29/11/2024

Lòng lạc quan của anh phục vụ kém phát triển

Ở quán phở Lệ (Q.Gò Vấp, TP.HCM) có một người phục vụ thường được mọi người gọi là “chú Hải”. Anh tên thật là Đặng Thành Lê, 47 tuổi, cũng sống ở Gò Vấp, bị kém phát triển do chất độc da cam.

 

Lòng lạc quan của anh phục vụ kém phát triển

 

 

Ở quán phở Lệ (Q.Gò Vấp, TP.HCM) có một người phục vụ thường được mọi người gọi là “chú Hải”. Anh tên thật là Đặng Thành Lê, 47 tuổi, cũng sống ở Gò Vấp, bị kém phát triển do chất độc da cam.




Chú Hải luôn tự tin giao tiếp với mọi người - Ảnh: M.Huyền
Chú Hải luôn tự tin giao tiếp với mọi người – Ảnh: M.Huyền

Ảnh hưởng của di chứng chất độc da cam do cha từng tham gia kháng chiến, khả năng nhận thức của anh Hải hầu như không phát triển. Thế giới xung quanh anh được nhìn nhận dưới lăng kính của một đứa trẻ ngây thơ. Anh Hải không phải bị Down như nhiều người vẫn tưởng.

Sâu thẳm trong tâm hồn, Hải khao khát làm người đàn ông bình thường, có việc làm và sẵn sàng giúp đỡ mọi người.

Ba năm nay, Hải làm việc tại quán phở Lệ gần nhà. Hải luôn đi làm với chiếc áo sơmi trắng nghiêm chỉnh, đính lên áo thẻ nhân viên, đi làm bất kể điều kiện sức khoẻ hay mưa nắng thất thường. Khi mới được nhận, có khi 12g đêm Hải đã lục tục chuẩn bị mong mau đến giờ để đi làm. Nay thì Hải làm hai ca một ngày, một lần lúc 6g sáng, một lần lúc 16g với thái độ vô cùng nghiêm túc.

“Chú Hải luôn sắp xếp bàn ghế, bày biện các lọ tương đâu ra đó. Ai để sai vị trí là chú… khóc ngay. Nguyên tắc của Hải là luôn làm tốt việc của mình, không để ai làm giùm. Hải rất hiền lành, vui tính và chưa bao giờ gây gổ, nổi nóng với ai, đôi lúc còn hát nghêu ngao khi làm việc. Nhờ vậy, tất cả nhân viên và khách đều thấy lạc quan theo” – bà chủ quán phở chia sẻ.

Khi được biết đến trên mạng, nhiều người cho rằng Hải mang bệnh mà phải tự bươn chải để sống. Điều này làm mẹ Hải buồn nhiều.

Bà tâm sự: “Trong lòng cha mẹ, các anh chị, Hải là người con, người em hiền lành và mãi được gia đình thương yêu, che chở. Từ ngày đến quán phở làm việc Hải rất vui, không đi chơi lang thang và sống tích cực hơn rất nhiều. Tôi muốn con mình được ra ngoài học hỏi, giao tiếp, có bạn bè trò chuyện để tinh thần thêm thoải mái, sống yêu đời. Hải xứng đáng được biết cuộc sống có nhiều điều tươi đẹp”.

“Nó luôn muốn có việc để làm, có người để giúp. Nó có cảm giác như phải làm việc tốt. Rất nhiệt tình và tự giác” – mẹ Hải nói trong hạnh phúc. Những ngày mưa, Hải giúp hàng xóm rút quần áo, hoặc cất qua cửa sổ nếu không có ai ở nhà. Ai đi đâu quên khóa cửa, Hải còn tự về lấy khóa nhà mình khoá hộ. Ai đi chợ xách nặng, Hải cũng ra giúp một tay. Đặc biệt, Hải lấy tiền ở nhà mua vé số giúp rồi đứng bán ngoài chợ.

Ở nhà, Hải còn nguyên tắc bội phần. Về đến nhà là thay ngay chiếc áo sơmi trắng, mặc chiếc áo pyjama xanh, mẹ mua áo quần mới, thắt lưng khác Hải cũng không thay đổi. Hải có một khu vui chơi riêng, đầy đủ điện thoại, ampli, mic… Khu vực đó luôn gọn gàng, ngăn nắp sau mỗi lần 
“luyện thanh”.

Không chỉ là niềm hạnh phúc trong gia đình, Hải còn truyền cảm hứng và sự lạc quan cho biết bao người xung quanh bằng thái độ sống tích cực và tấm lòng lương thiện, trong sáng.

Lạc quan và 
vui vẻ

Mẹ chú Hải bảo không hiểu sao chú lại rất thích những thứ liên quan đến công an, bộ đội. Mỗi lần chào khách, chú đứng thẳng, mặt nghiêm, tay giơ cao như chào cờ. Khi chụp ảnh với người nam, chú Hải mặc định tư thế đứng kiểu cảnh sát bắt cướp, trong đó chú vào vai cảnh sát. Chụp với nữ thì chú khoác vai, cười thật tươi.

MINH HUYỀN – TUẤN LINH