Thái Lan chuyển hướng nông nghiệp vì hạn hán
Trước tình hình hạn hán tồi tệ nhất trong hai thập niên qua, chính phủ Thái Lan đã khuyến khích nông dân chuyển hướng từ trồng lúa sang trồng bắp, đậu…
Thái Lan chuyển hướng nông nghiệp vì hạn hán
Trước tình hình hạn hán tồi tệ nhất trong hai thập niên qua, chính phủ Thái Lan đã khuyến khích nông dân chuyển hướng từ trồng lúa sang trồng bắp, đậu…
Thái Lan là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, nhưng từ 2 năm trở lại đây, hạn hán đã trở thành mối đe doạ thật sự cho nền nông nghiệp nước này. Hiện tại, các đập Bhumibol và Sirikit, nguồn cung cấp nước chính cho đồng bằng miền trung, đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1994. Bên cạnh đó, Thái Lan còn đến 17,8 triệu tấn gạo dự trữ (tồn kho từ thời cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra). Vì vậy, theo Bloomberg, chính phủ muốn cắt giảm sản lượng gạo của cả nước còn 27 triệu tấn trong vụ mùa bắt đầu từ tháng 5 tới (thấp hơn 25% so với mức trung bình 5 năm qua).
Theo báo cáo hồi tháng 2 của Ngân hàng TMB (Thái Lan), hạn hán đã làm kinh tế Thái “bốc hơi” khoảng 84 tỉ baht
(2,4 tỉ USD), chưa kể còn làm nhu cầu về xe cộ, thiết bị điện và máy móc nông nghiệp giảm trầm trọng. Để đối phó với tình trạng hạn hán, thiếu nguồn nước cũng như giá gạo sụt giảm, Thái Lan đã tài trợ chương trình tư vấn giúp nông dân bỏ lúa nước chuyển sang các loại cây trồng cần ít nước hơn như lúa mì, ngô, các loại đậu…
Năm ngoái, chính phủ đã duyệt 320 triệu USD để khuyến khích nông dân trồng các loại cây ít nước, giãn thời gian trả nợ vay. Năm nay, chính phủ sẽ dùng 285 triệu USD để ổn định giá cả và tái đào tạo nông dân, kể cả những người sản xuất gạo jasmine nổi tiếng của Thái. Nông dân được vận động trở lại trường học, nhiều khóa học với nội dung đa dạng từ kế toán đến chăn nuôi gia cầm được chính phủ mở ra nhằm tăng tốc việc chuyển hướng nông nghiệp.
Bảo hiểm lúa “được mùa”
Một chương trình khác hiện được chính phủ Thái xúc tiến là hỗ trợ mua bảo hiểm lúa. Chương trình này nhận bảo hiểm những thất thoát từ lũ lụt, hạn hán, bão, sâu bệnh. Bảy công ty bảo hiểm phi nhân thọ: Bangkok, Chao Phaya, Dhipaya, Navakij, Thaivivat, Tune và Viriyah sẽ đảm nhận việc bán bảo hiểm trên toàn Thái Lan.
Phí bảo hiểm sẽ tùy thuộc vào vùng rủi ro. Nông dân ở vùng có rủi ro thấp nhất sẽ trả 60 baht/rai (khoảng 240.000 đồng/ha) trong khi chính phủ đóng góp thêm 64 baht/rai (khoảng 260.000 đồng/ha). Ở những vùng nguy cơ cao nhất, nông dân trả 100 baht/rai (hơn 400.000 đồng/ha) và chính phủ bù vào đến 383 baht/rai (hơn 1,5 triệu đồng/ha). Nếu bị thiệt hại, công ty sẽ trả 1.111 baht/rai (4,5 triệu đồng/ha) cho cây trồng bị thiệt hại do thiên tai và 555 baht/rai (2,25 triệu đồng/ha) đối với thiệt hại do sâu, bệnh.
Bộ Tài chính dự kiến trong năm nay, chương trình sẽ bảo hiểm cho hơn 480.000 ha ruộng lúa và mức đền bù còn có thể sẽ cao hơn năm ngoái. Ông Pravej Ongartsittigul, Tổng thư ký Hội đồng bảo hiểm Thái Lan, nói trên Bangkok Post: “Với tình hình hạn hán hiện nay, mất mùa trở thành nỗi lo thường trực của nông dân. Vì vậy, bảo hiểm lúa gạo “được mùa” là điều dễ hiểu”.
Lam Yên
(VP Bangkok)