Lời kêu gọi hướng về đồng bào vùng hạn hán, bị xâm nhập mặn
Nhiều tháng qua, tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), hạn hán và nước mặn xâm nhập đã làm cho đồng bào gặp rất nhiều khó khăn, điêu đứng trong tổ chức sản xuất, đặc biệt là nạn thiếu nước ngọt khiến đời sống sinh hoạt của đồng bào miền Tây vô cùng gian khổ.
Lời kêu gọi hướng về đồng bào vùng hạn hán, bị xâm nhập mặn
Nhiều tháng qua, tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), hạn hán và nước mặn xâm nhập đã làm cho đồng bào gặp rất nhiều khó khăn, điêu đứng trong tổ chức sản xuất, đặc biệt là nạn thiếu nước ngọt khiến đời sống sinh hoạt của đồng bào miền Tây vô cùng gian khổ.
Thống kê cho thấy, lưu lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Kông về ĐBSCL thiếu hụt đến 30 – 50% khiến xâm nhập mặn càng lấn sâu, có nơi mặn xâm nhập sâu vào đất liền từ 90 – 93 km…
Bộ NN-PTNT cho biết với tình hình như vậy, từ tháng 3 trở đi, các vùng cách biển 30 – 45 km sẽ gần như không còn khả năng lấy nước ngọt từ cửa sông. Hiện ĐBSCL có đến hơn nửa triệu dân thiếu nước sinh hoạt, đời sống dân sinh của người dân 9/13 tỉnh, thành phố, đặc biệt là các tỉnh Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Sóc Trăng… đang lâm vào tình cảnh thiếu nước ngọt trầm trọng. Theo dự báo, tình trạng hạn, mặn sẽ còn kéo dài nếu không có mưa, khu vực ĐBSCL sẽ còn tiếp tục hạn mặn gay gắt hơn.
Đứng trước tình hình vùng châu thổ Cửu Long đang khát nghiêm trọng và nguy cơ đối diện với việc thiếu hụt nước để tổ chức sản xuất, ảnh hưởng rất lớn đời sống người dân, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN VN và Báo Thanh Niên phát lời kêu gọi các cơ sở Đoàn, bạn đọc gần xa, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và bà con kiều bào cùng hướng về đồng bào vùng hạn hán, bị xâm nhập mặn, chung tay hỗ trợ giúp đỡ (bằng nhân lực, vật lực, kinh phí hoặc bằng các hoạt động tình nguyện…) để góp phần giúp bà con miền Tây, giúp đoàn viên, thanh niên trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh ĐBSCL vượt qua được khó khăn trong sản xuất, đời sống sinh hoạt vốn đang lâm vào tình cảnh rất gian nan.
Báo Thanh Niên sẽ làm cầu nối, trực tiếp liên hệ với các tỉnh đoàn, chính quyền các địa phương, khảo sát thiệt hại và nhu cầu về vật lực để có hướng hỗ trợ thỏa đáng, đưa tấm lòng yêu thương của bạn đọc về với những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất, nhằm giúp người dân tháo gỡ những khó khăn trong đợt thiên tai lịch sử này.
Để ghi nhận nghĩa cử của bạn đọc, Báo Thanh Niên xin gửi lời tri ân trân trọng đến quý bạn đọc ủng hộ, như đã từng hỗ trợ đồng bào ở các vùng bị thiên tai trước đây. Nghĩa cử ấy là một biểu hiện sinh động lời dạy của cha ông ta: Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước phải thương nhau cùng.
Mọi sự giúp đỡ, xin bạn đọc gửi về tòa soạn Báo Thanh Niên, 268 – 270 Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCM – ĐT: (84.8) 39302302; 218 Tây Sơn, Q.Đống Đa, Hà Nội – ĐT: (84.4) 38570981; hoặc các văn phòng đại diện Báo Thanh Niên trên cả nước.
Bạn đọc cũng có thể chuyển khoản qua số tài khoản Báo Thanh Niên: 102010000116341 – Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 tại TP.HCM. Nội dung ghi: Giúp đỡ đồng bào vùng bị thiên tai ĐBSCL.
Tổng hợp báo cáo nhanh các tỉnh bị hạn mặn xâm nhập
Theo báo cáo nhanh của các tỉnh ĐBSCL gửi về cho Báo Thanh Niên, tính đến ngày 19.3, thiệt hại do hạn hán, mặn xâm nhập ở một số tỉnh như sau:
• Bến Tre: Toàn tỉnh có 2.750 ha lúa thiệt hại 100%; 87,5 ha hoa màu thiệt hại 100%; 1.475 ha cây ăn trái thiếu nguồn nước tưới; 37.500 con gia súc và 740.000 con gia cầm bị thiếu nguồn nước uống… Số hộ đoàn viên, thanh niên bị ảnh hưởng bởi hạn mặn là 20.000 hộ; số đoàn viên, thanh niên thiếu nước ngọt sinh hoạt là 58.623 người.
• Kiên Giang: Toàn tỉnh có hơn 56.000 ha lúa bị thiệt hại. Trước mắt, Sở Tài chính đã cấp kinh phí tạm ứng hơn 108 tỉ đồng để hỗ trợ 127.000 hộ dân bị thiệt hại.
• Bạc Liêu: Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, toàn tỉnh có hơn 11.455 ha lúa đông xuân bị thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn. Trong đó, diện tích lúa bị thiệt hại từ 30 – 70% hơn 4.600 ha; diện tích lúa bị thiệt hại từ 70% trở lên hơn 6.800 ha. Ước tính tổng thiệt hại gần 122 tỉ đồng.
• Sóc Trăng: Theo thống kê của Tỉnh đoàn Sóc Trăng, toàn tỉnh có 424 hộ đoàn viên, thanh niên bị thiệt hại do hạn mặn, tập trung nhiều nhất ở H.Cù Lao Dung, kế đến là huyện Kế Sách, Mỹ Tú. Mức độ thiệt hại của lúa từ 30 – 70%.
• Cà Mau: Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, nắng hạn kéo dài liên tục trong 3 tháng qua khiến nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong tỉnh thiếu hụt nghiêm trọng. Hiện hơn 49.343 ha lúa bị thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn… Riêng theo thống kê của tỉnh đoàn, có 54 hộ đoàn viên, thanh niên ở H.Năm Căn bị thiệt hại do tôm nuôi chết.
(Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thiệt hại ở các tỉnh khác trong các số báo tiếp theo).
|
Thanh Niên