29/11/2024

Một tháng tôi ăn 50 gói mì, có sao không?

Rất nhiều câu hỏi thú vị của bạn đọc về việc tưởng chừng đơn giản hàng ngày là ăn mì gói thế nào đã được gửi đến chương trình giao lưu trực tuyến do Tuổi Trẻ Online tổ chức sáng nay 14-12.

 

Một tháng tôi ăn 50 gói mì, có sao không?

 

 

 

Rất nhiều câu hỏi thú vị của bạn đọc về việc tưởng chừng đơn giản hàng ngày là ăn mì gói thế nào đã được gửi đến chương trình giao lưu trực tuyến do Tuổi Trẻ Online tổ chức sáng nay 14-12.  


 

 




Đồ họa: Việt Thái
Đồ hoạ: Việt Thái

Đại diện báo Tuổi Trẻ tặng hoa cho bà Trần Việt Nga, Phó cục trưởng Cục An toàn thựcc phẩm, Bộ Y tế - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Đại diện báo Tuổi Trẻ tặng hoa cho bà Trần Việt Nga, Phó cục trưởng Cục An toàn thựcc phẩm, Bộ Y tế – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Một tuần ăn mấy gói mì là hợp lý, có sử dụng gói bột nêm và dầu chiên trong gói mì không, làm sao biết mì nào an toàn, nếu lỡ ăn quá nhiều mì rồi có cần phải “rửa ruột” giải độc không?… là những câu hỏi đã được các chuyên gia giải đáp cặn kẽ. 

Tham dự giao lưu trực tuyến có các khách mời:

– Bà Trần Việt Nga, cục phó Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế;

– Thạc sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương, trưởng Đơn vị Tiêu hoá can thiệp BV Nguyễn Tri Phương, giảng viên ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

NỘI DUNG BUỔI GIAO LƯU: 

* Thưa bà Nga, nếu có nghi ngờ về chất lượng thực phẩm, người dân nên đến đâu để kiểm tra? (minh@) Xin nhờ Cục An toàn thực phẩm chỉ hộ cách phát hiện chất có hại không màu, không mùi, không vị, hiện diện trong thực phẩm với. Em kiểm nghiệm bằng cảm quan không tài nào phát hiện được, hỏi các anh hùng vị giác, thị giác, khướu giác, thính giác, xúc giác họ cũng lắc đầu quầy quậy và bảo: Tớ chịu! (Tám Khỏe)

Bà Trần Việt Nga - cục phó Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế:

 
Bà Trần Việt Nga, Phó cục trưởng Cục an toàn thực phẩm, Bộ Y tế tại buổi giao lưu trực tuyến ở báo Tuổi Trẻ - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Bà Trần Việt Nga, Phó cục trưởng Cục an toàn thực phẩm, Bộ Y tế tại buổi giao lưu trực tuyến ở báo Tuổi Trẻ – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Khi có nghi ngờ về chất lượng thực phẩm, người dân có thể đến một số cơ quan kiểm nghiệm thực phẩm, như ở Hà Nội là Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, Viện Dinh dưỡng quốc gia; ở TP.HCM là Viện Y tế công cộng TP. Ngoài ra 63 tỉnh thành đều có Trung tâm Y tế dự phòng có thể xét nghiệm.

Người dân có thể khiếu nại tới Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng hoặc thông báo cho các cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm trong cả nươc.

Để phát hiện một chất có hại trong thực phẩm dù không màu, mùi hay có màu, mùi đều rất khó phát hiện bằng cảm quan.

Đối với một sản phẩm thực phẩm, để khẳng định có chứa chất độc hại hay không đầu tiên phải kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất ra loại thực phẩm đó để xác định khâu nào có nguy cơ và kiểm nghiệm sản phẩm cuối cùng thì mới có thể khẳng định được.

Xét nghiệm trong phòng kiểm nghiệm là khó khăn với từng người tiêu dùng, vì vậy Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân nên lựa chọn và mua thực phẩm ở những địa chỉ tin cậy, đảm bảo hợp vệ sinh.

Ngoài ra nếu có điều kiện, người tiêu dùng có thể sử dụng những bộ xét nghiệm nhanh, đã được Cục An toàn thực phẩm cấp chứng nhận lưu hành, để kiểm tra sàng lọc.

Tuy nhiên Cục An toàn thực phẩm cũng xin nhấn mạnh đối với những bộ xét nghiệm nhanh này chỉ xét nghiệm được một số chỉ tiêu, hoá chất trong thực phẩmvà cũng chỉ xét nghiệm định tính.

Muốn có kết quả chính xác vẫn phải kiểm nghiệm tại các la bo.

* Không phải người dân nào cũng hiểu được thành phần dinh dưỡng in trên bao bì. Nhiều lúc đưa chất có hại cho sức khoẻ vào cơ thể không hề biết. Cơ quan chức năng nghĩ thế nào về vấn đề này? (Huyen@)

Làm sao phân biệt được thực phẩm chế biến sẵn là có hàm lượng an toàn khi đọc phần thông tin trên bao bì, có thể phần thông tin ấy phải là người trong ngành, biết về dinh dưỡng mới hiểu được? (Long)

 Bà Trần Việt Nga: Chúng tôi cũng hoàn toàn hiểu được về quan điểm này. Chính vì vậy Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế luôn chú trọng hướng dẫn người tiêu dùng về những điểm cần lưu ý khi đọc thông tin trên bao bì sản phẩm.

Hiện nay, các thông tin bắt buộc trên nhãn thực phẩm để đảm bảo an toàn thực phẩm đã được quy định tại Thông tư liên tịch số 34, giữa Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn và Bộ công thương. Trong đó, những thông tin người tiêu dùng nên lưu ý khi chọn thực phẩm bao gói sẵn như thời hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng, bảo quản…

Ngoài ra, trên nhãn sản phẩm cũng có các thông tin cảnh báo đối với các nguy cơ về an toàn thực phẩm nếu có.

Đối với các thông tin về dinh dưỡng, quy định hiện hành chưa bắt buộc ghi trên nhãn sản phẩm, trừ thực phẩm chức năng, thực phẩm dành cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, liên Bộ cũng khuyến khích nhà sản xuất ghi các thông tin này theo hướng dẫn của Uỷ ban tiêu chuẩn hoá thực phẩm quốc tế (Codex).

Đối với người tiêu dùng, khi lựa chọn sản phẩm thực phẩm cần xem kỹ nhãn mác để lựa chọn được sản phẩm phù hợp với nhu cầu sử dụng của mình và gia đình. Ví dụ đối với người bị bệnh tiểu đường khi mua bánh quy nên chọn loại không có chứa đường mía thông thường, hay người thừa cân béo phì nên chọn sản phẩm không hoặc ít chứa dầu mỡ…

* Thưa bác Phương, nếu trước đây đã ăn quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn rồi thì bây giờ phải “rửa ruột” làm sao cho loại bớt hoá chất trong người? (Linh)

* Có loại thuốc nào hoặc luyện tập môn thể thao nào giúp thải độc cơ thể nhanh hơn? (baoluoi@)

– Thạc sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương, trưởng Đơn vị Tiêu hoá can thiệp BV Nguyễn Tri Phương, giảng viên ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch:

Ông Hùng Thuật, Phó tổng thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ (phải) tặng hoa cho Thạc sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương tại buổi giao lưu - Ảnh: Hữu KhoaÔng Hùng Thuật, Phó tổng thư ký toà soạn báo Tuổi Trẻ (phải) tặng hoa cho Thạc sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương tại buổi giao lưu – Ảnh: Hữu Khoa

Thức ăn chế biến sẵn khi lưu hành trên thị trường đã được kiểm định chặt chẽ, các hương liệu, phụ gia sử dụng đều được kiểm tra và nằm trong giới hạn cho phép.

Do đó, không có chuyện bạn ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn thì bây giờ bị nhiễm độc trong người và cần phải thải độc ra.

Tuy nhiên, khi ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn thì bạn có thể gặp những vấn đề sau đây:

– Mất cân bằng dinh dưỡng

– Thiếu chất xơ và rau xanh

– Khó tiêu hóa hơn bình thường, nhất là những người có bệnh về dạ dày, ruột vì thường thực phẩm chế biến sẵn sẽ có hương liệu, cũng như được sấy khô và có chất bảo quản (tất cả các chất này đều được sử dụng trên người và trong ngưỡng an toàn cho phép).

Hiện tại, không có thuốc nào để loại bỏ những chất độc trong cơ thể. Cơ thể ta chỉ có thể loại bỏ những độc chất nói chung qua những con đường sau đây:

– Hít thở không khí qua đường hô hấp

– Tiết mồ hôi qua da

– Thận lọc nước tiểu và bài tiết ra ngoài

– Gan hóa giải chất độc rồi thải qua đường mật và thải ra ngoài qua đường phân

Do đó, để thải độc cơ thể, cạn cần áp dụng các biện pháp sau đây:

– Nên bỏ ít nhất 30 phút mỗi ngày để tập thể dục, nhất là tập thở, hít thật sâu và thở ra thật mạnh đều đặn

– Uống đủ nước (ít nhất 2 lít/ngày)

– Nên vận động thường xuyên, tránh ngồi một chỗ

– Ăn nhiều rau xanh để giúp tiêu hoá dễ dàng, đồng thời dễ dàng thải chất độc theo đường phân ra ngoài.

Bạn tuyệt đối không nên tự ý uống các lọai thuốc xổ để rửa ruột vì rất nguy hiểm.

* Có thông tin cho rằng ăn uống không sạch, không an toàn sẽ gây đại dịch ung thư trong 5 năm tới. Bà nghĩ sao? Các biện pháp của Bộ Y tế trong việc ngăn chặn thực phẩm không sạch, không an toàn xuất hiện trên thị trường là gì? (lan@)

-  Bà Trần Việt Nga: Theo công bố của Tổ chức Y tế thế giới năm 2014, tỷ lệ tử vong do ung thư ở VN đứng thứ 78/172 quốc gia, về tỷ lệ mắc, VN không nằm trong top 50 quốc gia có số mắc cao nhất.

Tỷ lệ tử vong do ung thư ở VN đứng thứ 78/172 quốc gia, về tỷ lệ mắc, VN không nằm trong top 50 quốc gia có số mắc cao nhất.

Tuy nhiên, có rất nhiều nguyên nhân gây ung thư như gen di truyền, điều kiện môi trường, trong đó có nguyên nhân do thực phẩm chứa các chất độc hại. Nhưng cho đến nay chưa có số liệu nào khẳng định thực phẩm không an toàn sẽ gây đại dịch ung thư trong 5 năm tới.

Để đảm bảo ngăn chặn được thực phẩm không an toàn xuất hiện trên thị trường, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Bộ Công thương đã triển khai hàng loạt biện pháp cụ thể như ngoài việc nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng, người sản xuất kinh doanh thực phẩm, thì việc thanh tra kiểm tra tại các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, chế biến và bán thực phẩm được tăng cường mạnh mẽ, với các tần suất thanh kiểm tra tăng lên, xử phạt nghiêm, công bố công khai tên và địa chỉ các cơ sở vi phạm.

Đồng thời, Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm của các nước, để tiếp nhận và trao đổi thông tin cảnh báo về các sản phẩm không an toàn. 

* Nước ta đứng top đầu thế giới về xuất khẩu gạo, nhưng thực phẩm ăn nhanh lại không có nhiều sản phẩm đóng gói từ gạo, theo bà giữa thực phẩm ăn nhanh chế biến từ gạo và mì ăn liền, bánh mì thường gặp hiện nay thì loại nào an toàn hơn? Theo bà, nên làm gì để có những thực phẩm ăn liền an toàn? (anh@)

Bà Trần Việt Nga: Để có một sản phẩm an toàn thì từ khâu sử dụng nguyên liệu, sơ chế, chế biến, kinh doanh, bảo quản và tiêu dùng đều phải tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm.

Các thực phẩm ăn nhanh chế biến từ gạo, mì ăn liền hay bánh mì nếu đảm bảo các khâu trên an toàn thì đều an toàn, chứ không thể nói sản phẩm chế biến từ gạo thì an toàn hơn bột mì. 

* Nhiều sản phẩm được nhà sản xuất nói là không dùng chất bảo quản, hương liệu nhân tạo, nhưng chất lượng sản phẩm lại đồng đều nhau và giữ được lâu. Vậy nhà sản xuất nói có đúng về sản phẩm của mình không, thưa bà? (vandan@)

Bà Trần Việt Nga: Một sản phẩm thực phẩm đã qua chế biến, bao gói sẵn trước khi lưu thông trên thị trường đều phải công bố hợp quy hoặc phù hợp quy định an toàn thực phẩm với các cơ quan có thẩm quyền của ngành y tế. Vì vậy nếu nhà sản xuất công bố không dùng chất bảo quản, hương liệu nhân tạo thì phải chứng minh được điều này với các cơ quan quản lý.

Còn khi sản phẩm lưu thông trên thị trường, cơ quan chức năng sẽ tiến hành hậu kiểm, đối chiếu với các thông tin đã công bố, nếu có vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Cùng với sự phát triển của công nghiệp thực phẩm, chất bảo quản và hương liệu được sử dụng nhiều trong các sản phẩm chế biến công nghiệp. Bộ Y tế đã ban hành danh mục các phụ gia thực phẩm, hương liệu được phép sử dụng trong thực phẩm với hàm lượng nhất định. Danh mục naỳ hoàn toàn phù hợp với danh mục của Uỷ ban Codex quốc tế.

Vì vậy, việc sử dụng các chất phụ gia, hương liệu trong danh mục cho phép, đúng đối tượng và liều dùng thì vẫn đảm bảo an toàn cho sức khoẻ con người.

* Đã có loại mì nào được nhà quản lí kiểm tra chất lượng chưa? (Nguyễn Hồng Nhung, 40 tuổi, truongnhung74@)

Bà Trần Việt Nga: Theo quy định trong Luật An toàn thực phẩm, thực phẩm qua chế biến, bao gói sẵn phải công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm trước khi lưu thông trên thị trường. Mì ăn liền cũng phải trải qua khâu kiểm tra chất lượng như vậy.

Danh mục các sản phẩm thực phẩm đã công bố hợp quy, phù hợp quy định an toàn thực phẩm được Cục An toàn thực phẩm công bố công khai trên trang web của Cục ở địa chỉ www.vfa.gov.vn. Người tiêu dùng có thể truy cập để tìm hiểu thông tin khi lựa chọn thực phẩm.

* Xin bác sĩ cho cháu hỏi: Ăn đồ chế biến sẵn nhiều có gây vô sinh ở giới trẻ không? Hoặc các bệnh nào là dễ gặp phải nhất? (thuattoan@)

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương: Những thức ăn chế biến sẵn không rõ nguồn gốc, chưa được cơ quan chức năng kiểm định có thể lẫn những chất phụ gia, hương liệu không được phép lưu hành, có lẫn tạp chất hoặc kim loại nặng. Do đó, có thể gây vô sinh nếu ăn phải, thậm chí hư gan, hư thận.

Ngoài ra, không chỉ riêng thực phẩm đóng gói mà ăn thực phẩm tươi bị tẩm ướt hoá chất (ví dụ như tinh chất cà phê, vàng O trong chăn nuôi….) thì có thể gặp phải những vấn đề sức khỏe này.

Xin nhấn mạnh là nếu ăn thức ăn chế biến sẵn thường xuyên (mà lười nấu ăn như bình thường) sẽ dễ mất cân bằng dinh dưỡng và dẫn đến những bệnh như thừa cân, béo phì…

* Gửi bà Trần Việt Nga, cục phó Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế. Bà đánh giá thế nào về chất lượng mỗi gói mì của Việt Nam so với Hàn Quốc (chất lượng dinh dưỡng, thành phần hoá học, tác động sức khỏe ). 

Trong khi giá thành nguyên liệu của Việt Nam nếu tính ngang giá sức mua với Hàn Quốc thì cũng rẻ hơn. Và bà nghĩ gì về việc hàng ngày truyền hình ra rả quảng cáo mì gói với hình ảnh trẻ em ăn mì một cách ngon lành? (Lê Quang Đại, 25 tuổi, lequypro91@)

– Bà Trần Việt Nga: Mỗi sản phẩm chế biến thường phù hợp với nhu cầu và khẩu vị của người tiêu dùng ở địa phương hay quốc gia đó.

Ví dụ món ăn khu vực phía Nam thường ngọt và cay hơn món ăn ở phía Bắc. Đối với sản xuất bia thì tỷ lệ nguyên liệu sử dụng cũng phụ thuộc vào khẩu vị của người tiêu dùng ở đó.

Đối với mì ăn liền nói riêng và các thực phẩm nói chung, nhà sản xuất sẽ nghiên cứu thị hiếu của người tiêu dùng để phát triển ra những sản phẩm phù hợp.

Về phía Bộ Y tế, các sản phẩm mì ăn liền đã lưu hành đều đã được kiểm tra về tính an toàn của sản phẩm, còn mì đó có ngon hay không còn phụ thuộc vào khẩu vị của người tiêu dùng.

Mì gói không nằm trong nhóm hạn chế hoặc bị cấm quảng cáo. Quảng cáo mì gói thì đã có quy định theo Luật quảng cáo. Bộ Công thương cũng đã ban hành quy định về quảng có các sản phẩm thuộc đối tượng quản lý của Bộ công thương trong đó có mì ăn liền.

* Bác sĩ ơi, một tuần được ăn mấy bữa thức ăn chế biến sẵn mì gói, miến gói, phở gói vậy bác sĩ? nên phối hợp với thức ăn tươi như thế nào để tiết kiệm thời gian nếu bận đột suất? (gigi@)

Bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương trả lời câu hỏi của bạn đọc báo Tuổi Trẻ - Ảnh: Hữu Khoa
Bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương trả lời câu hỏi của bạn đọc báo Tuổi Trẻ – Ảnh: Hữu Khoa

 Thạc sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương: Hiện nay chưa có nghiên cứu nào xác định tần suất tối thiểu và tối đa của việc ăn thức ăn chế biến sẵn như mì gói, miến gói, phở gói trong một tuần.

Tuy nhiên, về mặt khoa học, ví dụ một gói mì cung cấp khoảng 400kcal cho cơ thể, chiếm khoảng 1/6 nhu cầu năng lượng hằng ngày của cơ thể. Tuy nhiên, năng lượng cung cấp khoảng 50% từ tinh bột và khoảng 40-45% từ chất béo nên sẽ thiếu chất xơ và các vitamin, không có sự cân bằng dinh dưỡng.

Như vậy, những thức ăn liền này rất hiệu quả để giải quyết nhu cầu năng lượng cấp bách trong những trường hợp như thiên tai, lũ lụt hoặc khi chúng ta quá đói mà không có điều kiện đi chợ nấu ăn (ví dụ như ban đêm hay ở vùng sâu, vùng xa…). Điểm thứ hai là những thức ăn này rất hợp khẩu vị và ngon.

Bản thân tôi trong những lúc cần thiết vẫn sử dụng mì ăn liền.

Theo ý kiến cá nhân, để hợp lý cho nhu cầu dinh dưỡng thì chúng ta chỉ sử dụng những sản phẩm đóng gói này 1-2 lần/tuần là tối đa.

Để bảo đảm vấn đề dinh dưỡng, khi ăn những loại mì ăn liền, miến gói, phở gói, bạn cần lưu ý các điểm sau:

– Nấu mì gói với nước sôi một lần rồi đổ nước đó đi. Sau đó, dùng sợi mì nấu với nước sôi lần thứ hai để ăn. Cách làm này giúp giảm bớt những chất bảo quản còn tồn trong sợi mì (mặc dù những chất bảo quản này hoàn toàn an toàn và được phép sử dụng).

– Thêm một vài lát thịt, rau xanh…

* Làm thế nào để phân biệt được đâu là mì an toàn, và mì có hại cho sức khoẻ, khi mà các nhà sản xuất đua nhau quảng cáo không đúng sự thật? (Nguyễn Văn Lâm, 60 tuổi, ngvanlam35@)

– Bà Trần Việt Nga: Sản phẩm nào đã được công bố chất lượng tại các cơ quan có thẩm quyền của ngành y tế, có bao gói lành lặn, ghi nhãn đầy đủ thì đều đảm bảo an toàn.

Người tiêu dùng cần đọc kỹ nhãn mác trước khi mua hàng để lựa chọn được đúng loại mì phù hợp với nhu cầu sử dụng của mình.

Bên cạnh đó, theo khuyến cáo về dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng, có một số thực phẩm cần ăn hạn chế, trong đó có muối, đường, dầu mỡ.

Vì vậy để có chế độ dinh dưỡng hợp lý, người tiêu dùng cần cân đối các loại thực phẩm trong bữa ăn, để không ăn các thực phẩm có chứa quá nhiều những nhóm trên.

* Các cơ quan quản lý Nhà nước cần có biện pháp gì để bảo vệ người tiêu dùng trước hàng loạt sản phẩm mì gói tràn lan trên thị trường, từ có nguồn gốc đến không có nguồn gốc, hiện nay? (Huệ Nguyễn Viết, 57 tuổi, yeng15758@)

– Bà Trần Việt Nga: Sản phẩm đã được công bố chất lượng và có nguồn gốc rõ ràng thì đều được phép lưu thông trên thị trường, còn các sản phẩm không có nguồn gốc là sản phẩm vi phạm.

Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo 389 về phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, theo đó các Bộ ngành cũng thành lập Ban chỉ đạo 389 của Bộ ngành mình để kiểm soát, hạn chế tối đa các sản phẩm không nguồn gốc được nhập khẩu và lưu thông trên thị trường.

Thời gian vừa qua, Ban chỉ đạo 389 T.Ư cũng đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan phát hiện và bắt giữ hàng loạt vụ buôn bán, sản xuất thực phẩm không rõ nguồn gốc, buôn lậu. 

* Thưa bác sĩ, những triệu chứng nào thường thấy nhiều nhất khi lạm dụng mì ăn liền, thức ăn chế biến sẵn? (dangden@)

– Thạc sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương: Khi lạm dụng thức ăn chế biến sẵn nhiều mà không ăn uống như bình thường, bạn sẽ dễ gặp các vấn đề về tiêu hoá như đầy bụng, mau no, táo bón.

Ngoài ra, một số ít người mẫn cảm với chất điều vị (MSG) thường có trong gói bột nêm sẽ có triệu chứng mệt, hồi hộp, tê tay chân, chóng mặt sau khi ăn.

Tuy nhiên, không riêng gì thức ăn chế biến sẵn, ngay cả nấu ăn bình thường mà nêm nếm nhiều bột nêm, bột ngọt thì những người mẫn cảm với MSG vẫn gặp phải những triệu chứng này.

* Căn cứ nào cho người tiêu dùng để biết được mì ăn liền sản xuất ra là an toàn? Vì việc xác nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm thường do doanh nghiệp tự lấy mẫu để được cơ quan nhà nước xác nhận, thời hạn được đến 3 năm. Trong thời gian đó làm sao chứng minh được mì là an toàn trong khi người tiêu dùng không thể lấy gói mì đi kiểm nghiệm? (Nguyễn Quốc Tuấn, 33 tuổi, Bsb4evervn@)

– Bà Trần Việt Nga: Một sản phẩm thực phẩm đã qua chế biến, bao gói sẵn trước khi lưu thông trên thị trường phải được công bố hợp quy và phù hợp quy định an toàn thực phẩm.

Khi đó, doanh nghiệp tự lấy mẫu và gửi đến các labo để kiểm nghiệm sản phẩm của mình để có cơ sở cam kết về độ an toàn của sản phẩm. Đây là trách nhiệm của người sản xuất kinh doanh đối với thực phẩm của mình sản xuất ra theo quy định của Luật An toàn thực phẩm.

Cơ quan quản lý sẽ tiếp nhận hồ sơ và cam kết đó của doanh nghiệp. Trong thời hạn 3 năm, định kỳ và đột xuất cơ quan quản lý sẽ lấy mẫu hậu kiểm, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, chế biến để đánh giá sự tuân thủ quy định pháp luật của doanh nghiệp.

Ngoài ra, theo quy định tại nghị định số 38 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm, doanh nghiệp phải định kỳ tự kiểm soát chất lượng sản phẩm của mình và nộp cho cơ quan quản lý khi có yêu cầu và khi làm thủ tục gia hạn công bố sản phẩm.

Doanh nghiệp nào không tuân thủ sẽ không được tiếp tục đưa sản phẩm ra lưu thông trên thị trường. 

* Thưa bác sĩ, dậy thì sớm có phải là tác dụng phụ của việc lạm dụng thức ăn chế biến sẵn? (tuoitrebenlau@)

– Thạc sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương: Chưa có nghiên cứu nào chỉ ra rằng việc lạm dụng thức ăn chế biến sẵn sẽ gây dậy thì sớm, vì tất cả những thành phần trong thức ăn chế biến sẵn đều an toàn và được sử dụng trên người.

Tuy nhiên, việc sử dụng thức ăn chế biến sẵn chứa trong những ly, tách, tô, nồi … nhất là sản phẩm từ nhựa mà không được kiểm định chặt chẽ (bị lẫn tạp chất Phthalates) sẽ dễ dẫn đến rối loạn nội tiết như dậy thì sớm.

Ngoài ra tiếp xúc thường xuyên với các sản phẩm đồ chơi trẻ em sản xuất từ nhựa không được kiểm định chặt chẽ cũng dễ bị nhiễm chất Phthalates này và dễ dẫn đến tình trạng vô sinh, dậy thì sớm, rối loạn nội tiết. 

* Hiện nay, các quầy hủ tiếu gõ có các loại mì không bao bì, nhãn mác… Những loại mì như thế này gây ảnh hưởng thế nào? Cục An toàn thực phẩm đề xuất quản lý các loại mì này như thế nào? (Phan Văn Phép, 68 tuổi, phanvphep1947@)

Bà Trần Việt Nga:  Do đặc thù của thị trường thì có những sản phẩm được bao gói, có dán nhãn, nhưng có những sản phẩm có thời gian tiêu thụ ngắn, trong ngày như bún, phở, mì tươi thì không bắt buộc phải bao gói và ghi nhãn.

Tuy nhiên, việc sản xuất kinh doanh các sản phẩm này vẫn phải tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. Vì vậy không thể nói mì không bao gói là không an toàn.

Còn với mì qua chế biến, có thời hạn sử dụng dài hơn thì bắt buộc phải bao gói và ghi nhãn mác đầy đủ, người tiêu dùng chỉ nên lựa chọn những sản phẩm có ghi nhãn với đủ các thông tin theo quy định.

* Cho em hỏi bác sĩ Phương: em bị đau bao tử 6 năm rồi. Vậ̣y em ăn nhiều mì gói có hại gì không? Em xin cám ơn bác sĩ. PHAN THANH TÙNG, 39T tuổi, phanthanhtung1405@)

– Thạc sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương: Những người viêm loét dạ dày thì không nên sử dụng mì gói hay những sản phẩm ăn liền đóng gói khác, vì hệ tiêu hoá sẽ khó khăn hơn khi xử lý các thức ăn này, dễ gây triệu chứng khó chịu cho bạn.

* Thưa bà Nga, theo bà công nghệ sản xuất mì ăn liền nào là an toàn? (thangle@)

– Bà Trần Việt Nga: Để sản xuất ra một loại thực phẩm an toàn thì toàn bộ các khâu từ lựa chọn nguyên liệu, sơ chế, chế biến, bảo quản đều phải tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, như sử dụng nguyên

Viện Dinh dưỡng đã khuyến cáo không nên ăn quá nhiều thực phẩm chiên rán, chứa nhiều muối, đường.

liệu có nguồn gốc, không chứa các chất độc hại, đảm bảo điều kiện vệ sinh thiết bị và nơi sản xuất, sử dụng phụ gia và hương liệu theo đúng quy định.

Đối với mì ăn liền, thế giới hiện nay có hai loại công nghệ là mì qua chiên và không chiên.

Tùy thuộc khẩu vị của người tiêu dùng, nếu nhà sản xuất tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm thì các sản phẩm sản xuất ra sẽ an toàn.

Tuy nhiên, về dinh dưỡng hợp lý thì Viện Dinh dưỡng đã khuyến cáo không nên ăn quá nhiều thực phẩm chiên rán, chứa nhiều muối, đường.

Vì vậy, người tiêu dùng nên lưu ý khuyến cáo này để có một bữa ăn an toàn và dinh dưỡng hợp lý cho mình và gia đình.

* Theo bác sĩ Phương có nên dùng gói gia vị có sẵn trong gói mì? (lananh@)

– Thạc sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương: Gói bột nêm trong mì gói là hoàn toàn an toàn, được phép sử dụng, và quan trọng là nó tạo mùi vị ngon cho gói mì. Do đó, không có lí do gì mà bạn từ chối sử dụng gói gia vị này.

Tuy nhiên, có một vài lưu ý:

– Những người bị bệnh tim mạch, cao huyết áp hoặc những người có bệnh thận thì không nên sử dụng gói gia vị này vì dư muối,

– Những người có tiền sử mẫn cảm với bột ngọt (hay mì chính) thì không nên sử dụng gói gia vị này,

– Những người đang bị loãng xương hoặc phụ nữ tuổi mãn kinh thì chỉ sử dụng một phần của gói gia vị, không nên sử dụng hết cả gói gia vị có sẵn. Vì có thể chất phốt-phát trong thành phần bột nêm nếu lạm dụng nhiều có thể làm loãng xương.

* Mì ăn liền thường được gọi là mì tôm? Có phải vì có tôm trong đó, thưa bà? (ha@)

– Bà Trần Việt Nga: Theo quy định về ghi nhãn thực phẩm, các thành phần có trong thực phẩm sẽ phải công bố trên nhãn, như vậy nếu có tôm thì mới được công bố là có tôm, nếu sử dụng hương tôm thì công bố là sử dụng hương tôm. Vì vậy, người tiêu dùng cần đọc kỹ nhãn mác trước khi lựa chọn.

* Thưa bác sĩ, cho con hỏi ăn mì gói nhiều quá có gây nóng trong người không? Ăn mì gói như thế nào là tốt ạ? Con cảm ơn nhiều ạ! (Quách Phát Thắng, 17 tuổi, changemylifenow124@)

– Thạc sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương: “Nóng trong người” là một khái niệm của y học phương Đông. Trong Tây y không có khái niệm này.

Tuy nhiên, về mặt khoa học, nếu ăn nhiều mì gói thì năng lượng tạo ra sẽ không cân đối giữa các thành phần, dễ gây béo phì.

Ngoài ra, ăn thường xuyên thực phẩm ăn liền mà thiếu chất xơ và rau xanh thì dễ bị táo bón, rối loạn tiêu hóa, cơ thể thải độc kém hơn bình thường nên có thể tạo cảm giác khó chịu cho bạn.

* Hình như mì tôm chẳng có năng lượng gì cả, chỉ no đánh lừa thôi phải không? Tôi đi dạy, nếu ăn mì tôm đứng lớp được 1 tiết thì bụng đói cồn cào. (Trần Hứa, 52 tuổi, tranhuatbbd@)

 - Thạc sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương: Trung bình một gói mì ăn liền cũng cung cấp khoảng 400kcal, tức là 1/6 nhu cầu năng lượng hằng ngày của bạn. Nhưng thành phần tạo nên năng lượng không hợp lý về cân bằng dinh dưỡng.

Do đó, không thể nói là không có năng lượng gì cả.

Ngoài ra, cảm giác no của bạn là đúng vì khi ăn mì gói thì hệ tiêu hóa mất thời gian nhiều hơn, khó khăn hơn trong việc xử lý loại thức ăn này.

Một tháng ăn 50 gói mì ăn liền, có sao không? 

* Từ 3 năm nay, trung bình tháng tôi ăn khoảng 50 gói mì ăn liền các loại. Vậy có sao không bác sĩ? Hiện tôi thấy sức khoẻ vẫn bình thường. Mong Bác sĩ cho một lời khuyên xin cảm ơn. (Lý Mai Huỳnh, 56 tuổi, Lythanhmai@)

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương: Với tần suất ăn 50 gói/tháng, tức là trung bình một ngày bạn ăn gần 2 gói mì, theo tôi như vậy là quá nhiều, chiếm khoảng 1/3 nhu cầu năng lượng hằng ngày của bạn.

Nhưng vì tỉ lệ tạo thành năng lượng từ thành phần trong mì gói không hợp lý về cân bằng dinh dưỡng nên dễ dẫn đến những bệnh thừa cân, béo phì hoặc thiếu các sinh tố và các yếu tố vi lượng.

Có thể những vấn đề này chưa tạo ra triệu chứng khó chịu gì rõ rệt cho bạn nên bạn vẫn thấy bình thường. Và thực tế không có nghiên cứu nào nói rằng ăn 50 gói mì/tháng là sẽ gây ra bệnh tật gì rõ rệt.

Tuy nhiên, nếu bạn ăn mì gói mà vẫn ăn kèm theo rất nhiều rau xanh, trái cây và những bữa ăn còn lại vẫn nấu nướng bình thường thì tôi nghĩ chắc là không có vấn đề sức khoẻ gì ảnh hưởng đến bạn.

Hiện tại, tôi lưu ý bạn một số điểm:

– Bạn nên kiểm tra huyết áp, điện tim, siêu âm thận, chức năng thận vì có thể bạn ăn dư thừa chất muối mà không biết;

– Bạn nên đi kiểm tra về tiểu đường, rối loạn mỡ máu, đo cân nặng-chiều cao xem hợp lý hay chưa;

– Nếu bạn thường có các vấn đề về tiêu hoá như đầy hơi, táo bón thì nên đi kiểm tra về dạ dày và đại tràng. 

* Cách pha chế mì tôm để ăn như thế nào có lợi cho sức khoẻ nhất ( nước pha, số lần pha nước, bỏ thêm gia vị,thức ăn…). Một ngày mấy gói mỳ tôm thì vừa? (Ngô vương Lộc, 50 tuổi, Nvloc@)

– Thạc sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương: Cách tốt nhất khi nấu mì ăn liền, bạn cần lưu ý các điểm sau:

– Nấu mì gói với nước sôi một lần rồi đổ nước đó đi, tiếp tục làm như vậy lần thứ hai.

– Sau đó, dùng sợi mì nấu với nước sôi lần thứ ba để ăn. Cách làm này giúp giảm bớt những chất bảo quản còn tồn trong sợi mì (mặc dù những chất bảo quản này hoàn toàn an toàn và được phép sử dụng).

– Thêm một vài lát thịt, rau xanh (cà chua, dưa leo, xà lách hoặc những loại rau có sẵn ở nhà)

Chưa có nghiên cứu nào chỉ ra nên ăn bao nhiêu gói mì trong một ngày là nằm trong ngưỡng an toàn. Tuy nhiên, theo ý kiến cá nhân tôi, một tuần chỉ nên ăn tối đa 1-2 gói mì. Và trong những lần ăn này nên kèm theo thịt, tôm, rau xanh các loại…

* Xin tư vấn giúp mì gói an toàn là những loại nào? Làm sao để kiểm soát chuyện an toàn hay không? Làm sao phân biệt được an toàn hay không? Vì như rau sạch thì hiện nay thì trên thị trường loạn xà ngầu chất lượng. Nếu đã là mì an toàn thì có phải giá sẽ cao hơn các loại mì khác không? Vậy thì người lao động nghèo làm sao mua được? Cám ơn (Tran Ba, 40 tuổi, Meomeotran1010@)

– Bà Trần Việt Nga:  Danh mục sản phẩm đã công bố hợp quy, phù hợp quy định an toàn thực phẩm đã được Cục An toàn thực phẩm đăng tải trên trang web www.vfa.gov.vn, người tiêu dùng nên mua những thực phẩm đã được công bố với các cơ quan thẩm quyền của ngành y tế.

Giá cả của sản phẩm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó việc đảm bảo an toàn trong khâu sản xuất chỉ là một yếu tố tạo nên giá thành sản phẩm, ngoài ra còn có các yếu tố như bao bì, kênh phân phối…

Nhưng việc áp dụng các hệ thống đảm bảo chất lượng tiên tiến trong sản xuất thực phẩm sẽ giúp nhà sản xuất tiết kiện được các chi phí như: tiêu huỷ sản phẩm không an toàn, vì thế, nếu các nhà sản xuất nghiêm túc thực hiện các hệ thống này, thì giá thành thực phẩm sẽ không bị tăng lên.

Quan trọng là người tiêu dùng biết lựa chọn, chứ không phải là an toàn là giá đắt.

* Trong gói mì thường có 2 gói nhỏ gồm 1 gói bột nêm và 1 gói dầu. Vậy trong 2 gói đó, gói nào ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ hơn? Xin cảm ơn. (Lâm Minh Viễn, 40 tuổi, minhvien727@)

– Thạc sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương

1. Về gói bột nêm:

Gói bột nêm trong mì gói là hoàn toàn an toàn, được phép sử dụng, và quan trọng là nó tạo mùi vị ngon cho gói mì. Do đó, không có lí do gì mà bạn từ chối sử dụng gói gia vị này.

Tuy nhiên, có một vài lưu ý:

– Những người bị bệnh tim mạch, cao huyết áp hoặc những người có bệnh thận thì không nên sử dụng gói gia vị này vì dư muối,

– Những người có tiền sử mẫn cảm với bột ngọt (hay mì chính) thì không nên sử dụng gói gia vị này,

– Những người đang bị loãng xương hoặc phụ nữ tuổi mãn kinh thì chỉ sử dụng một phần của gói gia vị, không nên sử dụng hết cả gói gia vị có sẵn. Vì có thể chất phốt-phát trong thành phần bột nêm nếu lạm dụng nhiều có thể làm loãng xương.

2. Về gói dầu:

Thường đây là chất béo để giúp cải thiện vị giác, làm tô mì ngon hơn. Đồng thời cũng tạo năng lượng cho cơ thể vì một gam chất béo cung cấp 9kcal, còn chất bột đường chỉ cung cấp 4kcal/1gam.

Chất béo này thường là các loại dầu thực vật.

Nếu bạn là người bình thường, không bị thừa cân béo phì và không mắc bệnh tim mạch hay cao huyết áp thì bạn có thể sử dụng gói này bình thường.

Ngoài ra, bạn cần lưu ý trên bao bì xem thành phần chất béo chuyển hóa (transfat) chiếm bao nhiêu phần trăm. Nếu trên 1% thì bạn không nên sử dụng gói này. 

* Ăn mì gói làm sao để không bệnh về sau? (khong@)

 - Bà Trần Việt Nga: Bệnh tật do nhiều yếu tố gây ra. Chế độ ăn cũng là một trong các yếu tố đó. Vì vậy người tiêu dùng nên tìm hiểu và ăn theo chế độ dinh dưỡng hợp lý, đã được Viện Dinh dưỡng khuyến cáo.

Trong chế độ ăn có nhiều món ăn khác nhau chứ không phải chỉ có mì ăn liền. Miễn sao tổng lượng ăn vào của các thực phẩm theo đúng khuyến cáo về dinh dưỡng hợp lý.

Ví dụ như chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo đối với một người trưởng thành trong một tháng thì ăn muối dưới 180 gr/người/tháng, đường ăn ít dưới 500 gr/người/tháng, chất béo (dầu, mỡ, bơ) khoảng 600 gr/người/tháng.

Vì vậy, việc ăn mì kết hợp với các thực phẩm khác trong chế độ ăn cần phải được người tiêu dùng biết và khống chế theo khuyến cáo về dinh dưỡng, để đảm bảo sức khoẻ. 

Buổi giao lưu đã kết thúc, TTO  chân thành cám ơn bạn đọc đã theo dõi, đặt câu hỏi, hẹn gặp bạn đọc trong các chương trình giao lưu khác. 

TTO thực hiện