Những kịch bản tồi tệ của kinh tế thế giới 2016
Các chuyên gia của trang Huffington Post đã đưa ra các đánh giá về khả năng xảy ra tình huống và mức độ nghiêm trọng của nó. Hãng tin kinh tế Bloomberg đã giới thiệu 10 kịch bản kinh tế tồi tệ cho năm 2016.
Những kịch bản tồi tệ của kinh tế thế giới 2016
Các chuyên gia của trang Huffington Post đã đưa ra các đánh giá về khả năng xảy ra tình huống và mức độ nghiêm trọng của nó.
Lắp đặt hệ thống thông khí mới tại một văn phòng công ty ở Thượng Hải (Trung Quốc). Sau những năm tháng phát triển nóng, Trung Quốc đang trả giá từ nạn ô nhiễm – Ảnh: Reuters |
Hãng tin kinh tế Bloomberg đã giới thiệu 10 kịch bản kinh tế tồi tệ cho năm 2016.
1. Dầu thô lên 100 USD/thùng
Có một loạt sự kiện xấu sẽ xảy ra nối tiếp nhau: lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trên đà thua cuộc quấy phá bằng cách tấn công các cơ sở sản xuất và lọc dầu chính, mức sản xuất dầu của thế giới cũng bị rối loạn do một loạt sự kiện như bạo lực bùng phát trở lại ở vùng đồng bằng Niger, rối loạn chính trị ở Venezuela và lãnh đạo Algeria Abdelaziz Bouteflika qua đời.
Song song đó, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) không thể tăng mức sản xuất…
Mức độ khả thi: 3/10. Mỗi sự kiện nêu trên có khả năng xảy ra cao, nhưng khả năng chúng xảy ra liên tiếp trong giai đoạn 12 tháng tới lại rất thấp.
Mức độ nghiêm trọng: 7/10. Giá dầu vọt lên thẳng đứng trong khi kinh tế thế giới, đặc biệt kinh tế Trung Quốc và châu Âu, đang ở vị thế mong manh thì có thể dẫn đến tình trạng suy thoái toàn cầu. Trong hoàn cảnh đó, việc khai thác khí đá phiến sẽ tăng trở lại để bù đắp và sau đó giá dầu lại giảm.
2. Anh rời Liên minh châu Âu (EU)
Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố sẽ trưng cầu ý dân để Anh rời EU vào tháng 6.
Ông Boris Johnson, vị thị trưởng London rất được lòng dân, quyết định tiến hành chiến dịch lật đổ ông Cameron và thành công. Các ngân hàng và quỹ đầu tư rời nước Anh, sau đó sẽ là các hoạt động kinh tế.
Mức độ khả thi: 4/10. Khó có khả năng Anh rời EU. Người Anh có thái độ ngờ vực với EU, nhưng cũng sợ nguy cơ khó khăn khi rời EU. Chiến dịch vận động trưng cầu ý dân sẽ là một kiểu chiến dịch “hù doạ”, trong đó các chính trị gia giải thích với cử tri rằng rời EU sẽ là “thảm hoạ”.
Mức độ nghiêm trọng: 1/10. Thực tế nếu Anh rời EU thì ảnh hưởng kinh tế gần như không có gì. Nước Anh không xài đồng euro nên xem như chính sách đồng tiền chung cũng không bị xem lại.
Về mặt “danh tính”, Anh rời EU nhưng vẫn ở trong Cộng đồng kinh tế châu Âu, theo kiểu như Na Uy và Thụy Sĩ dù không làm thành viên EU nhưng lại có nền kinh tế phát triển hơn EU.
3. Hệ thống tài chính thế giới rúng động vì bị tin tặc tấn công
Tin tặc Nga và Iran liên kết với nhau tấn công phối hợp nhắm vào hệ thống tài chính Mỹ nhằm trả đũa các quyết định trừng phạt kinh tế. Các giao dịch trên thị trường tài chính ngừng trệ, đồng USD và các giá trị tài chính khác sụp đổ; vàng và bất động sản cao cấp sẽ bùng nổ giá.
Mức độ khả thi: 5/10. Những nguy cơ liên quan đến tấn công mạng là rất quan trọng do tính phức tạp và đan xen trong hệ thống tin học hiện nay.
Mức độ nghiêm trọng: 7/10. Vụ tấn công nếu có xảy ra và thành công sẽ dẫn đến suy thoái toàn cầu, do lẽ thị trường mất lòng tin vào các thể chế tài chính và các hệ thống tin học vốn là nền tảng của hoạt động kinh tế hiện nay.
4. EU tan rã:
Các thành viên EU bị tấn công hàng loạt theo kiểu tấn công xảy ra tại Paris ngày 13-11-2015, trong khi đó cuộc khủng hoảng di cư từ Trung Đông tiếp tục gia tăng, gây rối loạn. Thủ tướng Đức Angela Merkel bị đẩy đến chỗ từ chức do quyết định tiếp nhận người di cư trong năm 2015.
Các đảng cực hữu thắng thế khắp châu Âu. Cuộc khủng hoảng gây lo ngại về đồng euro và từ đó các hiệu ứng domino xảy ra liên tiếp, dẫn đến sự tan rã thể chế cộng đồng chung.
Mức độ khả thi: 4/10. Khả năng xảy ra khủng bố vẫn cao và cuộc khủng hoảng di cư sẽ làm tăng sức mạnh cho các đảng cực hữu, nhưng lịch sử đã cho thấy các thể chế của châu Âu từng phản kháng được những kiểu khủng hoảng nghiêm trọng như thế này.
Mức độ nghiêm trọng: 8/10. Sự phân rã, rối loạn của EU sẽ dẫn đến cuộc khủng hoảng chính trị rất nghiêm trọng và mang tính căn cơ ở châu Âu. Khu vực cộng đồng kinh tế hàng đầu thế giới không còn tồn tại cùng đồng tiền chung sẽ dẫn đến khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Nhưng cũng phải thấy rằng khi đồng tiền chung không còn sẽ có thể là khởi đầu cho sự khởi động mới của các nền kinh tế châu Âu.
5. Khủng hoảng kinh tế và chính trị ở Trung Quốc
Rõ ràng trong vài năm gần đây kinh tế Trung Quốc không còn “khỏe” như trước. Tình trạng thất nghiệp đông có thể dẫn đến những cuộc nổi loạn ở các khu công nghiệp. Chính quyền trung ương đáp trả bằng cách trấn áp, kiểm duyệt…
Song song đó, nước Mỹ, dưới sự lãnh đạo của một tổng thống mới chuyên quyền hơn, quyết liệt đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông và vấn đề Đài Loan. Bên quân đội lên nắm quyền ở Bắc Kinh và cuộc khủng hoảng địa chính trị toàn cầu bùng nổ.
Mức độ khả thi: 6/10. Các số liệu kinh tế Trung Quốc bị cho là “được thổi phồng” nên kinh tế Trung Quốc bị ví như lâu đài cát.
Thể chế chính trị Trung Quốc còn yếu và vai trò chính trị của cánh quân đội còn rất quan trọng dù ít được thể hiện công khai. Vì thế, khả năng đối đầu Mỹ – Trung vẫn có thật.
Mức độ nghiêm trọng: 7-10/10. Mức độ được tính theo biên độ vì nó tuỳ thuộc vào diễn tiến sự vụ. Ở mức thấp nhất thì cuộc khủng hoảng kinh tế – chính trị ở Trung Quốc sẽ dẫn đến suy thoái toàn cầu.
Ở mức độ cao nhất, cuộc khủng hoảng địa chính trị do đối đầu với Mỹ sẽ có thể dẫn đến chiến tranh hạt nhân…
(Còn tiếp)