23/01/2025

Tết sớm ở trại cai nghiện

Ngày 29-1 là ngày đầu tiên mà thân nhân học viên đang cai nghiện ma tuý tại Trường Giáo dục và giải quyết việc làm số 3 được lên thăm và ở lại “ăn tết sớm” với người thân của mình.

 

Tết sớm ở trại cai nghiện

 

 

Ngày 29-1 là ngày đầu tiên mà thân nhân học viên đang cai nghiện ma tuý tại Trường Giáo dục và giải quyết việc làm số 3 được lên thăm và ở lại “ăn tết sớm” với người thân của mình.

 

 

 

 

Tết sớm ở trại cai nghiện
Học viên cai nghiện đội số 2 tập múa lân biểu diễn trong dịp tết – Ảnh: Tự Trung

 

 

 

Đây được xem là món quà đặc biệt mà ban giám đốc trường dành cho học viên. Từ nhiều tuần trước tết, cán bộ, học viên đã cùng chung tay trang trí, sửa soạn cho những “căn phòng hạnh phúc”.

Dãy nhà hạnh phúc được thiết kế trong một khu biệt lập, có trang trí hoa mai, hoa đào, có giường nệm, drap, gối mới sạch. Bên ngoài kín đáo phủ thêm tấm rèm cửa mới.

Chính thầy cô và các bạn đã giúp tôi tìm lại những kỷ niệm đẹp về ngày tết mà tôi đã đánh mất từ lâu lắm. Tôi cảm nhận đây là cái tết vui nhất, có ý nghĩa nhất và là cái tết tôi tìm lại được chính mình. Cảm ơn ngôi trường này đã cho tôi niềm tin vào bản thân, tin vào những người xung quanh, tin vào cuộc sống và tin mình sẽ vượt qua được sự cám dỗ ma tuý trong tương lai

Học viên PHẠM LÊ THANH TRÚC

Ngày hạnh phúc

Chuyến xe chở thân nhân học viên xuất phát từ Q.Bình Thạnh, TP.HCM đi Trường Giáo dục và giải quyết việc làm số 3 (đóng tại huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương – trực thuộc Lực lượng Thanh niên xung phong TP.HCM) sáng sớm nay có một hành khách rất đặc biệt: bé Phạm Tấn Hưng – mới 3,5 tháng.

Từ phòng trọ ở tận Q.12, chị Trịnh Thị Kim bồng con đi từ lúc mới 4g sáng để kịp giờ xe khởi hành. Ẵm con trên tay, hành trang của người mẹ trẻ không có gì ngoài chiếc balô đựng mấy cái tã giấy, vài bộ quần áo, bình sữa, bột ăn giặm cho con.

Đúng 6g xe chạy. Một cơn gió ùa qua lạnh buốt, có tiếng xuýt xoa: “Em bé nhỏ vậy, đi chi cho xa, cho lạnh!”. Chị Kim kéo chiếc áo khoác và siết chặt con vào lòng như truyền thêm hơi ấm rồi nói khẽ: “Cũng biết vậy, nhưng tết tới nơi rồi. Từ lúc sanh nó tới giờ ảnh chưa biết mặt con, chỉ nhìn hình chụp thằng nhỏ em gửi lên thôi. Bữa nay bồng nó lên cho ba con gặp nhau”.

Hai mẹ con chị Kim được bố trí ở tại “nhà hạnh phúc số 5”. Và khi Phan Minh Tuấn – ba của bé Hưng – đẩy cửa phòng bước vào, Kim không nói được câu nào, nước mắt bắt đầu rơi lã chã khi nhìn Tuấn ngượng ngùng đón lấy con từ tay mình, bỡ ngỡ áp gương mặt đã nhuốm màu nắng gió vào má con rồi thì thầm nựng nịu.

Tuấn trầm giọng nói: “Nhìn thấy thằng nhỏ như vầy, chỉ biết tự hứa với lòng phải ráng bỏ cho được ma tuý để 
về nuôi vợ, nuôi con”.

Gần tết, công ty đang nhiều việc nhưng chị Nguyễn Thị Phương Thảo, làm công nhân cho một công ty đông lạnh ở huyện Hóc Môn, cũng bấm bụng năn nỉ chủ cho nghỉ hai ngày để đưa con trai út mới 21 tháng tuổi lên thăm chồng.

Và khi anh Nguyễn Hoàng Anh – chồng chị – nhìn thấy hai mẹ con chị, đôi mắt anh đã đỏ hoe. Anh ôm riết con trai vào lòng, hôn khắp mặt mũi, chân tay.

Anh đưa hai mẹ con ra chỗ cành mai, cành đào mà anh em trong đội vừa trang trí xong trước “căn phòng hạnh phúc” để chụp tấm hình làm kỷ niệm, rồi nói: “Tết xa nhà, có vợ có con lên thăm, ở với mình ít ngày như vậy là tôi hạnh phúc lắm rồi”.

Để tết xa không lạnh

Gần hết giờ thăm nuôi, bà Võ Thị Mai Trinh, quê An Giang, vẫn được cán bộ quản lý học viên “du di” cho dẫn bạn gái của con trai vô thăm.

“Quy định của trường chỉ có người thân mới được thăm. Nhưng tui nói hai đứa nó sắp cưới, năn nỉ riết mấy ảnh cũng thông cảm cho vô vì tết nhứt tới nơi rồi” – bà Trinh nói. Chắt bóp tiền làm lúa, làm mướn dưới quê, bà Trinh cắc củm đem lên cho con được 
gần 800.000 đồng ăn tết.

Bên bàn thăm nuôi, bà cụ Khưu Thị Khá (năm nay 71 tuổi) ngồi nhìn con trai út 31 tuổi của mình đang ăn nhãn. Mang tiếng lên thăm con dịp tết nhưng bà mẹ nhà quê này chỉ đủ tiền mua cho con 2kg nhãn để “nó ăn đỡ thèm”.

Ngồi kế bên, anh Huỳnh Hữu Thắng thủ thỉ: “Năm ngoái giờ này ở nhà lo tết với bà già. Năm nay ở trong này buồn hơn nhưng cũng may là trường tổ chức rất nhiều hoạt động thể thao, vui chơi nên em cũng đỡ tủi thân. Mỗi khi thấy má là thêm một lần em muốn bỏ ma tuý”.

Để học viên có được cái tết ấm cúng, nhiều cán bộ, giáo dục viên của trường đều phải hi sinh những ngày tết của mình để bám trụ tại trường, tổ chức các hoạt động vui xuân cho học viên.

Anh Phan Thượng Hoành, đội phó đội 2 Trường Giáo dục và giải quyết việc làm số 1 – người có hơn 10 mùa ăn tết tại trường, kể: “Nhớ nhất là những lần đi đến từng phòng để chúc tết học viên khi giao thừa. Có những anh bình thường lầm lì, khó gần là vậy nhưng khi trải qua những ngày chuẩn bị tết với nhau, nghe mấy lời chúc tết chân tình thì ôm chầm lấy chúng tôi mà khóc”.

Anh Nguyễn Văn Bình, phó chỉ huy trưởng Lực lượng Thanh niên xung phong TP.HCM, cho biết tết năm nay là một cái tết đặc biệt khi là năm đầu tiên các trường, trại của Lực lượng Thanh niên xung phong TP tiếp nhận đối tượng cai nghiện không có nơi cư trú ổn định.

Anh cho biết: “Đây đa số là những em, cháu không gia đình, sống lang thang, cơ nhỡ, hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn tình cảm. Do vậy, chúng tôi xác định các hoạt động chăm lo tết cho học viên phải thật thiết thực cả về mặt vật chất lẫn tinh thần để học viên có những ngày tết thật sự ấm cúng, vui vẻ.

Chúng tôi muốn học viên hiểu rằng nhà trường, gia đình, xã hội luôn ở cạnh họ, cùng họ vượt qua giai đoạn khó khăn 
này trong cuộc đời”.


MAI HƯƠNG