05/01/2025

Nhiều học sinh không giỏi như phụ huynh kỳ vọng

Phụ huynh sốc khi con không được học sinh giỏi là chuyện có thật, học sinh THCS được du di trong đánh giá cho điểm nhằm làm đẹp hồ sơ thi vào cấp III…

 GIÁO DỤC DƯỚI MẮT MỌI NGƯỜI

Nhiều học sinh không giỏi như phụ huynh kỳ vọng

 

 

Phụ huynh sốc khi con không được học sinh giỏi là chuyện có thật, học sinh THCS được du di trong đánh giá cho điểm nhằm làm đẹp hồ sơ thi vào cấp III…

 

 

 

 

 

Nhiều học sinh không giỏi như phụ huynh kỳ vọng
“Kêu gọi giáo viên đừng chạy theo thành tích là điều không thể!

 

 

Kết thúc học kỳ 1, lớp 10/6 do tôi chủ nhiệm có 3 học sinh giỏi, 15 học sinh khá, 20 học sinh trung bình, 5 học sinh yếu. Đây là kết quả được đánh giá khách quan, phản ánh đúng năng lực học sinh.

Thế nhưng trong cuộc họp sơ kết học kỳ vừa qua, nhiều phụ huynh tỏ ra thất vọng đến mức nghi ngờ kết quả khi một số người đặt vấn đề hay do thầy cô cho điểm quá khắt khe, rồi phương pháp giảng dạy chưa có hiệu quả.

Một phụ huynh cho biết: “Con tôi chín năm liền là học sinh giỏi, lên lớp 10 chỉ đạt học sinh khá, thật sự tôi bị sốc và rất buồn”.

Tôi hiểu kết quả những năm học ở tiểu học và THCS quá đẹp khiến phụ huynh tin con mình học giỏi, thậm chí học rất giỏi. Theo hồ sơ học bạ năm lớp 9, lớp tôi có 12 học sinh giỏi, còn lại phần lớn là học sinh khá. Vì thế sự “tụt hạng” về thành tích khiến phụ huynh buồn cũng là điều dễ hiểu.

Nhưng không chỉ lớp tôi mà tình hình ở các lớp 10 khác cũng tương tự. Trường tôi tuyển gần 450 học sinh lớp 10, theo hồ sơ thì có đến 160 em học lực giỏi năm lớp 9, nhưng thống kê kết quả học kỳ 1 chỉ 35 em đạt danh hiệu học sinh giỏi.

Để trấn an phụ huynh, tôi đưa ra số lượng học sinh giỏi khiêm tốn của toàn khối lớp 10 và giải thích với phụ huynh rằng từ cấp II lên cấp III do thay đổi về môi trường, bạn bè, thầy cô, nhiều học sinh chưa quen với phương pháp mới ở cấp III… nên ít nhiều ảnh hưởng đến kết quả học tập.

Tôi mong phụ huynh quan tâm hơn đến các em, phối hợp chặt chẽ với nhà trường để kết quả ở học kỳ 2 tốt hơn.

Tôi còn đưa ra số liệu thống kê ở những thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Đà Nẵng… Theo đó, tỉ lệ học sinh giỏi bậc THCS những nơi này đều ở mức khoảng 40%, nhưng lên cấp III thì tụt xuống chỉ còn trên dưới 15%.

Buổi họp đó, tôi trả lời như vậy mới chỉ là một phần sự thật về tảng băng có ba phần nổi, bảy phần chìm của ngành giáo dục. Hôm nay tôi quyết định nói sự thật còn lại dù biết sẽ hứng không ít “gạch đá” từ phụ huynh và cái nhìn không thiện cảm của đồng nghiệp.

Bởi nói thật là chê con cái của họ không giỏi như họ tưởng tượng và “vạch áo cho người xem lưng” về căn bệnh thành tích là đụng chạm đến đồng nghiệp ở cấp I, cấp II.

Tôi phải thẳng thắn nói điều này: vì bệnh thành tích, giáo viên đã đánh giá không đúng với năng lực thật sự của học sinh.

Ở bậc tiểu học thì “lạm phát học sinh giỏi” như báo chí từng đưa tin: một lớp 35 học sinh thì có đến 34 em giỏi, xuất sắc, chỉ một em học lực khá! Lên THCS, số lượng học sinh giỏi không nhiều như ở tiểu học nhưng cũng là con số “đẹp như mơ”.

Lý giải về kết quả đẹp này, một giáo viên dạy THCS cho biết có sự du di cho điểm thoáng nhằm tạo điều kiện cho học sinh được cộng điểm trong thi và xét tuyển lên lớp 10. Bởi hiện nay nhiều địa phương tuyển sinh lớp 10 bằng hình thức kết hợp xét và thi tuyển.

Theo đó, điểm tuyển sinh lớp 10 là tổng điểm của ba môn thi toán, văn, ngoại ngữ cộng với điểm bốn năm học THCS. Tiếp xúc với một số giáo viên dạy THCS, tôi có cảm giác rằng thành công của họ chính là học sinh của mình thi đỗ vào cấp III, tỉ lệ càng cao là càng được đánh giá thành công!

Lên cấp III, áp lực thành tích ít hơn (nhất là ở lớp 10 và 11), giáo viên có điều kiện đánh giá chính xác năng lực học sinh. Bên cạnh đó, do tác động từ nhiều yếu tố, một số học sinh không còn chăm ngoan như trước… Vậy nên việc nhiều học sinh “tụt hạng” từ học sinh giỏi xuống khá, thậm chí trung bình, là điều bình thường.

Coi con là người bình thường

Việc chạy theo thành tích khiến giáo viên mắc lỗi lừa dối học sinh, phụ huynh. Bởi khoác lên vai học trò danh hiệu học sinh giỏi trong khi sức học thật sự không đạt mức đó khiến học sinh, phụ huynh ảo tưởng về năng lực của mình và tạo nhiều áp lực cho trẻ, để rồi trẻ sẽ sốc và không đủ bản lĩnh đứng lên khi gặp thất bại.

Nói thật, dù bản thân tôi công bằng, trung thực trong đánh giá năng lực học sinh, nhưng vẫn cảm thấy áy náy về căn bệnh thành tích của ngành mình. Kêu gọi giáo viên đừng chạy theo thành tích là điều không thể.

Tôi mong mỏi ngành giáo dục sớm có biện pháp hữu hiệu nhằm loại bỏ căn bệnh thành tích đang gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Tôi cũng rất mong phụ huynh hiểu và coi con mình là người bình thường.

Khi phụ huynh hiểu năng lực thật sự của con, coi con là người bình thường sẽ giảm áp lực không cần thiết cho con, tránh sự lãng phí cho việc theo đuổi những danh hiệu hão huyền và ước mơ phù phiếm!

THU THUỶ