Bản tường trình đúc kết Thượng Hội đồng Giám mục : “Chúng ta tiếp tục đi trên con đường của mình”

Với 177 phiếu trong số 265 phiếu, chiếm hai phần ba đa số phiếu, các Nghị phụ đã phê chuẩn Bản Tường trình Đúc kết (final Relatio) của Thượng Hội đồng Giám mục khóa Thông thường thứ 14 về Gia đình, gồm 94 đoạn, mỗi đoạn đều đã được bỏ phiếu riêng lẻ

 BẢN TƯỜNG TRÌNH ĐÚC KẾT THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC: ‘CHÚNG TA TIẾP TỤC ĐI TRÊN CON ĐƯỜNG CỦA MÌNH’

 

Với 177 phiếu trong số 265 phiếu, chiếm hai phần ba đa số phiếu, các Nghị phụ đã phê chuẩn Bản Tường trình Đúc kết (final Relatio) của Thượng Hội đồng Giám mục khóa Thông thường  thứ 14 về Gia đình, gồm 94 đoạn, mỗi đoạn đều đã được bỏ phiếu riêng lẻ. Cha Federico Lombardi SJ, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh đã tóm lược về văn kiện, vốn được Đức Thánh Cha ủy quyền công bố bằng tiếng Ý.

Cha Lombardi nhận xét rằng văn kiện không những đưa ra xem xét nhiều vấn đề khó khăn của gia đình, mà còn đưa ra khả năng tuyệt vời của gia đình nhằm đối mặt và đối phó với những khó khăn đó. Bản Tường trình Đúc kết của Thượng Hội đồng bao gồm nhiều sửa đổi Tài liệu Làm việc đã được trình bày cho các nghị phụ và do đó phản ánh tiếng nói của Hội nghị khoáng đại.

Đề cặp đến hai đoạn văn dành riêng cho các hoàn cảnh gia đình phức tạp, đã được phê duyệt bởi đa số phiếu rất sát sao là 178 và 180 phiếu, Cha Lombardi lưu ý rằng 2 đoạn này chú ý đến tiếp cận mục vụ các gia đình bị tổn thương hoặc những người không thường xuyên theo quan điểm hợp giáo luật và kỷ luật của Giáo Hội: chung sống như vợ chồng, hôn nhân dân sự, người ly dị và tái hôn và hướng mục vụ giải quyết những hoàn cảnh này.

Cha Lombardi nhấn mạnh rằng văn phong của văn kiện là tích cực và chào đón, và nó đã làm phong phú thêm Tài liệu Làm việc. Tương tự như vậy, Tự sắc của Đức Giáo Hoàng về cải cách thủ tục tuyên bố hôn nhân vô hiệu có những đóng góp hiệu quả và quyết định đến chủ đề của Thượng Hội đồng.

Bản Tường trình Đúc kết khẳng định giáo lý bất khả phân ly của bí tích hôn nhân không phải là một cái ách mà là một ân sủng từ Thiên Chúa, một sự thật dựa vào Chúa Kitô và mối tương quan của Ngài với Giáo Hội. Đồng thời, nó nhấn mạnh rằng sự thật và lòng thương xót hội tụ trong Chúa Kitô, dẫn đến việc chào mừng các gia đình bị tổn thương. Không đề cập rõ ràng đến việc lãnh nhận Bí tích Thánh Thể đối với những người ly dị tái hôn, văn kiện Thượng Hội đồng nhắc lại rằng họ không bị vạ tuyệt thông và đề cập đến phân tích các tình huống phức tạp trong gia đình cho nhận thức của các vị mục tử. Văn kiện nhấn mạnh rằng nhận thức này phải được áp dụng phù hợp với giáo huấn của Giáo Hội, với sự tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa vốn không khước từ một ai. Đối với các cặp chung sống như như vợ chồng, văn kiện nhắc lại rằng tình trạng này nên được đối diện với tinh thần xây dựng, tìm cách biến nó thành một cơ hội cho một con đường để biến đổi hướng đến sự viên mãn của hôn nhân và gia đình, trong ánh sáng của Tin Mừng.

Điểm nổi bật khác của văn kiện là đề cập đến đồng tính. Không được phân biệt đối xử đối với người có khuynh hướng đồng tính, nhưng đồng thời văn kiện tuyên bố rằng Giáo Hội không chấp nhận kết hợp đồng tính và áp lực bên ngoài Giáo Hội liên quan đến vấn đề này không được chấp nhận. Có những đoạn đặc biệt dành riêng cho những người di dân, người tị nạn và các gia đình bị ngược đãi, những gia đình thường bị chia lìa và các thành viên có thể trở thành nạn nhân của nạn buôn người. Một cách tiếp cận chào đón cũng đã được kêu cầu cho họ, nhắc lại các quyền và nghĩa vụ của họ ở nước sở tại của họ.

Có những đoạn đề cập cụ thể về phụ nữ, nam giới và trẻ em, những trụ cột của đời sống gia đình: văn kiện nhấn mạnh sự cần thiết cho việc bảo vệ và công nhận giá trị của vai trò tương ứng của họ. Hy vọng rằng một vai trò nổi bật hơn sẽ được xác định đối với phụ nữ trong việc đào tạo các thừa tác viên được phong chức, trong khi liên quan đến trẻ em thì đề cập đến vẻ đẹp của con nuôi, nuôi dưỡng, những thực thi tái tạo lại những mối dây gia đình bị tan vỡ. Thượng Hội đồng không quên những người góa phụ và goá vợ, người khuyết tật, người già và ông bà, những người giúp cho việc thông truyền đức tin trong gia đình và phải được bảo vệ khỏi các nền văn hóa vứt bỏ. Người chưa lập gia đình cũng phải được công nhận về những dấn thân của họ cho Giáo Hội và xã hội.

Trong số các “bóng tối” thường xuyên đánh vào gia đình, Thượng Hội đồng ghi nhận sự hiện diện của cuồng tín về chính trị và tôn giáo chống đối Kitô giáo, sự gia tăng của chủ nghĩa cá nhân, ý thức hệ về giới, xung đột, khủng bố, đói nghèo, việc làm bấp bênh, tham nhũng, những khó khăn kinh tế có thể loại trừ các gia đình khỏi giáo dục và văn hóa, toàn cầu hóa về sự thờ ơ trong đó vị trí của con người là trung tâm của xã hội đã bị chiếm đoạt bởi tiền bạc, văn hóa phẩm khiêu dâm, và tỷ lệ sinh giảm.

Do đó, Bản Tường trình Đúc kết tập hợp các đề nghị lại nhằm tăng cường chuẩn bị cho hôn nhân, nhất là với những người trẻ có vẻ như bị đe dọa bởi hôn nhân. Thượng Hội đồng nói rằng họ khó khăn trong việc hình thành cảm xúc đầy đủ, theo sau các nhân đức khiết tịnh và tự hiến. Về vấn đề này, đã được đề cập đến trong mối tương quan giữa hành vi tính dục và truyền sinh giữa vợ chồng, trong đó con cái là hoa trái quý giá nhất, vì chúng mang ký ức và hy vọng về hoạt động của tình yêu. Một mối tương quan khác là giữa các ơn gọi gia đình và ơn gọi sống đời sống thánh hiến. Giáo dục về tính dục, tính hữu hình về thể lý và thúc đẩy trách nhiệm giáo dục con cái cũng sẽ là trọng tâm, phù hợp với giáo lý của Thông điệp Sự sống Con người (“Humanae Vitae”) của Đức Phaolô VI  và vai trò chính yếu của cha mẹ trong việc giáo dục con cái trong đức tin.

Một lời kêu gọi cũng đã được đưa ra cho các tổ chức nhằm thăng tiến các chính sách nâng đỡ cho gia đình, và người Công giáo tham gia vào chính trị cũng được cổ võ bảo vệ gia đình và sự sống, khi một xã hội bỏ qua chúng làm mất đi sự mở ngỏ cho tương lai. Ở khía cạnh này, Thượng Hội đồng tái khẳng định sự thánh thiêng của sự sống từ lúc thụ thai cho đến khi qua đời theo cách tự nhiên, và cảnh báo chống lại các mối đe dọa nghiêm trọng gây ra cho gia đình bằng cách phá thai và an tử. Các đoạn văn tiếp theo dành riêng cho các cuộc hôn nhân hỗn hợp, nhấn mạnh đến những khía cạnh tích cực trong mối quan hệ đối thoại đại kết và liên tôn, đồng thời khẳng định sự cần thiết phải bảo vệ quyền tự do tôn giáo và tự do lương tâm trong xã hội.

Văn kiện cũng bao gồm suy tư bao quát về sự cần thiết phải thay đổi ngôn ngữ của Giáo Hội, làm cho nó có ý nghĩa hơn để loan báo Tin Mừng về gia đình có thể thực sự đáp ứng những nguyện vọng sâu xa nhất của con người. Điều này có nghĩa là không chỉ trình bày một loạt các quy định mà cần phải công bố rằng ân sủng ban cho khả năng sống đời sống gia đình tốt lành.

Cuối cùng, Bản Tường trình Đúc kết nhấn mạnh vẻ đẹp của gia đình: là một giáo hội tại gia trên nền tảng hôn nhân giữa một người nam và một người nữ, là tế bào cơ bản của xã hội góp phần làm cho xã hội phát triển, là lối vào an toàn cho những tình cảm sâu sắc nhất, điểm duy nhất kết nối các độ tuổi khác nhau, và là một phần không thể thiếu trong hệ sinh thái của con người, gia đình cũng cần được bảo vệ, nâng đỡ và khuyến khích bởi các nhà chức trách.

Văn kiện kết thúc bằng một lời cầu xin cho các Nghị phụ của Đức Thánh Cha, về khả năng phát hành văn kiện về gia đình, như cha Lombardi giải thích: “Các Nghị phụ Thượng Hội đồng không nói rằng tất cả đã hoàn tất, nhưng khẳng định rằng họ trình Bản Tường trình Đúc kết lên Đức Thánh Cha để ngài đánh giá xem có nên tiếp tục trên con đường này bằng một tài liệu, trên cơ sở tường trình của Thượng Hội đồng, để tiếp tục thẩm tra các chủ đề về gia đình từ góc nhìn mà ngài mong muốn đưa ra. ‘Chúng ta tiếp tục trên con đường của mình’”.

Tạ Ân Phúc