29/11/2024

Myanmar mong chờ chính quyền dân sự thực chất

Cử tri Myanmar tin rằng nếu cuộc tổng tuyển cử ngày 8.11 thật sự tự do và trong sạch, chiến thắng sẽ thuộc về chính trị gia đối lập Aung San Suu Kyi.

 

Myanmar mong chờ chính quyền dân sự thực chất

 

Cử tri Myanmar tin rằng nếu cuộc tổng tuyển cử ngày 8.11 thật sự tự do và trong sạch, chiến thắng sẽ thuộc về chính trị gia đối lập Aung San Suu Kyi.



Những người ủng hộ lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi dựng sân khấu chuẩn bị cho một cuộc mít tinh ở Yangon ngày 5.11 - Ảnh: AFPNhững người ủng hộ lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi dựng sân khấu chuẩn bị cho một cuộc mít tinh ở Yangon ngày 5.11 – Ảnh: AFP
Hơn 30 triệu cử tri Myanmar sẽ đi bỏ phiếu trong ngày 8.11 để bầu 664 nghị sĩ quốc hội lưỡng viện và hơn 500 ghế hội đồng lập pháp địa phương. Được gọi là “lịch sử” với sự tham gia của gần 6.000 ứng viên từ 92 chính đảng và hơn 300 ứng viên tự do, giới quan sát đánh giá đây là cuộc tổng tuyển cử đầy đủ và minh bạch nhất trong vòng 1/4 thế kỷ qua ở Myanmar.
Phó giám đốc Chương trình dân chủ của Trung tâm Carter (Mỹ), ông Jonathan Stonestreet, phát biểu với báo giới ở Yangon rằng độ cởi mở trước các quan sát viên trong cuộc bầu cử lần này là “rất đáng khích lệ”. Khoảng 200 quan sát viên phương Tây và 1.000 người địa phương được hứa hẹn có thể tiếp cận mọi điểm bỏ phiếu và quá trình kiểm phiếu.
Dù vậy, nhiều người Myanmar tỏ ra băn khoăn với Thanh Niên về độ “sạch” của cuộc bầu cử trước những phản ánh rằng danh sách cử tri có nhiều người đã chết, trong khi nhiều người sống không có tên. Điều gây bức xúc nhất là 25% ghế nghị viên quốc hội và địa phương (khoảng 380 ghế) sẽ được phân bổ cho các tướng lĩnh quân đội sau bầu cử mà không qua tranh cử. “Nếu bầu cử tự do và công bằng, Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi chắc chắn thắng. Cả Yangon đang ngập trong sắc đỏ, màu cờ biểu tượng của NLD”, nhà báo Tu Tu Tha nói.
Bà Tu nói rằng chính quyền của Tổng thống Thein Sein đã “chẳng cải cách được mấy” trong 5 năm qua, trong khi công chúng không tin tưởng vào thể chế dân sự dưới sự lãnh đạo của một cựu tướng lĩnh. Đặc biệt, chính quyền Thein Sein đã không thành công trong việc giải quyết các mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo và không thu phục được các nhóm ly khai ở biên giới.
Cùng đánh giá như bà Tu, cộng với nội tình rối rắm trong Đảng Đoàn kết và Phát triển Liên bang (USDP) cầm quyền, nhà quan sát Zeya Thu cho rằng NLD sẽ giành được nhiều ghế hơn, trong khi USDP “dường như cũng dự đoán được thất bại”. “Nhưng NLD chắc chắn sẽ thắng lớn ở các thành phố, còn ở các địa phương thì không chắc do đặc thù sắc tộc và địa phương”, vị phó tổng biên tập tạp chí The Voice Weekly nói với Thanh Niên. Vì thế, khả năng lớn nhất là NLD phải liên minh với các đảng thiểu số khác nhằm có đủ 2/3 số ghế để lập chính phủ.
“Đứng trên tổng thống”
Rối rắm lớn trong cuộc bầu cử này là bà Aung San Suu Kyi sẽ không được làm tổng thống kể cả khi NLD thắng cử, do bà có con mang quốc tịch nước ngoài, theo điều 59F của Hiến pháp Myanmar. Người phụ nữ từng bị tước quyền lãnh đạo sau cuộc bầu cử năm 1990 và đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1991 này có chồng người Anh và 2 con trai mang quốc tịch cha.
Tuy nhiên, phát biểu trong họp báo sau cuộc vận động tranh cử cuối cùng hôm qua 5.11 tại Yangon, bà Suu Kyi mạnh mẽ tuyên bố nếu NLD chiến thắng, bà sẽ lãnh đạo chính phủ. Bà cho biết sẽ chỉ định một tổng thống, nhưng bà “sẽ đứng trên tổng thống”, và “hiến pháp không cấm điều này”.
Nhận định về phát biểu này, ông Zeya Thu cho rằng nó sẽ khiến một số người ghét bà Suu Kyi. “Nhưng số người yêu bà ấy nhiều hơn”, bởi công chúng đặt niềm tin ở bà, ông Zeya nói.
Ai sẽ là tổng thống tương lai ?
Trước đây, dư luận tin rằng bà Suu Kyi sẽ bắt tay với Chủ tịch USDP, cũng là chủ tịch Hạ viện, Shwe Mann. Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh với đương kim Tổng thống Thein Sein trong nội bộ USDP khiến ông Shwe Mann mất chức hồi tháng 8.2015. Ông này vì thế “không còn giá trị” đối với bà Suu Kyi nữa, theo nhà quan sát Zeya Thu. Một nhân vật khác thuộc thế hệ những người đấu tranh dân chủ năm 1988 ở Myanmar là ông Ko Ko Gyi cũng được bà Suu Kyi mời đại diện NLD tranh cử tổng thống. Nhưng các nhà hoạt động dân chủ bất ngờ gạt phắt đề cử này hồi tháng 8.2015.
Dư luận cũng dự đoán rằng trong một nước cờ chiến lược, bà Suu Kyi có thể bắt tay với đương kim Tổng thống Thein Sein và để ông này tiếp tục làm tổng thống trong một vài năm nhằm hiện thực hoá ý đồ sửa hiến pháp. Một số ứng viên tiềm năng khác là ông Tin Oo, cựu tư lệnh quân đội và là thành viên sáng lập NLD; cựu quân nhân Win Htein vốn thân cận với bà Suu Kyi. Tờ The Irrawaddy tiếng Myanmar hôm 5.11 đưa tin bà Suu Kyi có thể chọn bác sĩ Tin Myo Win, Giám đốc Ủy ban Sức khỏe của NLD và cũng là bác sĩ của gia đình bà.

 

Thục Minh 
(Văn phòng Singapore)