25/12/2024

Xét tuyển ĐH, CĐ: Thí sinh có 4 đến 6 nguyện vọng

Hôm qua 15.3, Bộ GD-ĐT có hướng dẫn chi tiết về xét tuyển ĐH, CĐ. Hướng dẫn có nhiều quy định giúp thí sinh không phải chạy vạy vất vả như năm ngoái mà còn có nhiều cơ hội trúng tuyển đúng nguyện vọng.

Xét tuyển ĐH, CĐ: Thí sinh có 4 đến 6 nguyện vọng

 

Hôm qua 15.3, Bộ GD-ĐT có hướng dẫn chi tiết về xét tuyển ĐH, CĐ. Hướng dẫn có nhiều quy định giúp thí sinh không phải chạy vạy vất vả như năm ngoái mà còn có nhiều cơ hội trúng tuyển đúng nguyện vọng.





Học sinh tỉnh Bình Thuận theo dõi thông tin mới về tuyển sinh trong chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

 

Học sinh tỉnh Bình Thuận theo dõi thông tin mới về tuyển sinh trong chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên – Ảnh: Đào Ngọc Thạch


Nhiều đợt tuyển sinh
Những trường tuyển sinh dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia, thời gian xét tuyển bắt đầu từ ngày 1.8 theo lịch của Bộ. Mỗi thí sinh (TS) có tối đa từ 4 đến 6 nguyện vọng trong mỗi đợt. Trong suốt thời gian xét tuyển của một đợt, TS không được thay đổi nguyện vọng.
Đợt 1 từ 1.8 đến hết 17.8, trong đó thời gian tiếp nhận đăng ký của TS từ 1.8 – 12.8. Trong đợt này, mỗi TS được đăng ký tối đa 2 trường, mỗi trường tối đa 2 ngành (nguyện vọng) xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 2. Các đợt bổ sung bắt đầu từ 21.8, mỗi đợt TS đăng ký tối đa vào 3 trường, trong mỗi trường đăng ký tối đa 2 ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 2.
Sau ngày 26.9, nếu các trường vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu thì chủ động công bố lịch xét tuyển nguyện vọng bổ sung tiếp theo. Thời gian kết thúc toàn bộ công việc xét tuyển với trường ĐH là đến 20.10 và CĐ là 15.11.
Trước mỗi đợt xét tuyển, các trường thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của trường các nội dung bắt buộc gồm: Chỉ tiêu của các ngành đối với đợt xét tuyển đó; Các liên quan tới tổ hợp môn thi; Cách thức xử lý khi các TS có cùng điểm xét tuyển, các điều kiện bổ sung (nếu có); Điểm xét tuyển của trường hoặc từng ngành (điểm xét tuyển không được thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ quy định).
Với trường hợp sử dụng nhiều tổ hợp môn thi để xét tuyển cho một ngành, trường cần quy định mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các tổ hợp hoặc chỉ tiêu dành cho mỗi tổ hợp. Đối với những ngành trường đã tuyển sinh từ năm 2014 trở về trước phải dành ít nhất 50% chỉ tiêu để xét tuyển theo khối thi truyền thống.
Chỉ nộp giấy chứng nhận kết quả khi trúng tuyển
Sau khi chấm thi xong, các trường ĐH chủ trì cụm thi in và gửi giấy chứng nhận kết quả cho TS thông qua Sở GD-ĐT. Mỗi TS chỉ có một giấy chứng nhận kết quả, và giấy này chỉ sử dụng khi TS xác định nhập học vào trường mà mình đã đăng ký và thuộc diện trúng tuyển.
Để đăng ký xét tuyển, TS chỉ cần sử dụng bản in hoặc bản mềm trên máy tính phiếu đăng ký xét tuyển (theo mẫu của Bộ) rồi điền đầy đủ thông tin. Trường hợp đăng ký xét tuyển vào các trường tuyển sinh theo nhóm thì điền đầy đủ thông tin vào phiếu đăng ký xét tuyển do nhóm trường quy định.
Trong thời hạn quy định của mỗi đợt xét tuyển, TS nộp phiếu đăng ký xét tuyển và phí dự tuyển qua đường bưu điện theo hình thức chuyển phát nhanh, chuyển phát ưu tiên hoặc bằng phương thức trực tuyến (online) hay theo phương thức khác do trường quy định. Tất cả đều có giá trị xét tuyển như nhau.
Thời gian TS trúng tuyển nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi quy định như sau: Trước 17 giờ ngày 17.8 cho đợt 1, trước 17 giờ ngày 7.9 đợt bổ sung lần 1, trước 17 giờ ngày 26.9 đợt bổ sung lần 2. Quá thời hạn này (tính ngày theo dấu bưu điện nếu nộp qua đường bưu điện), TS không nộp giấy chứng nhận kết quả thi cho trường được xem như từ chối nhập học.
Quy định riêng xét theo nhóm trường
Các nhóm trường muốn lập nhóm để tuyển sinh thì phải xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh của trường và báo cáo với Bộ trước ngày 15.4. Những đề án này, sau khi được Bộ chấp nhận bằng văn bản thì phải công bố công khai trên webiste của các trường thành viên nhóm. Các nhóm trường được phép quy định mẫu phiếu đăng ký phù hợp với các quy định của Bộ, và công khai cách thức xét tuyển giữa các ngành theo thứ tự ưu tiên trong phiếu đăng ký xét tuyển.
TS có thể sử dụng số ngành tối đa được phép của từng đợt xét tuyển (4 ngành trong đợt 1 và 6 ngành trong các đợt xét tuyển bổ sung) để đăng ký xét tuyển vào nhiều trường trong nhóm và sắp xếp các ngành đã đăng ký theo thứ tự ưu tiên. Ví dụ trong đợt 1, TS có thể đăng ký xét tuyển vào 4 trường khác nhau trong nhóm nếu mỗi trường đăng ký 1 ngành hoặc đăng ký vào 3 trường khác nhau trong nhóm nếu đăng ký 2 ngành vào 1 trường và 2 ngành còn lại vào 2 trường khác.
TS đã đăng ký xét tuyển vào 2 trường trở lên trong nhóm ở đợt 1 hoặc 3 trường trở lên trong nhóm ở đợt xét tuyển bổ sung thì không được đăng ký xét tuyển vào các trường ngoài nhóm.
Hưởng mức ưu tiên theo từng giai đoạn
Với TS học tại các trường THPT có sự thay đổi chế độ ưu tiên, nếu do thay đổi địa giới hành chính, chuyển địa điểm hoặc thay đổi cấp hành chính dẫn đến thay đổi mức ưu tiên khu vực thì mỗi giai đoạn hưởng mức ưu tiên khác nhau, trường sẽ được gán một mã trường khác nhau cùng với một mức ưu tiên khu vực phù hợp. TS căn cứ thời gian học tập tại trường THPT chọn và điền đúng mã trường theo các giai đoạn để được hưởng đúng mức ưu tiên theo khu vực. Ví dụ: Trường THPT Nguyễn Đình Liễn từ năm 2013 về trước đóng trên địa bàn xã Cẩm Huy, H.Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh thuộc KV2-NT. Từ năm 2014 trường chuyển đến địa bàn xã Cẩm Dương (vẫn cùng huyện cùng tỉnh) thuộc KV1. Vậy trường này sẽ được gán 2 mã khác nhau: Mã 068 – gán cho trường trong thời gian từ năm 2013 về trước; Mã 053 – gán cho trường trong thời gian từ năm 2014 đến nay. Nếu TS học tại trường này từ năm 2013 đến năm 2015, lớp 10 sẽ khai mã trường là 068, lớp 11 và lớp 12 khai mã trường là 053.

Quý Hiên