Người nghệ sĩ chống IS bằng âm nhạc
Cùng với cây đàn cello, người nhạc trưởng dàn nhạc giao hưởng quốc gia Iraq, Karim Wasfi, đã có mặt ở những nơi còn nguyên mùi chết chóc.
Người nghệ sĩ chống IS bằng âm nhạc
Cùng với cây đàn cello, người nhạc trưởng dàn nhạc giao hưởng quốc gia Iraq, Karim Wasfi, đã có mặt ở những nơi còn nguyên mùi chết chóc.
Nghệ sĩ Wasfi với tiếng đàn cello giữa cảnh hoang tàn do IS gây ra tại Iraq – Ảnh: YouTube |
Ông đến, để sẻ chia nỗi đau, nhưng quan trọng hơn, để vực dậy những trái tim tan nát của những người đang sống
Một khu chợ đang sôi động, ồn ã bỗng chốc trở thành nấm mồ chôn tập thể sau khi một quả bom bất ngờ phát nổ.
Câu chuyện và cảnh tượng ấy, thật kinh khủng, đang trở thành điều “bình thường” với những người dân đang sống ở phía đông thủ đô Baghdad, Iraq. Những kẻ thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã gieo kinh hoàng cho họ, với cái chết có thể đến bất cứ lúc nào.
Chơi đàn bên đống tro tàn nghi ngút khói bom
Nhưng có một lần, những âm thanh da diết đã vang lên khiến người dân sực tỉnh khi đang đau đớn. Những người vừa đối mặt với vụ đánh bom trước đó vài giờ ngơ ngác ngoái đầu nhìn về nơi phát ra âm thanh kỳ lạ đó.
Họ nhận ra người nhạc trưởng nổi tiếng Karim Wasfi của Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Iraq đang ngồi chơi đàn trên đống tro tàn còn nghi ngút khói bom.
“Những con phố này vẫn còn nguyên trạng sau thảm họa, còn nguyên những cảnh tượng hãi hùng, thậm chí còn nguyên mùi chết chóc” – Wasfi đã mô tả về “sân khấu đặc biệt” của ông như vậy.
Ngày hôm ấy người nhạc trưởng đã kéo một đoạn trong khúc nhạc Nỗi sầu tang tóc Baghdad do ông sáng tác. Những người đi qua khu vực quận Mansour dần dừng lại, từng người một, tạo thành đám đông. Có người rút điện thoại ra ghi âm. Mọi người ôm nhau. Nụ cười, nước mắt òa vỡ.
Mọi người tiến mỗi lúc một gần hơn tới chỗ Wasfi. Trong lúc cùng nhau thưởng thức bản nhạc da diết, họ thấy như gắn kết với nhau hơn và dứt ra được nỗi khiếp đảm của những chiếc xe chở đầy thuốc nổ đã và đang bủa vây.
Đó là cảnh tượng của lần đầu tiên nhạc trưởng Wasfi chơi đàn sau vụ đánh bom tại Baghdad. Câu chuyện được nhiều người biết tới hơn khi người bạn thân của ông, Ammar al-Shahbander, đưa lên mạng. Nhiều tuần sau đó, một quả bom đã cướp đi sinh mạng của chính al-Shahbander.
Ngày hôm sau, ông Wasfi mặc trang phục màu trắng, tới chơi đàn tại chính nơi bạn mình đã chết. Và ông cứ tiếp tục làm như thế. Dần dà nó trở thành một chiến dịch mà ông gọi đó là chiến dịch Âm nhạc vì hoà bình.
Kể từ tháng 4 đến nay, ông đã tới chơi đàn cho những người xấu số ở hơn một chục địa điểm bị đánh bom.
Với ông, những kẻ khủng bố đã giết chết ngay lập tức một số người, nhưng kinh khủng hơn, chúng đã “cầm tù” rất nhiều những người đang sống.
Bọn IS không từ một ai trong lúc tấn công. Đó có thể là những người bạn thân đang tán gẫu ở một quán cà phê, hay một đứa trẻ đang sung sướng mua được viên kem giải nhiệt giữa ngày hè.
Mục đích của chúng là tấn công vào cuộc sống bình thường mỗi ngày, tấn công vào sự bình yên của tâm trí. Và ông muốn giành lại không gian sống ấy cho người dân.
Ông chọn cách đi tới những nơi bị đánh bom để tấu lên khúc nhạc phản kháng, để xoa dịu trái tim đau của những người đang sống, tiếp sức cho họ mạnh mẽ hơn tiến về phía trước.
Xua tan nỗi tuyệt vọng
Cậu thanh niên 18 tuổi Mustafa Abdel-Jabbar là một trong những người cảm thấy đã được âm nhạc của ông Wasfi giúp đỡ.
Một ngày, khi đang tới trường, Abdel-Jabbar phát hiện ra ông Wasfi khi cậu đang cúi gằm mặt đi và hai mắt dán vào những đống đổ nát vung vãi trên đường.
Âm thanh từ chiếc đàn cello của ông Wasfi đã kéo ánh mắt của chàng thanh niên về phía ông và cậu chợt thấm thía thông điệp của người nghệ sĩ.
Sau đó, Abdel-Jabbar đăng ký trở thành sinh viên của Trung tâm Hoà bình vì nghệ thuật của ông Wasfi. Tại đó cậu có thể hát và chơi đàn violon. Abdel-Jabbar nói: “Những kẻ khủng bố đe doạ chúng tôi bằng thuốc nổ, vũ khí và cái chết, chúng tôi trả lời chúng bằng âm nhạc”.
Ông Wasfi cho biết ông đã chứng kiến tác động diệu kỳ của âm nhạc khi chơi đàn cho 53 đứa trẻ phải tới trú tạm tại một đền thờ Hồi giáo ở Baghdad sau khi bị IS xua đuổi khỏi hai thành phố Ramadi và Falluja.
Những ngày đầu, bọn trẻ chẳng biết gì ngoài những chiếc xe tăng. Khi ông chơi cho chúng nghe bản nhạc của Bach, chúng ngồi túm tụm quanh ông và hỏi Bach là ai và cứ muốn chạm vào chiếc lông đuôi ngựa trên cây vĩ.
Nhưng tới lần thứ ba ông trở lại, bọn trẻ đã bắt đầu nói chuyện với nhau về những điều như vì sao các ngôi sao lại sáng, những điểm giống nhau giữa các tôn giáo là gì và việc chấp nhận người khác là một lựa chọn như thế nào…
Ở thị trấn Karrada, vẫn còn vết sẹo chiến tranh mãi chưa thể lành sau khi một quả bom làm hơn 50 người chết và 100 người khác bị thương.
Những đống đổ nát vẫn chưa được dọn dẹp. Wasfi đã tới đó chơi đàn. Với “vũ khí” trong tay là một cây vĩ và chiếc cello, người nghệ sĩ lại ngân vang những giai điệu da diết, với hi vọng xua tan nỗi tuyệt vọng tại nơi này.