10/01/2025

​Lớp chuyên biệt ở Tam Bình

Có một lớp học đặc biệt tại Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình (Q.Thủ Đức, TP.HCM) mà gần hai năm qua được các bạn trẻ ở đây gọi là lớp chuyên biệt.

 

​Lớp chuyên biệt ở Tam Bình

 

 Có một lớp học đặc biệt tại Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình (Q.Thủ Đức, TP.HCM) mà gần hai năm qua được các bạn trẻ ở đây gọi là lớp chuyên biệt.




Giờ học của lớp chuyên biệt là không gian để những “học sinh đặc biệt” làm quen với con chữ và được thỏa sức làm điều mình thích - Ảnh: Q.L.
Giờ học của lớp chuyên biệt là không gian để những “học sinh đặc biệt” làm quen với con chữ và được thoả sức làm điều mình thích – Ảnh: Q.L.

Lớp học ấy không theo khuôn mẫu thông thường vì chỉ có những học sinh “không thể học hay hoà nhập được trong những lớp học bình thường ở trường như bao bạn bè khác”. Ở đó, những đứa trẻ “phát triển không bình thường” được làm điều mình thích, chọn cái mình chơi theo cách lớn lên đầy ngô nghê như sự phát triển của trí não mình.

Hơn 10 học sinh đặc biệt

Những đứa trẻ chỉ đến trường được bữa trước thì bữa sau cô lại gọi đại diện trung tâm qua… đón về. Chúng không thể ngồi yên phút giây nào trong lớp, vui vui là “học sinh đặc biệt” bỏ lớp lang thang đi chơi. Cô và các bạn khác cũng chẳng thể nào tập trung học hành khi lớp có “học sinh đặc biệt” như thế.

Thật ra những điều ấy đã được lường trước. Làm sao bắt những đứa trẻ thiểu năng trí tuệ, chậm phát triển, não úng thuỷ… học hành và vui chơi bình thường như bao đứa trẻ đồng trang lứa. Không thể để chúng muốn ra sao thì ra! Suy nghĩ ấy như một mệnh lệnh, thôi thúc trong tâm mỗi nhân viên, nhất là những bạn trẻ ở “ngôi nhà dành cho trẻ mồ côi” này.

Vậy là lớp chuyên biệt ra đời, do đề xuất và nhận trách nhiệm đứng lớp của chính các cán bộ, nhân viên trẻ là đoàn viên chi đoàn trung tâm. Lớp có trên chục học sinh vô cùng đặc biệt. Không quá nặng học chữ vì phần nhiều các em học đó rồi cũng trả lại chữ cho thầy ngay đó. Nhưng ngày hai lần, trong mỗi giờ thay phiên nhau lên lớp, các bạn giúp học trò làm quen với con chữ trong khung thời gian vừa đủ để các em biết đọc, biết viết, giao tiếp được những câu thông thường.

Phần nhiều thời gian học trò được làm thứ mình thích. Như cô bé bị não úng thuỷ Trần Ngọc Bích và cô bạn chậm phát triển Đặng Thị Hồng Thy nói rất thích thêu tranh chữ thập. Các cô ân cần chỉ hai bạn từng đường kim, mũi chỉ nhưng cũng học đó quên đó, thêu cả tháng chưa ra bức tranh nào. Hay cô bé Trang mới vào trung tâm khoảng một năm nay thích làm hoa giấy sẽ mặc sức sáng tạo với những cành hoa giấy của mình.

Ở một góc phòng, có một cậu bé đang chăm chú từng nét vẽ. Cậu bị câm điếc bẩm sinh mức độ nặng, chỉ cảm nhận được âm thanh với tiếng động lớn và có thể viết được tên mình là Toàn. Toàn giao tiếp bằng những tiếng ú ớ, hiểu chuyện qua khẩu hình miệng của người đang nói với mình. Cậu mê vẽ và nhờ các cô hướng dẫn, Toàn tự do chọn màu, vẽ ra những bức tranh khá đẹp.

Bí thư chi đoàn trung tâm Lê Hồng Hạnh phân trần rằng cách gọi lớp chuyên biệt chắc chỉ là tạm thời chứ chưa hẳn đúng bởi thành phần học trò quá khác biệt. “Cần phải có nhiều kỹ năng lẫn chuyên môn chuyên biệt để chăm sóc cho các bạn nhỏ đặc thù này mà chi đoàn tụi mình toàn tay ngang. Nhưng chí ít đến lúc này lớp đã tạo được môi trường giúp các em được học, làm quen với con chữ và đặc biệt là được làm, được chơi cái mình thích” – Hồng Hạnh chia sẻ.

Hi sinh lặng thầm

Chi đoàn có hơn 20 bạn và ai cũng có chuyên môn riêng nên lớp học ấy không chỉ được hình thành bởi yêu thương mà còn có cả sự hi sinh lặng thầm. Chị Lê Thị Tuyết Trinh (khoa dinh dưỡng) bày tỏ: “Các em đã thiệt thòi nhiều lắm nên anh em trong chi đoàn đều nói với nhau làm được gì cho các em sẽ cố làm. Như mình phụ trách khoa dinh dưỡng sẽ tìm cách nắm bắt thói quen ăn uống và lựa chọn, lên thực đơn sao cho các em ở đây ngon miệng nhất có thể”.

Có lẽ chính ai cũng nghĩ vậy nên ở đấy không chỉ là trung tâm. Nơi ấy bao năm qua đã trở thành mái nhà của những đứa trẻ không may sống cảnh mồ côi vì một lý do nào đó! Chị Nguyễn Thị Diễm Thu (phòng quản lý giáo dục) nói con chị ở nhà nhiều lúc còn phân bì kêu “mẹ không thương con bằng mấy bạn vì lúc nào cũng thấy mẹ kêu phải vô trung tâm làm việc không à”. Để xoá nhoà“cảm giác mồ côi”, các bạn cùng nhau tổ chức những chuyến đi, đưa “các con” tham quan đường hoa ngày tết, đi khu vui chơi thiếu nhi ngày hè.

Giám đốc trung tâm Hồ Thị Kim Thoa nói lớp học chuyên biệt là mô hình hay mà ngay khi các bạn đề xuất, lãnh đạo trung tâm ủng hộ ngay vì thấy quá thiết thực. “Đưa các cháu vốn phát triển không bình thường để duy trì thành một lớp học bình thường phải kể đến công lớn của các bạn đoàn viên, nhân viên trẻ nơi đây. Chính khi không quá căng thẳng việc học hành mà được chơi và làm theo sở thích cũng là cách để các cháu sống vui, sống khoẻ hơn mỗi ngày” – bà Kim Thoa đánh giá. 

Bí thư chi đoàn giỏi toàn thành

Chị Lê Hồng Hạnh vừa là một trong 87 bí thư chi đoàn giỏi được Thành đoàn TP.HCM tuyên dương trong Liên hoan bí thư chi đoàn giỏi toàn thành mới đây.

Từng dạy nhạc ở trường THCS nhưng cơ duyên đã đưa Hạnh đến với Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình bốn năm qua và gần ngần ấy thời gian làm bí thư chi đoàn. Hạnh từng đoạt giải ba Hội thi bí thư chi đoàn giỏi của Sở Lao động – thương binh và xã hội TP.HCM năm 2015. 

Theo giám đốc trung tâm, dù bận với chuyên môn nhưng Hạnh và các bạn trong chi đoàn luôn tìm tòi, sáng tạo, đổi mới cách làm và nhất là chấp nhận thiệt thòi, hi sinh cả ngày nghỉ để tổ chức thêm các hoạt động vui chơi, giải trí ngoài giờ đem lại niềm vui cho các em.

“Có chuyên môn tốt, lại có tài và khả năng tập hợp nên Hạnh đã làm tròn vai trò thủ lĩnh thanh niên của đơn vị. Biểu hiện rõ nhất là kết quả hoạt động phong trào của trung tâm mấy năm gần đây đều ở trong số những đơn vị dẫn đầu của sở” – bà Kim Thoa khẳng định.

QUỐC LINH ([email protected])