Xót xa cho con đi học bằng xe đưa rước trường công
Chị nghe xong mà hoang mang quá sức. Phần thì thương bác tài, phần lo lắng cho con và các bé trên xe. Chiếc xe là phương tiện quan trọng đưa rước học sinh mỗi ngày mà chất lượng như thế, tâm trí tài xế như thế làm sao không lo.
Xót xa cho con đi học bằng xe đưa rước trường công
Cơ quan làm giờ hành chính nên chiều nào cũng 5 giờ 30 chị Ngọc mới có mặt ở trường con, trong khi bé tan lớp từ trước đó một giờ. Xót con mà không biết làm sao?
Vật vờ đi sớm về trễ
Một chiều, thấy chiếc xe bus nhỏ, bên ngoài cũ cũ như xe lam nhưng hình dáng to hơn, với tíu tít học sinh bên trong chị lấy làm mừng. Nhanh chân đến hỏi bác tài. “700 ngàn/tháng/chiều, nếu hai chiều thì nhân đôi lệ phí” – bác tài hồ hởi.
Nhẩm nhẩm, thế này thì rẻ quá, chỉ bằng một góc phí xe đưa rước trường tư. Từ giờ, con được thoải mái rồi, mẹ cũng yên tâm nhẩn nha ở cơ quan cho xong việc, không còn cái cảnh phóng hớt hải xuống đường trong giờ cao điểm như mọi ngày.
Nhà xa nên từ trường về nhà cũng mất 30 phút. Từ giờ con cứ thủng thẳng ra xe, mẹ cũng thủng thẳng từ cơ quan về nhà. Đúng giờ thì hai mẹ con gặp nhau. Tính là vậy, nhưng khi thực hành thì không đơn giản.
Nhà xa cũng là một trở ngại cho bé Ben. Mỗi ngày xe đến hai lần, sáng rước, chiều trả. Nhưng sáng xe đón từ 5 giờ 30 mà đến 7 giờ 30 bé mới học thì quá cực. Bé cứ ngáp ngắn ngáp dài rồi lên xe mà chẳng nuốt nổi thứ gì. Theo được vài tháng thì chị cho ngưng. Thôi thì đi mỗi suất chiều là được rồi. Đằng nào buổi sáng chị cũng đến cơ quan. Vào sớm chút thì tranh thủ nghỉ ngơi.
Thế là, chiều chị về nhà trước, chuẩn bị cơm nước xong thì ra cửa ngóng con. Nhưng chiều nào con cũng về trễ, tính ra còn trễ hơn những hôm mẹ đón. Hỏi ra mới biết, xe không chỉ chạy về một tuyến. Mỗi bé một khu khác nhau. Nhà bé Ben xa nhất nên về nhà sau cùng. Có hôm Ben ngủ luôn trên xe.
“Xe không chỉ đưa rước mỗi học sinh tiểu học mà cả trường cấp 2 đối diện. Chờ cho các anh chị đủ hết xe mới chạy, nên con có ra sớm cũng phải chờ” – Ben kể.
Xe đưa rước 9 chỗ trước trường tiểu học Hoà Bình (Q.1) – Ảnh: Vũ Phượng |
Thương con, thương chú tài xế vất vả, lâu lâu chị Ngọc lại gởi chút quà. Năm hết tết đến, chị gửi bác ít tiền để bồi dưỡng.
Hôm sau, bác nán lại cảm ơn và nói chuyện rất lâu: “Chị à, làm nghề này đã lâu mà nay tôi mới gặp một phụ huynh chu đáo như chị. Tôi chạy xe này nhiều năm nhưng hầu như phụ không ai quan tâm như chị. Các bé lên xe rồi tự về chứ tôi chưa gặp người lớn bao giờ. Tôi xúc động quá. Nhưng cũng xin nói thật. Tôi tính nghỉ làm, chuyển sang lái xe bus hoặc taxi để thu nhập đỡ hơn. Chị tính, tôi ngày nào cũng mấy cuốc xe mà lương không đủ ăn. Chưa kể xe hỏng hóc dọc đường, bị cảnh sát phạt … nhưng chủ xe không bảo trì, cũng không đưa thêm phụ cấp để tài xế làm tốt việc của mình. Chị xem có công việc nào phù hợp cho tui làm với. Tui không vợ con, nuôi mẹ già đang bệnh, gia cảnh khó khăn”.
Điếng người vì “xe ôm cao cấp”
Chị nghe xong mà hoang mang quá sức. Phần thì thương bác tài, phần lo lắng cho con và các bé trên xe. Chiếc xe là phương tiện quan trọng đưa rước học sinh mỗi ngày mà chất lượng như thế, tâm trí tài xế như thế làm sao không lo.
Hôm sau tìm hiểu, chị Ngọc mới biết loạt xe đưa rước đậu trước cổng trường tiểu học là của công ty riêng, không liên quan đến nhà trường. Thảo nào, phí xe của các trường tư cao thế. Xe của họ là do trường đầu tư, tài xế thu nhập cao, yên tâm chăm sóc học sinh và bảo trì xe nên lúc nào cũng êm ru, bóng loáng.
Còn ở đây, xe school bus dạng này chỉ như hình thức xe ôm cao cấp, hơn ở chỗ có mái che mưa nắng. Họ đậu đó để phục vụ cho các học sinh có nhu cầu. Do một công ty làm dịch vụ, nhà trường không chịu bất cứ trách nhiệm gì.
Thảo nào, mỗi lần đóng học phí chị cứ phải chuyển khoản cho người khác. Lân la, hỏi thì mới biết đó là tài khoản của chủ xe. Chưa đến tận công ty nhưng chị biết đó là một phụ nữ, quản lý vài đầu xe và một nhóm tài xế như kiểu các bà buôn quản lý vựa ve chai. Mỗi tài xế lại chạy cho nhiều công ty, hôm nào có tài vắng thì chủ linh động chuyển cho người khác. Đang phân vân chưa biết tìm cách nào hay hơn thì xảy ra chuyện.
Chiều đó, về nhà, đã quá 7 giờ mà chưa thấy bé Ben về. Ruột gan như lửa đốt chị gọi cho tài xế, không có tín hiệu, gọi cho chủ xe cũng không trả lời dù chuông vẫn đổ. Nóng ruột, định lấy xe chạy ngược lên trường kiếm con thì điện thoại chị đổ chuông. Đầu dây, bé Ben khóc nức nở: “Mẹ ơi, sao mẹ không đến đón con, con không thấy bác Minh đâu cả, các bạn về hết rồi, con chờ lâu quá nên mượn máy bác bảo vệ gọi nè”.
Đất trời như sụp đổ dưới chân. Cũng không có sức để lấy xe máy ra. Chị vẫy vội chiếc taxi để đón con, trên đường đi vẫn cố gắng gọi cho chủ xe. May quá, bà chủ đã bắt máy: “Em ơi, em thông cảm cho chị, chị không gọi cho tài xế được. Chiều nay ông Minh không giao xe như thường lệ, ông bỏ trốn mang theo chiếc xe của chị rồi”.
Lúc này thì chị Ngọc phải cảm ơn trời đất. Ông tài đem chiếc xe đi cầm cố hay làm gì thì cũng không quan trọng nữa, con chị không bị bắt cóc là may rồi.
Lân la hỏi thăm một số tài xế xe đưa rước trước cổng trường tiểu học Hoà Bình Q.1 thì được biết họ làm cho Hợp tác xã xe đưa rước (HTX). Xe nhận đưa đón hai chiều cho học sinh trường tiểu học Hòa Bình và THPT Trần Đại Nghĩa, ngoài giờ hành chính, còn nhận đưa học sinh đi học ngoại khóa vào cuối tuần. Khi chúng tôi hỏi thăm ông G. (tài xế) thì được biết hiện HTX chỉ có 2-3 xe cố định tại 1842/1 tỉnh lộ 10, Tân Tạo, Q. Bình Tân. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn đến thăm HTX thì ông G. lắc đầu: “Em đừng qua, ban ngày không có ai trực đâu, chỉ có mình anh giám đốc cũng lái xe luôn”. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết chủ HTX này là bà M.N, nhưng bà M.N từ chối gặp, nói em cứ làm việc trực tiếp với tài xế. Chúng tôi tìm đến địa chỉ nêu trên thì không thấy số nhà nào là 1842/1, chỉ có nhà số 1842A, hỏi thăm chủ nhà thì được biết khu vực này không có số nhà đó và cũng không có nhà xe hoặc HTX nào quanh đây. Khi tôi gọi cho bà M.N nhờ đưa rước con đi học cuối tuần thì nhận được phản hồi là không có xe, tuy nhiên khi tôi nói nhà ở quận 4 thì bà M.N trả lời là có xe 9 chỗ, không đi qua quận 4 nhưng nhận học sinh quận 4 và đón bé tại trường Trần Đại Nghĩa. Thanh Lan |
Theo tìm hiểu, trên địa bàn TP.HCM có nhiều hợp tác xã và doanh nghiệp tư nhân tổ chức dịch vụ đưa đón học sinh như: Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong, HTX vận tải 11, HTX Châu Cường… Nhiều phụ huynh lại lo lắng rằng việc di chuyển bằng xe lam sẽ không đảm bảo chất lượng như đi bằng xe ô tô 16 chỗ, khiến cho những tài xế đưa rước bằng xe lam đang đứng trước nguy cơ… ở không.
Khi được hỏi “Em thích đi xe lam hay xe 16 chỗ?”, em N.V.T (học sinh lớp 11 trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa) trả lời: “Em thích đi xe lam hơn, vì thoáng và không bị say xe”. Giá đưa rước đối với xe lam khoảng từ 700.000 – 900.000 đồng, áp dụng cho hai chiều. Với các xe 16 chỗ thì giá cao hơn, khoảng 600.000 đồng một chiều đưa hoặc rước. Ông Nguyễn Văn Thành (59 tuổi), tài xế xe lam đưa rước chạy tuyến Gò Vấp – trường THPT Trần Đại Nghĩa cho biết với tuyến đường này, mỗi phụ huynh chỉ phải trả 750.000 đồng cho cả 2 chiều. Vũ Phượng |
Ảnh: Vũ Phượng