Dự án xây dựng tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên đoạn qua địa bàn Q.2, Q.Thủ Đức ngày 9.11 – Ảnh: Diệp Đức Minh
|
Có thể lên đến hàng nghìn tỉ đồng
Tuyến metro số 1 dài 19,7 km, gồm 2,6 km đi ngầm và 17,1 km đi trên cao, tổng mức đầu tư ban đầu là 17.387 tỉ đồng, sau đó được điều chỉnh tăng lên 47.325 tỉ đồng. Trong phạm vi dự án (DA) có khoảng 1.000 hộ dân, đơn vị bị giải toả. Gói thầu số 2 xây dựng đoạn trên cao và deport (từ cầu Sài Gòn đến Suối Tiên) khởi công cuối tháng 8.2012 với giá trị 8.881 tỉ đồng. Theo hợp đồng, chủ đầu tư phải bàn giao toàn bộ mặt bằng của gói thầu này cho nhà thầu liên danh Sumitomo – Cienco 6 vào tháng 1.2013.
Tuy nhiên, đến tháng 3.2015, các địa phương có tuyến metro số 1 đi qua gồm TP.HCM và Bình Dương mới hoàn tất bàn giao mặt bằng cho nhà thầu. Căn cứ đúng hợp đồng, với thời gian chậm bàn giao 27 tháng, số tiền phải bồi thường có thể lên đến hàng nghìn tỉ đồng. Ngoài số tiền phạt hơn 2 tỉ đồng/ngày (tương đương 100.000 USD), các nhà thầu còn yêu cầu chủ đầu tư trả các chi phí khác phát sinh ngoài hợp đồng, nâng tổng số tiền lên khoảng 2,5 tỉ đồng/ngày. Đầu năm 2015, nhà thầu có đơn gửi đến chủ đầu tư khiếu nại về vấn đề này. Ban Quản lý đường sắt đô thị (ĐSĐT) TP đã báo cáo UBND TP.HCM, đồng thời lập tổ công tác để đàm phán với nhà thầu nhằm hạn chế tối đa chi phí bồi thường.
|
|
|
Nếu phải đền bù 2,5 tỉ đồng/ngày cho nhà thầu, dùng tiền nhà nước, người dân đóng thuế, đâu thể như vậy được. Nếu dự án sử dụng vốn tư nhân chắc sẽ không có chuyện này
|
|
|
Tiến sĩ – chuyên gia giao thông Phạm Sanh
|
|
|
Ngày 9.11, trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Khắc Huỳnh, Phó ban Quản lý ĐSĐT TP cho biết hợp đồng đã ký giữa chủ đầu tư và liên danh nhà thầu về nguyên tắc là như vậy. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai có những trục trặc xuất phát từ nhiều phía, có cái từ chủ đầu tư, cũng có lý do từ đơn vị thi công. Nhà thầu đặt vấn đề như thế, chủ đầu tư đã tiếp nhận và sẽ bàn bạc nghiêm túc vào giai đoạn cuối của DA.
Theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, nguyên Trưởng ban Quản lý ĐSĐT TP, ngay khi nhận được đơn khiếu nại của nhà thầu, chủ đầu tư đã lập tổ công tác định kỳ làm việc với đơn vị tư vấn và nhà thầu để giải toả các khúc mắc, đến nay vẫn chưa chốt vấn đề.
Hợp đồng nhiều sơ hở
PGS-TS Phạm Xuân Mai, Khoa Kỹ thuật giao thông – ĐH Bách khoa TP.HCM, nhận định, nếu TP phải bồi thường cho nhà thầu do chậm bàn giao mặt bằng thì cần quy trách nhiệm cá nhân trong việc để xảy ra sự cố nhằm hạn chế thất thoát ngân sách và tránh những tiền lệ cho các DA sau. Theo ông Mai, tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên có thể xem là tuyến metro có chi phí đầu tư đắt nhất thế giới, lên khoảng 120 triệu USD/km trong khi chi phí metro ở các nước khoảng 70 triệu USD/km. Trong khi đó, phần lớn (17,1 km) lộ trình của tuyến metro số 1 đi trên cao, chỉ có 2,6 km đi ngầm. Một phần lý do, theo ông Mai, ở nhiều nước metro chủ yếu đi ngầm và không tốn chi phí giải phóng mặt bằng do hành lang không bị lấn chiếm.
Tiến sĩ – chuyên gia giao thông Phạm Sanh cho rằng khi thực hiện một DA hạ tầng, phần đền bù giải phóng mặt bằng thường giao cho địa phương thực hiện, nên chủ đầu tư không chủ động được. Đây là một sơ hở. Với trường hợp DA tuyến metro số 1, vấn đề mặt bằng còn phiêu lưu hơn do có một đoạn nằm trên địa phận tỉnh Bình Dương mà ngay cả UBND TP.HCM cũng không tự quyết định được. Muốn giải quyết căn cơ, phải sửa luật Đất đai. Vấn đề bất cập thứ hai, theo ông Phạm Sanh là sơ hở trong luật Xây dựng, khi cho phép khởi công DA nhưng mặt bằng chưa đền bù giải toả xong. Chủ đầu tư đã ký hợp đồng thi công với nhà thầu nhưng chủ đầu tư lại không có thẩm quyền quyết định tiến độ giải phóng mặt bằng. Trong khi ở các nước, DA chỉ khởi công khi mặt bằng đã được giải toả xong. Vì vậy, theo ông Sanh, muốn tránh trường hợp bị nhà thầu yêu cầu bồi thường như tuyến metro số 1, cần phải quy định có mặt bằng trống mới khởi công. Trong trường hợp cấp bách chưa có đủ mặt bằng mà vẫn phải khởi công, chủ đầu tư cần phải đàm phán cụ thể trong hợp đồng với nhà thầu thi công. Chẳng hạn, phải phân đoạn cụ thể trong hợp đồng để tránh bị phạt, như: đoạn chưa xong mặt bằng thì thi công hạng mục nào trước, khi có mặt bằng thì thời gian hoàn thành trong bao lâu… Trường hợp này (gói thầu số 2 tuyến metro số 1), nếu chủ đầu tư có kinh nghiệm trong đàm phán sẽ không để nhà thầu yêu cầu bồi thường như vậy.
“Nếu phải đền bù 2,5 tỉ đồng/ngày cho nhà thầu, dùng tiền nhà nước, người dân đóng thuế, đâu thể như vậy được. Nếu dự án sử dụng vốn tư nhân chắc sẽ không có chuyện này”, ông Phạm Sanh nêu vấn đề.
Quản lý đầu tư xây dựng hàng tỉ USD không khác mấy với dự án vài tỉ đồng!
Ông Hoàng Như Cương, Phó trưởng ban Quản lý ĐSĐT TP.HCM phân tích, việc kéo dài thời gian thực hiện DA chứa đựng nhiều nguy cơ như vượt tổng vốn đầu tư được duyệt do trượt giá nhân công, vật liệu, biến động tỉ giá… Trung bình một tuyến ĐSĐT có tổng mức đầu tư dự tính khoảng 2 tỉ USD, nếu làm chậm 1 năm, với tỷ lệ lạm phát 1%/năm, riêng tiền trượt giá khoảng 20 triệu USD, tương đương 1,6 triệu USD/tháng, hay 1,2 tỉ đồng/ngày. Tuy nhiên, vấn đề lớn hiện nay là việc quản lý đầu tư xây dựng các DA ĐSĐT với số vốn hàng tỉ USD không khác gì mấy so với các DA có vốn đầu tư vài tỉ đồng. Vì vậy, rất cần có nghiên cứu để áp dụng cơ chế, chính sách riêng cho ĐSĐT. Đặc biệt, phải tiệm cận các quy định quốc tế vì đa số nhà thầu và tư vấn là doanh nghiệp nước ngoài, quen thuộc với quy định chung của quốc tế.
KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng: Trong câu chuyện đòi bồi thường của nhà thầu gói thầu số 2 – tuyến metro số 1, TP.HCM cần rút kinh nghiệm cho các DA sau. Đơn vị quản lý DA khi thương thảo hợp đồng cũng cần thuê công ty luật, thậm chí công ty luật quốc tế nhằm chuẩn bị mọi tình huống để tránh bị phạt nặng. Đặc biệt, thay vì phạt, trong hợp đồng nên tăng điều khoản thưởng cho nhà thầu thi công hoàn tất sớm. Điều này vừa tăng hiệu quả DA, vừa giảm áp lực.
|