29/12/2024

Ấm lòng liệt sĩ Gạc Ma và người ở lại

Ngày 10-4, tại nhà của liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong (thôn Hiển Lộc, xã Duy Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình), đại diện báo Tuổi Trẻđã tổ chức buổi gặp thân mật và trao tặng 13 phần quà cho 13 gia đình liệt sĩ hi sinh trong trận hải chiến Gạc Ma.

 

Ấm lòng liệt sĩ Gạc Ma và người ở lại

 

 

Ngày 10-4, tại nhà của liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong (thôn Hiển Lộc, xã Duy Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình), đại diện báo Tuổi Trẻ đã tổ chức buổi gặp thân mật và trao tặng 13 phần quà cho 13 gia đình liệt sĩ hi sinh trong trận hải chiến Gạc Ma.

 

 

 

 

Ấm lòng liệt sĩ Gạc Ma và người ở lại
Đại diện báo Tuổi Trẻ trao quà cho các gia đình liệt sĩ Gạc Ma tại Quảng Bình sáng 10-4 – Ảnh: Trường Trung

Mỗi phần quà trị giá 20 triệu đồng, do Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh tài trợ thông qua báo Tuổi Trẻ. Dịp này, Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh đã tài trợ 1,28 tỉ đồng cho cả 64 gia đình liệt sĩ Gạc Ma.

Những món quà ấm áp

Buổi sáng qua tại Quảng Bình như cuộc hội ngộ của những thân nhân liệt sĩ Gạc Ma với nhau, bởi 13 gia đình đều có chung một ngày giỗ con, chồng, cha của mình.

Vậy nên, vừa đến nhà liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong, những thân nhân các liệt sĩ khác đã vội đến thắp nén nhang tưởng nhớ người đồng đội của thân nhân mình.

“Biết đâu ngoài đảo mấy chục năm qua cả 64 anh em đang nương tựa vào nhau” – một thân nhân liệt sĩ nói.

Khác với các buổi trao quà trước đó, tại Quảng Bình, gia đình các liệt sĩ có người chọn nhận tiền mặt, có người chọn mua một vật dụng trong số tiền đó để tưởng nhớ người ra đi.

Trương Văn Hoành, em trai liệt sĩ Trương Văn Hướng (ở xã Hải Ninh, Quảng Ninh), ngay sau khi nhận tiền đã cùng vợ ra xưởng mộc trong xã đóng tủ thờ mới.

“Cái bàn thờ bao năm nay thờ anh tui đã cũ quá rồi” – anh Hoành nói.

Buổi trao quà có sự xuất hiện 
của cụ ông Hoàng Dỏ, bố liệt sĩ Hoàng Văn Túy, cũng ở xã Hải Ninh. Cụ Dỏ đã yếu lắm, hôm trước nghe báo tin được nhận quà, cụ nhờ con dâu đi nhận giúp, nhưng đến ngày đi cụ lại muốn có mặt trong lễ trao để cảm nhận được sự ấm áp từ mọi người. Số tiền nhận được, cụ Dỏ nói sẽ mua một cái tủ thờ mới để thờ liệt sĩ.

Chia sẻ tại buổi trao quà, ông Đặng Văn Nam, phó trưởng văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại khu vực Trung Trung bộ, nói: “Các liệt sĩ đều nằm lại biển khơi khi còn trai trẻ để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Một chút tấm lòng là đại diện nhà tài trợ và báo Tuổi Trẻ muốn chia sẻ phần hương khói cho liệt sĩ, cũng như là sự biết ơn đối với sự hi sinh này”.

Chị Trần Thị Liễu, vợ liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong, xúc động: “Mấy chục năm chồng, cha, con của chúng tôi hi sinh tại đảo Gạc Ma là mấy chục năm mất mát và đau đớn của gia đình. Chúng tôi biết ơn sự chia 
sẻ này và thấy ấm lòng hơn”.

Trước đó, tại Quảng Trị, đại diện báo Tuổi Trẻ đã đến tận nhà trao hai phần quà có trị giá tương tự cho hai gia đình thân nhân liệt sĩ Gạc Ma tại Quảng Trị là liệt sĩ Hoàng Ánh Đông và liệt sĩ 
Tống Sĩ Bái.

“Tài sản khá lớn”

Trong hai ngày 5 và 6-4, đại diện báo Tuổi Trẻ đã đến thăm, trao tiền hỗ trợ cho các thân nhân gia đình 12 liệt sĩ tại tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nam. Hầu hết gia đình đều ở vùng thôn quê, nghèo khó.

Dù những năm gần đây được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các tổ chức, cá nhân nhưng gia cảnh và cuộc sống của thân nhân các liệt sĩ hi sinh tại Gạc Ma (ngày 14-3-1988) vẫn còn khó khăn. Nhiều gia đình được tặng tiền (khoảng 50 triệu đồng/gia đình) để xây nhà tình nghĩa, nhưng cũng chỉ tương ứng 1/3 chi phí xây nhà cấp bốn.

Do vậy, nếu có nhà tình nghĩa thì nhiều nhà chẳng có đồ đạc gì ngoài ban thờ với di ảnh liệt sĩ. Đón nhận món quà, các gia đình đều rất xúc động trước tấm lòng, nghĩa cử của bạn đọc và báo Tuổi Trẻ.

Các thân nhân liệt sĩ nói số tiền 20 triệu đồng là “tài sản khá lớn”, là “món quà giá trị cao” sẽ giúp họ trang trải cuộc sống, đầu tư tu sửa nhà thờ, thuốc thang chữa 
bệnh cho bố mẹ các liệt sĩ…

Và chúng tôi thật sự xúc động khi đến thăm, chứng kiến gia cảnh nghèo khó cùng nỗi day dứt khôn nguôi của ông Trần Xuân Thu, một cựu chiến binh, thương binh ở xã Lê Hồ, huyện Kim Bảng, Hà Nam, là em và anh ruột của ba liệt sĩ: Trần Văn Uống (sinh năm 1947), Trần Văn Uộng (sinh năm 1949 hoặc 1950) và Trần Văn Bảy (sinh năm 1967). Cả ba liệt sĩ được anh em ông Thu thờ tại ngôi nhà cấp bốn cũ nát, xập xệ được bố mẹ ông xây dựng từ năm 1975.

Sau khi bố mẹ ông Thu là ông Trần Văn Diệu và mẹ Việt Nam anh hùng Hà Thị Vọng mất (năm 2007 và 2010), ba anh em ông Thu đứng ra lo thờ cúng, giỗ chạp cho ba liệt sĩ. Ông Trần Đức Thịnh là anh trai thứ ba thờ cúng anh trai cả là liệt sĩ Uống.

Trần Văn Vượng là anh trai thứ năm thờ cúng anh trai thứ hai là liệt sĩ Uộng. Ông Thu là con trai thứ sáu thì thờ cúng người em út là liệt sĩ Bảy (người con trai thứ tư trong nhà mất vì bệnh).

Ông Thịnh, ông Vượng đều làm nông, tuổi đã cao, hay bệnh tật và gia cảnh nghèo khó. Ông Thu khá hơn khi vẫn còn công tác tại xã (công an viên), lại là thương binh nên hằng tháng vẫn có nguồn thu tổng cộng 2,7 triệu đồng.

Nói về cuộc sống hằng ngày, ông Thu bộc bạch: “Nhà tôi thế cũng là may, hai con gái lớn lấy chồng rồi, không như bên nhà bác Thịnh, bác Vượng chẳng có khoản thu nào cố định. Làm lụng vất vả, đủ ăn là may lắm rồi. Cũng vì nghèo khó quá, lại thiếu thông tin nên việc tìm kiếm hài cốt cho các anh và em chúng tôi vẫn bỏ đó, đây chính là nỗi day dứt 
lớn nhất của mấy anh em tôi”.

Nỗi day dứt dài theo năm tháng

Chia sẻ về nỗi day dứt chưa tìm được hài cốt liệt sĩ của anh em mình, ông Trần Đức Thịnh kể: “Khi còn sống, bố tôi cũng một lần lặn lội vào Quảng Nam, Quảng Trị để dò hỏi, đến tận nghĩa trang Đường 9 rồi Trường Sơn để tìm nhưng cũng không thu được thông tin gì về liệt sĩ Uống, liệt sĩ Uộng”.

Ngừng một chút, ông tiếp mạch chuyện năm xưa: “Theo thông tin anh em tôi có đến lúc này, chỉ biết liệt sĩ Uộng (sinh năm 1949 hoặc 1950) hi sinh ngày 23-12-1968 tại mặt trận Khe Sanh (Quảng Trị), khi đó ở đơn vị C7, E24, F304. Liệt sĩ Trần Văn Uống (sinh năm 1947) thì mất hết giấy tờ, kể cả giấy báo tử. Anh em chỉ biết liệt sĩ Uống hi sinh tại khu vực huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam ngày 26-12-1968”.

Về người em út, cũng theo ông Thịnh: “Hồi đấy (đầu năm 1985 – PV), nhà tôi có hai liệt sĩ, lại thêm khi đó chú Thu đang chiến đấu ở mặt trận biên giới Vị Xuyên – Hà Giang (ông Thu là lính sư đoàn 365 đóng quân và chiến đấu ở Vị Xuyên từ năm 1983-1986, bị thương đầu năm 1985) nên mấy anh em tôi ở nhà được miễn nghĩa vụ quân sự. Nhưng chú Bảy đã cầm đơn lên gặp thẳng chủ tịch UBND huyện Kim Bảng khi đó năn nỉ, nộp đơn tình nguyện đi lính, rồi chú đi một lèo từ tháng 2-1985 và đến 14-3-1988 thì 
hi sinh ở Gạc Ma”.

Trước khi chia tay chúng tôi, ông Thu vẫn đau đáu: “Tuy anh em chúng tôi chưa có nhà thờ rộng để thờ cúng nhưng cái áy náy, day dứt nhất của anh em chúng tôi là giờ vẫn không thể biết hài cốt các anh em mình đang ở đâu. Chú Bảy hi sinh ngoài đảo Gạc Ma thì chúng tôi biết gần như không hi vọng tìm được hài cốt. Chúng tôi chỉ hi vọng tìm được hài cốt hai người anh hi sinh ở Quảng Nam, Quảng Trị. Qua báo Tuổi Trẻ, rất mong đồng đội, chính quyền, người dân vùng Khe Sanh (Quảng Trị) hay Duy Xuyên (Quảng Nam) biết được thông tin gì về hai anh tôi thì chúng tôi biết ơn vô cùng”.

Và ông cũng gửi gắm địa chỉ của mình để mong bắt được dòng tin cho cuộc tìm kiếm này: ông Trần Xuân Thu, công an viên xã Lê Hồ, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, 
điện thoại: 01655988683.

ĐỨC BÌNH – QUỐC NAM ([email protected])