Một ngày trải nghiệm hết mình
Trong Ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp năm 2016 tổ chức ngày 13-3 tại Hà Nội và Cần Thơ, hàng chục ngàn học sinh đã thu hoạch được những thông tin bổ ích giúp định hướng nghề nghiệp tương lai cho bản thân mình.
NGÀY HỘI TƯ VẤN TUYỂN SINH – HƯỚNG NGHIỆP NĂM 2016 TẠI HÀ NỘI, CẦN THƠ
Một ngày trải nghiệm hết mình
Trong Ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp năm 2016 tổ chức ngày 13-3 tại Hà Nội và Cần Thơ, hàng chục ngàn học sinh đã thu hoạch được những thông tin bổ ích giúp định hướng nghề nghiệp tương lai cho bản thân mình.
Sinh viên người nước ngoài của Trường ĐH Hàng Hải phát tờ rơi mời các bạn học sinh đến dự gian hàng của trường trong Ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp năm 2016 tại Hà Nội – Ảnh: Nguyễn Khánh |
Ngày 13-3, đồng loạt tại Hà Nội, Cần Thơ đã diễn ra Ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2016 do báo Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT và nhiều đơn vị phối hợp tổ chức.
Tại cả hai nơi, hàng chục ngàn học sinh đã có mặt từ sáng sớm, nán lại cả ngày để được trải nghiệm tất cả hoạt động thú vị, hấp dẫn của ngày hội và thu nhận những thông tin bổ ích cho sự lựa chọn nghề nghiệp tương lai của mình.
Sinh viên Đại học Đại Nam tạo thành dòng người quanh các khu vực tư vấn giới thiệu của các trường tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp năm 2016 tại Hà Nội – Ảnh: N.Khánh |
Hà Nội: ngành truyền thông, tâm lý lên ngôi
Sáng 13-3, tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, các ngành về truyền thông như báo chí, quan hệ công chúng, tổ chức sự kiện, quay phim, nhiếp ảnh thu hút rất nhiều thí sinh quan tâm và đặt câu hỏi.
“Em có kinh nghiệm ba năm quay phim, chụp ảnh, liệu em có được cộng điểm vào ngành báo chí truyền thông không?”, “Tại sao ngành báo chí không tổ chức thi năng khiếu?”, “Nghề báo cần tố chất gì nổi trội?”… là những câu hỏi được học sinh nêu ra tại khu tư vấn các chuyên ngành này.
TS Vũ Thị Kim Hoa, phó trưởng phòng quản lý đào tạo Học viện Báo chí & tuyên truyền, cho biết chọn nghề báo thì phải lường trước những khó khăn, vất vả, thậm chí tác nghiệp trong hoàn cảnh nguy hiểm. Ngoài ra, học báo chí nói riêng và truyền thông nói chung, thí sinh cần phải bổ sung nhiều kỹ năng mềm, đặc biệt là ngoại ngữ thì mới có thể đảm nhiệm tốt công việc.
Ngành khoa học xã hội & nhân văn không hề “ế” khi có khá nhiều học sinh đặt câu hỏi, thậm chí hỏi nhiều lần về các chuyên ngành như tâm lý học, xã hội học, Việt Nam học… Đặc biệt, riêng ngành tâm lý học có đến hàng chục câu hỏi của học sinh tìm hiểu về nơi đào tạo, điều kiện học tập, vị trí công việc, cơ hội việc làm trong tương lai.
Chia sẻ bên lề khu tư vấn, một học sinh đứng chờ rất lâu để được tư vấn về ngành tâm lý đã chia sẻ: “Em có người bạn bỗng dưng bị trầm cảm. Chuyện của bạn ấy khiến em thấy trong xã hội bây giờ rất cần vai trò của nhà tâm lý học, của bác sĩ tâm lý. Em rất muốn làm nghề này, hi vọng vừa có công việc tốt, vừa giúp đỡ được nhiều người đang gặp khó khăn”.
“Em muốn học ngành du lịch mà chưa biết chọn trường nào?”, không trả lời trực tiếp câu hỏi này của học sinh, mà TS tâm lý Phạm Mạnh Hà (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) giới thiệu cho các bạn về “những nguyên tắc vàng trong chọn trường” thầy đúc kết được sau nhiều năm tư vấn tuyển sinh.
“Đầu tiên là uy tín của trường – lịch sử nhà trường và uy tín xã hội, được xã hội công nhận. Thứ hai là chọn trường dựa trên cơ sở vật chất, phải đảm bảo cho em chất lượng học tập tốt nhất. Thứ ba là trường đó có nhiều hoạt động hỗ trợ sinh viên. Trường nào có nhiều hoạt động xã hội thì chúng ta học được nhiều kỹ năng sống. Thứ tư là hình thức tuyển sinh, tuỳ vào mức điểm, khả năng của mình các em có thể chọn đúng trường” – thầy Hà giải thích.
TS Phạm Mạnh Hà còn đưa ra một lời khuyên cho các học sinh còn phân vân trước lựa chọn tương lai: “Khi chọn nghề, đừng chọn ngay một tên nghề, sẽ dễ gặp sai lầm. Đầu tiên phải làm phương án loại trừ. Lựa chọn lĩnh vực nghề nghiệp: xã hội – nhân văn, an ninh – quốc phòng, công nghệ – khoa học, y dược, sư phạm. Sau đó mới tìm hiểu những ngành trong lĩnh vực đó là gì. Rồi chọn ra một ngành, một lĩnh vực nghề nghiệp: tư vấn tâm lý, quản trị nhân sự, nghiên cứu tâm lý… Vậy nghề thuộc lĩnh vực đó cụ thể yêu cầu những gì. Đừng chọn ngay một nghề từ ban đầu dựa trên cảm tính”.
Học sinh thích thú xem sinh viên Trường cao đẳng Văn hoá nghệ thuật và du lịch Sài Gòn biểu diễn pha chế các loại cocktail trong Ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2016 tại Trường ĐH Cần Thơ, TP Cần Thơ sáng 13-3 – Ảnh: Quang Định |
Cần Thơ: tràn ngập thông tin bổ ích
Tại Trường ĐH Cần Thơ, từ sáng sớm 13-3, khoảng 25.000 học sinh, phụ huynh đã đến tham gia ngày hội.
Ngay từ khi ngày hội chưa khai mạc, các gian tư vấn đã kín chỗ. Lối đi dọc các khu vực tư vấn thỉnh thoảng lại tắc nghẽn vì học sinh dừng lại, tham gia các hoạt động phong phú mà các trường mang đến ngày hội. Vẫn là vô số quà tặng, phiếu bốc thăm, cơ hội học bổng, trò chơi… thu hút đông đảo học sinh đến với các gian tư vấn.
Sinh viên, học viên gần 80 trường CĐ, ĐH, trung cấp, trường nghề, các trung tâm giáo dục đứng dọc 130 gian tư vấn, sẵn sàng tiếp nhận thắc mắc, tặng quà và tờ thông tin về những ngành nghề mà học sinh quan tâm.
Tại ngày hội, học sinh được trao đổi thông tin thoải mái với các thầy cô tư vấn, xem triển lãm, trưng bày hình ảnh hoạt động và trực tiếp tiếp cận với người thật, việc thật ở môi trường ĐH.
Năm nay, lần đầu tiên đơn vị chủ nhà – Trường ĐH Cần Thơ – cử đến 30 tư vấn viên là giảng viên thuộc 15 đơn vị đào tạo, khoa của trường tham gia tư vấn trực tiếp cho học sinh tại bốn gian tư vấn. Khu vực tư vấn của trường luôn đông nghẹt học sinh đến tìm hiểu thông tin các ngành học và nghe tư vấn.
Sau khi rời khu vực tư vấn, Nguyễn Thị Thùy Ngân – học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Quý Đôn (Hậu Giang) – cười tươi: “Đây là lần đầu tiên em được đến Trường ĐH Cần Thơ. Đến đây thấy ngày hội hoành tráng quá, tràn ngập thông tin bổ ích, các thầy cô tư vấn rất nhiệt tình. Em thích ngành công nghệ thực phẩm, nhưng trước đây em không hiểu nhiều về ngành này. Giờ thì em không còn thắc mắc gì nữa, chỉ cố gắng học để thi thật tốt”.
Để tạo hiệu quả quảng bá về trường mình, nhiều trường đã tiến hành trình diễn tại ngày hội các sản phẩm thành tựu từ hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên. Sự cạnh tranh bằng cách trình diễn sản phẩm giữa các gian hàng khiến không khí ngày hội năm nay trở nên rất sôi động.
Trường ĐH Công nghệ TP.HCM với các máy gieo hạt, xe tự hành tự động nhận diện đường đi, xe đua chạy bằng năng lượng mặt trời đã thu hút rất đông học sinh đến xem. Tham gia ngày hội, GS.TS Võ Văn Tới, trưởng bộ môn kỹ thuật y sinh Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), đã mang đến một chiếc máy trợ tim cùng nhiều dụng cụ y khoa khác, để giúp học sinh hiểu rõ về ngành kỹ thuật y sinh.
Đặc biệt, tại gian tư vấn của trường hàng trăm học sinh bị cuốn hút với màn trình diễn hai sản phẩm công nghệ: hệ thống kiểm tra chất lượng sản phẩm nước uống đóng chai và hệ thống trung chuyển hàng hóa tự động. Đây là hai công trình nghiên cứu của các sinh viên năm thứ nhất khoa kỹ thuật hệ thống công nghiệp của trường.
“Chúng tôi mang đến ngày hội những sản phẩm này để giới thiệu phương thức đào tạo hoàn toàn mới của trường. Theo đó, sinh viên lên lớp ít, chủ yếu tự học với sự hướng dẫn của giảng viên, nhưng vẫn có thể chế tạo được những sản phẩm ứng dụng tốt” – PGS.TS Hồ Thanh Phong, hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ.
Bước chạy đà tốt nhất cho kỳ thi sắp tới Đó là nhận định của ông Trương Quang Hoài Nam, phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ, về chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ, khi ông tham dự khai mạc ngày hội. Ông Nam nói thêm: “Ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ là cơ hội tốt giúp các em học sinh, các bậc phụ huynh được trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc với các chuyên gia tư vấn hướng nghiệp. Từ đó, giúp các em nhận diện các nhóm ngành nghề, được tư vấn chuyên sâu, gỡ rối hướng nghiệp, sức khoẻ mùa thi, cách thức ôn thi đạt hiệu quả… Có như vậy các em mới có sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi sắp tới và những dự định nghề nghiệp trong tương lai”. Phát biểu tại ngày hội Cần Thơ, ông Tăng Hữu Phong – tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - khẳng định: “Chăm lo cho thế hệ trẻ là một trong những sứ mệnh mà ban biên tập báo Tuổi Trẻ xác định và đeo đuổi, thực hiện liên tục trong nhiều năm qua: từ các chương trình học bổng, các chương trình đào tạo, đến việc tư vấn hướng nghiệp cho các bạn trẻ trước ngưỡng cửa vào đời”. “Hi vọng rằng thông qua ngày hội này, quý phụ huynh và các bạn học sinh sẽ có cái nhìn tổng quan, tường tận về ngành nghề đào tạo của từng trường ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp; góp phần tư vấn cho học sinh chọn ngành nghề phù hợp nguyện vọng, năng lực và điều kiện bản thân” – ông Phong nói. |
Con gái học ngành địa chất, cơ điện… có phù hợp? Trả lời câu hỏi này của học sinh Hà Nội, thầy Hoàng Văn Long, phó phòng đào tạo Trường ĐH Mỏ địa chất, chia sẻ năm 1989 khi thầy vào trường, cả trường có một sinh viên nữ. Nhưng hiện nay tỉ lệ nữ của Trường ĐH Mỏ địa chất là 15-20% và ngày càng có xu hướng tăng. Điều đó cho thấy nữ học các ngành mỏ địa chất không có gì là không phù hợp. Thầy Long cũng nói thêm ở ngành nghề, lĩnh vực nào cũng sẽ có những vị trí làm việc phù hợp với nữ. “Nữ vào học ngành địa chất không có vấn đề gì!” – cô Trịnh Thị Thu Giang (Trường ĐH Khoa học tự nhiên thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội) khẳng định. Cô dẫn chứng: tại khoa địa chất của trường, có một nữ PGS vừa xinh đẹp vừa thành đạt, là chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực ngọc học. Điều này cho thấy ở lĩnh vực nào, ngành nghề nào, nữ cũng có cơ hội thành công nếu có lòng đam mê và sự nỗ lực. Tương tự, nhiều nữ sinh hỏi thầy Nguyễn Phong Điền, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội: “Sinh viên nữ có nên học ngành cơ điện tử, điều khiển tự động hóa, công nghệ thông tin…?”. Thầy Điền khẳng định: “Đây là những nghề đang có tỉ lệ sinh viên nữ khoảng 10% và phần lớn các bạn nữ khẳng định được năng lực học tập của mình, không hề thua kém các bạn nam. Hơn nữa, là thiểu số, các bạn nữ sẽ có nhiều lợi thế, luôn được quan tâm, ưu tiên hơn”. |
Chuyện bên lề * Ở khách sạn để dự ngày hội tư vấn 6g30 sáng 13-3, khu vực nhà hàng khách sạn Cửu Long (Cần Thơ) đã đông… học sinh. Ngay cửa ra vào có hơn 50 balô, túi xách xếp ngay ngắn. Những vị khách này là học sinh đến từ Trường THPT Giá Rai (thị xã Giá Rai, Bạc Liêu) đêm trước nghỉ tại đây. Cô Phạm Thị Thắm – giáo viên chủ nhiệm lớp 12 CB – cho biết nhà trường tổ chức đưa hơn 50 học sinh lớp 12 đi dự ngày hội tại Cần Thơ. * NSƯT Xuân Bắc bị “bao vây” Khu tư vấn của Trường Sân khấu – điện ảnh thu hút rất nhiều học sinh, nhất là nữ sinh, khi có sự xuất hiện của NSƯT Xuân Bắc. Các thí sinh chen lấn để được chụp ảnh chung, xin chữ ký khiến NSƯT Xuân Bắc bị “bao vây” suốt thời gian anh lưu lại khu tư vấn của trường. Ở các khối ngành nghệ thuật, để gây ấn tượng cho thí sinh, các trường này cũng huy động ca sĩ, người mẫu, nhà thiết kế thời trang, các thành viên ban nhạc là sinh viên của trường đến ngày hội tại Hà Nội. * Nghề bay thu hút học sinh Trong gian tư vấn của Học viện Hàng không VN có đặt một mô hình máy bay, tại đây luôn thu hút rất đông học sinh đến giao lưu, tìm hiểu về nghề phi công, tiếp viên hàng không… ThS Nguyễn Mạnh Tuân, phó trưởng phòng đào tạo học viện, cùng các sinh viên trong bộ đồng phục của trường thay nhau giới thiệu đến học sinh những ngành học đặc thù học viện đang đào tạo: quản lý hoạt động bay, điện tử viễn thông hàng không… * Chờ đợi thông tin từ trang iTuyểnsinh Từ sáng sớm, gian giới thiệu thông tin của chuyên trang iTuyểnsinh (sản phẩm hợp tác giữa báo Tuổi Trẻ và Công ty cổ phần TMDV & đầu tư Lấp Lánh – Sparkling) tại ngày hội ở Cần Thơ đã thu hút nhiều học sinh. Các bạn trẻ phải xếp hàng chờ đến lượt mình để tìm hiểu thông tin, nghe tư vấn, trắc nghiệm kiểm tra tính cách… Hầu hết đều bày tỏ mong muốn chuyên trang iTuyểnsinh giúp mình có được thông tin về việc định hướng nghề nghiệp, tư vấn tuyển sinh ĐH, CĐ và kinh nghiệm học tập… * Các học sinh đặc biệt Cùng với học sinh từ các tỉnh ĐBSCL có 15 học sinh là nhà sư đang tu học tại Trường trung cấp Phật học Bali (Sóc Trăng) đến tham dự ngày hội ở Trường ĐH Cần Thơ. Các chuyên gia tư vấn phải gọi các học sinh đặc biệt này là… thầy! Các học sinh này cho biết rất quan tâm đến chính sách ưu đãi cho thí sinh là người dân tộc thiểu số, thí sinh đang tu học… để lựa chọn trường phù hợp với điều kiện của mình. Vì vậy, nhiều học sinh đặc biệt tỏ ra phấn khởi khi có nhiều trường giới thiệu chính sách ưu tiên xét tuyển, ưu tiên miễn giảm học phí cho đối tượng thí sinh trên. Nhiều học sinh đặc biệt đã nhận hồ sơ xin xét tuyển vào các trường thuộc nhóm ngành kinh tế. * Sản xuất dầu cù là tại chỗ Tại gian tư vấn của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, các giảng viên và sinh viên còn tổ chức sản xuất dầu cù là ngay tại chỗ tặng học sinh, khách tham quan. Bước đến gian tư vấn của trường này, ngoài hình ảnh rất bắt mắt của công đoạn chế biến dầu, mùi thơm ngào ngạt của dầu cù là còn luôn tỏa ra khiến mọi người hết sức thích thú. * Nhiều học sinh lớp 11 dự hội Năm nay, tham dự ngày hội tại Cần Thơ có rất nhiều học sinh lớp 11. Đặc biệt, Trường THPT Phong Phú, huyện Cầu Kè (Trà Vinh) còn tổ chức cho 30 học sinh lớp 11 đến Cần Thơ nghe tư vấn. Cô Trịnh Thị Đoàn dẫn các học sinh nói trên đến nghe tư vấn cho biết: “Đây là bước đầu tạo điều kiện cho các em có những hiểu biết cơ bản về quy chế thi, cách chọn ngành, chọn trường… Năm sau tôi sẽ đề xuất nhà trường đưa thêm nhiều học sinh tham dự nữa vì chương trình này rất hay, vừa cung cấp kiến thức bổ ích vừa là cơ hội để các em tiếp cận với các trường, tạo hứng khởi cho các em học tập”. |