10/01/2025

Sóng ngầm ở Vatican

Hai cuốn sách vừa được xuất bản tại Ý đã nêu nhiều thông tin chấn động về “góc khuất” kinh tế, tài chính của Vatican.

 

Sóng ngầm ở Vatican

 

Hai cuốn sách vừa được xuất bản tại Ý đã nêu nhiều thông tin chấn động về “góc khuất” kinh tế, tài chính của Vatican.



 

Nỗ lực cải cách tòa thánh của Giáo hoàng Francis vẫn gặp rất nhiều khó khăn - Ảnh: AFPNỗ lực cải cách toà thánh của Giáo hoàng Francis vẫn gặp rất nhiều khó khăn – Ảnh: AFP
Hai tác phẩm nói trên là Via Crucis (tạm dịch: Chặng đàng Thánh giá) của nhà báo Gianluigi Nuzzi và Avarizia (Hà tiện) của nhà báo Emiliano Fittipaldi, cùng ra mắt vào ngày 4.11. Qua các tài liệu mật với những chi tiết, dữ liệu và cả băng ghi âm, hai tác giả nhận định nỗ lực cải cách toà thánh của Giáo hoàng Francis vẫn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt khi đụng đến những mảng “thiếu minh bạch” về kinh tế, tài chính.
Đáng chú ý là chỉ vài ngày trước khi Via Crucis và Avarizia được xuất bản, lực lượng hiến binh Vatican đã bắt giữ giáo sĩ cấp cao người Tây Ban Nha Lucio Angel Vallejo Balda và nữ cố vấn người Ý – Ma Rốc Francesca Chaouqui, theo tờ Le Nouvel Observateur. Cả hai cùng thuộc Ủy ban Cải tổ hệ thống kinh tế – hành chính (COSEA) do Giáo hoàng Francis lập ra vào tháng 7.2013. Họ bị nghi ngờ đã bí mật cung cấp tài liệu mật, băng ghi âm cho hai nhà báo Nuzzi và Fittipaldi. Bà Chaouqui hiện được tại ngoại vì “hợp tác toàn diện” với các nhà điều tra.
Bê bối tài chính
Trong Avarizia, ông Fittipaldi dẫn tài liệu riêng cho biết tổng giá trị các bất động sản của Vatican lên đến 2,7 tỉ euro, nhưng con số được kê khai chỉ bằng 1/7. Khoảng 50% của 5.050 căn hộ, văn phòng, khu đất mà toà thánh sở hữu tại thủ đô Rome của Ý không công khai về diện tích. Hoạt động của Viện Giáo vụ (IOR, còn gọi là Ngân hàng Vatican), một chủ đề cực kỳ “nhạy cảm” khác, bị tác giả mô tả là quá mập mờ, thiếu minh bạch và dẫn đến những chuyện rất “khó hiểu”. Cụ thể, trước khi bị Giáo hoàng Francis yêu cầu cải tổ toàn diện vào năm 2013, IOR vẫn giữ tài khoản có số dư 125.310 euro của Giáo hoàng Paul VI (qua đời năm 1978) và tài khoản còn 110.864 euro của Giáo hoàng John-Paul I (qua đời chỉ 33 ngày sau khi kế vị Giáo hoàng Paul VI).
Nhà báo Nuzzi cũng dẫn tài liệu mật để nêu trong Via Crucis những khuất tất ở Thánh bộ Phong thánh: một số giáo sĩ cấp cao ở bộ này yêu cầu được chi nhiều tiền, có thể lên đến 40.000 euro, để mở hồ sơ về những trường hợp có thể được xem xét tuyên thánh, theo tờ Libération. Cũng theo tác giả Nuzzi, việc chi tiêu tiền quyên góp cho các quỹ từ thiện của Vatican lâu nay rất “lập lờ” và thường đi lệch với mục tiêu kêu gọi ủng hộ ban đầu. Cụ thể, năm 2012 có đến 29 triệu euro (tức 58% tổng số tiền lạc quyên từ thiện ở thành quốc này) được dùng để bù đắp cho ngân sách hoạt động của nhiều cơ quan thuộc toà thánh. Tương tự, ông Fittipaldi cũng nêu trong Avarizia trường hợp cựu Quốc vụ khanh Vatican (vị trí tương đương thủ tướng ở các nước), Hồng y Tarcisio Bertone gần đây đã được chi 200.000 euro từ Quỹ hài đồng Jesus, vốn dành cho các bệnh nhi, để sửa sang căn hộ của mình.
Hồng y Bertone cũng bị hai tác giả Nuzzi và Fittipaldi xếp vào nhóm “sống tương phản với Giáo hoàng Francis”. Đương kim giáo hoàng không ngừng kêu gọi xây dựng một “Giáo hội nghèo khó của người nghèo” và bản thân cũng làm gương khi sống cực kỳ thanh đạm: chọn ở trong một căn phòng chưa đến 70 m2 ở nhà nghỉ Sanctae Marthae của Vatican thay cho khu nhà rộng 300 m2 ở Điện Tông toà; đi xe nhỏ, ít hao nhiên liệu… Ngược lại, rất nhiều vị chức sắc của toà thánh bị cho là có lối sống xa hoa: ông Bertone ở trong căn hộ 700 m2; nơi ở của Hồng y Roger Etchegaray rộng đến 472 m2…
Băng ghi âm
Một trong những phần quan trọng nhất của Via Crucis là đoạn chép lại từ băng ghi âm dài 16 phút của cuộc họp ngày 3.7.2013 giữa Giáo hoàng Francis với các thành viên của COSEA. Theo tác giả, vị đứng đầu Giáo hội Công giáo đã nêu những nhận xét rất thẳng thắn về tình trạng quản lý lỏng lẻo ở Vatican, đặc biệt là về kinh tế, tài chính: “Có thể thấy, một phần lớn các chi phí hiện không được quản lý. (…) Số lượng nhân viên tăng cao quá, dẫn đến sự lãng phí đáng kể. Quỹ lương đã tăng 30% trong vòng 5 năm qua”. Ông Nuzzi dẫn lời Giáo hoàng Francis nhận định: “Phải làm sáng tỏ nguồn gốc của mọi chi tiêu và làm lại quy trình từ dự trù kinh phí đến thanh toán các chi phí. Không phải ai đưa hoá đơn, chúng ta cũng trả tiền nếu khoản đó được chi tiêu vô tội vạ, thiếu minh bạch hoặc chưa được duyệt trước. Lấy ví dụ việc trùng tu thư viện ở Vatican, khoản chi sau cùng cao gấp đôi so với dự trù. Điều gì đã xảy ra? Giá đội lên chút đỉnh? Vậy thì làm dự trù để làm gì?”.
Theo tờ Le Point, đoạn ghi âm nói trên cho thấy Giáo hoàng Francis nhận thấy những “góc khuất” ở Vatican và kiên quyết thực hiện cải cách. Tiêu biểu là hồi tháng 2.2014, ông cho tách toàn bộ các vấn đề về kinh tế, tài chính ra khỏi Phủ Quốc vụ (chuyên trách cả về đối nội lẫn đối ngoại của tòa thánh) để lập thành Quốc vụ viện Kinh tế do Hồng y người Úc George Pell đứng đầu. Quốc vụ viện Kinh tế được sự hỗ trợ của uỷ ban cố vấn gồm 15 thành viên thuộc nhiều quốc tịch, trong đó có 8 giáo sĩ cấp cao (hồng y hoặc giám mục), còn lại là 7 chuyên gia “thế tục” có uy tín trên thế giới. Giáo hoàng Francis cũng tổ chức lại cách điều hành và thay đổi nhân sự ở “ngân hàng” IOR.
Giới quan sát nhận định nếu những gì được nêu trong Avarizia và Via Crucis là sự thật thì quyết tâm cải cách của Giáo hoàng Francis đang gặp không ít cản trở vì gây ảnh hưởng quyền lợi của nhiều phía. Một chi tiết đáng chú ý là hồi tháng 12.2014, một tòa nhà của Vatican bị trộm “thăm viếng” và lấy đi nhiều tài liệu lưu trữ của Uỷ ban Điều tra tài chính. Vài tuần sau đó, bọn chúng gửi về toà thánh một trong số các tài liệu lấy được là bức thư của doanh nhân Michele Sindona, vốn có liên quan đến tổ chức mafia Cosa Nostra. Lời cảnh báo đúng kiểu “thế giới ngầm” này đã khiến các cận vệ của Giáo hoàng Francis bị đặt vào tình trạng “báo động đỏ” trong suốt thời gian dài.
“Không thể sống như pharaon!”
AFP ngày 2.11 dẫn thông cáo của Phòng Báo chí Vatican tuyên bố 2 cuốn sáchVia Crucis và Avarizia là “kết quả một sự phản bội nặng nề đối với sự tin tưởng của Đức Thánh cha”, đồng thời “gây lẫn lộn và dẫn đến những suy diễn theo dụng ý riêng”. Thông cáo cũng cảnh báo việc các tác giả “trục lợi trái phép có thể sẽ bị pháp luật xử phạt”.
Trong khi đó, trả lời báo Straatnieuws ngày 6.11, Giáo hoàng Francis nhận định: “Giáo hội phải nói bằng sự thật, với những chứng cứ cụ thể. Vậy nên một người rao giảng về sự khó nghèo và những người vô gia cư thì không thể sống như pharaon! Trong giáo hội, có những người thay vì phục vụ anh em thì chỉ muốn lợi dụng, họ là những kẻ hám tiền. Có bao nhiêu giám mục và linh mục như thế? Thật đáng buồn khi phải nói ra những điều này, phải không?”.
Giáo hoàng Francis khẳng định việc quản lý bất động sản của Giáo hội Công giáo “sẽ thay đổi”. Ông cũng cho biết tuy không thể bán các di sản lâu đời có “giá trị với cả nhân loại” ở Vatican nhưng gần đây toà thánh đã nhiều lần tổ chức bán vé số gây quỹ từ thiện, với phần thưởng là các tặng phẩm của khách bốn phương tặng giáo hoàng.

 

Lan Chi