Dân lẫn doanh nghiệp chóng mặt khi thép 1 ngày 3 giá
Một ngày giá thép cuộn bán ra 11,8 triệu đồng/tấn vào đầu giờ sáng, lên 12 triệu đồng/tấn vào buổi trưa và lên 12,5 triệu đồng/tấn vào đầu giờ chiều.
Dân lẫn doanh nghiệp chóng mặt khi thép 1 ngày 3 giá
Một ngày giá thép cuộn bán ra 11,8 triệu đồng/tấn vào đầu giờ sáng, lên 12 triệu đồng/tấn vào buổi trưa và lên 12,5 triệu đồng/tấn vào đầu giờ chiều.
Ngày 16-3, giá thép cuộn bán ra 11,8 triệu đồng/tấn vào đầu giờ sáng, lên 12 triệu đồng/tấn vào buổi trưa và lên 12,5 triệu đồng/tấn vào đầu giờ chiều. Trong ảnh: nhân viên một cửa hàng thép ở TP.HCM treo nhãn hàng phân loại thép cuộn – Ảnh: Ảnh: H.Khoa |
Nhiều người dân và doanh nghiệp cho biết đang “đau đầu” tính toán cân đối lại các chi phí do giá thép xây dựng tăng từng ngày, kể từ khi Bộ Công thương công bố quyết định áp thuế tạm thời đối với thép nhập khẩu vào ngày 7-3.
“Việc cân bằng lợi ích hài hoà giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng là hết sức cần thiết. Nếu doanh nghiệp sản xuất thép bỏ qua yếu tố này, khả năng Bộ Công thương thu hồi quyết định áp thuế tạm thời cũng sẽ xảy ra. Cho nên chính các doanh nghiệp phải là người có các ứng xử phù hợp nhất với trách nhiệm của cộng đồng, xã hội |
Ông Hồ Nghĩa Dũng (chủ tịch Hiệp hội Thép VN) |
Dù đến ngày 22-3, lệnh áp thuế tự vệ đối với các sản phẩm thép nhập khẩu mới có hiệu lực nhưng nhiều người tiêu dùng cho biết giá thép ngày hôm sau đã khác ngày trước đó, khiến mọi dự toán về xây dựng bị đảo lộn, đặc biệt là các công trình xây dựng dở dang.
Lãnh đạo Hiệp hội Thép VN (VSA) cũng lên tiếng cảnh báo khả năng Bộ Công thương sẽ rút lại quyết định áp thuế tự vệ đối với thép nếu các nhà sản xuất “cứ tăng giá thép vô tội vạ như hiện nay”.
Người tiêu dùng lãnh đủ
Đang trong giai đoạn hoàn thiện ba căn nhà đã nhận hợp đồng từ tháng 1-2016, nhưng ông Bùi Hoàng Trương, phụ trách thi công Công ty TNHH xây dựng MK (Q.Tân Bình, TP.HCM) như ngồi trên lửa khi liên tục nhận được thông tin giá thép tăng vọt trong mấy ngày qua.
Với hai hợp đồng chuẩn bị thực hiện theo phương thức thi công thô có tổng trị giá gần 4 tỉ đồng, ông Trương nhẩm tính giá thép hiện chiếm đến 20% tổng giá trị xây dựng cho hợp đồng mới này.
“Trước tết, giá thép có thời điểm còn hạ dưới 10 triệu đồng/tấn, nhưng mới nghe báo tăng lên 10,5 triệu đồng/tấn rồi, thậm chí có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới. Kiểu này chắc làm… không công quá” – ông Trương ngao ngán nói.
Theo quyết định của Bộ Công thương, mức thuế tự vệ tạm thời (dưới hình thức thuế nhập khẩu bổ sung) đối với phôi thép là 23,3% và đối với thép dài là 14,2%, có hiệu lực từ ngày 22-3 và được áp dụng trong khoảng thời gian không quá 200 ngày. Trước đó, ngày 25-12-2015, Bộ Công thương đã quyết định điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu, theo yêu cầu của Công ty CP thép Hoà Phát, Công ty TNHH MTV Thép miền Nam, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên và Công ty CP thép Việt Ý. |
Còn tại đại lý sắt thép CH trên đường Phan Văn Trị (Gò Vấp), chuông điện thoại kêu dồn dập liên hồi không dứt.
“Bây giờ thì em báo giá cho anh vậy thôi chứ chút nữa em không biết đâu nha. Anh có mua thì em chốt giá bây giờ, rồi chở hàng liền, chứ lát nữa em có giá khác rồi anh lại nói em… gạt anh!” – bà V., chủ cửa hàng, vừa lảnh lót trả lời qua điện thoại vừa viết phiếu giao hàng, xua tay ra dấu cho nhân viên đi nhanh kẻo trễ.
Theo bà V., giá thép bán lẻ liên tục “nhảy” từ ngày 8-3, “vì mấy ông nhà máy nói sắp tới giá thép tăng nên có lấy hàng thì lấy nhanh đi, không thôi mai mốt giá cao thì đừng trách. Tưởng nói chơi, ai dè giá tăng vù vù, ghê thiệt”.
So với giá thép cuộn ở mức 11-11,2 triệu đồng/tấn, thép cây phi 10, phi 12 khoảng 10,9 triệu đồng/tấn (đã tính VAT) đang trong ngày 15-3, bà V. xác nhận “giá này đã tăng so với giá hôm qua khoảng 150.000 đồng/tấn rồi”.
Trao đổi với khách mua hàng qua điện thoại, bà V. khuyến cáo: “Qua đầu tháng 4 là giá cao lắm luôn, không chừng tới 14 triệu đồng/tấn lận, nên xây nhà xây cửa gì thì lo xây bây giờ đi cho khỏe!”.
Trước đó, ngày 9-3, ngay sau khi Bộ Công thương công bố việc áp thuế tự vệ đối với thép dài và phôi thép nhập khẩu, một số doanh nghiệp sản xuất thép đã điều chỉnh tăng giá bán.
Chẳng hạn, Công ty CP thép Việt (Pomina) xác nhận chỉ mới tăng 250.000 đồng/tấn, từ 8,7 triệu đồng/tấn lên 8,95 triệu đồng/tấn (chưa VAT) từ hôm 9-3.
“Chúng tôi không ký hợp đồng giao hàng mới, mà chỉ giao nốt số hàng cũ đã ký trước đó” – ông Đỗ Duy Thái, chủ tịch HĐQT Công ty Pomina, cho biết.
Còn tại thị trường phía Bắc, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, giá thép cũng đồng loạt tăng sau khi quyết định tăng thuế tự vệ tạm thời được công bố. Có thời điểm giá thép cuộn và cây giao tại nhà máy khu vực phía Bắc dao động ở mức 9,1-9,4 triệu đồng/tấn (tuỳ thương hiệu, chưa VAT), sức mua tăng khá mạnh.
So với thời điểm cuối tháng 2-2016, các doanh nghiệp sản xuất thép phía Bắc đã tăng trung bình 500.000-600.000 đồng/tấn. Đến cuối ngày 16-3, theo ghi nhận của chúng tôi, giá thép bán lẻ trên thị trường bình quân 11,8-12,15 triệu đồng/tấn đối với thép cuộn, tăng từ 0,8-1,3 triệu đồng/tấn và khoảng 10,9-11,5 triệu đồng/tấn đối với thép cây phi 16, tăng khoảng 400.000-800.000 đồng/tấn so với ngày trước đó.
Những ngày qua giá thép trong nước liên tục tăng mạnh. Trong một ngày giá thép liên tục tăng và thay đổi giá 3-4 lần – Ảnh: H.Khoa |
Không thể chấp nhận được
Trước đó, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, hàng trăm xe tải, xe container đã phải chờ nhiều ngày tại các nhà máy sản xuất thép ở các khu công nghiệp thuộc huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nơi tập trung hàng loạt nhà sản xuất tôn, thép như Pomina, Vina Kyoei… nhưng vẫn chưa lấy hàng.
Một chuyên gia trong ngành thép cho rằng cùng với việc giá thép bị đẩy lên, hiện tượng xe tải phải sắp hàng nhiều ngày tại các nhà máy thép cho thấy doanh nghiệp sản xuất thép trong nước có dấu hiệu găm hàng để trục lợi từ thuế tự vệ.
Theo vị này, số liệu từ VSA cho thấy trong hai tháng đầu năm 2016, sản lượng thép sản xuất trong nước đều vượt trội so với số lượng thép tiêu thụ, chưa kể lượng thép tồn kho trước đó. Cụ thể, trong tháng 1-2016, sản lượng thép sản xuất đạt hơn 600.000 tấn, trong khi tiêu thụ khoảng 550.000 tấn.
Tương tự, trong tháng 2, sản lượng sản xuất khoảng 550.000 tấn, tiêu thụ chỉ hơn 500.000 tấn. Cũng theo VSA, tính đến cuối tháng 2-2016, lượng thép còn tồn kho của các doanh nghiệp lên tới hơn 500.000 tấn.
“Với năng lực sản xuất của doanh nghiệp, cộng với lượng tồn kho khá lớn, thị trường chắc chắn không thể thiếu thép, nhất là trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ thép không có gì đột biến. Do đó, không có lý do gì để các nhà sản xuất thép tăng giá bán nếu không trục lợi từ thuế tự vệ đối với thép nhập khẩu” – vị này nói.
Cũng theo vị này, việc nhà sản xuất đổ lỗi cho giá nguyên liệu thép nhập tăng cũng không có cơ sở bởi nguồn phôi thép giá rẻ vẫn về nhiều do thuế tự vệ chỉ có hiệu lực từ ngày 22-3.
“Thuế tự vệ đối với thép nhập khẩu nhằm mục đích bảo vệ sản xuất trong nước nhưng các nhà sản xuất trong nước găm hàng để làm giá là chưa sòng phẳng với người tiêu dùng, làm ảnh hưởng đến dự toán của công trình đang xây dựng” – vị này nói.
Trong khi đó, theo ghi nhận của chúng tôi, các doanh nghiệp giữ vai trò nguyên đơn “tố” sản phẩm thép và phôi thép nhập khẩu cũng đều lần lượt tăng giá bán trong những ngày qua.
Ông Hồ Nghĩa Dũng, chủ tịch VSA, cho biết VSA đã cảnh báo các doanh nghiệp nguyên đơn về việc giữ giá, giữ thị trường ổn định ngay sau quyết định tăng thuế. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này cho rằng họ không chủ động tăng giá, mà “bị thị trường kéo, nên buộc phải tăng theo”.
Theo ông Dũng, dù các doanh nghiệp nguyên đơn luôn tăng chậm và tăng ít hơn các doanh nghiệp khác trên thị trường, nhưng nếu việc tăng giá vô tội vạ cứ xảy ra, làm ảnh hưởng và gây thiệt hại cho người tiêu dùng là không thể chấp nhận được.
Sẽ yêu cầu kiểm tra, làm rõ Về hiện tượng giá thép liên tục tăng sau khi Bộ Công thương công bố quyết định áp thuế tự vệ đối với thép nhập khẩu, ông Nguyễn Trọng Tín, cục phó Cục Quản lý thị trường Bộ Công thương, cho rằng việc tăng giá bán sản phẩm hoặc mua hàng chờ tăng giá là hiện tượng thường gặp ở kinh tế thị trường mỗi khi nước nhập khẩu áp thuế tự vệ, do thị trường dự báo sẽ tăng giá bán. Tuy nhiên, nếu có yếu tố giữ hàng lại để đầu cơ tăng giá thì vi phạm. Do đó, cơ quan này sẽ có chỉ đạo để chi cục quản lý thị trường các địa phương vào cuộc tìm hiểu, kiểm tra làm rõ, nếu có hiện tượng đầu cơ, găm hàng tăng giá trái quy định sẽ xử lý nghiêm. |