10/01/2025

Không từ bỏ ước mơ

Hè năm 1982, tôi khăn gói vào Sài Gòn thi đại học lại lần 2 vào Trường đại học Nông nghiệp 4, Khoa Cơ khí nông nghiệp với suy nghĩ đơn giản là ngành nông nghiệp không quan trọng bằng công nghiệp, chắc mình sẽ được xem xét cho học.

 

Báo Thanh Niên và tôi: Không từ bỏ ước mơ

 

Hè năm 1982, tôi khăn gói vào Sài Gòn thi đại học lại lần 2 vào Trường đại học Nông nghiệp 4, Khoa Cơ khí nông nghiệp với suy nghĩ đơn giản là ngành nông nghiệp không quan trọng bằng công nghiệp, chắc mình sẽ được xem xét cho học.




Nguyễn Mạnh Huy khi làm thợ mộc (1987) – Ảnh: nhân vật cung cấp


Năm đó tôi thi được 22 điểm (điểm đậu vào ngành tôi dự thi là 16). Nhưng một lần nữa tôi vẫn không được đi học vì lý lịch. Đã một lần rồi, nên lần này tôi không còn thấy hụt hẫng nhiều, chỉ thấy buồn. Nhiều người khuyên tôi, thôi đừng đi thi nữa, họ không cho học đâu, hãy kiếm lấy một nghề nào đó mà sống. Khi đó, tôi biết nghề làm kẹo mè xửng nhưng nghề này làm thời vụ, bấp bênh. Khi ấy, bà nội tôi có quen một người mở cơ sở cưa xẻ gỗ đã nhờ ông ấy đưa tôi vào làm công nhân phụ thợ cưa. Và tôi, đành gác ước mơ vào đại học, đi làm công nhân khuân vác gỗ. Có điều kỳ lạ là khi đó tôi không thấy chán nản, mà vẫn vui vẻ làm việc và làm rất tích cực, không nề hà công việc nặng nhọc, nhưng trong lòng thì vẫn cứ ao ước được đi học đại học!

Tôi làm khuân vác khoảng một năm, bà nội tôi mới xin dượng tôi – là chồng cô ruột tôi – khi đó có một cơ sở mộc chuyên gia công các sản phẩm đồ gỗ – cho tôi vào học làm thợ mộc để có một cái nghề ổn định. Thế là tôi đi học nghề thợ mộc. Bà nội tôi còn ít tiền dành dụm phải nuôi tôi để tôi yên tâm học nghề với lời nhắn nhủ “con cố gắng học thành thợ sớm chứ nội không có nhiều tiền để nuôi con lâu”. Thương nội, tôi chăm chỉ học nghề. Học được 6 tháng, tôi có thể đóng được các đồ gỗ đơn giản như ghế đẩu, ghế dựa nên xin dượng cho ra làm riêng. Vừa làm tôi vừa để ý các thợ khác và hoàn thiện tay nghề mình, dần dà tôi đóng được các sản phẩm khó hơn như tủ, giường và đến khi tôi xin nghỉ để thi lại đại học lần cuối vào năm 1987, thì tôi đã đóng được các sản phẩm cao cấp như salon, tủ thờ, tủ đứng…
Mặc dù yên phận làm thợ mộc, nhưng trong lòng tôi vẫn không thôi day dứt về ước mơ vào đại học, nhất là những lúc đến mùa thi. Năm 1986, tôi nghe đến từ đổi mới và thấy xã hội có nhiều biến chuyển, chính sách ngày càng cởi mở hơn, và thế là hy vọng của tôi trỗi dậy. Ban đầu âm ỉ, nhưng sau đó là bùng phát vào đầu năm 1987 và tôi quyết tâm thi lần nữa với một sự thôi thúc cháy bỏng là mình sẽ được đi học. Nghỉ học đã 5 năm, kiến thức đã quên nhiều, nên tôi nghĩ để thi đậu mình phải nghỉ làm một thời gian để tập trung ôn tập thì mới hy vọng. Cũng may là qua thời gian làm thợ mộc, tôi cũng có được ít tiền tích lũy để có thể tự nuôi sống trong thời gian ôn tập (lúc này nội tôi đã mất).
Thế là tôi lại bắt tay vào học với tất cả nhiệt huyết như khi thi lần đầu. Mùa hè năm đó (1987) tôi lại nộp đơn dự thi vào Trường đại học Bách khoa TP.HCM. Tôi đã chọn ngành dự thi mà tôi nghe qua cũng hơi lạ là ngành kỹ thuật công nghiệp, nghe thật chung chung, chẳng biết học ra có thể làm việc ở đâu, nhưng nghĩ mình lý lịch xấu cứ chọn ngành lạ may ra sẽ được đi học (sau này vào học thì mới biết đó là ngành kỹ thuật công nghiệp in). Năm đó, tôi thi được 22,5 điểm (ngành tôi chọn điểm đậu là 16 điểm). Khi biết điểm, tôi khấp khởi mừng và hy vọng mọi điều sẽ tốt đẹp hơn. Nhưng cũng như hai lần trước, các bạn đủ điểm đậu lần lượt đi học, còn tôi thì chờ mãi vẫn không thấy giấy báo nhập học. Tôi lại xuống ban tuyển sinh để hỏi và câu trả lời tôi nhận được vẫn là KHÔNG ĐƯỢC ĐI HỌC VÌ LÝ LỊCH.
Tôi thất vọng, tôi không hiểu được tại sao lại như vậy, tại sao không ai để ý đến nỗ lực, sự cố gắng kiên trì của mình bao nhiêu năm qua. Rồi cảm thấy uất ức, lần này thì tôi nghĩ mình không thể im lặng được nữa và tôi quyết phải hỏi cho ra lẽ, phải khiếu nại lên cấp cao hơn. Thế là tôi viết một lá đơn trình bày hoàn cảnh và những nỗ lực của bản thân xin cứu xét gửi cho Trung ương Đảng qua đường bưu điện. Sau đó, tôi có nhận được thư hồi âm của Văn phòng Trung ương Đảng báo là có nhận được đơn của tôi và đã chuyển về cho tỉnh xem xét. Vừa chờ, tôi vừa nghĩ có lẽ mình cũng nên nhờ Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp can thiệp, nhưng chắc là phải mang đơn ra tận nơi trình bày sự việc thì may ra mới có kết quả. Thế là tôi bán chiếc đồng hồ Seiko – tài sản giá trị nhất của tôi khi đó – lấy tiền để anh tôi đi Hà Nội gặp lãnh đạo Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Anh tôi đến trực tiếp Bộ trình bày hoàn cảnh và xin cứu xét, họ nói anh tôi cứ về đi, họ sẽ xem xét rồi có ý kiến với tỉnh sau, nhưng anh tôi không chịu, nhất quyết ở lại nằn nì xin họ cứ làm công văn gửi cho ban tuyển sinh để anh tôi mang về. Giao công văn cho ban tuyển sinh, chúng tôi khấp khởi hy vọng. Nhưng chờ một tuần, rồi hai tuần, chúng tôi cũng chẳng thấy có biến chuyển gì. Tôi lại đến ban tuyển sinh và họ vẫn trả lời KHÔNG ĐƯỢC ĐI HỌC. (Còn tiếp)

Nguyễn Mạnh Huy