01/11/2024

​Khi nào cần giám định ADN?

Giám định ADN được xem là một kỹ thuật không chỉ để xác định mối quan hệ huyết thống, mà còn ứng dụng trong một số lĩnh vực khác. Ông Hà Hữu Hảo, Trưởng phòng phân tích ADN, Viện Pháp Y Quốc gia, cho biết:

 

Khi nào cần giám định ADN?

Giám định ADN được xem là một kỹ thuật không chỉ để xác định mối quan hệ huyết thống, mà còn ứng dụng trong một số lĩnh vực khác.

 

Ông Hà Hữu Hảo, Trưởng phòng phân tích ADN, Viện Pháp Y Quốc gia, cho biết:

– Giám định ADN được thực hiện trong các trường hợp sau: xác định mối quan hệ huyết thống trong các vụ việc dân sự (tìm cha – con, xác định quyền làm cha, trách nhiệm nuôi con trong hoặc ngoài giá thú, thất lạc người thân…); với mục đích xin thị thực di dân; trong các vụ án hình sự (xác định danh tính nạn nhân, hung thủ hiếp dâm, giết người, người mất tích…); xác định danh tính hài cốt liệt sĩ, mồ mả thân nhân bị thất lạc hoặc tranh chấp, nạn nhân chết trong thiên tai thảm hoạ; xây dựng thẻ ADN cá nhân (Chứng minh thư ADN), tàng thư ADN…

* Tính chính xác của phương pháp xác định bằng ADN như thế nào, thưa ông?

– Giám định ADN để xác định mối quan hệ huyết thống là phương pháp chính xác nhất hiện nay. Kết quả giám định ADN để xác định mối quan hệ huyết thống cho phép kết luận người bố (mẹ) nghi vấn có phải là người bố (mẹ) sinh học (bố/ mẹ ruột) hay không. Nếu hai mẫu ADN giữa con và bố (mẹ) nghi vấn trùng khớp với nhau hoàn toàn thì khả năng có cùng huyết thống bố (mẹ) ruột và con sẽ vào tỉ lệ từ 99,999% trở lên. Nếu hai mẫu giám định không trùng khớp từ 2 gen trở lên thì khả năng người bố (mẹ) nghi vấn 100% không phải bố (mẹ) ruột của con. Ngoài ra, có thể xác định huyết thống thông qua họ hàng.

Trong trường hợp không có người cha thì có thể xác định huyết thống không trực hệ theo dòng cha (Y-STR) xác định họ hàng bên nội, với điều kiện những người được giám định là nam giới. Ví dụ xác định huyết thống ông nội – cháu trai, bác (chú) ruột- cháu trai, anh- em trai… Trường hợp tìm họ hàng bên ngoại thì xác định huyết thống không trực hệ theo dòng mẹ (gen ty thể-mtDNA). Ví dụ xác định huyết thống giữa bà-cháu ngoại, mẹ- con, dì- cháu hoặc những người cùng họ hàng bên ngoại… Tuy nhiên xác suất chính xác sẽ thấp hơn so với việc giám định mẫu ADN từ bố (mẹ) và con. 

* Tại VN có những đơn vị nào thực hiện được giám định ADN, thưa ông?

– Tôi không biết chính xác về số lượng các trung tâm đã tham gia giám định ADN, nhưng biết trong nhóm các đơn vị của nhà nước thì có Viện Pháp Y quốc gia, Viện Khoa học hình sự, Viện Pháp Y Quân đội, bên cạnh đó có nhiều đơn vị của tư nhân đã tham gia nhiều năm nay.

* Thưa ông, có trường hợp nào kết quả giám định ADN có sai sót hay không?

– Cũng có những trường hợp có thắc mắc khi họ đi làm ADN (ở các cơ sở khác) thì có kết quả là 2 người cùng là bố. Kết quả giám định ADN phụ thuộc nhiều vào trình độ của giám định viên và máy móc thiết bị được sử dụng. Ý kiến tôi cho rằng các đơn vị của nhà nước vẫn có nghiên cứu sâu và đầu tư bài bản về thiết bị và con người để có kết quả giám định chính xác.

* Cảm ơn ông!