11/01/2025

Paris ‘lấy lại nhịp sống’

Ngày 13.12, đúng một tháng sau chuỗi tấn công đẫm máu, bên cạnh nến và hoa, thủ đô nước Pháp đã lấy lại nhịp sống tất bật của những ngày cuối năm.

 

Paris ‘lấy lại nhịp sống’

 

Ngày 13.12, đúng một tháng sau chuỗi tấn công đẫm máu, bên cạnh nến và hoa, thủ đô nước Pháp đã lấy lại nhịp sống tất bật của những ngày cuối năm.




Ngoài khu vực cửa ra vào, hàng hiên của quán À la Bonne Bière hầu như không còn chỗ trống – Ảnh: Lan Chi

Đường phố rực rỡ ánh đèn, các cửa hàng trang trí lộng lẫy. Đi ngoài đường, bạn sẽ dễ bắt gặp hình ảnh những người khệ nệ khiêng cây thông Noel vừa mua được. Siêu thị cũng nhộn nhịp hơn với những món đặc biệt không lẫn vào đâu được của tiệc vọng Giáng sinh truyền thống như gan ngỗng béo, chocolate, cá hồi… Paris đã tìm lại những sắc màu đặc trưng để bước vào mùa lễ lớn nhất trong năm, bao gồm cả “đặc sản” đình công của các nhân viên ngành đường sắt đô thị.

 
 
 

Cướp tiệm nữ trang gần Dinh Tổng thống

 
 

 
Hôm qua 12.12, cảnh sát Pháp vẫn đang ra sức truy lùng thủ phạm vụ cướp táo tợn tại cửa hàng nữ trang Chopard trên đường Faubourg Saint-Honoré ở Paris vào ngày 11.12. Vụ việc xảy ra rất chóng vánh khi tên cướp có vũ trang khống chế mọi người rồi vét gọn 4 tủ kiếng trước khi tẩu thoát. Giá trị tài sản bị mất hiện vẫn đang được kiểm định, nhưng theo một số chuyên gia có thể lên đến 1 triệu euro. Đáng chú ý là cửa hàng Chopard gần như nằm đối diện Điện Élysée, nơi ở và làm việc của tổng thống Pháp. Khu vực này là một trong những nơi được siết chặt an ninh nghiêm ngặt nhất tại Pháp kể từ vụ tấn công ngày 13.11.

 

 

 

 
 

 

Nhưng trong nhịp sống bình thường ấy, ảnh hưởng của tấn thảm kịch ngày 13.11 vẫn còn hiển hiện ở mỗi góc phố, trên từng nét mặt.
Ngày 10.12, tôi đã rất vất vả mới lấy được tàu RER A (một trong những tuyến tàu nối ngoại ô và trung tâm Paris) để về nhà vì các lái tàu đình công. Giờ cao điểm, chỉ có một nửa số tàu; chạy còn những giờ khác, tỷ lệ còn tệ hơn, chỉ là 1/4. Trên tàu không còn một chỗ để nhúc nhích. Đã từng sống ở Paris, ai cũng phải nếm qua tình cảnh không mấy vui vẻ này. Tuy nhiên, nguyên nhân các nghiệp đoàn kêu gọi đình công liên quan rất lớn tới vụ tấn công khủng bố ngày 13.11. Đó là việc xử lý các túi xách, hành lý vô thừa nhận trên đường chờ tàu bị những người lái tàu chỉ trích là còn nhiều sơ suất, chưa theo đúng quy trình.
Tàu điện ngầm và tàu điện là phương tiện đi lại chính tại thủ đô Pháp với hàng triệu lượt khách mỗi ngày. Do đó, khi có báo động khủng bố thì các nhà ga ở Paris là một trong những nơi đầu tiên được củng cố an ninh.
“Tôi ở hàng hiên”
Mặc dù vậy, Paris vẫn đang nỗ lực từng ngày để vượt qua cơn ác mộng. Dấu hiệu rõ rệt nhất là việc nhà hàng À la Bonne Bière hoạt động trở lại. Đây là một trong những nơi đã bị nhóm khủng bố xả súng vào tối 13.11. Trong đêm kinh hoàng đó, 5 khách ngồi ở hàng hiên của quán đã thiệt mạng. Ngồi ăn uống, trò chuyện ở hàng hiên của các quán ăn, quán cà phê là một nét văn hoá truyền thống của dân Paris và bọn khủng bố đã tấn công vào chính truyền thống rất đẹp này.
Như một lời đáp trả, vào đêm trước khi mở cửa lại, ban quản lý của À la Bonne Bière đã cho treo băng rôn thật lớn ngay phía lối cửa ra vào với dòng chữ Je suis en terrasse (Tôi ở hàng hiên). Trước cửa, trên tấm bảng nhỏ vốn thường được các quán ăn ở Paris ghi thực đơn đặc biệt hằng ngày, là dòng chữ nắn nót bằng phấn để tưởng nhớ các nạn nhân, cảm ơn lực lượng cảnh sát, cứu hộ và sự quan tâm của bạn bè bốn phương cùng với lời khẳng định: “Đã đến lúc chúng ta cùng nhau tiến bước để không quên”.
Thông điệp “cùng tiến bước” thay cho thực đơn quen thuộc Ảnh: Lan Chi

Thông điệp “cùng tiến bước” thay cho thực đơn quen thuộc – Ảnh: Lan Chi

Hoa và nến dành cho các nạn nhân vốn được xếp đều quanh hàng hiên của quán nay được xếp gọn lại để dành chỗ đặt bàn ghế. Khi tôi ghé qua À la Bonne Bière, trời rất lạnh do Paris đã “ngấp nghé” mùa đông nhưng vẫn có rất nhiều khách ngồi ở hàng hiên. Bắt chuyện với 2 bạn gái trẻ đang nhâm nhi cà phê, họ nói: “Ngồi trò chuyện, thư giãn bên hiên nhà là thói quen của chúng tôi. Thật sự ban đầu chúng tôi ghé vào một cách tình cờ, ngồi một hồi mới biết đây là nơi đã xảy ra thảm kịch. Nhưng thói quen của chúng tôi sẽ không thay đổi, dù là vì lý do gì đi nữa”.
Cách đó vài bàn là nhóm của chị Myriam, đến từ vùng Bretagne, tây bắc Pháp, đang uống bia. Họ cho biết cố tình đến quán này và ngồi ở hàng hiên để “bày tỏ tình liên đới”. Kể từ lúc mở cửa lại, À la Bonne Bière đã đón khách đến từ khắp nơi, trong đó có những nhân vật rất đặc biệt. Khi cùng uống cà phê với Thị trưởng Paris Anne Hidalgo tại đây, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã nói bằng tiếng Pháp: “Tôi là người Paris và tôi ở hàng hiên”.
 
 
 
 

Đến nay, trong số các điểm bị tấn công tại Paris, À la Bonne Bière là nơi đầu tiên hoạt động trở lại. Các quán khác cũng thông báo sẽ mở cửa, như Le Petit Cambodge dự định sẽ hoạt động từ đầu năm 2016, bar Le Carillon sẽ đón khách vào cuối tháng 12 hoặc tháng 1.2016… Ban quản lý Nhà hát Bataclan cho biết hy vọng có thể mở cửa lại vào cuối năm 2016.

 

 

Khi tôi mở cửa vào trong, từ quản lý đến nhân viên phục vụ quán đều qua lại như con thoi, tất bật không ngừng tay dù mới 17 giờ, còn lâu mới đến giờ ăn tối. Một anh quản lý của À la Bonne Bière nói: “Xin lỗi vì chúng tôi không thể có thời gian để tiếp chuyện bạn. Nhưng có lẽ chỉ cần nhìn nhịp hoạt động của quán, bạn có thể thấy rõ thông điệp của chúng tôi: Cùng nhau tiến về phía trước!”.
Còn nhiều câu hỏi
Sau 1 tháng, việc điều tra vụ tấn công khiến ít nhất 130 người chết và 368 người bị thương đã có nhiều tiến triển, giúp xác định được nhân thân của 5 tên khủng bố đã chết tại hiện trường lẫn trong đợt bố ráp ngày 18.11 sau đó. Nghi phạm cực kỳ quan trọng Salah Abdeslam cũng đang bị truy nã quốc tế. Kẻ này, vốn mang quốc tịch Pháp nhưng sống lâu năm ở Bỉ, bị cho là đóng vai trò chính yếu trong việc tổ chức và trực tiếp tham gia vụ tấn công nhưng đã mất dấu ở biên giới Pháp – Bỉ từ ngày 14.11. Hiện vẫn chưa rõ Abdeslam còn lẩn trốn đâu đó ở châu Âu hay đã đào thoát thành công về Syria.
Bên cạnh đó, các nhà điều tra vẫn chưa xác định được nhân thân của 3 tên khủng bố đã thiệt mạng bao gồm 2 kẻ đánh bom tự sát ở gần Sân vận động Stade de France và tên tham gia xả súng ở trung tâm Paris, sau đó chết trong đợt vây ráp của cảnh sát tại vùng ngoại ô Saint-Denis ngày 18.11. Cuộc điều tra đã được mở rộng sang Bỉ và mới đây là Thuỵ Sĩ, với nhiều nghi phạm bị tạm giữ do có thể liên quan đến nhóm khủng bố tại Paris. Tuy nhiên, vẫn còn hàng loạt câu hỏi khác liên quan đến lỗ hổng về an ninh và tình báo ở châu Âu khi Salah Abdeslam và Abdelhamid Abaaoud, một trong những tên bị tiêu diệt trong đợt truy kích ngày 18.11, đều là những kẻ bị truy nã từ lâu, song vẫn có thể tự do qua lại nhiều nước EU trong một thời gian dài.
Nguyễn Ngọc Lan Chi 
(từ Paris)