29/11/2024

Có đúng “giáo viên không phải lo thanh tra”?

Đọc tựa bài “Giáo viên không phải lo thanh tra” mà cảm thấy mừng rơn. Nhưng cái mừng chỉ thoáng chốc, chúng tôi lại trở về với thực tế, với những gì nhà trường và người giáo viên đang trực tiếp giảng dạy phải đối mặt với thanh tra trong mỗi học kỳ.

 

Có đúng “giáo viên không phải lo thanh tra”?

 

 

Đọc tựa bài “Giáo viên không phải lo thanh tra” mà cảm thấy mừng rơn. Nhưng cái mừng chỉ thoáng chốc, chúng tôi lại trở về với thực tế, với những gì nhà trường và người giáo viên đang trực tiếp giảng dạy phải đối mặt với thanh tra trong mỗi học kỳ.



 


 

 

 

Đầu năm học thanh tra chuyên môn, phó phòng GD-ĐT, chuyên viên chuyên môn cùng hơn 10 cán bộ thanh tra là hội đồng bộ môn về trường.

Sau khi dựng xe, các cán bộ thanh tra không vào văn phòng mà đi thẳng vào các lớp để dự giờ. Thậm chí có cán bộ thanh tra vào lớp học đang có tiết… trả bài kiểm tra cũng dự. Rồi dự giờ xong là rút kinh nghiệm dài dằng dặc.

Chỉ chỗ này chưa được, chỗ khác còn chưa hợp lý. Không sử dụng đồ dùng dạy học thì bắt bẻ là dạy chay, dùng thì góp ý chưa khai thác hết hiệu quả của đồ dùng dạy học. Rồi nào là học sinh thụ động, giáo viên còn chưa linh hoạt trong những phương pháp giảng dạy, chưa thực hiện hết các bước lên lớp.

Có bao giờ cán bộ thanh tra nghĩ rằng đâu phải học sinh ở đâu cũng giỏi, đâu phải lớp nào cũng áp dụng máy móc tuần tự các bước lên lớp, đâu phải bài nào cũng cần sử dụng đồ dùng dạy học.

Đó là chưa kể giáo viên và học sinh đang dạy và học mà có một vài người lạ vào… giám sát thì làm sao tự nhiên được! Khi góp ý hồ sơ sổ sách thì bắt bẻ từng câu chữ, từng kế hoạch.

Đối với tổ trưởng, ngoài quy định hồ sơ sổ sách như bộ đã ban hành, thanh tra đòi thêm sổ theo dõi ngày công, sổ kế hoạch sử dụng đồ dùng dạy học, sổ theo dõi sử dụng đồ dùng dạy học, kế hoạch đổi mới, kế hoạch tích hợp và rất nhiều loại sổ… trời ơi khác.

Khi trường và các tổ trưởng thắc mắc những loại sổ này không nằm trong quy định, hoặc không cần thiết và chồng chéo với các loại sổ khác, các bộ phận khác đã có thì thanh tra nói rằng ban giám hiệu và tổ trưởng chuyên môn phải có để theo dõi giáo viên…

Ôi, ban giám hiệu và tổ trưởng chuyên môn người ta cũng phải dạy, phải làm các công việc hành chính khác quan trọng hơn chứ thời gian đâu theo dõi mấy cái việc vô lý như đoàn nêu.

Hết thanh tra đầu năm lại đến thanh tra toàn diện giáo viên, thanh tra kiểm tra học kỳ, cuối năm vẫn là điệp khúc cũ, bắt lỗi và chỉ lỗi. Nào là ma trận đề chưa đúng với tinh thần chỉ đạo, phần nhận biết và thông hiểu không giống với các đơn vị khác.

Làm sao mà giống được khi nếu đơn vị này học sinh khá hơn thì phần thông hiểu nhiều hơn, nhưng nếu yếu hơn thì phần nhận biết phải nhiều hơn. Bởi bao giờ ngành cũng chỉ đạo là “ra đề thi phù hợp với đối tượng học sinh”.

Ngoài thanh tra chuyên môn thì còn vô số cuộc thanh tra khác như thanh tra phổ cập, thanh tra tài chính, thanh tra về vệ sinh, thanh tra y tế, thanh tra Đoàn – Đội, thanh tra cảnh quan môi trường…

Nhưng, đợt thanh tra khiến ban giám hiệu và giáo viên ngán nhất là thanh tra đánh giá ngoài các đơn vị trường học. Bởi vì cái này mới triển khai vài năm gần đây nhưng khi đoàn về thì đòi rất nhiều nguồn minh chứng cho các tiêu chuẩn và tiêu chí đánh giá.

Làm sao mà giáo viên lưu giữ được giáo án giảng dạy năm năm, làm sao mà giáo viên chủ nhiệm lưu những loại văn bản như: biên bản họp lớp, biên bản bầu ban cán sự lớp, biên bản vi phạm học sinh…

Các loại kế hoạch hay sổ sách thì ban giám hiệu, các tổ trưởng chuyên môn, các giáo viên chủ nhiệm có thể giữ và lưu lại, chứ giáo án và các loại biên bản sinh hoạt lớp thì giáo viên giữ lại làm gì, nhất là những giáo viên chưa có nhà đang phải ở trọ nay chỗ này, mai chỗ khác thì những cái không quan trọng họ làm sao giữ được. Mà nếu giữ thì thanh tra có kiểm hết, có đọc hết không?

Xin thưa chỉ cần một giáo án ngữ văn 9 đã có 700-800 trang (175 tiết/năm học) và trong giáo án văn 9 này có 22 bài kiểm tra viết, nhân với số học sinh, số lớp…. 

Chỉ cần đọc giáo án và bài kiểm tra của một giáo viên dạy thì một cán bộ thanh tra phải mất gần một tuần. Trong đó cả trường có cả trăm giáo viên, trường loại 3 cũng vài chục giáo viên mà chỉ có mấy cán bộ thanh tra trong vòng… một buổi hoặc một ngày! Vậy thì bắt giáo viên chuẩn bị lưu giữ có chỉ là hình thức không?

Bộ vẫn nói một đằng và cơ sở vẫn làm một nẻo, vẫn hạch sách, vẫn bắt bẻ vô lý là chuyện hằng ngày của thanh tra giáo dục hiện nay.

Nói thì hay…

Gần trăm ý kiến bạn đọc là giáo viên đã phản hồi về câu chuyện thanh tra. Phần lớn giáo viên đều không tin là sẽ hết lo sợ thanh tra…

* Chất lượng giáo dục không phải là kết quả thanh tra hay đổi mới phương pháp liên tục hoặc đổi mới sách giáo khoa. Quan trọng nhất là kết quả học tập của học sinh được đánh giá một cách khách quan nhất.

Tùy vùng miền, tuỳ đối tượng mà có cách dạy phù hợp. Chất lượng học sinh không căn cứ trên chỉ tiêu chính thức hay không chính thức mà các cấp của ngành giáo dục quy định. Tất cả căn cứ từ thực tế.

Bỏ được bệnh thành tích, giáo viên được trang bị đầy đủ đồ dùng, trang thiết bị dạy học và có quyền trong việc đánh giá chất lượng học sinh thì mọi chuyện sẽ tốt mà không cần tiêu quá nhiều tiền của Nhà nước như hiện nay. (Cong – congsung@…com)

* Đây là vấn nạn của ngành giáo dục mà hàng chục năm nay không thay đổi. Học sinh tiểu học bị giày vò nhiều nhất. Giáo viên kiểm tra, nhà trường kiểm tra, phòng kiểm tra…

Nỗi lo lắng học hành bị nhắc nhở phê bình thường xuyên khiến nhiều em không còn biết niềm vui mỗi ngày nữa. Thật tội nghiệp các em quá!(Trần Thị Thuý)

* Thanh tra chả có tác dụng gì, tôi nghĩ đánh giá giáo viên chỉ có học sinh và phụ huynh đánh giá là hợp lý nhất.

Hai chục ông thanh tra về “quần” hai ngày, trong khi trường chưa đến 20 giáo viên, thế thì họ thanh tra cái gì?

Họ nhận xét chữ “đạt” trong môn thể dục phải là “Đ” chứ không phải “đ”. Giáo viên nhận xét sổ đầu bài phải là “lớp chú ý” chứ không được ghi là “chú ý” vì sợ cán bộ phòng đọc sẽ hiểu nhầm là “con bò ở ngoài đồng nó chú ý đến lớp học”. Họ sẽ hỏi tại sao giờ toán này có đến năm, bảy em có điểm miệng?

Kiểm tra nhiều thế thì thời gian đâu dạy bài mới (nhưng họ không biết là tiết luyện tập thì thậm chí có cả chục em lên bảng), họ cũng sẽ nhận xét cái bìa giáo án không được trang trí nhiều thứ…

Mệt lắm các bác thanh tra ạ! (Sỹ Tiến)

* Nói thì hay nhưng bao giờ mới thực hiện được. Nói giảm bớt hồ sơ, sổ sách cho giáo viên như ở huyện tôi, mỗi giáo viên cứ phải trên chục loại hồ sơ sổ sách mới đủ.

Bây giờ lại vẽ ra cái kiểm định chất lượng giáo dục mọi người chép hồ sơ năm năm trước thoải mái. Xin hỏi thời gian đâu nghiên cứu bài giảng?

Ước gì các cấp lãnh đạo biết được thực trạng giáo viên chúng tôi hiện nay! (Pham Thang)

NGUYỄN CAO