04/01/2025

Vé tàu Tết: Đi chặng ngắn, phải mua chặng dài

Nhiều hành khách phản ảnh ngành đường sắt chỉ ưu tiên bán vé chặng dài khiến người đi chặng ngắn không có cơ hội mua được vé tàu tết hoặc phải tốn tiền mua vé chặng dài.

 

Vé tàu Tết: Đi chặng ngắn, phải mua chặng dài

 

Nhiều hành khách phản ảnh ngành đường sắt chỉ ưu tiên bán vé chặng dài khiến người đi chặng ngắn không có cơ hội mua được vé tàu tết hoặc phải tốn tiền mua vé chặng dài.




Hành khách chọn mua vé tàu tết năm 2016 tại ga Sài Gòn ngày 29-10 - Ảnh: Hữu Khoa
Hành khách chọn mua vé tàu tết năm 2016 tại ga Sài Gòn ngày 29-10 – Ảnh: Hữu Khoa

Theo kế hoạch bán vé tàu tết được Công ty TNHH một thành viên Vận tải đường sắt Sài Gòn (Công ty Đường sắt Sài Gòn) công bố trước đây, trong những ngày cao điểm tết, ngoài năm đôi tàu khách Thống Nhất, sẽ chạy thêm các đôi tàu Thống Nhất tăng cường.

Như vậy có tổng cộng 15 đôi tàu Thống Nhất, ước tính khoảng 13.000 chỗ/ngày (một chiều từ Sài Gòn ra Hà Nội). Số lượng chỗ này chỉ bán cho chặng xa như: Sài Gòn – Thanh Hoá, Sài Gòn – Nam Định, Sài Gòn – Hà Nội.

Nhân viên bán vé hướng dẫn tôi mua vé chặng dài đi Nam Định hoặc Hà Nội cho nhanh nhưng tôi thấy kỳ quá. Sao tôi về ga Tuy Hoà mà phải bỏ thêm tiền để mua vé chặng tận Hà Nội?
Hành khách LÊ HỒNG NGUYÊN

Khó mua vé đúng chặng

Còn chặng dài mới cắt bán chặng ngắn?

Theo Công ty TNHH một thành viên Vận tải đường sắt Sài Gòn, đến nay đã bán 122.500 vé tàu tết (thời gian đi từ ngày 25-1 đến 6-2-2016 – tức từ 20 đến 28 tháng chạp), tổng số vé còn lại 45.130 vé.

Số lượng vé trên sẽ được bán cho chặng Sài Gòn – Đà Nẵng kể từ ngày 1-11 (được cắt ra từ những chặng dài hơn). 

Trong số 45.130 vé tàu sẽ được bán từ ngày 1-11 (chặng Sài Gòn – Đà Nẵng), có hơn 30.600 vé đi các ngày từ 25 đến 28-1-2016 (từ 20 đến 23 tháng chạp), số lượng chỗ còn lại đi các ngày từ 29-1 đến 3-2-2016 (24 đến 27 tháng chạp). Nếu sau 15 ngày bán vé tàu, số lượng vé trên vẫn còn thì sẽ tiếp tục cắt ra những chặng ngắn hơn nữa.

Trong khi đó, Công ty Đường sắt Sài Gòn cũng duy trì 6 đôi tàu khu đoạn (chạy chặng ngắn như: Sài Gòn – Nha Trang – Phú Yên – Quảng Ngãi).

Tuy nhiên với số lượng chỗ ngồi hạn chế, chỉ 3.000 chỗ/ngày nên gần như số lượng vé này bán hết sạch trong vài ngày đầu tiên, trong khi nhu cầu đi những chặng này khá lớn.

Chính vì vậy, nhiều hành khách đi các chặng ngắn từ Huế, Quảng Bình trở vào không còn cách nào khác phải bỏ thêm tiền để mua những chặng xa hơn.

Chị Lê Hồng Nguyên (ngụ Q.7, TP.HCM) cho biết những năm trước đây khi chưa bán vé tàu tết qua mạng, dù phải chầu chực ở ga Sài Gòn nhưng chị vẫn mua được vé tàu đúng chặng (Sài Gòn – Tuy Hoà).

Còn từ khi bán vé tàu tết qua mạng đến nay, chị chưa bao giờ mua được vé tàu tết theo đúng nhu cầu của mình.

“Tôi đã túc trực trên trang mạng nhiều ngày nhưng không có vé. Để chắc ăn hơn tôi còn tìm vé chặng xa hơn chút ít là Sài Gòn – Quảng Ngãi, Sài Gòn – Huế nhưng vẫn nhận được thông báo không có vé” – chị Nguyên kể.

Sốt ruột, chị nhắn tin qua tổng đài lấy số thứ tự ra ga Sài Gòn mua vé. Nhưng khi ra ga, chị phải chờ đợi cả ngày rồi lại về tay không.

Anh Đạt ngụ ở Q.Tân Bình (quê Bình Thuận) cho rằng ngành đường sắt còn khá mập mờ về việc bán vé tàu chặng ngắn.

“Nếu ngành đường sắt muốn tận dụng hết khả năng chuyên chở cả chặng cho tàu Bắc – Nam sao không sắp xếp số lượng tàu chặng ngắn nhiều hơn. Mong ngành đường sắt đối xử công bằng với tất cả mọi hành khách đi tàu” – anh Đạt đề nghị.

Hành khách mua vé tàu tết tại ga Sài Gòn ngày 29-10 - Ảnh: Hữu Khoa
Hành khách mua vé tàu tết tại ga Sài Gòn ngày 29-10 – Ảnh: Hữu Khoa

Tăng chặng ngắn: ngành đường sắt lỗ!

Ông Đinh Văn Sang, phó tổng giám đốc Công ty Đường sắt Sài Gòn, cho biết để đáp ứng nhu cầu đi lại của khách đi chặng ngắn, kể từ ngày 25-10, công ty đã điều chỉnh phương án bán vé.

Theo đó, sẽ phân bổ một số lượng vé cho chặng từ Sài Gòn đi Nam Định, Thanh Hóa, Hà Nội thành các chặng ngắn hơn: Sài Gòn – Nha Trang, Sài Gòn – Đà Nẵng, Nha Trang – Nam Định, Nha Trang – Hà Nội… để đáp ứng phần nào nhu cầu của hành khách. Tuy nhiên số lượng vé này cũng rất hạn chế.

Trả lời câu hỏi vì sao phân bổ số lượng vé tàu tết dành nhiều cho những chặng xa và ít chặng ngắn, ông Sang cho biết phương châm tàu là đi xa, chở nặng nên ưu tiên trường hợp cho hành khách đi xa.

“Nếu tàu Thống Nhất chạy suốt Sài Gòn – Hà Nội mà bán vé trước những chặng ngắn hơn như Nha Trang hay Đà Nẵng, Huế…, khi tàu đỗ ở các ga này mà không bán được vé chặng tiếp theo thì đoàn tàu sẽ chạy rỗng ra tới Hà Nội.

Như vậy, ngành đường sắt không cân đối được chi phí dẫn đến lỗ và khó khả năng duy trì được hoạt động tàu. Phương án kinh doanh ưu tiên chặng xa trong thời gian cao điểm tết như trên đã được áp dụng nhiều năm qua chứ không phải hiện nay mới áp dụng” – ông Sang giải thích.

Nhiều hành khách cho rằng phương án kinh doanh trên khiến nhiều người đi chặng ngắn nhưng phải bỏ thêm tiền mua vé chặng xa, không khác gì gánh phần lỗ cho ngành đường sắt? Ông Sang cho rằng do hành khách quá nôn nóng muốn mua vé sớm nên phải mua chặng xa chứ ngành đường sắt không bắt buộc.

Theo kế hoạch bán vé ngay từ đầu, ngành đường sắt đã dành ra một lượng vé cho chặng ngắn (tàu khu đoạn) và sau khi bán vé các chặng xa, kể từ ngày 1-11, Công ty Đường sắt Sài Gòn tiếp tục cắt các chặng xa bán chặng ngắn hơn (Sài Gòn – Đà Nẵng).

Tuy nhiên, hành khách cho rằng như vậy số lượng vé tàu tết chủ yếu dành cho chặng Sài Gòn – Hà Nội, sau khi không còn người mua vé chặng này, ngành đường sắt mới cắt chặng ngắn hơn để bán cho hành khách.

Anh Nguyễn Văn Hùng, ngụ Q.Tân Bình (quê Quảng Ngãi) cho rằng số lượng vé của các chặng phải công khai ngay từ đầu và thời điểm nào bán vé tàu các chặng thuộc các tỉnh miền Bắc, miền Trung để khách hàng biết, lường định trước. 

* TS Nguyễn Hữu Nguyên (Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam):

Phải hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và khách hàng

Theo tôi, việc ưu tiên cho chặng xa là cần thiết nhưng số lượng phân bổ vé cho các chặng phải được tính toán hợp lý hơn, độ chênh giữa các chặng không quá lớn.

Ví dụ hành khách đi Nha Trang trong điều kiện nào đó có thể mua vé tới Phú Yên hoặc Bình Định chứ không thể để mua đến Hà Nội vì quãng đường gấp đôi, gấp ba, trong khi không ít người mua vé tàu tết về quê là những người lao động, khó khăn. 

Đây là cách kinh doanh chủ yếu nhắm tới lợi nhuận chứ không phải mang ý nghĩa phục vụ hành khách như ngành đường sắt tuyên bố.

Ngành đường sắt cần tính toán lại bài toán kinh doanh của mình trên cơ sở đảm bảo lợi nhuận của mình nhưng đừng gây thiệt hại cho người dân nhiều quá. Phương án kinh doanh trên cũng cần có sự giám sát của cơ quan nhà nước.  

 

QUANG KHẢI – ĐỨC PHÚ ([email protected])