11/01/2025

Còn đâu “thương cho roi cho vọt”

Tháng 11 – ngoài kia người người đang tung hô, ca ngợi nghề giáo. Đọc những lời ca ngợi, nhận những món quà từ học trò, bỗng dưng tôi thấy thẹn với chính mình.

 

Còn đâu “thương cho roi cho vọt”

 

Tháng 11 – ngoài kia người người đang tung hô, ca ngợi nghề giáo. Đọc những lời ca ngợi, nhận những món quà từ học trò, bỗng dưng tôi thấy thẹn với chính mình.




Minh họa: NOP
Minh hoạ: NOP
Ôi nghề giáo! Cái nghề được coi là cao quý trong tất cả các nghề, giờ cũng chỉ là cái cần câu cơm… Không có gió, không có khói mà khóe mắt cay cay. Chẳng biết ngoài kia có ai đồng cảm với tôi không, có ai đó cũng đang trăn trở, có ai đó cũng đang mỗi ngày đến lớp cho xong trách nhiệm rồi về?

Lần tay gỡ tờ lịch. Chạm phải con số, bỗng nhiên thảng thốt: Tháng 11 rồi ư? Hèn gì mà mấy hôm nay ra đường đã thấy những panô, biểu ngữ chuẩn bị cho ngày nhà giáo sắp tới.

Ai đó đã ví nghề giáo như người đưa đò. Cứ mỗi lượt khách sang sông thì người vận chuyển quay về bến cũ. Khách lên bờ và tiếp tục hành trình. Có mấy ai trong muôn vạn người kia một lần về bến cũ? Có mấy ai còn nhớ người đưa đò? Bởi vậy, có người bạn đồng nghiệp đã nói với tôi rằng: “Làm nghề giáo bạc lắm!”.

Thời đó tôi mới ra trường, lòng còn đầy nhiệt huyết, sức trẻ đang hừng hực với những khát khao và cống hiến. Trong lòng tôi chỉ ước ao mỗi ngày được đứng trên bục giảng, say sưa truyền đạt tri thức ấp ủ bấy lâu cho những học sinh thân yêu kia. Cho nên tôi đâu hiểu được hết những ẩn ý trong câu nói của người đồng nghiệp khi ấy.

Rồi thì “thức đêm mới biết đêm dài”. Gần mười năm đi dạy, tuổi đời cũng nhiều, tuổi nghề cũng có, vui nhiều và buồn cũng chẳng ít, thất vọng ê chề cũng ăm ắp. Mỗi ngày, mỗi lần lên lớp lòng cứ giằng co, cứ trăn trở về những cái gọi là quy chuẩn nghề nghiệp. Tôi nghĩ về câu nói “tôn sư trọng đạo” mà bao đời người ta vẫn ca ngợi, rồi bất chợt buồn. Hình như khái niệm đó giữa thời buổi này đã mai một ít nhiều.

Có một thực tế là học trò bây giờ thấy thầy cô giáo cứ ngước mắt nhìn kiểu vô cảm, đến cả phép lịch sự chào hỏi người lớn còn chưa có thì lấy đâu ra cái gọi là “tôn sư”? Tôi không nói là tất cả, tôi không vơ đũa cả nắm, nhưng cách ứng xử như vậy là của đa số học sinh bây giờ. Tôi thấy buồn và tôi thật sự hụt hẫng.

Nhưng không, sự hụt hẫng chưa dừng lại ở đó… Từ hụt hẫng ban đầu chuyển sang cái gọi là thất vọng. Thất vọng khi chân lý “Thương cho roi cho vọt” đã sắp hết thời, hết thông tư này đến nghị định nọ quy định về thái độ, hành vi ứng xử của giáo viên với học sinh trong nhà trường lần lượt ra đời. Hầu như trong buổi họp nào các kiểu quy định cũng được nhắc đi nhắc lại đến nhàm chán.

Bây giờ, ngay cả lời nhắc nhở hơi lớn tiếng cũng được gọi là bạo hành tinh thần học sinh. Chỉ một lời phê thật lòng trên bài làm cũng bị dư luận mang ra mổ xẻ, hay chỉ cần một chút sơ suất không kiềm chế hành động thì với tốc độ lan truyền của mạng xã hội hiện nay, thầy cô bỗng chốc trở thành người có lỗi…

Buồn khi phải co mình lại

Càng nghĩ lại càng xót xa. Học sinh còn quá ngây thơ để nhận ra được những góc khuất của giáo dục. Các em chưa đủ kinh nghiệm sống để nhận ra đâu là tâm huyết của người thầy trong cách giáo dục các em. Nhiều em còn luôn tỏ thái độ khó chịu, thậm chí ghét những thầy cô hay nói nhiều, hay răn dạy…

Và rồi tôi lại xót xa cho chính mình. Từ một sinh viên sư phạm với nhiệt huyết ngày nào, theo thời gian lòng yêu nghề cứ mai một dần. Mắt phải tập làm ngơ với những ngỗ nghịch của học trò, tai phải lờ đi khi nghe các em nói những lời không đẹp, miệng phải khép trước những ứng xử thô lỗ từ phụ huynh… để được yên thân tiếp tục 
công việc.

ĐĂNG THƯ