02/11/2024

Những đứa con của đồn

Suốt 5 năm sống cuộc đời quân ngũ, Lập – Nghiệp đã thành “cựu quân nhân” so với các chiến sĩ nghĩa vụ chỉ phục vụ quân đội 18 tháng.

 

Những đứa con của đồn

 

Suốt 5 năm sống cuộc đời quân ngũ, Lập – Nghiệp đã thành “cựu quân nhân” so với các chiến sĩ nghĩa vụ chỉ phục vụ quân đội 18 tháng.





 

Đại uý Danh Kim Huôl hướng dẫn 2 anh em Lập – Nghiệp gấp chăn gối


Ai đến Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên (Kiên Giang) cũng ngạc nhiên khi thấy 2 cậu bé thoăn thoắt chơi thể thao, vệ sinh doanh trại, tăng gia sản xuất cùng bộ đội. Hỏi ra mới biết đó là 2 anh em ruột, được nuôi ngay tại đồn từ năm 2011…

Phòng ở của Đội vận động quần chúng trong doanh trại Đồn biên phòng (BP) Hà Tiên san sát giường gỗ – cọc màn và hừng hực hơi nóng đổ xuống từ trần xi măng. Ngay cửa ra vào, 2 chiếc giường kề nhau chỗ thoáng mát nhất, chăn chiếu bộ đội vuông vức như cục gạch, chồng sách vở lớp 8 – 9 kề bên ngay ngắn, là nơi ở của 2 cậu bé Nguyễn Văn Lập (16 tuổi) và Nguyễn Văn Nghiệp (15 tuổi).
Lập nghiệp ở Hà Tiên


Từ cuối năm 2013, Bộ Tư lệnh Bộ đội BP đã phát động chương trình “Nâng bước em tới trường” đỡ đầu học sinh từ lớp 1 – 12 ở khu vực biên giới, có hoàn cảnh khó khăn (không nơi nương tựa, mồ côi cha mẹ, không có nhà ở, người dân tộc thiểu số có điều kiện sinh sống khó khăn…) với mức hỗ trợ 500.000 đồng/tháng/em. Đến tháng 3.2016, toàn lực lượng bộ đội BP đã nhận đỡ đầu 2.633 học sinh (trong đó có 59 học sinh nước bạn Lào, 67 học sinh Campuchia, 17 em được nuôi tại đồn BP). Tiêu biểu là Bộ đội BP Kiên Giang nhận đỡ đầu 100 em, Bộ đội BP TP.HCM nhận 61 em…  

Lập, Nghiệp là anh em ruột. Cha của 2 cậu là anh Nguyễn Văn Tao đã chết năm 2003 trong khi đi làm nghề biển, mẹ là Ong Thị Lán ngay sau đó bỏ đi nơi khác sinh sống, để lại 2 con cho mẹ chồng nuôi dưỡng. Sống với bà nội hơn 80 tuổi đau ốm liên miên, miếng ăn cũng chẳng đủ vì tiền rửa bát của bà ít ỏi, 2 anh em dắt nhau ra chợ Xà Xía xin ăn, làm thuê và vạ vật góc chợ, mái gianh…

Tháng 5.2011, khi xuống địa bàn công tác, đại úy Danh Kim Huôl, chính trị viên phó Đồn biên phòng cửa khẩu Hà Tiên nghe kể về 2 đứa trẻ có hoàn cảnh cực kỳ khó khăn nên tìm chúng và chứng kiến cảnh sống khổ cực đến cùng quẫn của 3 bà cháu.
Mấy đêm suy nghĩ, đại uý Huôl báo cáo chỉ huy đồn, Bộ Chỉ huy bộ đội BP tỉnh phương án giúp đỡ 3 bà cháu và ngay sau đó, cả Đồn BP Hà Tiên quyết định nhận nuôi 2 cháu ăn học tới năm 18 tuổi.
Không chỉ vận động cán bộ, chiến sĩ đóng góp bằng tiền lương, đồn còn kêu gọi sự hảo tâm của các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn. Thượng tá Phạm Quảng Ngãi, chính trị viên Đồn BP Hà Tiên nhớ lại: Khi anh em xuống nhà thông báo hằng tháng sẽ tặng mỗi em 300.000 đồng và 10 kg gạo để bà nội nuôi cháu, bà cụ khóc: “Tụi nhỏ lớn mau quá, tui nuôi không nổi nữa, xin các chú giúp tui nuôi và dạy dỗ chúng”, khiến chỉ huy đồn lại phải đôn đáo xin ý kiến cấp trên, thông qua địa phương và mãi đến cuối năm, 2 anh em mới chính thức về đồn sống chung với cán bộ chiến sĩ trong đồn.
Suốt 5 năm sống cuộc đời quân ngũ, Lập – Nghiệp đã thành “cựu quân nhân” so với các chiến sĩ nghĩa vụ chỉ phục vụ quân đội 18 tháng. Mỗi sáng, nghe tiếng kẻng báo thức là 2 anh em vùng dậy gấp chăn màn, quét sân, mang bát xuống bếp ăn sáng cùng bộ đội, xong mới đạp xe đi học. Chiều về, cả 2 cũng lăn vào tưới trồng rau, nuôi heo gà như các chú và buổi tối, cũng ngồi theo hàng trong hội trường cùng xem thời sự, xong mới về phòng ngồi học. “Chúng nó rành điều lệnh nội vụ hơn nhiều chiến sĩ trẻ”, đại uý Huôl cười và lắc đầu: “Mỗi nghiệp vụ BP và súng ống, tác chiến là chúng nó chưa được dạy”.
Trưa, 2 anh em đạp xe về đồn ăn trưa. Cất quần áo, cặp sách gọn gàng trong tủ gỗ các chú bộ đội nhường, Nghiệp rành mạch: “Ăn ở phải gọn gàng, kẻo bố Huôl (đại úy Danh Kim Huôl) la”, còn Lập thì rất người lớn: “Học xong, chúng con sẽ thi vào trường BP để nuôi bà và tìm nuôi các em mồ côi như anh em con”.
Ở Đồn BP Hà Tiên cũng từ năm 2011, cậu bé Nguyễn Trường Duy (nay 17 tuổi, ở ấp Xà Xía, xã Mỹ Đức, Hà Tiên) cũng được bộ đội đưa về nuôi dạy do cha mẹ mất sớm. Suốt 4 năm liền được các chú bộ đội kèm cặp học hành, ăn ngủ theo giờ giấc, kỷ luật quân đội, Duy đã trở thành học sinh giỏi của Trường trung học cơ sở Mỹ Đức và xin các chú cho về sống tại nhà để chăm sóc bà nội già yếu. Mỗi tháng, Duy đạp xe lên đồn nhận số tiền, gạo của bộ đội và đều hứa: “Con sẽ học làm bác sĩ, để sau này chăm sóc các chú”.
Những đứa con của đồn - ảnh 1

Lập và Nghiệp đi học về đồn biên phòng và lễ phép chào hỏi chiến sĩ vệ binh

Niềm tin biên giới
Thượng úy Lê Xuân Trường nguyên là cán bộ Đồn BP Hà Tiên. Tháng 12.2015, anh Trường đột ngột qua đời vì bệnh hiểm nghèo, bỏ lại vợ là cô giáo Nguyễn Thị Xuân và 2 con nhỏ Lê Nguyễn Phương Hoa (năm nay 4 tuổi), Lê Nguyễn Diệu Hoa (năm nay 9 tuổi), ở KP.5, P.Bình San, TX.Hà Tiên (Kiên Giang). Chồng mất, cô giáo Xuân một mình vừa dạy học vừa chăm con, nhà không có người trụ cột, cuộc sống dần đi vào túng quẫn, bế tắc. Không thể để vợ đồng đội vất vả, ban chỉ huy đồn huy động cán bộ chiến sĩ góp một phần kinh phí giúp gia đình vượt qua khó khăn và nhất là nhận đỡ đầu 2 bé gái học cho đến hết trung học phổ thông với mức trợ cấp là 500.000 đồng/tháng cho mỗi cháu.
Hôm xuống Hà Tiên, đại úy Huôl chở tôi bằng xe máy sang xã Xây Sóc Tây (H.Kông Pông Trách, Kam Pốt, Campuchia) thăm gia đình bà Part Chchất. Đây là hộ dân đặc biệt khó khăn ở địa bàn giáp biên. Không đất sản xuất, hơn 5 nhân khẩu sống nhờ tiền làm thuê của bà, trong đó con gái Part Nôi (14 tuổi, học sinh lớp 6, Trường tiểu học Lục Sơn) phải bỏ học. “Có thời điểm, mấy mẹ con bà Chchất phải mò ốc cả ngày, kiếm mấy chục ngàn nuôi đứa út ốm nằm liệt. Con bé muốn đi học lắm nhưng cũng đành chịu”, đại úy Huôl lắc đầu và trầm giọng: “Chúng tôi mất cả tháng cùng cán bộ địa phương bạn đến nhà vận động cho cháu trở lại trường và thống nhất nhận đỡ đầu, hỗ trợ 500.000 đồng/tháng để em Nôi đi học”.
Những ngày ở Hà Tiên, chứng kiến cảnh Lập – Nghiệp thoăn thoắt như 2 con sóc giữa xanh rì màu áo BP, nhìn cậu bé Duy tất tưởi đạp xe giữa nắng trưa mù mịt từ trường về nấu cơm cho nội, lặng ngắm cô bé Nôi líu ríu tiếng Khmer dạy mặt chữ cho bọn trẻ trong phum… mới thấy tình nghĩa nơi cuối trời biên giới không chỉ gói gọn trong việc “bảo vệ toàn vẹn chủ quyền”, mà còn bình dị – cao cả từ cái sự nhường gạo, chia lương của những người lính BP và niềm tin vào mọi điều tốt đẹp đang nở ở biên cương…
“Bố Hùng” của trẻ Dào San
Những đứa con của đồn - ảnh 2

Thiếu tá Hoàng Mạnh Hùng căn dặn bé gái Vàng Thị Ty trước khi chuyển công tác – Ảnh: Mai Thanh Hải


Năm 2012, Đồn BP Dào San (Phong Thổ, Lai Châu) đã nhận nuôi 2 cháu bé người Mông là Vàng A Phi và Vàng Thị Ty (khi ấy mới 5 và 6 tuổi, ở xã Tung Qua Lìn, Phong Thổ). Thiếu tá Hoàng Mạnh Hùng, nguyên Đồn trưởng BP Dào San kể: Hồi ấy bé Vàng Thị Ty vào lớp 1 và rất chăm học.
Do gia đình quá khó khăn nên bố mẹ em bắt ở nhà trông trẻ thuê, mỗi ngày kiếm 5.000 đồng. Một lần đi kiểm tra cột mốc biên giới, thiếu tá Hùng thấy bé Ty rất xinh xắn, vẹo lưng bế em, đứng ngoài cửa lớp học điểm bản Cò Ký ê a đọc chữ cùng đám trẻ lớp 1. Ngay sau đó, thiếu tá Hùng đến tận nhà vận động bố mẹ bé Ty cho em đi học, với sự hỗ trợ mỗi tháng 300.000 đồng và 10 kg gạo.
Hiện tại, cô bé Vàng Thị Ty đang theo học lớp 5, Trường tiểu học xã Tung Qua Lìn và gọi thiếu tá Hùng là “bố”. Cuối tháng 3.2016, khi thiếu tá Hùng chuyển công tác, cô bé Vàng Thị Ty nhất quyết kéo ba lô đòi “bố Hùng” ở lại và chỉ chịu buông khi nghe hứa: “Xong nhiệm vụ dưới xuôi, sẽ quay trở lại với con gái và bản Cò Ký, Dào San”…


 

Mai Thanh Hải