02/11/2024

Tự tạo cơ hội: Kỹ sư cơ khí nuôi thỏ lai

Từ bỏ chức trưởng phòng tại một công ty cơ khí có tiếng ở TP.Đà Nẵng, anh Dương Văn Chính (36 tuổi) về quê đeo đuổi giấc mơ làm giàu bằng nghề nuôi thỏ.

 

Tự tạo cơ hội: Kỹ sư cơ khí nuôi thỏ lai


Từ bỏ chức trưởng phòng tại một công ty cơ khí có tiếng ở TP.Đà Nẵng, anh Dương Văn Chính (36 tuổi) về quê đeo đuổi giấc mơ làm giàu bằng nghề nuôi thỏ.





Giống thỏ do anh Chính lai tạo đạt cân nặng đến 6 kg - Ảnh: Hoàng Sơn

 

Giống thỏ do anh Chính lai tạo đạt cân nặng đến 6 kg – Ảnh: Hoàng Sơn


Năm 1999, anh Chính đỗ vào Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, chuyên ngành cơ khí chế tạo máy với số điểm khá cao. Sau 5 năm đèn sách, Chính được một công ty lớn ở Đà Nẵng nhận vào làm công việc đúng chuyên môn, sở trường. Không lâu sau, anh được bổ nhiệm vị trí trưởng phòng hành chính tổng hợp, lương 8 triệu đồng/tháng. “Thế nhưng, mức lương như thế tôi vẫn chưa thấy thoã mãn. Tôi muốn làm gì đó cho riêng mình”, Chính kể. Thời gian rảnh rỗi, anh thường lên mạng tìm hiểu các nghề khác nhau. Suy ngẫm mãi, cuối cùng anh viết đơn xin thôi việc, rút hồ sơ cùng tấm bằng kỹ sư để lên núi lập trang trại nuôi thỏ vào năm 2009.
Cú sốc đầu tiên
Đọc nhiều tài liệu chăn nuôi thỏ, anh Chính lường trước những khó khăn sẽ đến với mình khi dấn thân vào một lĩnh vực mà anh không hề có chuyên môn. Nhưng việc đàn thỏ 100 con giống ban đầu hao hụt đến gần 50% vì dịch bệnh thì anh chưa lường đến. Đó thật sự là nỗi lo lắng đối với những người mới khởi nghiệp như anh. Khi đó bắt đầu những lời xì xầm cho rằng anh đã sai lầm khi chọn lối đi chẳng giống ai. Nhiều đêm thao thức, Chính phát hiện con giống anh mua từ miền Bắc đem vào chết dần là do không thể thích nghi được với khí hậu vốn khô nóng hơn ở miền Trung.
Tìm cách nâng cao sức đề kháng cho bầy thỏ, trong đầu anh chợt loé lên ý tưởng trung hoà dòng máu cho bầy thỏ bằng cách tạo giống thỏ lai giữa thỏ miền Bắc với giống thỏ chịu được nhiệt độ cao ở phía nam. Anh Chính vào TP.Quy Nhơn (Bình Định) để mua thỏ đực mang về làm giống. Sau vài tháng thử nghiệm, thế hệ thỏ lai ra đời hoàn toàn khoẻ mạnh và thích nghi tốt với khí hậu địa phương. Đàn thỏ lai bộc lộ nhiều ưu điểm như sinh sản nhanh, đạt cân nặng đến 6 kg… Dù rất phấn khởi nhưng anh Chính cũng dè dặt trước khi mở rộng trang trại. Anh ngày đêm theo dõi đàn thỏ để đúc rút kỹ thuật chăm sóc, phối giống, khám thai… theo cách riêng của mình.
Gầy dựng cơ nghiệp
Sau gần 1 năm thí nghiệm, cảm thấy tự tin với thỏ giống lai tạo của mình, anh Chính xắn tay xây dựng cơ sở tại xã Hoà Ninh rồi tiếp tục thuê đất mở thêm một cơ sở tại xã Hoà Sơn (cùng H.Hoà Vang). Thế nhưng, khi nguồn giống ổn định thì việc tìm đầu ra lại gặp trắc trở do người tiêu dùng vẫn chưa có thói quen sử dụng thịt thỏ. Hơn 2 tháng ròng rã anh Chính đi khắp các quán nhậu, nhà hàng để phát tờ rơi. Năm 2011, anh lập trang web traithoquoccuong.com để thông tin về cơ sở của mình trên mạng internet. Từ đó trở đi, mỗi ngày anh nhận hàng loạt đơn đặt hàng trên khắp cả nước. Với 250 con thỏ giống và duy trì thường xuyên 1.500 con thỏ thịt, hằng tháng anh Chính đều đặn xuất ra thị trường hơn 4 tạ thịt thỏ, thu lãi ròng 20 triệu đồng/tháng.
Công việc thuận lợi, anh mở thêm đại lý thu mua và giết mổ thỏ tại TP.HCM. Khi mối quan hệ ngày càng rộng ra, anh nghĩ đến những người nông dân vốn là bạn hàng mua thỏ giống từ cơ sở của mình. “Thấm thía nỗi vất vả tìm đầu ra cho thỏ thịt của người nông dân nên mỗi lần có người đến mua thỏ giống, tôi sẽ ký cam kết thu mua và bao tiêu sản phẩm cho họ. Người dân chỉ việc nuôi cho tốt mà không phải đau đầu nghĩ đến việc bán cho ai”, anh Chính nói.
Không chỉ giúp nhiều người có nguồn thu nhập ổn định, anh còn tận tình hỗ trợ kỹ thuật cho bà con nông dân thông qua cuốn sách Kỹ thuật nuôi thỏ theo kinh nghiệm thực tế do chính tay anh viết. Đó là tâm huyết bao nhiêu năm tự mày mò, đúc rút nhưng anh sẵn lòng chia sẻ và tặng cho người mua thỏ giống.

Hoàng Sơn