Nhà máy 38 triệu USD xây dựng ‘chui’ giữa thủ đô
Một nhà máy gồm nhiều nhà xưởng, công trình phụ trợ có quy mô hàng chục ngàn mét vuông xây dựng trái quy hoạch, không được cấp phép xây dựng nhưng vẫn tồn tại và hoạt động từ năm 2009 đến nay.
Nhà máy 38 triệu USD xây dựng ‘chui’ giữa thủ đô
Một nhà máy gồm nhiều nhà xưởng, công trình phụ trợ có quy mô hàng chục ngàn mét vuông xây dựng trái quy hoạch, không được cấp phép xây dựng nhưng vẫn tồn tại và hoạt động từ năm 2009 đến nay.
Đó là Nhà máy nước giải khát không cồn và bánh snack URC Hà Nội của Công ty TNHH URC Hà Nội (URC Hà Nội) tại khu công nghiệp Thạch Thất – Quốc Oai, TP.Hà Nội.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, năm 2009, URC Hà Nội bắt đầu khởi công xây dựng nhà máy, đến năm 2010 đã hoàn thành đưa vào hoạt động gồm công trình nhà xưởng và trạm xử lý nước thải với công suất 375 m3/ngày đêm.
Đến tháng 5.2013, URC Hà Nội tiếp tục thực hiện dự án mở rộng xây dựng thêm nhà xưởng, nâng công suất bánh snack từ 3.485 tấn/năm lên 20.000 tấn/năm, công suất nước giải khát từ 160.000 tấn/năm lên 295.000 tấn/năm và xây dựng thêm một trạm xử lý nước thải cho dự án với công suất xử lý 525 m3/ngày đêm. Đầu năm 2014, dự án mở rộng của URC Hà Nội hoàn tất và chính thức đi vào hoạt động.
Với công suất, quy mô mở rộng như vậy, dự án trên bắt buộc phải có kết luận đánh giá tác động môi trường của Tổng cục Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên – Môi trường. Tuy nhiên cho đến nay, nhà máy của URC Hà Nội vẫn đang mang tính chất hoạt động “chui” bởi chưa được chứng nhận, cấp phép của các cơ quan chức năng thuộc TP.Hà Nội và Bộ Tài Nguyên – Môi trường.
Trong văn bản gửi UBND TP.Hà Nội và các đơn vị liên quan vào cuối tháng 9.2015, ông Nguyễn Xuân Lĩnh, Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, cho biết đến nay nhà máy của Công ty URC Hà Nội chưa được Tổng cục Môi trường cấp “giấy xác nhận hoàn thành công trình, biện pháp bảo vệ môi trường”. Nguyên nhân chính là “đã xây dựng nhà xưởng và các công trình phụ trợ của dự án trên các lô đất dùng cho xây dựng kho tàng và bãi tập kết rác thải chung của khu công nghiệp”, văn bản này cho biết.
Không dám… xử lý nghiêm?
Tuy nhiên, trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Đồng Tâm, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, thừa nhận từ tháng 8.2009, cơ quan chức năng đã phát hiện các vi phạm của URC Hà Nội, nhưng do có những “yếu tố lịch sử” nên chưa xử lý được.
Trong đó, khu công nghiệp Thạch Thất – Quốc Oai được thành lập từ 2 cụm điểm công nghiệp và thuộc quản lý của tỉnh Hà Tây cũ, sau khi sáp nhập với Hà Nội đã có sự chuyển giao giữa nhiều cơ quan quản lý nên không xử lý được dứt điểm. Theo ông Tâm, từ thời điểm phát hiện công trình vi phạm, Ban Quản lý khu công nghiệp đã nhiều lần lập biên bản yêu cầu dừng các hoạt động xây dựng nhưng doanh nghiệp phớt lờ.
Cũng theo ông Tâm, do Công ty URC là doanh nghiệp FDI có tổng mức đầu tư lớn tại Hà Nội (38 triệu USD), nếu xử lý mạnh tay sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư nên cuối năm 2009, Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội đã có văn bản đề xuất UBND TP.Hà Nội cho điều chỉnh cục bộ quy hoạch từ đất dùng cho bãi rác và kho tàng thành đất công nghiệp theo hướng hợp thức hóa sai phạm cho Công ty URC Hà Nội. Đến tháng 6.2010, UBND TP.Hà Nội đã có văn bản chấp thuận cho điều chỉnh lại quy hoạch và giao cho chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp là Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Hà Tây trình các phương án cụ thể điều chỉnh quy hoạch cục bộ để UBND TP phê duyệt.
Thế nhưng, theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, đến thời điểm này, đã hơn 6 năm trôi qua nhưng UBND TP.Hà Nội vẫn chưa phê duyệt việc điều chỉnh quy hoạch tại khu công nghiệp Thạch Thất – Quốc Oai. Điều này cũng đồng nghĩa với việc cả nhà máy của Công ty URC Hà Nội đang hoạt động “chui”. Đáng chú ý, trong khi các vi phạm cũ chưa được xử lý thì Công ty URC lại tiếp tục để xảy ra các sai phạm mới, còn Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho rằng “lực bất tòng tâm”.
Theo ông Nguyễn Đồng Tâm, Ban Quản lý khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội là đơn vị cấp phép xây dựng nhưng không có chức năng xử lý vi phạm, do đó khi biết doanh nghiệp xây dựng trái phép đơn vị đã lập biên bản và có văn bản đề nghị UBND H.Thạch Thất chỉ đạo thanh tra xây dựng tiến hành xử lý. Tuy nhiên, việc xử lý đến đâu, như thế nào thì UBND H.Thạch Thất không báo cáo lại nên Ban Quản lý khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cũng không nắm rõ. Cũng theo ông Tâm, do có sự chồng lấn về quy hoạch và Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Hà Tây thực hiện việc quy hoạch chưa thực sự có trách nhiệm nên đã để sự việc kéo dài cho đến nay.
|
Thái Sơn