06/01/2025

Tăng giá dịch vụ y tế, ai được hưởng lợi?

Dự kiến từ tháng 11.2015, giá dịch vụ y tế sẽ tăng khoảng 20 – 25% với 1.800 dịch vụ khiến người dân lo ngại về gánh nặng viện phí, ngay cả người có thẻ bảo hiểm y tế.

 

Tăng giá dịch vụ y tế, ai được hưởng lợi?

 

 

Dự kiến từ tháng 11.2015, giá dịch vụ y tế sẽ tăng khoảng 20 – 25% với 1.800 dịch vụ khiến người dân lo ngại về gánh nặng viện phí, ngay cả người có thẻ bảo hiểm y tế.



 

Giá dịch vụ y tế dự kiến sẽ tăng từ tháng 11.2015 - Ảnh: Ngọc ThắngGiá dịch vụ y tế dự kiến sẽ tăng từ tháng 11.2015 – Ảnh: Ngọc Thắng
PVThanh Niên có cuộc trao đổi với ông Phạm Lương Sơn (ảnh), Trưởng ban Chính sách bảo bảo hiểm y tế (BHYT) về vấn đề này.

Tăng giá dịch vụ y tế, ai được hưởng lợi? - ảnh 2
* Thưa ông, Bộ Y tế cho biết giá dịch vụ y tế tăng thêm khoảng 20 – 25%, kéo theo tăng mức cùng chi trả khi khám BHYT, như vậy sẽ thêm gánh nặng cho người bệnh?
– Việc tăng giá dịch vụ y tế dự kiến áp dụng từ tháng 11.2015 ước tính sẽ tăng thêm khoảng 20 – 25% so với hiện tại, chỉ áp dụng cho các trường hợp khám chữa bệnh BHYT. Do đó bệnh nhân BHYT sẽ phải trả thêm chi phí cùng chi trả (5 – 20%) chi phí điều trị. Tuy nhiên, theo luật BHYT sửa đổi (có hiệu lực từ 1.1.2015), các bệnh nhân tham gia 5 năm liên tục chỉ chi trả số tiền tương đương với 6 tháng lương cơ bản (khoảng 6,9 triệu đồng) trong một năm, các khoản chi phí điều trị nếu vượt quá con số đó sẽ do Quỹ BHYT thanh toán. Còn với người không có thẻ BHYT thì chưa chịu tác động của đợt điều chỉnh giá lần này.
* Nhưng thủ tục cho việc xác nhận còn phức tạp khiến người bệnh khó khăn để được hưởng quyền lợi miễn cùng chi trả này?
– Mới đây, BHXH VN đã quy định rất rõ đối tượng tham gia BHYT 5 năm liên tục khi đã cùng chi trả với chi phí tương đương 6 tháng lương cơ bản thì gia đình bệnh nhân đến cơ quan BHXH địa phương lấy xác nhận đã tham gia BHYT 5 năm liên tục. Việc xác nhận này đã quy định phải thực hiện trong vòng 5 ngày, không để người dân chờ đợi lâu. Quy định xác nhận là cần thiết để đảm bảo đúng đối tượng được hưởng quyền lợi, đặc biệt là bảo đảm những người đã tham gia BHYT liên tục, lâu dài.
* Thưa ông, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế tăng thêm 20 – 25% khiến người dân lo ngại Quỹ BHYT sẽ bội chi, thâm hụt, kéo theo sẽ điều chỉnh tăng phí đóng BHYT?
– Theo ước tính của cơ quan BHXH, với lần điều chỉnh giá này, chỉ riêng trong hai tháng 11 và 12.2015 chi phí sẽ tăng khoảng 1.500 tỉ đồng cho tiền trực (cán bộ, nhân viên y tế) và thủ thuật. Còn trong suốt 12 tháng của năm 2016, chi phí sẽ tăng thêm khoảng 50 – 70%, tương đương với 16.000 tỉ đồng. Để chuẩn bị cho việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, nguồn kết dư Quỹ BHYT đã cơ bản đảm bảo kinh phí bù đắp. Từ năm 2000 đến nay, Quỹ BHYT đã kết dư 35.000 tỉ đồng. Nguồn kinh phí đó sẽ cơ bản đảm bảo bù cho các khoản chi phí tăng thêm, cố gắng chưa tăng phí đóng BHYT đến hết năm 2017.
* Khi tăng giá từ tháng 11.2015, lúc đó sẽ tồn tại cơ chế hai giá trong BV công, bởi vì những bệnh nhân tự chi trả khi khám chữa bệnh sẽ vẫn thanh toán theo phí hiện đang áp dụng, còn người bệnh BHYT sẽ thanh toán phí cao hơn 20 – 25%, như vậy người tự chi trả sẽ bị phân biệt do chi phí của họ chưa có công cho nhân viên y tế?
– Về cơ bản thì nhân viên y tế phải hoàn thành việc chuyên môn, chứ không phải vì đắt, rẻ mà từ chối người bệnh, bởi vì BV vẫn cân đối các nguồn thu để trả lương đầy đủ cho nhân viên y tế. Tuy nhiên, nếu có xảy ra sự phân biệt, thì cũng là động lực để người dân quan tâm, tham gia BHYT. Thực tế, có những người bệnh nặng, vào viện 2 – 3 tháng đã tốn chi phí đến 500 – 600 triệu đồng, nếu tham gia BHYT thì Quỹ BHYT sẽ chi trả phần lớn, không tác động quá lớn đến kinh tế gia đình. Do đó, người dân nên quan tâm và tham gia BHYT.
* BV sẽ được hưởng lợi khi tăng giá dịch vụ y tế lần này?
– Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế tháng 11.2015 sẽ tính thêm chi phí phụ cấp trực và tiền công phẫu thuật, thủ thuật, thực chất là các khoản do nhà nước bao cấp trước đây (công thủ thuật, phẫu thuật, trợ cấp trực) không tính trong giá dịch vụ nay sẽ tính vào giá. Khoản tăng thêm này BHYT chi trả. Như vậy, người bệnh BHYT sẽ được hưởng lợi. Còn BV sẽ là nơi cung cấp dịch vụ, nếu họ làm tốt thì sẽ đông bệnh nhân, tăng được nguồn thu từ Quỹ BHYT.
Khi tiền công và lương của nhân viên y tế hoàn toàn do người bệnh chi trả (qua BHYT) thì sẽ không còn cơ chế xin (bệnh nhân) – cho (nhân viên y tế), bởi vì BV phục vụ người bệnh tốt thì mới có nguồn thu tốt. Còn nếu theo cơ chế cũ là nhà nước trả lương, họ làm tốt hay dở thì cũng vẫn có thu nhập cố định, giá dịch vụ thấp không đáp ứng chất lượng. Khi đó y tế công sẽ mang tâm lý ban ơn cho người bệnh mà bản thân người bệnh vẫn phải chi trả thêm do không được BHYT thanh toán. Chúng tôi cũng mong muốn, kết cấu giá phải có được cả chi phí cho nụ cười của nhân viên y tế nữa, làm sao đảm bảo được mức chi trả bù đắp cho công lao động của y, bác sĩ.
* Xin cám ơn ông!
Từ 1.1.2016 mở thông tuyến khám chữa bệnh BHYT
Đây là quy định hết sức quan trọng tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người tham gia BHYT trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế. Kể từ ngày 1.1.2016 thực hiện mở thông tuyến khám chữa bệnh BHYT giữa tuyến xã và tuyến huyện trên cùng địa bàn tỉnh. Người dân khi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến xã, phòng khám đa khoa hoặc BV tuyến huyện sẽ được quyền khám, chữa tại tất cả đơn vị tương đương tuyến cùng địa bàn tỉnh.
Từ 1.1.2021, mở thông tuyến tỉnh trên toàn quốc và nâng mức hưởng đối với trường hợp điều trị nội trú tại tuyến tỉnh và trung ương đối với người tham gia BHYT tự đi khám chữa bệnh.

 

Liên Châu 
(thực hiện)