29/11/2024

Cuộc gọi lúc nửa đêm…

12 giờ đêm, một phụ nữ hốt hoảng gọi: “Alô, cậu Ngân ơi, thằng Long nó nghiện lại rồi. Tui không biết phải làm sao đây!”.

 

Cuộc gọi lúc nửa đêm…

 

12 giờ đêm, một phụ nữ hốt hoảng gọi: “Alô, cậu Ngân ơi, thằng Long nó nghiện lại rồi. Tui không biết phải làm sao đây!”. 



Một buổi sinh hoạt của CLB Sống trách nhiệm - Ảnh: B.N

Một buổi sinh hoạt của CLB Sống trách nhiệm – Ảnh: B.N


Đáp lại câu hỏi trên là một giọng sốt sắng: “Chị cứ bình tĩnh. Tui và gia đình chị cũng sẽ tìm ra cách cứu nó thôi mà…”.

Các thành viên trong CLB Sống trách nhiệm (P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1, TP.HCM) đã từng nhiều lần chân tình khuyên nhủ các gia đình và bạn bè lâm vào cảnh trớ trêu như vậy.
“Nó buồn cha, nên bỏ học và chơi ma tuý”
 
 
Xoá địa danh Mả Lạng

CLB Sống trách nhiệm vốn được chuyển đổi từ CLB Bạn giúp bạn. CLB hiện có hơn 40 thành viên là những người hồi gia – sau cai và một số thanh thiếu niên chưa ngoan trong độ tuổi từ 27 – 32. Theo anh Lê Bá Ngân, khoảng 80% thành viên đã có việc làm khá ổn định…
Hiện nay, chính quyền địa phương và người dân P.Nguyễn Cư Trinh đã không còn sử dụng địa danh Mả Lạng (hẻm 245, đường Nguyễn Trãi), thay vào đó được gọi là “khu phố 8”. Bởi lẽ, cái tên này gợi nhớ đến một trong những trọng điểm của cả nước về tệ nạn ma tuý nhiều năm về trước. Nó cũng từng gây nên sự kỳ thị lớn đối với những cư dân sống trong khu vực này, nhất là trong vấn đề tìm việc làm. Ngày 1.11.2015, khu phố 8 đã đăng ký xây dựng khu phố văn hoá. 

 

Đến bây giờ anh Lê Bá Ngân, cán bộ Phòng Quản lý sau cai kiêm Phó chủ nhiệm CLB Sống trách nhiệm thuộc P.Nguyễn Cư Trinh và bà H.T.T. (mẹ của Long) vẫn nhớ rõ cuộc “điện đàm” vào lúc nửa đêm ấy.

Chia sẻ với chúng tôi, bà T. kể: “Cha của Long hay nhậu nhẹt, chửi bới con cái. Hồi Long học lớp 10, thấy nó đi chơi với bạn bè, ổng chửi nó là mày đi hút chích à. Nó buồn cha nên bỏ học và tìm đến ma tuý. Nó chôm đồ đạc trong nhà đem bán để hút xì ke…”.
Bà T. cho biết thêm, khi Long cai nghiện chuẩn bị trở về, bà và anh Ngân đã bàn kỹ để giúp Long được sinh hoạt trong CLB Sống trách nhiệm. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau Long lại vướng vào “nàng tiên nâu”. Bà T. xúc động: “May mà cậu Ngân luôn quan tâm sát sao thằng Long. Cậu bảo tụi tôi là điện thoại của cậu luôn mở 24/24, bất cứ giờ nào cũng tiếp hết. Cậu Ngân đã rủ Long ra quán cà phê nói chuyện, kể cả la rầy rồi khuyên nó về quê một thời gian để đoạn tuyệt ma túy”. Bà khoe: “Bây giờ Long là tài xế taxi. Nó đã tu chí làm ăn và có thu nhập khá”.
Không chỉ Long, có nhiều ca khác trong CLB Sống trách nhiệm được hỗ trợ về nhiều mặt, nhất là giới thiệu việc làm và giấy tờ hành chính. Trên thực tế, những người mới hồi gia – sau cai hoặc vừa ra tù trở về thường rất e dè, mặc cảm khi đến các cơ quan công quyền. Nắm được tâm lý này, CLB cùng đội công tác xã hội tình nguyện, cảnh sát khu vực… tận tình hướng dẫn cho họ nhập lại hộ khẩu, đổi chứng minh nhân dân, bảo lãnh vay vốn làm ăn, tái hoà nhập cộng đồng…
Sinh hoạt trong… quán cà phê
CLB Sống trách nhiệm sinh hoạt chủ yếu trong những quán cà phê. “Làm sao để các thành viên cảm thấy thoải mái, không bị gò bó. Từ đó, họ nói lên những ưu tư, gút mắc trong cuộc sống để anh em cùng nhau kịp thời tháo gỡ. Có những chuyện họ không tâm sự được với gia đình, vợ con nhưng lại có thể thổ lộ ở đây”, anh Lê Bá Ngân giải thích.
Theo anh Ngân, tuỳ điều kiện, tâm tính mỗi thành viên mà CLB có cách tiếp cận riêng cũng như cách dùng từ ngữ cho phù hợp. Bởi lẽ, với những người công khai, cởi mở thì họ không ngại tiết lộ danh tính. Nhưng với những người dè dặt, họ xem quá khứ như “chiếc áo khoác đã cởi ra rồi” thì không muốn cho ai biết nữa.
Cách đây mấy năm, anh T.H.D buông xuôi tất cả và cứ trượt dài trong ma tuý sau khi đứa con 3 tuổi của anh với người vợ trước bị xe tông chết. Cai nghiện trở về, anh tham gia CLB này và dần dần có sự thay đổi đáng kể. Thời điểm đó, anh D. được bảo lãnh vay 7 triệu đồng để mua thêm bàn ghế bán hàng ăn. Đến nay, anh D. đã xây dựng lại tổ ấm cho mình và có công việc ổn định với quán bán hủ tíu. Không những vậy, anh còn là một đồng đẳng viên tích cực chuyên tiếp cận và góp phần cảm hoá những người từng hoặc đang sử dụng ma túy.
Trong khi đó, thủ lĩnh Lê Bá Ngân cho rằng những người làm công việc này phải có tâm huyết và phải biết thường xuyên phối hợp với các gia đình ngay từ khi các thành viên chuẩn bị hồi gia cho đến tận sau này. “Có những em thành công nhớ đến mình, nó rủ mình đi uống cà phê. Vậy là vui rồi, dù mình luôn là người… giành phần trả tiền”, anh Ngân hóm hỉnh.

Như Lịch