Đi bộ vì thiếu xăng ở Nepal
Trong bối cảnh Nepal đang khủng hoảng nhiên liệu do sự cấm vận không chính thức của Ấn Độ, Trung Quốc lập tức tranh thủ sự trục trặc này.
Đi bộ vì thiếu xăng ở Nepal
Trong bối cảnh Nepal đang khủng hoảng nhiên liệu do sự cấm vận không chính thức của Ấn Độ, Trung Quốc lập tức tranh thủ sự trục trặc này.
Xăng dầu thiếu thốn, xe cộ hạn chế đi lại, người dân phải chen chúc và leo lên nóc xe buýt công cộng để di chuyển ở thủ đô Kathmandu (ảnh chụp ngày 7-10) – Ảnh: Việt Phương |
Một ngày tháng 10, doanh nhân Sagar Gurung cuốc bộ hơn một tiếng rưỡi để đi vào trung tâm Kathmandu (Nepal) lo công việc. Sagar không thể lái xe hơi đơn giản vì… không có xăng.
Với một doanh nhân khá giả như anh thì tiền bạc không thành vấn đề, nhưng ngặt một nỗi bây giờ dù có tiền cũng chẳng có xăng để mua. Sáu tháng sau trận động đất kinh hoàng gây thiệt hại nặng về người và của, Nepal đối diện với một cuộc khủng hoảng mới trong lúc vẫn chật vật đứng dậy sau thảm hoạ.
Kathmandu những ngày không xăng
Mọi rắc rối bắt đầu từ tháng 9 khi Quốc hội Nepal thông qua hiến pháp đầu tiên của nước này sau khi chế độ quân chủ sụp đổ năm 2008. Các nhóm sắc tộc Madhesi và Tharu (chiếm khoảng một nửa dân số Nepal) phản đối hiến pháp mới, cho rằng với hiến pháp này họ không được đại diện đúng mức trong Quốc hội.
Ấn Độ tỏ ra không hài lòng với hiến pháp mới của Nepal. New Delhi kêu gọi Kathmandu giải quyết các vấn đề mà người Madhesi và Tharu quan tâm.
Biểu tình nổ ra sau khi hiến pháp được thông qua, có người chết, có người bị thương khi cảnh sát trấn áp. Tình hình an ninh bất ổn khiến Ấn Độ đóng cửa biên giới. Điều đó đồng nghĩa với việc xăng dầu và một số hàng hóa không thể vào Nepal.
Đường phố Kathmandu những ngày tháng 10 vắng xe cộ hẳn so với cảnh nhộn nhịp thường thấy. Xe vẫn chạy ngoài đường do Nepal vẫn còn lượng xăng dự trữ nhưng không nhiều. Người dân đem xe máy xếp hàng dài qua các con phố để đợi được đổ xăng từ nguồn cung ít ỏi. Tuyệt nhiên không có sự tranh giành hay hỗn loạn.
Trên đường phố, những xe buýt công cộng không chỉ lèn chặt người bên trong mà còn đầy hành khách trên nóc xe, cảnh tượng vốn chỉ có trên các quốc lộ bên ngoài Kathmandu. Xăng hiếm, xe cộ đi lại ít, chuyện chen chúc là không thể tránh khỏi.
Cảnh sát ở Kathmandu cũng chung số phận. Không có xe để đi tuần, họ chuyển sang cưỡi ngựa, âu cũng là một giải pháp tốt. Những người đi xe đạp có vẻ vẫn thản nhiên như không có chuyện gì.
Các hãng hàng không bay đến Nepal bị vạ lây. Có hãng phải tạm ngưng bay vì không thể tiếp nhiên liệu ở sân bay Kathmandu. Có hãng như Malaysia Airlines chọn cách dừng ở Bangladesh để tiếp nhiên liệu thay vì ở sân bay Tribhuvan.
Người dân thì vậy. Các khách sạn cũng bị ảnh hưởng không kém. Không chỉ là chuyện khách du lịch chạy hết mà vì không có xăng, nguồn cung hàng hoá cũng bị ảnh hưởng. Nhiều khách sạn buộc phải cắt giảm dịch vụ hay các bữa ăn.
Trước khách sạn Shangri-la trên đường Lazimpat, nhân viên tại đây biểu tình phản đối chủ, đòi trả lương mà khách sạn nợ họ mấy tháng qua. Vậy mới thấy Nepal vốn bị ảnh hưởng nặng nề sau động đất lại tiếp tục hứng thêm một cuộc khủng hoảng nữa. Thiệt hại tính ra không nhỏ.
Trung Quốc tranh thủ
Những ngày đầu khủng hoảng, giới quan sát đã nhận định rằng căng thẳng giữa Ấn Độ và Nepal sẽ là một cơ hội chiến lược cực tốt đối với Trung Quốc.
Theo báo The Diplomat, mặc dù xưa nay Nepal có quan hệ chính trị gần gũi với Ấn Độ hơn nhưng Trung Quốc cũng đang tìm cách tăng dần sự ảnh hưởng ở đất nước vùng Himalaya này. Sau trận động đất hồi tháng 4 năm nay, Trung Quốc đã viện trợ nhân đạo đáng kể cho Nepal.
Riêng trong cuộc khủng hoảng hiến pháp ở Nepal, Trung Quốc ban đầu im lặng và chỉ tuyên bố mong muốn Nepal ổn định và yên bình.
Cuối tuần qua, Tập đoàn dầu khí Nepal bất ngờ thông báo Trung Quốc sẽ cung cấp 1,3 triệu lít xăng cho Kathmandu để đối phó với tình trạng thiếu hụt nhiên liệu. Số xăng này sẽ được vận chuyển thông qua biên giới Trung Quốc – Nepal. Từ một thị trấn vùng biên, các xe bồn sẽ chở nhiên liệu về thủ đô Kathmandu.
Đây là lần đầu tiên Nepal nhận xăng từ Trung Quốc. Hai nước có chung đường biên và cách nhau bởi dãy Himalaya có đỉnh Everest cao nhất thế giới. Hai cửa khẩu giữa Nepal và Trung Quốc bị thiệt hại nặng nề sau trận động đất và một trong số này vừa mở lại từ giữa tháng 10.
Cũng từ thời điểm đó, Trung Quốc bắt đầu đưa một số nhu yếu phẩm sang Nepal.
Tờ Himalayan Times của Nepal hồi đầu tuần cho hay các đại diện cấp cao của chính phủ nước này đã sang Trung Quốc để đàm phán chuyện cung cấp xăng sau khi Bắc Kinh tuyên bố sẽ cấp 1,3 triệu lít.
Cùng lúc đó, cũng theo báo này, đã có một vài xe bồn chở xăng từ Ấn Độ bắt đầu vào Nepal nhưng không nhiều.
Himalayan Times cũng cho biết cuộc đàm phán của Nepal và Trung Quốc tập trung vào việc thảo luận “thương mại bình thường và lâu dài” trong việc cung cấp nhiên liệu cho Nepal từ Trung Quốc.
Giới quan sát nhìn nhận “thương mại lâu dài” sẽ giúp Nepal bớt phụ thuộc vào nguồn cung từ Ấn Độ và tăng cường thương mại giữa Kathmandu và Bắc Kinh.
Cấm vận “không chính thức” từ Ấn Độ? Đối với một đất nước không có biển và bị kẹp giữa Ấn Độ và Trung Quốc, rõ ràng Nepal gặp khó. Trong bối cảnh đó, nhiều người Nepal coi việc chặn biên giới là sự cấm vận không chính thức của Ấn Độ để gây sức ép với Kathmandu trong việc sửa đổi hiến pháp. Theo CNN, người phát ngôn Bộ Nội vụ Nepal Laxmi Prasad Dhakal cũng nói thẳng quan điểm này. Ấn Độ bác bỏ cáo buộc, nói rằng các tài xế xe tải sợ tình hình biểu tình ở Nepal nên không dám vào. |