24/01/2025

Toà gia đình và người chưa thành niên hoạt động ra sao?

Đây là toà chuyên trách đầu tiên trên cả nước chuyên giải quyết các vụ án liên quan đến trẻ em, hôn nhân gia đình.

 

Toà gia đình và người chưa thành niên hoạt động ra sao?

 

Đây là toà chuyên trách đầu tiên trên cả nước chuyên giải quyết các vụ án liên quan đến trẻ em, hôn nhân gia đình.


 


 

TAND tối cao đang phối hợp với TAND TP.HCM thành lập tòa gia đình và người chưa thành niên. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Chu Thành Quang – quyền vụ trưởng Vụ Pháp chế và quản lý khoa học, TAND tối cao – cho biết:

– Trong tất cả các giải pháp pháp luật, quan trọng nhất vẫn là có làm thay đổi được nhận thức con người hay không. Khi người ta tự nhận thức được thì giá trị áp dụng mới cao. Các vụ án liên quan đến trẻ em và hôn nhân gia đình đều có tính đặc thù, không giống như các vụ án khác.

Đối với các đối tượng trẻ em, không phải cứ bỏ tù, cứ trừng phạt là tốt mà cần có các biện pháp xử lý nhân văn hơn.

Thực hiện Luật tổ chức tòa án nhân dân năm 2014, TAND tối cao đang phối hợp với TAND TP.HCM sớm đưa toà gia đình và người chưa thành niên vào hoạt động. Cách thức xử lý các vụ việc đối với người chưa thành niên cần có sự thay đổi và cần phải có những quy định riêng.

* Tòa gia đình và người chưa thành niên có gì khác so với các toà chuyên trách khác, thưa ông?

– Tòa gia đình và người chưa thành niên sẽ giải quyết hai loại việc chính, một là loại việc hôn nhân gia đình, hai là các vụ việc liên quan đến trẻ em.

Các vụ án liên quan đến hôn nhân, gia đình có những đặc thù riêng. Bởi không phải toà án phán quyết là xong mà còn quan hệ huyết thống, nuôi dưỡng con cái vẫn kéo dài sau đó.

Cách thức lấy lời khai của trẻ em trong những vụ án hôn nhân như thế nào cho đúng, đại diện của trẻ em là ai, không thể là bố hoặc mẹ được vì họ bị chi phối những lợi ích riêng nên đại diện cho con cũng không đảm bảo được ý chí nguyện vọng của con…

Đó là vấn đề chúng tôi đang cân nhắc để thực hiện sao cho hiệu quả.

Việc giải quyết những vụ án trẻ em vi phạm pháp luật cũng sẽ có cách tổ chức để không ảnh hưởng tâm lý của trẻ em.

Ví dụ ở nước ngoài, trước khi đưa ra xét xử những vụ án mà bị cáo là trẻ em, toà gia đình sẽ xem xét hoàn cảnh phạm tội, mức độ vi phạm, tâm sinh lý trẻ em để xử lý như thế nào thì tốt nhất.

Luật bây giờ có rất nhiều quy định nhưng vẫn mang tính hình thức như người chưa thành niên vi phạm pháp luật thì mục đích chính là giáo dục để họ trở thành những người tốt cho xã hội.

Khi thành lập toà gia đình và người chưa thành niên, các toà án sẽ tính đến việc thực hiện quy định này như thế nào cho hiệu quả.

TÂM LỤA ghi ([email protected])