23/01/2025

Vì sao nhiều học sinh không chọn sư phạm?

Theo nhiều nguồn thống kê những năm gần đây, sinh viên học ngành sư phạm đa số có hộ khẩu ở tỉnh. Trong khi đó, nhiều trường THPT tại các thành phố lớn, số lượng học sinh đăng ký xét tuyển vào ngành này nhiều năm qua rất khiêm tốn.

 

Vì sao nhiều học sinh không chọn sư phạm?

Sinh viên Khoa Sư phạm mầm non Trường ĐH Sài Gòn thực tập ở các trường mầm non - Ảnh minh họa: Đ.N.T

Sinh viên Khoa Sư phạm mầm non Trường ĐH Sài Gòn thực tập ở các trường mầm non – Ảnh minh hoạ: Đ.N.T

Theo nhiều nguồn thống kê những năm gần đây, sinh viên học ngành sư phạm đa số có hộ khẩu ở tỉnh.

Trong khi đó, nhiều trường THPT tại các thành phố lớn, số lượng học sinh (HS) đăng ký xét tuyển vào ngành này nhiều năm qua rất khiêm tốn, chủ yếu là nữ, thường chọn vào nghề sư phạm mầm non.

Dự một buổi tư vấn tuyển sinh tại Q.Tân Bình, TP.HCM vừa qua, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Trong lúc nhiều gian triển lãm của các trường CĐ, ĐH HS tấp nập lui tới thì gian của trường sư phạm đìu hiu, vắng vẻ. Hiếm hoi lắm mới có một vài em vào muốn biết thông tin.

Nhiều năm gắn bó với HS khối 12, hiểu nguyện vọng, suy nghĩ và cảm xúc của các em trong việc lựa chọn nghề nghiệp, chúng tôi hiểu phần nào nguyên nhân tại sao nhiều HS không mặn mà với nghề giáo.

Trong hoạt động ngoài giờ lên lớp cho HS lớp 12 với chủ đề: “Tôn sư, trọng đạo”, chúng tôi đã làm một cuộc thăm dò để hiểu được sự đánh giá, tình cảm, thái độ của HS về nghề dạy học và hình ảnh của người thầy dưới cái nhìn của các em qua câu hỏi: “Em có dự định chọn học vào ngành sư phạm không? Tại sao có/hoặc không?”. Hầu hết HS trả lời không.

Nhiều lớp không có HS nào chọn vào ngành này. Về nguyên nhân, đa số các em cho rằng nghề giáo cần phải nghiêm túc, gương mẫu, nên không hợp với tính cách. Một nửa số em được khảo sát cho rằng nghề giáo vất vả, gò bó, không được tự do mà thu nhập lại thấp. Cá biệt lắm mới có những em chọn theo học vì yêu thích, hoặc có cha mẹ đang là giáo viên nên khuyên con nối nghiệp. Điều đáng nói là những HS có lực học khá, giỏi, xuất sắc thường không chịu làm thầy.

Cuộc khảo sát nhỏ trên chỉ là những nét chấm phá nhưng cho ta suy nghĩ về bức tranh rộng trong xu hướng chọn nghề của HS hiện nay và vị trí của nghề dạy học. Ta đã quá quen với các hô hào, khẩu hiệu, như giáo dục là quốc sách, giáo dục phải đi trước một bước, đầu tư cho giáo dục là sự đầu tư khôn ngoan… Và ta cũng đã có nhiều ưu đãi cho sinh viên sư phạm. Nhưng xem ra bài toán về xây dựng một nền giáo dục tiên tiến, mà quan trọng nhất là có được cái gốc – từ năng lực người thầy quả là còn quá nhiêu khê!

Làm sao và bao giờ HS mặn mà với nghề dạy học?

Trần Ngọc Tuấn 
(Giáo viên tại TP.HCM)