27/12/2024

Những giọt nước nghĩa tình cho vùng hạn, mặn

Chương trình nghệ thuật “Kết nối yêu thương 3 – Nước cho vùng hạn, mặn” khép lại với 14 tỉ đồng ủng hộ từ bạn đọc, doanh nghiệp và các tổ chức trong cả nước – con số ấn tượng trong một đêm ca nhạc nghệ thuật để gây quỹ vì nghĩa tình.

 

Những giọt nước nghĩa tình cho vùng hạn, mặn

 

 

Chương trình nghệ thuật “Kết nối yêu thương 3 – Nước cho vùng hạn, mặn” khép lại với 14 tỉ đồng ủng hộ từ bạn đọc, doanh nghiệp và các tổ chức trong cả nước – con số ấn tượng trong một đêm ca nhạc nghệ thuật để gây quỹ vì nghĩa tình.





Những giọt nước nghĩa tình cho vùng hạn, mặn
Ca sĩ Hà Vân và bé Ngọc Anh trình diễn ca khúc Hành trình trên đất phù sa trong chương trình “Kết nối yêu thương 3 – Nước cho vùng hạn, mặn” tối 8-4 – Ảnh: Quang Định

 

 

Tối 8-4, sân khấu Sen Hồng (Q.1) đã không còn chỗ trống với hàng trăm người dân, bạn trẻ TP đến với chương trình nghệ thuật “Kết nối yêu thương 3 – Nước cho vùng hạn, mặn” do báo Tuổi Trẻ, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Trung tâm Tổ chức biểu diễn và điện ảnh TP.HCM cùng Đài truyền hình TP.HCM tổ chức.

1 triệu m3 nước từ đêm nhạc

Tính đến thời điểm này, chương trình đã nhận được 14 tỉ đồng – tương đương hơn 1 triệu m3 nước – do bạn đọc đóng góp bằng tiền, hiện vật.

Số tiền này sẽ được ủng hộ cho đồng bào vùng hạn và mặn có hoàn cảnh khó khăn bằng nhiều hình thức như: trao tiền hỗ trợ con giống, lương thực thực phẩm, trang thiết bị chống hạn mặn, thùng chứa nước sạch…

Vì chương trình cảm động…

Quá nôn nóng nên mới 18g, ông N.V.V., một người dân sống tại Q.8, nhờ cháu ngoại chở đến nơi tổ chức chương trình, không phải để xem ca nhạc mà để ủng hộ người dân.

Lụm khụm chống gậy bước đến khu vực tiếp nhận đóng góp, cười hóm hỉnh, ông bảo: “Tôi còn trẻ lắm, mới có 78 tuổi thôi”.

Ông cụ cẩn thận lôi ra trong túi áo xấp tiền mới cứng gửi cho nhân viên tiếp nhận: “Cho tôi ủng hộ cho người dân miền Tây”.

Nhất định từ chối không cho tên mình xuất hiện lên báo, ông cho biết số tiền 7 triệu đồng là tiền các con lì xì tết và tiền hưởng chế độ có con liệt sĩ mà ông không xài, dành dụm mấy tháng nay. Đã ba năm nay ông phải chống gậy khi đi lại.

Hỏi ông sao không nhờ con cháu mang tiền đến tòa soạn đóng góp giùm mà phải đích thân đến đóng góp ủng hộ, ông cười: “Mình đi cho có ý nghĩa. Bà con khổ, mình thấy trước mắt mà không làm gì được, không có điều kiện tiếp xúc trực tiếp để giúp.

Giờ có báo Tuổi Trẻ đứng ra làm thì mình phụ vô. Làm cho người khác vui thì mình vui. Tôi cảm ơn Tuổi Trẻ vì nếu Tuổi Trẻ không tổ chức, không có ai đứng ra lo thì chúng tôi không có điều kiện để làm”.

Gương mặt đen rám bóng loáng mồ hôi, áo quần thật tuềnh toàng, một người đàn ông lặng lẽ đến bàn tiếp nhận đóng góp rồi “trốn” thật nhanh tránh sự “bao vây” của các phóng viên. Thuyết phục mãi ông mới cho biết mình tên N.V.T., 55 tuổi, chạy xe ôm ở Q.3.

Ông T. cho hay cha mẹ ở Sài Gòn, ông cũng sinh ra ở Sài Gòn nhưng quê ngoại ở Thốt Nốt (Cần Thơ). “Đọc Tuổi Trẻ thấy người dân cực quá, thôi mình giúp được gì thì giúp. Của ít lòng nhiều. Tôi chỉ có 150.000 đồng là nhiều với một ngày làm việc của mình, nhưng với người dân miền Tây những lúc khó khăn thế này thì không là gì” – ông T. nói.

Có một câu chuyện khá xúc động mà chúng tôi vô tình chứng kiến chỉ một giờ trước khi chương trình bắt đầu. Đó là chị ve chai Nguyễn Thị Quý (Q.12). Vẫn chiếc nón mê lụp xụp, vẫn cái dáng gầy gò và gương mặt lam lũ nhưng luôn nở nụ cười tươi quen thuộc, chị đến ủng hộ 500.000 đồng cho chương trình.

Hỏi chuyện “buôn bán”, chị bảo dạo này không được như trước, giá ve chai xuống quá. “Thấy chương trình này của Tuổi Trẻ cảm động quá nên tranh thủ đạp xe qua đây ủng hộ”.

Thuyết phục chị ở lại xem chương trình, chị ngại ngần bảo: “Thôi, quần áo xấu vầy ngại lắm. Tôi về lo cơm nước cho ổng nữa. Với lại lát kẹt xe đi lâu lắm”.

Những giọt nước nghĩa tình cho vùng hạn, mặn
Khán giả nhắn tin cú pháp NC gửi 1407 ủng hộ 1mnước cho đồng bào vùng hạn, mặn trong chương trình “Kết nối yêu thương 3 – Nước cho vùng hạn, mặn” tối 8-4 – Ảnh: Quang Định

Nỗi lòng của người 
miền Tây ở Sài Gòn

Có một điều khá thú vị khi đa số bạn đọc đến sớm nhất ủng hộ cho chương trình lại là người miền Tây đang sinh sống, làm việc tại TP.HCM. Cầm số tiền 20 triệu đồng, anh Trần Quốc Quy, 27 tuổi, chuyên viên phòng tổng hợp Trường đại học Nguyễn Tất Thành (Q.4), cho biết đó là số tiền ban giám hiệu trường trích ra để ủng hộ chương trình.

Anh cho biết mình quê ở Mộc Hoá (Long An). “Đọc báo Tuổi Trẻ thấy nói về khó khăn của người dân, mình xót và buồn lắm. Mình gốc ở đó ra. Gia đình, dòng họ bao đời nay sống nhờ vào cây lúa. Cuộc sống bình thường đã vất vả, giờ lại càng cực hơn.

Mất mùa, người dân phải làm gấp 5, gấp 10 lần. Nghe cha mẹ kể nhiều người phải đi xa kiếm việc làm thuê làm mướn lo bữa cơm từng ngày, mình thấy thương lắm” – anh kể.

Điều đặc biệt trong đêm “Kết nối yêu thương 3 – Nước cho vùng hạn, mặn” là có khá nhiều gia đình đưa cả các con đến tham gia chương trình. Dẫn hai con nhỏ ngồi vào bàn tiếp nhận đóng góp trong khi chồng đứng xa trìu mến nhìn, chị Huỳnh Thị Diễm Thúy (34 tuổi, Q.5) chia sẻ:

“Mình muốn hai bé cảm nhận được sự chia sẻ của mọi người để khi lớn lên sống biết yêu thương. Mình quê Kiên Giang, lên Sài Gòn hơn 10 năm rồi. Mình đóng góp một phần nhỏ, mong bà con có nước ngọt sinh hoạt, có tiền chống hạn hán. Mình rất mong có nhiều người ủng hộ chương trình và chia sẻ qua tin nhắn”.

Những yêu thương, chia sẻ cứ thế lặng lẽ lan tỏa với tấm lòng của người dân TP và những người con xa quê đang đau đáu hướng về miền Tây quằn mình vì nước mặn.

Nán lại đến tận cuối chương trình, khi MC Thanh Bạch nói về chiến dịch nhắn tin, ông Lê Quang Tài, một người chạy xe ôm ở Q.1, lặng lẽ lấy chiếc điện thoại “cùi bắp” ra nhắn tin. Thấy phóng viên đứng cạnh hỏi, ông bảo: “Mình sức nhỏ, làm được gì giúp đồng bào mình thì làm thôi”.

Những suy nghĩ giàu lòng nhân ái mà rất giản dị ấy cứ thế lặng lẽ lan toả trong mỗi người dân, để những giọt nước nghĩa tình dành cho bà con miền Tây 
cứ một đong đầy…

Những giọt nước nghĩa tình cho vùng hạn, mặn
Các đại biểu cùng các ca sĩ và các chiến sĩ của Tiểu đoàn kiểm soát quân sự 31 cùng hát ca khúc Năm anh em trên một chiêc xe tăng kết thúc chương trình “Kết nối yêu thương 3 – Nước cho vùng hạn, mặn” tối 8-4 – Ảnh: Quang Định

Chúng ta ăn cơm từ lúa gạo đồng bằng, không lẽ khoanh tay ngồi nhìn?

Phát biểu tại đêm “Kết nối yêu thương 3”, ông Tăng Hữu Phong – tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - nhấn mạnh:

“Chúng ta đang ở thời điểm hạn, mặn nghiêm trọng nhất trong lịch sử 100 năm qua của cả nước. Không ai có thể cầm lòng được trước hình ảnh người dân miền Tây vốn là vùng sông nước lại phải vét từng giọt nước ngọt; hàng ngàn ruộng lúa, ao cá, đìa tôm, vườn cây ăn trái héo khô trong nhiễm mặn.

Không ai tin được ở giữa vùng sông nước mà giờ đây nhiều bệnh viện phải nhận từng mét khối nước theo kế hoạch phân phối, từng hộ gia đình phải đi mua nước sạch với giá cao đến hơn 200.000 đồng/m3, cuộc sống của rất nhiều nông dân vùng đồng bằng đang rơi vào sự cùng cực, trắng tay.

Những giọt nước nghĩa tình cho vùng hạn, mặn
Ông Tăng Hữu Phong – tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - phát biểu trong chương trình. -Ảnh: Quang Định.

Trong khi đó, Tây nguyên và một số tỉnh miền Trung đang khát cháy trong cơn hạn hán lịch sử kéo dài. Nước mắt của biết bao người nông dân đã rơi trên ruộng nương nứt nẻ, gia súc gia cầm phơi trong nắng lửa…

Chúng ta ăn cơm từ lúa gạo của đồng bằng sông Cửu Long, uống cà phê của Tây nguyên. Giờ đây, đồng bào ở những vùng đất này đang phải đối mặt với thiên tai, hạn, mặn chưa từng có. Không lẽ chúng ta lại khoanh tay ngồi nhìn?

Với chương trình “Kết nối yêu thương 3 – Nước cho vùng hạn, mặn”, tuy đêm nay mới là buổi lễ chính thức phát động, nhưng trong ba ngày vừa qua, sau khi báo Tuổi Trẻ giới thiệu chương trình, ban tổ chức nhận được sự hưởng ứng rất nồng nhiệt của bạn đọc, của các doanh nghiệp, cơ quan ban ngành.

Riêng cán bộ, nhân viên, phóng viên báo Tuổi Trẻ tham gia đóng góp những giọt nước nghĩa tình với tổng số tiền là 140 triệu đồng – tương đương 10.000m3 nước”.

>> Xem clip phát biểu của ông Tăng Hữu Phong:

 

 
 
 
 

 

Copyright © 2015- 2024 hanhkhatkito.net All rights reserved.