10/01/2025

Hiểu để yêu thương

Nghe nhiều về “tự kỷ” nhưng để hiểu rõ khái niệm, từ đó tìm cách giúp đỡ các em nhỏ gặp phải hội chứng này thì không phải ai cũng biết.

 

Hiểu để yêu thương

 

Nghe nhiều về “tự kỷ” nhưng để hiểu rõ khái niệm, từ đó tìm cách giúp đỡ các em nhỏ gặp phải hội chứng này thì không phải ai cũng biết. 




Các bạn trẻ trao đổi để tìm hiểu những vấn đề liên quan đến trẻ tự kỷ hiện nay - Ảnh: Lê Tú
Các bạn trẻ trao đổi để tìm hiểu những vấn đề liên quan đến trẻ tự kỷ hiện nay – Ảnh: Lê Tú

Nhóm “Trẻ tự kỷ – hiểu và yêu thương”, một nhóm tình nguyện tại Đà Nẵng, đã ra đời với mục tiêu ban đầu “giúp mọi người hiểu đúng về tự kỷ trước khi hành động vì các em”, sinh hoạt vào các buổi tối cuối tuần tại số 99 Hàm Nghi (Q.Thanh Khê, TP Đà Nẵng).

“Bạn hiểu tự kỷ… chắc chứ?” là chủ đề một buổi giao lưu mà chúng tôi vừa được dự do bạn Nguyễn Thị Hạnh Duyên, trưởng nhóm “Trẻ tự kỷ – hiểu và yêu thương”, chia sẻ đến với hơn 40 bạn trẻ muốn tìm hiểu về tự kỷ. Rất nhiều bạn trẻ kể từng tiếp cận với các em nhỏ tự kỷ, thế nhưng khi đưa ra câu trả lời thì cho rằng đó là “bệnh” hoặc do bẩm sinh, di truyền…

Cả khán phòng ồ lên khi Duyên đưa ra đáp án và tất cả đều sai! Sự tò mò, áy náy của các bạn trẻ thể hiện rõ trên từng khuôn mặt. “Đến thời điểm này trên thế giới vẫn chưa xác định được nguyên nhân rõ ràng dẫn đến hội chứng tự kỷ, vì vậy chúng ta không nên gọi đó là “bệnh”, vô tình làm tổn thương đến các bậc cha mẹ có con gặp phải tự kỷ” – Duyên nói.

Để có được những kiến thức mà Duyên gọi là “cơ bản” như vậy, cô đã cùng nhiều bạn bè của mình lùng sục trên các trang mạng trong và ngoài nước, tham gia nhiều chương trình tìm hiểu về tự kỷ do các diễn đàn tổ chức.

“Mình đã gặp nhiều hoàn cảnh như vậy và nghĩ sai về hội chứng này. Sau đó mình đã quyết tâm ít nhất phải tìm hiểu thật kỹ trước khi tiếp cận để giúp đỡ các em cũng như phụ huynh” – Duyên nói.

Khi tìm hiểu gần như Duyên nhận ra vẫn còn nhiều bạn trẻ và mọi người xung quanh cũng từng như mình, không hiểu rõ tự kỷ nên có những hành động ứng xử không đúng. Từ đó thôi thúc Duyên cùng các bạn thành lập nên nhóm và chuyển tải thông tin đến mọi người.

Nhiều bạn trẻ cố nán lại khi buổi trò chuyện kết thúc để tiếp tục trao đổi, hỏi han kỹ hơn. Bạn Trương Nguyễn Minh Tâm (học sinh lớp 11 Trường THPT Phan Châu Trinh, TP Đà Nẵng) cho biết lý do đến đây là muốn hiểu đúng, rõ hơn về tự kỷ để giúp một người quen đang gặp phải chứng này. “Hi vọng sau buổi trò chuyện này tôi sẽ có những cách tiếp cận với các em nhỏ tự kỷ một cách khoa học hơn để giúp các em dần vượt qua” – Tâm tâm tình.

Theo nhóm “Trẻ tự kỷ – hiểu và yêu thương”, chỉ cần một người hiểu, biết rõ vấn đề, sau đó chia sẻ cho người khác, dần dà mọi người sẽ hiểu rõ về tự kỷ. Việc làm này cũng chính là cách lên tiếng vì quyền lợi của trẻ tự kỷ.

“Trên thế giới có nhiều thiên tài từng gặp phải hội chứng tự kỷ như nhà vật lý học Einstein, danh họa Leonardo da Vinci…, họ đã vượt qua được thì các em nhỏ cũng có thể vượt qua. Hơn ai hết, mọi người hãy đặt vị trí của mình vào những người cha, người mẹ có con như vậy để hiểu và chia sẻ cùng họ”- bạn Trần Hoàng Ngọc Trâm, thành viên của nhóm, lý giải.

Nhóm cho biết đây mới là giai đoạn khởi đầu các hoạt động trên bước đường hỗ trợ trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng. Hiện nhóm đang lên kế hoạch xây dựng ứng dụng game trên mạng dành riêng cho trẻ tự kỷ và tiếp cận các gia đình có con em gặp hội chứng này để tư vấn, giúp đỡ.

Ngoài những chia sẻ trực tiếp, nhóm còn lập Facebook có tên “Bạn hiểu tự kỷ, chắc chứ?” để chia sẻ gián tiếp đến với mọi người những thông tin, bài viết liên quan đến tự kỷ.

Nói về nhóm “Trẻ tự kỷ – hiểu và yêu thương”, nghệ sĩ viola quốc tế Nguyễn Nguyệt Thu, đại sứ chương trình “Bình minh cho em – Sunrise for U” (chuyên trợ giúp và bảo vệ quyền lợi người tự kỷ ở VN), cho rằng các bạn rất nhiệt tình, chịu khó với mong muốn đóng góp chút sức lực cho một cộng đồng “yếu thế”. Cách nhìn nhận vấn đề của các bạn cũng rất thực tế và có hướng đi đúng là muốn giúp đỡ ai, phải hiểu người ta trước. Có hiểu thì mới đồng hành, chia sẻ và giúp đỡ được.

PHAN THÀNH