Hồn nhiên gian dối
“Để đạt được mục đích mà phải dối trá thì thật đáng hổ thẹn”! Người Nhật thừa nhận họ được như hôm nay là nhờ làm theo những điều như thế từ Fukuzawa Yukichi. Còn chúng ta? Chuyện nhỏ ấy mà, có gì quan trọng đâu!
Hồn nhiên gian dối
“Để đạt được mục đích mà phải dối trá thì thật đáng hổ thẹn”! Người Nhật thừa nhận họ được như hôm nay là nhờ làm theo những điều như thế từ Fukuzawa Yukichi. Còn chúng ta? Chuyện nhỏ ấy mà, có gì quan trọng đâu!
Một câu chuyện mới xảy ra trong tuần: Cháu tôi, 10 tuổi, đang học lớp 4 tại một trường công lập tên tuổi ở TP.HCM. Ở môn tin học, thầy giáo của cậu bé ra một bài tập thế này: Các em hãy tạo cho mình một địa chỉ email của Gmail.
Cậu bé mày mò mãi không được nên cầu cứu đến ba mẹ.
Ba của cậu bé kiểm tra xem vì sao con mình không tạo được mới biết có sự vướng mắc, đó là Gmail từ chối người đăng ký bởi vì ở mục khai tuổi, cậu bé gõ vào đó sinh năm 2006 nên Gmail không chấp nhận vì chưa đủ tuổi!
Ba cậu bé nói với con: Chỉ có một cách là con khai năm sinh lùi lại để đủ tuổi theo quy định.
Nhưng cậu bé không chịu, bảo rằng: Như thế là nói dối. Mà ba mẹ luôn bảo con rằng không được nói dối!
Ba cậu bé tìm hiểu thì được biết đa số bạn bè của con mình đều khai dối nên dễ dàng thực hiện được bài tập của thầy giáo. Liên lạc với thầy giáo thì nghe phán một câu… nhẹ như lông hồng: Ối dào, chuyện ấy có gì quan trọng đâu anh!
“Bây giờ tôi phải làm sao đây? Khuyên con cứ dối đi, chuyện nhỏ ấy mà, để nó như phần đông bạn bè; hay kiên quyết giữ vững lập trường trong việc dạy con là không nói dối để rồi phải trả giá là không đạt trong học tập và trở nên học sinh dị biệt trong mắt thầy giáo, bạn bè?” – ba cậu bé thật sự lúng túng và cầu cứu với mọi người.
Riêng mình, thú thật dù đã làm nghề gõ đầu trẻ 30 năm rồi nhưng tôi cũng thật sự bó tay, không biết mọi người có cao kiến gì tư vấn giùm cho ba cậu bé?
Không biết tôi có nâng quan điểm, biến chuyện nhỏ thành chuyện to hay không, nhưng thật sự câu chuyện nhỏ này khiến tôi băn khoăn. Vì không có cái nhỏ làm sao có cái to và ông bà ta chẳng phải đã có câu “cái sảy nảy cái ung” hay sao?
Hôm nay chúng ta dễ dãi tự nhủ “chuyện nhỏ xíu ấy mà” với việc khuyến khích con trẻ nói dối trong một bài tập tin học, hay chuyện chép bài văn mẫu của người khác mà dư luận đã nhiều năm đề cập thì ngày mai, khi những đứa trẻ ấy trưởng thành, chúng sẽ thiếu trung thực trong những việc lớn hơn – đó là nguyên lý trong chuyện giáo dục con người từ ngàn xưa rồi.
Nhân đây, chợt nhớ đến một sự kiện ồn ào trong tuần – vụ VTV “hồn nhiên” vi phạm bản quyền đến độ YouTube phải xử lý.
Liệu chuyện “hồn nhiên” chép bài văn mẫu, khai dối để đạt mục đích có được địa chỉ email lúc nhỏ đến chuyện “hồn nhiên” lấy clip của người khác xài cho chương trình của mình mà không thèm xin phép, không thèm ghi nguồn có phải là sự liên quan nhân – quả của nền giáo dục không xem chuyện gian dối nhỏ là chuyện lớn?
Fukuzawa Yukichi, nhà tư tưởng vĩ đại của nước Nhật ở thế kỷ 19, đã kể lại một câu chuyện của mình trong cuốn Khuyến học như sau: Trường Keio của ông mời một người Mỹ sang dạy môn văn học Mỹ.
Theo quy định, muốn dạy môn này thì người dạy phải có bằng khoa học, mà người được mời thì không có. Vì thế, phía Bộ giáo dục gợi ý với ông Yukichi là cứ khai mời sang dạy tiếng Anh thôi, còn thực tế vẫn cứ dạy văn học Mỹ.
Nội bộ Trường Keio tranh luận rất dữ dội về chuyện này và không ít người cho rằng đấy chỉ là nói dối không hại ai, để đạt được mục đích tốt đẹp thôi mà! Nhưng cuối cùng quan điểm của ông Yukichi đã chiến thắng, đó là “Để đạt được mục đích mà phải dối trá thì thật đáng hổ thẹn”!
Người Nhật thừa nhận họ được như hôm nay là nhờ làm theo những điều như thế từ Fukuzawa Yukichi. Còn chúng ta? Chuyện nhỏ ấy mà, có gì quan trọng đâu!