Chuyện cuối tuần: “Có cái gì đó sai sai”
Lần nọ, khi vào quán cà phê, tôi tình cờ gặp một cô bạn đồng nghiệp đang ngồi với một nghệ sĩ nổi tiếng, nên tôi cũng qua chào hỏi, trò chuyện đôi câu.
Chuyện cuối tuần: “Có cái gì đó sai sai”
Lần nọ, khi vào quán cà phê, tôi tình cờ gặp một cô bạn đồng nghiệp đang ngồi với một nghệ sĩ nổi tiếng, nên tôi cũng qua chào hỏi, trò chuyện đôi câu.
Sau đó, có việc phải đi taxi qua một nơi khác, trong lúc ngồi trên xe tôi mở điện thoại lướt net thì thấy tin nghệ sĩ kia bị bắt vì nghi tàng trữ hàng cấm. Bên cạnh hình ảnh nghệ sĩ quần áo xộc xệch, gương mặt thất thần là hình ảnh “hàng trăm cảnh sát cơ động bố ráp”.
Tôi giật mình, theo một phản xạ tự nhiên, cả người nổi gai ốc. Có lẽ nào người nghệ sĩ mà mình vừa mới gặp lúc nãy giờ đã bị bắt? Sao có thể nhanh như vậy được? Tôi tìm số điện thoại cô bạn trong danh bạ, nhưng xui là nó không còn.
Thế rồi trong lúc loay hoay đó, tôi nhận ra là “có cái gì đó sai sai”. Tấm hình của nghệ sĩ kia có lẽ được lấy ra từ một vở diễn nào đó hay đã được phù phép bởi ngón nghề photoshop mà bây giờ được coi là “chứng chỉ” của cư dân mạng.
Bộ quần áo ấy thật khác với trang phục mà tôi vừa thấy. Chẳng lẽ sau khi rời quán cà phê, nghệ sĩ đã về nhà thay đồ khác rồi bị bắt? Nhưng việc bắt một nghệ sĩ có cần phải huy động “hàng trăm cảnh sát cơ động” hay không?
Bằng một vài thao tác kiểm tra tin tức, cuối cùng tôi thở hắt ra một cái khi biết đó chỉ là một cái… “tin vịt”.
Về sau, khi chơi Facebook, tôi biết những trang “tin vịt” như thế này có rất nhiều. Có khi tít giật một đằng nhưng nội dung lại một nẻo. Thoạt đầu, có những nghệ sĩ phản ứng kịch liệt, nhưng sau dường như họ không bận tâm nữa, hoặc coi đây như một kiểu giúp mình “nổi tiếng hơn”.
Còn tôi, thú thật là vẫn chưa quen kiểu “tin vịt” này, nên mỗi lần đọc tin sốc, tin rùng rợn lại phải làm mấy “thao tác nghiệp vụ” coi thử “có cái gì đó sai sai” không.
Và không biết tự bao giờ, cái câu “có cái gì đó sai sai” trở thành câu cửa miệng hay là một thành ngữ mới bổ sung vào ngôn ngữ đời sống hiện đại.
Khi nhìn hình ảnh cô ca sĩ mím môi cười trong một đám tang, chúng ta thấy “có cái gì đó sai sai”.
Khi coi tivi thấy một hot girl trả lời rằng Ngô Quyền là người ba lần đánh thắng quân Mông Nguyên, chúng ta thấy “có cái gì đó sai sai”.
Khi nghe một quan chức phát biểu rằng “đa số thực phẩm đều an toàn nhưng dân không biết”, chúng ta thấy “có cái gì đó sai sai”.
Khi đọc một cuốn sách dành cho trẻ em có ghi rằng “loài chim lớn nhất trên thế giới là lạc đà”, chúng ta thấy “có cái gì đó sai sai”.
Khi coi phim Vòng eo 56, chúng ta thấy “có cái gì đó sai sai” giữa sản phẩm phim và món hàng cuộc đời.
Khi coi clip anh công an phường “dùng một thế võ quật ngã người bán hàng rong”, chúng ta thấy “có cái gì đó sai sai”.
“Có cái gì đó sai sai” có khi là sai lặc lè ra rồi.
“Có cái gì đó sai sai” có khi chưa hẳn là sai, nhưng cũng không hẳn là đúng, nó nằm giữa ranh giới đúng sai, là sự nghi ngại hay nỗi hoài nghi của chúng ta với những gì đang diễn ra trong cuộc sống nhộn nhạo này.
Khi chúng ta kịp thời nhận ra rằng “có cái gì đó sai sai” thì lập tức điều chỉnh sao cho đúng, tức thấy sai rồi thì phải quyết sửa sai.
Nói cho cùng thì ai rồi cũng có những lúc sai, vì đã sống là có khi sai, đã làm là ắt dễ sai, và ai cũng cần người khác soi rọi giúp mình để trở nên đúng đắn và tốt đẹp hơn.
Còn nếu thấy việc “có cái gì đó sai sai” đơn thuần chỉ là trò soi mói để hả hê thì cũng là… “có cái gì đó sai sai”(!)