Những anh hùng ‘cứu’ con chữ
Trước sự bành trướng của đế chế smartphone, đâu đó trên thế giới này vẫn còn những người hoài niệm với sách in, trăn trở với văn chương và hành động để cứu lấy chữ viết.
Những anh hùng ‘cứu’ con chữ
Trước sự bành trướng của đế chế smartphone, đâu đó trên thế giới này vẫn còn những người hoài niệm với sách in, trăn trở với văn chương và hành động để cứu lấy chữ viết.
Thành phố nhỏ bé Grenoble nằm trong dãy Alps của nước Pháp đã trở thành điểm sáng trên bản đồ thế giới từ tháng 10 năm ngoái khi mọc lên 8 chiếc máy tặng truyện ngắn. Thêm một tấm lòng thơm thảo của 2 doanh nhân người Pháp, góp sức kéo con người ra khỏi vòng mê hoặc của những thiết bị cầm tay.
Pháp là đất nước của người viết! Theo một khảo sát của Công ty nghiên cứu Ifop năm 2013, có đến 70% dân số nước này từng có một bản thảo trong tay và đa phần chưa xuất bản. Với nỗ lực “chính thức hóa sở thích viết” này, Short Edition đẩy mạnh việc xuất bản miễn phí cho các nhà văn không chuyên mà họ phát triển từ năm 2011. Trang web và ứng dụng (app) của công ty cho đến nay đã xuất bản truyện của gần 10.000 tác giả với “công suất” gần 100 tác giả/ngày. Rồi từ kho truyện này, mọi người bình chọn những truyện hay nhất để sau đó tiếp tục hành trình đến với độc giả qua sách điện tử (ebook), sách nói (audiobook) và cả sách in (printed book). Từ tháng 10.2015, Short Edition thêm một kênh chuyển tải sách nữa khiến các tác giả thêm hào hứng.
Máy tặng truyện ngắn, cho đến nay, mới chỉ có ở Grenoble tại 8 điểm công cộng trong thành phố như tòa thị chính, thư viện, văn phòng du lịch… Hoạt động như một chiếc máy bán hàng tự động, máy phân phát truyện ngắn này không cần bạn phải nhét xu vào mà chỉ cần bấm 1 trong 3 nút: 1 phút, 3 phút và 5 phút. Những con số này là ước tính thời gian mà bạn sẽ đọc hết truyện ngắn. Sau khi đã chọn, một truyện ngắn ngẫu nhiên sẽ được in ra trên tờ biên lai dài như ở siêu thị. Và hoàn toàn miễn phí!
Jess Mateychuk, sinh viên Canada, ngay khi đặt chân đến Grenoble liền vội đi tìm chiếc máy này bởi đây đang là hiện tượng gây sốt trên mạng. Còn William Haettel, nhân viên du lịch, chia sẻ về sự xuất hiện của chiếc máy: “Những điều không có thực đã xảy ra. Du khách Ý còn chụp ảnh selfie với chiếc máy này. Ngay cả mùa du lịch thấp điểm mà chiếc máy còn không kịp phục vụ, chỉ 10 phút là hết giấy in”.
Thay vì mua snack, nước ngọt
Christophe Sibieude, đồng sáng lập của Short Edition, tự hào cho biết những chiếc máy tặng truyện ngắn làm được điều mà các thiết bị di động không làm được: “Để chữ viết không chết!”. Theo Sibieude, chiếc máy cũng đã ra đời đúng thời điểm: “Smartphone đã xóa nhòa ranh giới giữa cuộc sống thật và cuộc sống ảo. Giấy đã tạo cơ hội cho những con mắt được rời khỏi những màn hình lung linh hiện diện khắp nơi. Nếu chuyện này xảy ra cách đây 6 năm thì chưa chắc mọi người đã phản hồi mạnh mẽ về chiếc máy bởi lúc đó smartphone chưa trở thành một phần tất yếu của cuộc sống”.
Sibieude và đồng sáng lập Short Edition – Quentin Pleplé nhớ lại buổi chiều đẹp năm 2013 khi cả hai đang nghỉ giải lao giữa cuộc họp. Cả hai tần ngần đứng trước máy bán hàng tự động bởi thứ mà họ chờ nhận được sẽ chỉ toàn là snack. Rồi một trong hai người, họ không nhớ là ai, thốt lên “giá mà chiếc máy này cho ra truyện ngắn thay vì nước ngọt hay kẹo bánh nhỉ”. “Chúng tôi nói với nhau rằng mình có thể làm được điều tương tự và thay kẹo bánh bằng văn chương phổ thông đích thực để giúp mọi người giết thời gian rỗi”, Sibieude nói với báo Agence-France Presse. Họ chộp ngay ý tưởng này để cho ra mắt máy truyện ngắn đầu tiên một năm sau đó. Sibieude nhớ lại: “Các khách hàng khi thử đều trố mắt ngạc nhiên”. Chiếc máy phiên bản gốc hiện nay được lưu giữ như báu vật dù các nút đều hỏng và font chữ trên màn hình bị lỗi.
Hiệu ứng toàn cầu
Sáng kiến của Sibieude và Pleplé nhận được sự chú ý rộng rãi, khiến cả hai cũng bất ngờ. Họ quyết định dán một tấm bản đồ lên tường ở văn phòng rồi dùng ghim ngôi sao để đánh dấu những nơi mà chiếc máy này được… lên báo. “Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Úc, Đức, Hàn Quốc…”, giám đốc truyền thông của công ty cho biết. Tính đến cuối tháng 1 này, theo báo New Yorker, đã có 230 bài viết liên quan được xuất bản ở 38 nước. “Chúng tôi không nghĩ là mọi người lại quan tâm đến vậy. Món đồ chơi của chúng tôi ít ra cũng giúp vui được người khác”, Sibieude cho biết.
Hiện tại Short Edition đang đưa vào sản xuất chiếc máy này để phục vụ 4 khách hàng ở Pháp, trong số đó có công ty xăng dầu với đơn hàng lên đến hàng trăm cái. Bệnh viện, nhà ga xe lửa, sân bay, công viên vui chơi, bảo tàng, rạp phim cũng rất quan tâm đến chiếc mày. Short Edition hy vọng những chiếc máy sẽ vươn ra khỏi biên giới Pháp trong tương lai gần. Cho đến nay, họ nhận được nhiều lời hỏi thăm từ một trường trung học ở Tunisia, ban tổ chức một festival ở Úc và chuỗi cửa hàng ở Mỹ.
Những người cùng chí hướng
Nỗ lực dùng văn chương khỏa lấp thời gian rỗi rãi của hai nhà sáng lập Short Edition sẽ khó thành hiện thực nếu không có sự ủng hộ của Thị trưởng Grenoble – Eric Piolle. Ngay khi biết được thông tin này, ông Piolle đã thấy được một cách đưa văn hóa đến với các công dân của thành phố. Nổi tiếng là người chống lại chủ nghĩa tiêu dùng, ông Piolle từng chiếm nhiều trang nhất của báo chí Pháp năm 2014 khi cấm quảng cáo trên các đường phố Grenoble. Đối với ông, những chiếc máy in truyện ngắn là sợi dây kết nối công dân và thành phố.
Trong khi đó, kiến trúc sư Corinne Langlois thì nhìn thấy sự hồi sinh của chữ viết. “Trí tưởng tượng và chữ viết đã trở lại trong những năm gần đây”, ông nói và dẫn chứng dự án ở Toulouse năm 2014, theo đó người dân địa phương được mời viết ra những lời chúc của họ để treo trên cây Giáng sinh: Việc in thơ nơi công cộng được khởi xướng đầu tiên ở London năm 1986, sau đó lan đến Paris, New York… Và “chiếc máy đáp ứng nhu cầu tìm kiếm những khoảnh khắc mơ mộng trong một không gian đô thị có cấu trúc tổ chức quá chặt chẽ”, Langlois cho biết.
Thành phố Grenoble đã gia nhập câu lạc bộ một số thành phố vinh danh con chữ. Đó là Toronto (Canada) – nơi thư viện công cộng lắp đặt các ki ốt cho thuê sách tại các nhà ga. Đó là Cluj Napoca (Romania) – nơi sáng kiến Travel By Book tạo điều kiện cho những người đọc sách truyện in đi xe buýt và đi tàu miễn phí. Đó là Boston (Mỹ) – nơi hai dự án xe thô sơ Bibliocyle và xe buýt Storymobile chạy khắp thành phố để phát sách miễn phí cho người đi đường.
Nguyệt Hàn
(Theo New Yorker, Konbini)