiểu ngay ở lần đầu tiên. Khi ấy, cô nói với tôi rằng: “Xin lỗi, xin cô làm ơn nói lại một lần nữa”.
Thật ra, cô ấy chẳng cần tôi chấm đậu vì lý do tôi đã xúc động trước động cơ học tiếng Việt của cô. Chính những câu trả lời của cô trong cả bài thi viết và thi vấn đáp đã chấm đậu cô.
Mối nhân duyên từ nỗi đau
Sau khi gác thi cô ấy về, tôi quyết định đọc nốt quyển sách “Hồi ký du học Việt Nam của một bà già” mà thầy Tomita đã cho tôi mượn trước khi cô dự thi vài tháng.
Ở phần cuối quyển sách do chính cô viết bằng tiếng Nhật ấy, cô nói về lý do năm 2005 đã tạm ngưng công việc ở Nhật để sang Hà Nội, nơi cô chưa từng đến và chẳng có một người thân quen nào, học tiếng Việt một năm ở cái tuổi đã hơn 50.
Cô viết rằng cô đã mất người con trai thứ hai của mình vào năm 2001 khi cậu mới 18 tuổi và là học sinh lớp 12. Con trai cô là một thanh niên tốt bụng, lạc quan và có nhiều bạn bè. Từ khi mới lên trung học phổ thông, cậu ấy đã tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện ở khu phố.
Cậu cũng thích học tiếng nước ngoài và đã từng đi du lịch nhiều nơi, trong đó có tham quan học tập (study tour) ở Việt Nam. Trong bài báo cáo sau chuyến đi Việt Nam của mình, cậu viết là đã được giao lưu với trường kết nghĩa, thăm cô nhi viện, tham gia trồng rừng đước và giới thiệu về văn hoá Nhật Bản. Cậu cũng viết là nhất định một ngày nào đó, cậu sẽ quay lại Việt Nam.
Những dòng chữ ấy của con trai đã khắc sâu trong tâm trí cô Nakajima và một lần nọ, khi tình cờ nhìn thấy trên báo đăng thông tin về lớp học tiếng Việt của thầy Tomita, cô đã quyết định học tiếng Việt để hiểu hơn về đất nước mà người con trai yêu quý của cô thích đến nỗi đã viết rằng nhất định sẽ quay lại.
Trong phần Lời kết của quyển sách mà cô viết, tôi cũng đọc thấy những dòng sau: “Việc một người cha, người mẹ đánh mất đứa con thương yêu nhất của mình cũng giống như đánh mất hoàn toàn tương lai của chính mình.
Giờ đây, tôi cảm nhận rõ hơn lúc nào hết rằng đối với bậc làm cha, làm mẹ thì việc mỗi ngày con cái được khoẻ mạnh ở bên mình thôi cũng khiến mình hạnh phúc đến nhường nào…
Thông qua cái chết của con trai mình mà tôi hiểu được sự quan trọng của những mối nhân duyên. Qua đó, tôi học được nhiều điều và tôi cũng học được sự cảm động…”.
Tôi tin người con trai của cô đã xe duyên cho cô, dẫn dắt cô đến với tiếng Việt, đến với Việt Nam. Đã cho cô sức mạnh để hằng ngày ngồi xe điện và xe buýt khoảng hai tiếng rưỡi đồng hồ với ba lần đổi xe cho mỗi lượt đi và về giữa nhà cô và trường học ở cái tuổi mà phần lớn người Việt Nam thường hay ở nhà nghỉ ngơi và vui đùa cùng con cháu. Tôi chỉ mong mình có thể giỏi hơn nữa để có thể nói cho cô nghe nhiều hơn về tiếng nói, về dân tộc mà cô đang ôm trọn mối tình này.