10/01/2025

Trưởng thành từ những va vấp

“Tôi ít khi buồn mỗi khi thành công quay lưng vì chúng giúp tôi vững chãi, học được nhiều hơn” – Trần Tuấn Anh (31 tuổi, sáng lập viên hệ thống bán vé trực tuyến TicketBox) chiêm nghiệm.

 

Trưởng thành từ những va vấp

 

 

“Tôi ít khi buồn mỗi khi thành công quay lưng vì chúng giúp tôi vững chãi, học được nhiều hơn” – Trần Tuấn Anh (31 tuổi, sáng lập viên hệ thống bán vé trực tuyến TicketBox) chiêm nghiệm.


 

 

 

 


Trần Tuấn Anh (đứng) thảo luận công việc cùng đồng nghiệp - Ảnh: C.Nhật
Trần Tuấn Anh (đứng) thảo luận công việc cùng đồng nghiệp – Ảnh: C.Nhật

Hiện là một trong những gương mặt được nhiều người biết đến trong giới khởi nghiệp ở VN, Trần Tuấn Anh cho biết thành công ở thời điểm hiện tại là kết tinh từ chuỗi những thất bại liên tiếp.

Ý tưởng không là tất cả

Tuấn Anh tốt nghiệp ngành xây dựng tại ĐH Ryerson (Canada) năm 2008. “Ra trường tôi chỉ trụ được với nghề khoảng một năm vì nhận ra con đường này không phù hợp. Tôi về nước và đầu quân vào Tổng công ty Thương mại Sài Gòn. Vừa đi làm vừa tranh thủ học các khoá mini MBA, được tiếp xúc với các dự án kinh doanh của công ty, tôi nhận ra bản thân rất thích lĩnh vực kinh doanh” – Tuấn Anh nhớ lại.

Năm 2011, Tuấn Anh nảy ra ý tưởng lập một trang web tương tự mô hình các trang bán “deal” (tạm dịch: giao dịch) giá rẻ nhưng “tham vọng” hơn, sẽ gom tất cả các trang bán deal về một nơi. Vào tháng 6-2012, chính thức bắt tay vào làm dự án cùng các cộng sự trong bốn tháng trời, “rất mệt nhưng cũng đầy háo hức” – Tuấn Anh cho biết. Nhưng rốt cuộc sản phẩm liên tục nhận về những cái lắc đầu từ các đối tác bởi họ không có nhu cầu.

Không nản lòng, Tuấn Anh tiếp tục tạo ra ứng dụng qua điện thoại Keewi năm 2012. “Ý tưởng bắt nguồn từ một lần tôi đi đám cưới và muốn tìm người quen để ngồi cùng. Ứng dụng này giúp tôi tìm ra họ thông qua Facebook. Mở rộng ra, ứng dụng này có thể giúp những người tham dự các sự kiện có thể làm quen với nhau” – Tuấn Anh giải thích.

Keewi đã đem về giải nhất cuộc thi khởi nghiệp Startup Weekend của Mỹ lần đầu tiên được tổ chức tại VN, Tuấn Anh sau đó giành suất đại diện VN giới thiệu sản phẩm tại sự kiện Demo Asia ở Singapore.

Giải thưởng trên góp phần quảng bá Keewi và đem lại cho Tuấn Anh nhiều cơ hội tiếp xúc với các nhà đầu tư, hiểu rõ hơn môi trường khởi nghiệp, biết định hướng sản phẩm… Tuy nhiên, Keewi cũng chỉ “cầm cự” được thời gian ngắn.

“Do chưa có nhiều kinh nghiệm nên chúng tôi định hướng thị trường quá nhỏ, thu không đủ bù chi. Ngoài ra chúng tôi cũng nhận ra các đơn vị tổ chức sự kiện không có nhu cầu tạo dựng quan hệ giữa người tham dự, điều họ muốn là quảng bá để sự kiện của mình được nhiều người biết. Từ đó mới thấy việc khảo sát thị trường, hiểu được nhu cầu của người tiêu dùng là vô cùng quan trọng, ý tưởng không là tất cả” – Tuấn Anh nói. Ứng dụng Keewi không thành công kéo theo việc toàn bộ số tiền tích cóp từ thời đi làm ở Canada lẫn VN trước đó “đội nón ra đi” cùng hàng loạt câu hỏi “tiền đâu trả cho nhân viên?”, “mình đang làm gì thế này?”…

Tuấn Anh cũng từng thất bại với ý tưởng bán áo thun vào đầu năm 2013. “Có bắt tay vào làm chúng tôi mới biết quảng cáo có hay, hấp dẫn đến đâu mà sản phẩm không đạt chất lượng thì mọi thứ cũng công cốc. Trong khi đó chúng tôi chỉ đảm nhận phần quảng bá, việc sản xuất sản phẩm do một nơi khác làm” – Tuấn Anh giải thích về quyết định bỏ dự án này sau vài tháng hoạt động.

Làm chủ khỏe hơn 
làm công: sai

Giữa năm 2013, nhận thấy ở VN chưa có hệ thống giao đặt trực tuyến kết hợp quảng bá sự kiện, Tuấn Anh quyết định chuyển hướng phần mềm lúc trước dành cho việc kết nối người dùng trong sự kiện thành đặt vé hoặc đăng ký tham gia sự kiện.

“Ngoài việc tạo thuận lợi cho việc mua vé của khách hàng, chúng tôi còn giúp họ cũng như các đơn vị tổ chức sự kiện có thể tìm hiểu các thông tin cần thiết. Chẳng hạn các ngôi sao ở nước ngoài không biết độ thu hút của họ ở VN hay trước đây từng có đồng nghiệp nào của họ đã đến diễn ở VN, họ có thể tìm hiểu những thông tin trên ở trang web của chúng tôi” – Tuấn Anh giải thích về mô hình thương mại điện tử trên.

Hiện TicketBox đã là một thương hiệu giao đặt vé online được nhiều người biết đến, trở thành đối tác của nhiều sự kiện, tập đoàn lớn. Công ty hiện cũng đã “lấn sân” sang thị trường Thái Lan gần đây. Mọi thứ dần vào guồng nhưng Tuấn Anh cho rằng áp lực công việc chưa bao giờ giảm.

“Quan điểm của nhiều bạn trẻ khởi nghiệp là làm chủ khoẻ hơn làm công là rất sai lầm. Cuộc sống khởi nghiệp rất khó cân bằng. Giai đoạn đầu xây dựng sản phẩm thì phải ở lại công ty đến 11g, 12g đêm…, khi công ty phát triển và mọi thứ vào guồng, số lượng đầu việc sẽ nhiều hơn” – Tuấn Anh nhận định. Nói về tham vọng năm năm tới, Tuấn Anh cho biết đó là có cơ hội hợp tác với các sự kiện phục vụ đối tượng khách hàng trên 40 tuổi, những người vốn chưa có nhiều cơ hội để trải nghiệm với thương mại điện tử.

Với những bạn trẻ mong muốn khởi nghiệp, Tuấn Anh chia sẻ: “Cần thiết có mentor (tạm dịch: người có bề dày kinh nghiệm trong nghề) để có thể nhờ họ tư vấn trong những trường hợp cần thiết. Các công ty cũng chỉ nên hạn chế số lượng sáng lập viên ở khoảng ba người vì đông quá sẽ dễ phe phái, ý kiến tranh cãi quá nhiều khiến mọi thứ càng bị rối… trong khi chẳng biết ai đúng ai sai (do cá nhân nào cũng còn non nớt trải nghiệm sống). Tôi từng gặp nhiều trường hợp các công ty “tan đàn xẻ nghé” chỉ vì những lý do trên dù ai cũng tràn đầy nhiệt huyết. Và trên hết, chúng ta phải luôn trung thực, uy tín nếu muốn đi đường dài”.

Làm sao để có thể thuyết phục thành công nhà đầu tư? “Hạn chế tối đa việc tiếp cận tất cả những nhà đầu tư, thay vì vậy hãy nghiên cứu họ thật kỹ và xác định ai là người phù hợp để gặp, bởi họ là người có tiền nhưng cũng có định hướng cụ thể, không phải cái gì họ cũng đầu tư. Việc chắt lọc, tìm hiểu cẩn thận cũng sẽ giúp hai bên làm việc suôn sẻ hơn, không bị “ép giá”.

Ngoài ra, việc nhà đầu tư chê bai các ý tưởng, sản phẩm cũng là điều bình thường bởi đây cũng là một thủ thuật để “trả giá” món hàng. Các bạn trẻ đừng vì điều này mà mất niềm tin vào bản thân” – Tuấn Anh chia sẻ.

 

CÔNG NHẬT ([email protected])