16/01/2025

Xót lòng chuyện lương giáo viên

Tôi thuộc dạng đời đầu của thế hệ 8X. Một cơ duyên khiến tôi bén nghề giáo, tuổi đời lẫn tuổi nghề thuộc dạng ít nhất so với các thầy cô khác trong trường.

 GIÁO DỤC DƯỚI MẮT MỌI NGƯỜI

Xót lòng chuyện lương giáo viên

 

Tôi thuộc dạng đời đầu của thế hệ 8X. Một cơ duyên khiến tôi bén nghề giáo, tuổi đời lẫn tuổi nghề thuộc dạng ít nhất so với các thầy cô khác trong trường. 




“Ngày 20-11 sắp tới, xin trích lại câu nói của Tagore, nhà hiền triết và thi hào vĩ đại của Ấn Độ, để tặng đồng nghiệp và những người đang làm công việc trồng người: “Giáo dục một người đàn ông thì được một con người, giáo dục một người đàn bà thì được một gia đình, giáo dục một người thầy thì được một thế hệ”

Lúc mới ra trường tôi phải chạy đôn chạy đáo rồi mới được sở GD-ĐT tuyển dụng. Cầm quyết định tuyển dụng tôi vui lắm, vì kể từ đây mình chính thức là người được đứng trên bục giảng và được nhiều người 
gọi là thầy.

Tôi nhận công tác ở một trường THPT miền trung du. Hồi đầu lương chỉ có 1,5 triệu đồng/tháng, nhưng vì trong tôi đầy hình ảnh về những người thầy cao cả được các thầy cô truyền dạy từ cấp I, rồi giảng đường của trường ĐH, nên tôi rất háo hức, phấn khích trong những tiết dạy, những giờ lên lớp.

Được một thời gian thì đôi lúc tôi cảm thấy áp lực, không phải vì công việc hay lo giáo án, bài giảng, mà áp lực lương tháng. Chi tiêu tằn tiện lắm và ở khu nội trú của nhà trường nhưng tháng nào tôi cũng xin tiền nhà đều đều, vì đi dạy bao nhiêu là mối quan hệ, rồi tiền đóng góp các quỹ, hội họp, liên hoan, đám cưới, thăm đau…

Ban đầu hi vọng, lạc quan lắm nhưng dần dần tôi cũng thấy nản, đi đâu cũng không dám, tiêu cũng không dám tiêu, chưa tiêu mà đã thấy hết. Hồi nhỏ vẫn nghe người ta nói nghề giáo lương “ba cọc ba đồng”, đi dạy rồi mới hiểu và thấm thía câu nói ấy.

Ra đường ai hỏi nghề gì thì trả lời được, chứ hỏi đến lương thì tôi chỉ cười hoặc qua quýt cho qua chuyện. Thầy cô nào dạy thêm dạy bớt được thì đỡ ngột ngạt, chứ chỉ dựa vào đồng lương thì cứ trông tới tháng mà mòn cả mắt.

Tôi và nhiều đồng nghiệp tự an ủi, động viên nhau để đứng tiếp trên bục giảng, dù khi tiêu xài phải đem đồng lương ra cân – đo – đong – đếm từng chút một.

Rồi tới kỳ thưởng tết nghe mà buồn, mỗi thầy cô cả thảy được 500.000 đồng tiền thưởng, cùng với lời chúc tết của thầy hiệu trưởng trong buổi họp hội đồng cuối năm.

Thế cũng còn đỡ, nhiều giáo viên ở trường khác chỉ có được chai nước mắm, gói bột ngọt với nửa ký hạt dưa; có trường ở miền núi thì giáo viên không biết thưởng tết là gì. Trong khi đó nghe công ty này, công ty kia thưởng cho nhân viên mấy chục triệu, thậm chí ở công ty ăn nên làm ra thì được thưởng cả trăm triệu, nghe mà buồn!

Số tiền ấy nếu quy ra lương của tôi chắc phải mấy năm nhịn ăn, nhịn uống mà chưa bằng. Nghĩ lại nghề cầm viên phấn, dạy con chữ sao mà bạc, chạnh lòng thật sự.

Có lần học sinh vi phạm nên tôi mời phụ huynh lên làm việc, phụ huynh nói thẳng với tôi rằng: “Con chị nó học giỏi thì cho thi kinh tế, nó học yếu nên cả nhà bảo nó phải cố gắng để thi vào sư phạm cũng được, mà nó không chịu”.

Nghe tới đây tôi nghẹn lời, tự nhủ nghề giáo hoá ra như họ nói “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”!

Chuyện nghề giáo thì nhiều vô kể, gần đây còn có một số tai tiếng trong ngành giáo dục, nhưng đó chỉ là con số nhỏ. Số đông chúng tôi vẫn luôn là người mực thước, mô phạm, có đủ tri thức để tiếp nối truyền thống giáo dục như nhân dân tin tưởng và giao phó.

Viết bài này, đây là chia sẻ của cá nhân nhưng hi vọng sẽ nhận được sự đồng cảm của đồng nghiệp và mọi người.

Bao năm rồi vẫn thế!

Một số thầy của tôi từ thời tiểu học đến giờ vẫn chưa nghỉ hưu. Thế nhưng thâm niên dạy học của tôi cũng kha khá. Lớp giáo viên chúng tôi là lứa cuối cùng được nhận tem phiếu thời bao cấp. Những biến động kinh tế – xã hội thời giá – lương – tiền để lại trong tôi nhiều dấu ấn khó phai.

Có những lúc Nhà nước nợ lương giáo viên ba bốn tháng liền, sau đó mới trả cuốn chiếu và nợ lại tháng sau.

Rồi công cuộc đổi mới đến, cuốn xã hội VN đi tiếp những bước dài. Dù sao lớp giáo viên chúng tôi cũng có nhiều may mắn hơn, ít người bỏ nghề đi tìm công việc mưu sinh khác so với lớp các thầy cô của chúng tôi. Bởi lúc này cuộc sống có phần dễ thở hơn.

Sau này giáo viên có thêm phụ cấp đứng lớp giảng dạy. Nay lại có thêm phụ cấp thâm niên nhưng chẳng đáng là bao.

Vào năm 1999, Nhà nước trả 144.000 đồng cho 1 hệ số lương, nay được 1.150.000 đồng (tức tăng 7,98 lần) sau 16 năm liên tục cải tổ không ngừng.

Lúc đó vàng 4,2 triệu đồng/lượng thì nay trên dưới 36 triệu đồng/lượng (tức tăng 8,57 lần). Lúa gạo bình quân tăng hơn 10 lần. Trong khi đó chỉ chín năm – từ năm 2006 – 2015, các mặt hàng sữa tăng hơn 30 lần!

So với các mặt hàng thiết yếu thì tình hình lương của giáo viên không hề được cải thiện mà có chiều hướng xấu đi. Nền kinh tế nước ta liên tục tăng trưởng từ 5 – 10%, thế mà tình hình lương nhà giáo trong hơn 15 năm qua vẫn thế.

Mấy năm trước đây, báo chí rộ lên những hàng tít lớn: “Đến 2010, giáo viên sẽ sống được bằng lương”. Bây giờ đã qua năm 2015, chúng tôi chờ đợi mỏi mòn nhưng chẳng thấy đâu.

SONG HUỲNH

LÊ THẠCH THI