Ngành chăn nuôi phải “xoá bàn làm lại”
VN cần thay đổi lại toàn bộ chiến lược ngành chăn nuôi, đó là đề nghị của các chuyên gia, hiệp hội tại thông tin cam kết TPP trong lĩnh vực nông nghiệp do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 6-11.
CHUYỂN ĐỘNG SAU KHI TPP ĐƯỢC CÔNG BỐ
Ngành chăn nuôi phải “xoá bàn làm lại”
VN cần thay đổi lại toàn bộ chiến lược ngành chăn nuôi, đó là đề nghị của các chuyên gia, hiệp hội tại thông tin cam kết TPP trong lĩnh vực nông nghiệp do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 6-11.
Ngành chăn nuôi bò VN sẽ gặp khó khăn do phải cạnh tranh với sản phẩm của các nước thành viên có tên tuổi trong ngành chăn nuôi thế giới. Trong ảnh: thịt bò ngoại được bày bán tại một siêu thị ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM – Ảnh: Thanh Tùng |
Ông Cao Đức Phát, bộ trưởng Bộ NN&PTNT, thừa nhận khi tham gia TPP, ngành nông nghiệp VN sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là ngành chăn nuôi VN sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất do quy mô nhỏ lẻ, giá thành cao, chưa đạt yêu cầu an toàn thực phẩm…
Thủy sản hưởng lợi, chăn nuôi gặp khó
Bà Phạm Thị Hồng Hạnh – Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT), đơn vị được giao đàm phán lĩnh vực nông nghiệp – cho biết theo cam kết, ngay sau khi TPP có hiệu lực, với mặt hàng thịt heo, hiện đang có mức thuế 10 – 15%, sẽ được VN đưa về mức 0% theo lộ trình 10 – 13 năm với các loại thịt mảnh tươi, ướp lạnh. Sản phẩm thịt heo chế biến cũng sẽ phải đưa thuế về 0% sau 8 – 11 năm, tùy mặt hàng.
Với mặt hàng thịt gà nguyên con, tươi, ướp lạnh và phụ phẩm, hiện đang được VN áp thuế 10 – 25%, sẽ phải xóa bỏ thuế theo lộ trình 12 năm tới. Thịt gà chế biến xoá bỏ thuế sau 8 – 11 năm.
Theo bà Hạnh, ngành nông nghiệp VN cũng hưởng lợi nếu đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn, chất lượng bởi các nước thành viên TPP cũng sẽ mở cửa cho sản phẩm nông nghiệp VN. Chẳng hạn, Mỹ cam kết sẽ xóa bỏ thuế với 97,7% kim ngạch xuất khẩu nông sản của VN.
Riêng mặt hàng đường, VN sẽ được dành hạn ngạch 1.500 tấn/năm. Nhật Bản cũng cam kết xóa bỏ thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực cho 78% kim ngạch xuất khẩu nông sản của VN.
Với các mặt hàng thuỷ sản, Mỹ cam kết xóa bỏ thuế ngay cho 92,6% kim ngạch xuất khẩu của VN. Nhật cam kết mức xoá bỏ ngay là 91%. Canada gần như xóa bỏ 100% thuế cho tất cả mặt hàng nông, thuỷ sản, đồ gỗ từ VN. Tuy nhiên, mức cam kết đạt được với Mexico không nhiều, trong đó nông sản thuế chỉ đưa về 0% cho khoảng 37% kim ngạch xuất khẩu…
Đặc biệt, tám nước thành viên sẽ xoá bỏ ngay thuế cho gạo VN, Mexico và Chile sẽ xoá thuế cho gạo VN sau 8 – 10 năm. Riêng Nhật Bản không cam kết xoá thuế cho mặt hàng này của VN. Mặt hàng cà phê nguyên liệu cũng được 10 thành viên bỏ ngay thuế khi hiệp định có hiệu lực, trừ Mexico giữ lộ trình.
Tất cả thành viên đều xoá ngay thuế đối với hạt điều và rau quả nhiệt đới tươi nhập từ VN, các thành viên – trừ Nhật Bản – cũng xoá ngay thuế cho mặt hàng chè VN… Với mặt hàng thuỷ sản, theo bà Hạnh, các nước sẽ xoá thuế ngay cho VN, trừ một số mặt hàng sơ chế (cá tra, cá ngừ, tôm, thịt cua…) sẽ xoá thuế sau 2 – 3 năm.
Phải điều chỉnh chiến lược
Theo ông Cao Đức Phát, trong sáu nhóm ngành hàng nông nghiệp, chăn nuôi là ngành gặp khó khăn nhất sau khi VN tham gia TPP.
Với đặc trưng chăn nuôi nhỏ lẻ, việc cạnh tranh với thịt bò Úc và New Zealand – các quốc gia có rất nhiều thế mạnh về thịt bò và sản phẩm liên quan đến chăn nuôi bò, cũng như thịt heo và thịt gà của Mỹ và Canada – những cường quốc trong các lĩnh vực này – thật sự là thách thức rất lớn của ngành chăn nuôi VN.
“Chắc chắn chúng ta phải nghiên cứu, điều chỉnh chiến lược ngành chăn nuôi và một số lĩnh vực khác, trong đó cần có cơ chế, chính sách đặc biệt cho nông hộ nhỏ” – ông Phát nói, đồng thời cho biết ngành nông nghiệp sẽ sớm nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ các chính sách hỗ trợ cần thiết.
Tuy nhiên, ông Phát cảnh bảo rằng chỉ hai tháng nữa VN sẽ bắt đầu tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN. Và theo cam kết, đến năm 2018 sẽ chỉ còn vài chục sản phẩm từ khu vực này vào VN chịu thuế 5%, còn lại 0% nên bản thân các doanh nghiệp cũng phải tính toán các bài toán đầu tư, cạnh tranh.
Trong khi đó, chuyên gia chăn nuôi Lê Bá Lịch cho rằng bên cạnh những khó khăn, việc tham gia TPP cũng là cơ hội để ngành chăn nuôi VN điều chỉnh lại chiến lược phát triển phù hợp.
Theo ông Lịch, phần lớn người tiêu dùng VN – trừ một số đô thị và các khu công nghiệp – đều có thói quen sử dụng thịt nóng thay vì thịt đông lạnh. Hơn nữa, lộ trình giảm và xóa thuế là 10 – 13 năm tới, còn nhiều thời gian ngành chăn nuôi VN thay đổi để thích nghi và cạnh tranh.
“Đã đến lúc ngành chăn nuôi VN phải đổi mới chất lượng và hạ giá sản phẩm. Nếu hạ giá được 30% và nâng chất lượng, chăn nuôi VN sẽ cạnh tranh được” – ông Lịch nói.
Tuy nhiên, VN hiện có tới 11 triệu nông hộ cùng tham gia chăn nuôi với quy mô nhỏ lẻ, do đó cần có chiến lược để tập hợp, tổ chức lại sản xuất để có thể tồn tại.
“Phải có cơ chế để hỗ trợ những doanh nghiệp lớn tham gia tổ chức lại sản xuất trong ngành chăn nuôi, thay vì để ngành chăn nuôi manh mún như thời gian qua” – ông Lịch đề nghị.
* Ông Phạm Đức Bình (phó chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi VN): Đoạn tuyệt cách làm cũ Nhược điểm lớn nhất của ngành chăn nuôi VN hiện nay là quy mô nhỏ lẻ, rời rạc, ai biết phận người đó. Mỗi khâu trong chuỗi chăn nuôi từ sản xuất con giống, thức ăn, thuốc chữa bệnh, chăn nuôi, thương lái đến bán lẻ đều cố tìm mọi cách để có lợi nhuận cao nhất cho mình nên lại làm hại cho các khâu khác. Đây là kiểu làm ăn “vui từ nỗi buồn của người khác” tạo ra một ngành chăn nuôi yếu, không có sức cạnh tranh, chưa kể các tồn tại như an toàn thực phẩm, chất tạo nạc, tạo màu, heo bơm nước… Muốn tồn tại và phát triển, ngành chăn nuôi cần phải đoạn tuyệt hẳn cách làm ăn cũ. Thay vào đó, phải hình thành các tập đoàn lớn phát triển một chuỗi hoàn chỉnh, từ khâu con giống, thức ăn chăn nuôi và phân phối. Còn lại sẽ thành lập các trang trại chăn nuôi vệ tinh theo hình thức gia công hoặc hợp đồng. Ngoài ra, các công ty thuộc các khâu khác nhau cũng có thể tham gia liên kết với nhau để cùng chia sẻ lợi nhuận. Đích đến của các chuỗi này chính là các thương hiệu thịt heo, gà, bò… có chất lượng cao, được kiểm soát và truy xuất nguồn gốc. Sản phẩm đưa ra thị trường có nhãn mác rõ ràng. * Ông Nguyễn Văn Ngọc (phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ): Liên kết công nghiệp Ngành chăn nuôi gà công nghiệp tại Đông Nam bộ hiện không còn chăn nuôi nhỏ lẻ mà chuyển sang nuôi gia công cho các công ty chăn nuôi lớn, đặc biệt là các công ty từ châu Âu đầu tư vào VN theo hình thức liên kết với người chăn nuôi để tạo ra những sản phẩm an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Các khâu liên kết giữa người chăn nuôi và nhà sản xuất đã cơ bản hoàn thành, sắp tới sẽ là giai đoạn đưa thịt có thương hiệu ra thị trường. |