Đảng Cộng sản Nga đòi bản quyền ngôi sao đỏ
Đảng Cộng sản Nga kêu gọi Điện Kremlin có hành động để bảo vệ biểu tượng của chủ nghĩa cộng sản: Ngôi sao đỏ 5 cánh.
Đảng Cộng sản Nga đòi bản quyền ngôi sao đỏ
Đảng Cộng sản Nga kêu gọi Điện Kremlin có hành động để bảo vệ biểu tượng của chủ nghĩa cộng sản: Ngôi sao đỏ 5 cánh.
Ngôi sao đỏ 5 cánh vẫn được xem là biểu tượng của người cộng sản, xuất hiện trên quốc kỳ, quốc huy và phù hiệu lực lượng vũ trang của tất cả các thành viên Liên bang Xô Viết trước đây cũng như một số quốc gia xã hội chủ nghĩa và cánh tả hiện nay. Tuy nhiên, hình ảnh này cũng xuất hiện trên nhãn hiệu của rất nhiều tập đoàn lớn của phương Tây như Heineken (Hà Lan), chuỗi cửa hàng bán lẻ Macy’s (Mỹ), Nhà sản xuất nước khoáng San Pellegrino của Ý và Hãng hàng không giá rẻ Jetstar của Úc…
Bức xúc trước thực trạng này, Đảng Cộng sản Nga đã lên tiếng kêu gọi chính phủ có động thái bảo vệ bản quyền và quyền sử dụng trên bình diện quốc tế đối với ngôi sao đỏ.
Tờ The Moscow Times dẫn lời Vadim Solovyov, nghị sĩ Viện Duma quốc gia (Hạ viện) thuộc Đảng Cộng sản (KPRF), cho biết ông cùng các đồng sự đang nghiên cứu soạn kiến nghị gửi Thủ tướng Dmitry Medvedev với nội dung yêu cầu chính phủ “bảo vệ các biểu tượng của nước Nga, bao gồm ngôi sao đỏ. Đây là biểu tượng của chiến thắng và đang hiện diện trên lá cờ của lực lượng vũ trang của chúng ta”.
Theo ông, “đôi khi các biểu tượng của chúng ta bị lợi dụng cho các mục đích thương mại và chính phủ phải bảo vệ các biểu tượng của đất nước khỏi các hành vi thương mại của các công ty nước ngoài”. Vị nghị sĩ này cho rằng các công ty Nga vẫn có thể sử dụng biểu tượng cao quý nói trên với điều kiện “không bóp méo hoặc dùng theo cách sai trái”. Tuy nhiên, ông không nói rõ thế nào là sử dụng sai trái.
Báo mạng Lenta.ru (Nga) dẫn lời nhiều chuyên gia nhận định nếu thật sự KPRF và Điện Kremlin có động thái về bản quyền ngôi sao đỏ thì sẽ dẫn tới một cuộc chiến pháp lý mang tầm quốc tế và có thể đụng chạm đến cả vấn đề ngoại giao. Hiện nay, hình ảnh này vẫn có mặt trên cờ và biểu tượng của nhiều quốc gia, thành phố hay tổ chức không thuộc khối xã hội chủ nghĩa. Đó là chưa kể đến việc những nhãn hàng như Heineken và Macy’s đều ra đời trước Cách mạng Tháng Mười Nga. Macy’s từ năm 1858 đã dùng ngôi sao đỏ làm logo.
Đây không phải là lần đầu tiên KPRF kêu gọi bảo vệ các biểu tượng của đất nước. Theo The Moscow Times, Đảng Cộng sản Nga đã đệ trình dự luật với nội dung phạt nặng hành vi sử dụng không đúng mục đích hoặc xuyên tạc hình ảnh quốc kỳ, quốc huy cũng như các biểu tượng thời Liên Xô. Bản thân nghị sĩ Solovyov nhiều lần đề nghị bảo vệ quốc ca bằng cách phạt những người dùng quốc ca làm nhạc chờ điện thoại hoặc cho các mục đích quảng cáo.
Nga chi gần 200.000 USD bảo dưỡng di hài lãnh tụ Lenin
Theo Hãng tin Itar-Tass hôm 13.4, Cục Bảo vệ liên bang Nga (FSO) thông báo ngân sách cho công tác bảo quản di hài lãnh tụ Vladimir Lenin trong năm 2016 vào khoảng 13 triệu rúp (gần 200.000 USD). Suốt 90 năm qua, di hài của ông được lưu giữ trong Lăng Lenin trên quảng trường Đỏ trừ giai đoạn phải chuyển đến TP.Tyumen ở Siberia vào năm 1941 do nguy cơ Moscow rơi vào tay quân Đức.
Đến nay, công tác bảo quản di hài vẫn do một phòng thí nghiệm đặc biệt chuyên về cấu trúc y khoa và sinh học thuộc Viện Nghiên cứu thực vật y học toàn Nga đảm trách. Cơ quan này được thành lập vào năm 1924 ngay sau khi nhà lãnh tụ từ trần và từng hỗ trợ công tác bảo quản di hài Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1969 và Chủ tịch Kim Il-sung (Kim Nhật Thành) năm 1994.
|
Thuỵ Miên