02/11/2024

Những mái đầu xưa giờ đã bạc

Nếu có ai hỏi giai đoạn nào đáng nhớ nhất trong cuộc đời, tôi sẽ không ngần ngại trả lời ngay: Thanh niên xung phong.

 Kỷ niệm 40 năm Lực lượng TNXP TP.HCM (28.3.1976 – 28.3.2016):

Những mái đầu xưa giờ đã bạc

 

 

Nếu có ai hỏi giai đoạn nào đáng nhớ nhất trong cuộc đời, tôi sẽ không ngần ngại trả lời ngay: Thanh niên xung phong.





Thanh niên xung phong xây dựng lán trại (1976 - 1977). Ảnh: Lực lượng TNXP TP.HCM

Thanh niên xung phong xây dựng lán trại (1976 – 1977). Ảnh: Lực lượng TNXP TP.HCM


Sau ngày thống nhất đất nước, chúng tôi – những nam thanh nữ tú lứa tuổi đôi mươi – đã đáp lời sông núi lên đường góp phần xây dựng lại quê hương sau mấy mươi năm bị chiến tranh tàn phá. Chúng tôi tình nguyện gia nhập một tổ chức mà cái tên thoạt nghe rất lạ: Thanh niên xung phong (TNXP). Trước lạ sau quen, sống và lao động trong môi trường ấy riết rồi mới hiểu TNXP là cái gì và thấy yêu nó vô cùng.
Sống giản dị và yêu đời
Ngày nay, nếu nhận một công việc nào đó để kiếm sống, người ta sẽ đặt vấn đề: tiền lương bao nhiêu? Đương nhiên phải như vậy. Thời chúng tôi đi TNXP khác hẳn, chẳng có lương hướng gì cả, chỉ có sinh hoạt phí mà thôi. Khoản sinh hoạt phí hằng tháng ấy “bèo” đến mức chỉ mang yếu tố động viên tinh thần là chính. Cách tính sinh hoạt phí cũng căn cứ theo cấp bậc: đội viên (giống binh nhì bên quân đội) 1 đồng, tiểu đội phó 2 đồng, tiểu đội trưởng 3 đồng, đại đội phó 4 đồng, đại đội trưởng 5 đồng/tháng… Cứ mỗi năm thâm niên được cộng thêm 1 đồng nữa vào sinh hoạt phí. Nếu bạn làm đại đội trưởng, có 3 năm thâm niên, vị chi mỗi tháng lãnh được 8 đồng, ăn được 4 tô hủ tiếu. Như đã nói, sinh hoạt phí ấy chỉ là hương hoa nhằm điểm xuyết cho cuộc sống thêm phần thi vị mà thôi, vì chuyện cơm nước đã có nhà nước lo, bớt một miệng ăn cho gia đình trong hoàn cảnh khốn khó. Và cũng phải nói thật điều này: một số lượng đáng kể đi TNXP cũng để nhằm “rửa lý lịch” vì có ba má làm việc cho chính quyền và quân đội VNCH trước 1975, trong số đó có tôi. Công tâm mà nói, nhờ có quá trình đi TNXP nên tôi mới thi đậu vào Trường đại học Sư phạm TP.HCM hệ chính quy.
Ẩm thực thời TNXP là một câu chuyện dài đậm tính hài hước. Một, hai năm đầu chúng tôi ăn cơm. Sau khẩu phần gạo giảm bớt, thay vào đó là khoai lang, bo bo, bột mì. Riêng món bo bo sau này mới biết ở các nước Đông Âu như Liên Xô, Ba Lan… người ta dùng làm thức ăn cho… ngựa. Riêng bột mì lúc đầu được bếp ăn tập thể chế biến làm món bánh canh. Không phải bánh canh giò heo như hiện giờ ta thường thấy, mà là bột luộc nấu với nước rồi nêm một ít gia vị, thế là xơi. Sau đó vì ăn món “bánh canh toàn quốc” (ngụ ý chỉ toàn nước, chẳng có thịt thà gì ráo) quá ngán, các liên đội TNXP được trang bị lò bánh mì. Hồi đó làm gì có bột nổi cho nên ổ bánh mì ra lò dẹp lép như con tép, để qua ngày hôm sau khô cứng lại như khúc củi, muốn ăn được phải hấp cách thuỷ cho mềm.
Từ những công tử và tiểu thư có cuộc sống vật chất đầy đủ, chăn êm nệm ấm, mà giờ đây phải nằm trong một lán trại gió thổi tứ bề, ăn uống thiếu thốn, nguy hiểm rình rập, bệnh tật khó đoán. Quân phục mỗi năm được cấp 2 bộ đồ ka ki cùng 1 nón tai bèo màu xanh lá, 1 đôi dép râu. Cứ theo chu kỳ 2 năm thì được cấp lại 1 cái mùng chỉ cùng 1 cái mền con rồng, vậy mà không bao giờ thấy họ “than thân trách phận” với ai. Ngay cả ngày sinh nhật của mỗi người cũng trôi qua âm thầm lặng lẽ. Vậy mà mặc bộ đồ TNXP vào thời ấy rất hãnh diện. Cuộc sống của chúng tôi luôn đầy ắp tiếng cười và hát vang: “Đời ta chỉ sống có một lần thôi/Cho nên cuộc sống quý giá vô cùng/Phải sống sao đáng sống/Để chết đi không còn oán hận gì/Vì ta đã sống trọn cuộc đời cống hiến cho quê hương” hoặc “Tình đồng chí ấm áp như mùa xuân/Trong công tác nhiệt tình như nắng hạ/Với kẻ thù lạnh lùng như băng giá/Cá nhân chủ nghĩa như chiếc lá mùa thu”. Nói đến kẻ thù, TNXP chúng tôi cũng đã trải qua một giai đoạn khốc liệt.
Biết đủ thứ nghề nhưng… cấm yêu
Nhờ đi TNXP mà chúng tôi biết đánh tranh, cất nhà, làm gạch bằng đất sét, cấy lúa, trồng hoa màu, chăn nuôi, chèo xuồng, đào kênh, đắp đập, khai hoang, xây làng kinh tế mới, dạy bổ túc văn hóa…, còn hơn cả một trường dạy nghề. Trong quá trình lao động chung ấy, một câu hỏi được đặt ra là liệu tình yêu nam nữ có nảy sinh? Thú thật là không dễ dàng để trả lời câu hỏi này. Ở lứa tuổi đang độ sung sức, trẻ trung, tràn đầy nhựa sống như vậy mà nói là chẳng yêu ai chắc nhiều người không tin. Nhưng trớ trêu đó lại là sự thật.
Nữ TNXP thời ấy chiếm khoảng 30% quân số, nhan sắc mặn mòi, đằm thắm. Nhiều đội viên nam rất muốn bày tỏ tình cảm với nữ TNXP nhưng có một quy định nghiệt ngã: sau 7 giờ tối, khi trực ban liên đội đánh kẻng, cấm nam bén mảng qua doanh trại của nữ và cấm nữ “mộng du” sang lán trại của nam. Nói chung “án binh bất động”. Nếu chỉ huy bắt gặp một đôi nam nữ TNXP nào đó có cử chỉ âu yếm thì ắt sẽ gặp tai hoạ. “Cặp đôi hoàn cảnh” ấy sẽ bị lôi ra kiểm điểm với đủ thứ lời buộc tội, mà theo đó nặng nhất là còn biểu hiện bản chất… tiểu tư sản (?). Về sau, khi có dịp nhắc đến điều khắc nghiệt ấy, chúng tôi phải thừa nhận đó là một sự “thiết quân luật” cần thiết, nhằm tạo cho TNXP có môi trường sống lành mạnh. Chứ nếu cho sống kiểu “chơi xả láng sáng về sớm” chắc gì chúng tôi nên người. Nói đến đây chợt nhớ báo chí vừa đăng tin có đám học sinh cấp 2 trong độ tuổi 14 – 15 rủ nhau vào khách sạn, thấy mà nản.
Nói đến chuyện nam nữ mến nhau trong TNXP, tôi cũng không phải ngoại lệ. Cô ấy tên Hương, tuổi Hợi 1959, nhỏ hơn tôi 1 tuổi. Năm 1979, tôi chia tay đồng đội ở Tổng đội 4 TNXP (đóng quân tại Nông trường Phạm Văn Cội, H.Củ Chi) để nhận nhiệm vụ ở đơn vị mới. Hương, lúc đó tròn 20 tuổi, tiễn tôi về đơn vị mới. Hai đứa, không dám nắm tay nhau, lầm lũi đi bộ khoảng 3 cây số dưới cơn nắng hè như đổ lửa để ra đường cái đón xe đò. Trước khi chia tay, Hương chìa cho tôi món quà gói kỹ trong giấy báo: “Nè, cầm đi!”. Tôi hỏi: “Cái gì vậy?”. Nàng lắc đầu: “Không nói, nhớ khi nào xe chạy mới được mở ra coi!”. Chiếc xe đò lăn bánh, bóng Hương mờ dần trong làn bụi đỏ mịt mù. Lúc ấy đã gần 1 giờ trưa, bà con trên chuyến xe khách chật chội, nóng nực, đầy bụi bặm ấy lục tục ăn trưa. Có người lon guigoz cơm, người khác thì khoai mì, khoai lang, đậu phộng luộc… và tôi cũng hồi hộp mở “gói quà bí ẩn” của Hương ra xem. Trời đất ơi, đó là một ổ bánh mì TNXP kẹp tóp mỡ có rắc muối tiêu nhưng muối nhiều hơn tiêu, giống mái đầu tôi hiện giờ. Thời ấy tóp mỡ là một loại thực phẩm quý hiếm, chẳng biết Hương tìm được bằng cách nào, tài thật. Nghĩ lại thời nay, nói vui, yêu nhau mà tặng ổ bánh mì kẹp tóp mỡ chắc… chia tay sớm.
Trong cuộc đời của mình, tôi đã ăn đủ loại bánh mì trong nước, ngoài nước, kể cả trên những chuyến bay quốc tế đường dài, nhưng thú thật không có loại nào gây ấn tượng khó phai và tuyệt hảo bằng ổ bánh mì kẹp tóp mỡ của Hương 37 năm trước. Về sau, Hương cùng gia đình sang định cư ở Mỹ theo diện H.O.
Tình đồng đội
Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp kỷ niệm ngày thành lập Lực lượng TNXP TP.HCM, những đồng đội năm xưa lại gặp nhau để hàn huyên tâm sự. Nhìn lại mái đầu người nào cũng tiêu ít hơn muối, có người bạc trắng nhưng tính khí thì chẳng chút gì thay đổi, vẫn sôi nổi như thời trai trẻ mặc dù đã lên chức bà nội bà ngoại, ông nội ông ngoại. Lúc nào cũng vậy, đầu chương trình họp mặt truyền thống, chúng tôi đều dành một phút mặc niệm những đồng đội đã ngã xuống. Sau đó đến chương trình liên hoan, tiệc tùng, cùng hát vang những bài hùng ca một thời gian khổ và cả những bản boléro mùi mẫn rồi dìu nhau nhảy đầm. Rất tưng bừng náo nhiệt, chẳng còn e thẹn, rụt rè như ngày trước. Sôi nổi nhất vẫn là tiết mục “ôn lại kỷ niệm xưa”, tin tôi đi, cựu TNXP hễ gặp nhau là có thể hào hứng nói rất nhiều chuyện, nói đến… tết cũng chưa hết.
Gặp đồng đội TNXP năm xưa, đầu đã bạc nhưng tâm hồn chưa bạc…
Ra biên giới
Vài năm gần đây, hễ nói đi biên giới (VN – Campuchia) là người ta nghĩ ngay đến hai chuyện: một là đến các cửa hàng miễn thuế để mua sắm; hai là vào casino thử vận đỏ đen. Câu chuyện qua biên giới đánh bài đã khiến cho một số người trẻ bỏ mạng vì nợ nần mà không có tiền trả. Vào các năm 1977 – 1978, với chúng tôi, khi nói “đi biên giới” có nghĩa là ra chiến trường. TNXP đã sát cánh cùng bộ đội đánh bọn Khmer Đỏ, giải phóng nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng. Nói đến chiến tranh tất phải có đổ máu. Vâng, rất nhiều cán bộ, đội viên TNXP đã anh dũng hy sinh và vĩnh viễn nằm lại nơi miền biên giới ấy. Chúng tôi, những người may mắn còn sống sót, mãi mãi không bao giờ quên sự hy sinh cao cả ấy của đồng đội.
Sau cuộc chiến, TNXP trở về các tổng đội, nông trường để tiếp tục làm những công việc quen thuộc.

Đoàn Xuân Hải