08/01/2025

Những người phụ nữ điêu khắc than

Tại TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), số người kế thừa và theo nghề chế tác sản phẩm mỹ nghệ từ than đá giờ đếm được không quá 10 đầu ngón tay.

Những người phụ nữ điêu khắc than

 

Tại TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), số người kế thừa và theo nghề chế tác sản phẩm mỹ nghệ từ than đá giờ đếm được không quá 10 đầu ngón tay.




Bà Đặng Thị Lan trong “xưởng” chế tác than của mình - nơi bà gắn bó với nghề đã hơn 20 năm - Ảnh: Đ.Hiếu
Bà Đặng Thị Lan trong “xưởng” chế tác than của mình – nơi bà gắn bó với nghề đã hơn 20 năm – Ảnh: Đ.Hiếu

Thời gian trôi qua, nhiều ngón tay đã dần cụp lại. Những người phụ nữ đầu hai thứ tóc, có người đã lên chức mẹ, chức bà vẫn ngày ngày đục, đẽo, chạm, khắc… để kiếm tiền, để vui và cũng là để giữ lại cái nghề không đâu có.

Nghề vất vả

Trong căn ngõ nhỏ chợ Cột 2 trên đường Nguyễn Văn Cừ (phường Hồng Gai, TP Hạ Long) có một xưởng nhỏ không ngày nào ngớt tiếng mài, đục.

Gọi là xưởng nhưng căn phòng rộng vỏn vẹn hơn 8m2, quây bằng bốn bức tường gạch xây nham nhở và không có mái che. Bên trong, một phụ nữ ngồi giữa nhà, che kín mặt bằng khăn vuông chỉ lộ đôi mắt, miệt mài cưa khối than lớn thành những khổ nhỏ.

Xung quanh, nhiều hòn than chất ngổn ngang thành đống. Bà là Đặng Thị Lan, một trong những người thợ nữ đeo bám nghề chế tác mỹ nghệ từ than đã hơn 20 năm nay và cũng là chủ nhân của xưởng.

Bà Lan năm nay sắp sang tuổi 44, là đời thứ hai theo nghề này trong gia đình. Trước đó, chị gái bà cũng bỏ cả tuổi thanh xuân ngồi bên những hòn than đen để tạc hồn cho chúng. Bà Lan học nghề từ chị gái, lúc ấy bà mới chỉ ngoài 20 tuổi, rồi yêu cái món lấm lem này từ lúc nào không hay.

“Hồi mới được xem làm tượng than, cứ nhìn thấy hòn than đá là tôi lại tưởng tượng xem từ đó sẽ làm được ra những thứ gì. 

Hòn to kia sẽ làm sư tử, làm ngựa, hòn nhỏ này thì làm hòn Trống mái, hòn Gà chọi… Rồi làm thử, thấy mình không dứt được nghề, nghề cũng không phụ mình nên chẳng thể dứt được nhau” – bà nói.

Theo lời bà Lan, để làm ra một sản phẩm từ than, người thợ phải xử lý qua nhiều công đoạn. Nếu việc cưa, đục than tốn nhiều công sức thì khâu tạo hình, vá lỗi cho than cần sự tỉ mẩn, còn đánh ráp sản phẩm yêu cầu người thợ phải nhẫn nại chịu đựng bụi than trong quá trình xử lý.

Vất vả là vậy nhưng hơn nửa trong số những người thợ theo nghề này là phụ nữ. Đàn ông ít người theo nghề vì phải kiên trì, nhẫn nại hàng giờ đánh vật với than mà thu nhập bấp bênh, có khi làm thợ xây lương 4 – 5 triệu đồng/tháng còn cao hơn nghề này.

Những ngày cuối thu trời tối rất nhanh. Hôm nay mới năm giờ rưỡi chiều mà trời đã bắt đầu nhá nhem. Bước ra từ cánh cửa xưởng, gương mặt bà Lan cũng lấm những vệt than đen loang lổ. Một người hàng xóm cười nói: “Lan ơi! Mặt nhọ như mèo kìa”.

Bà Lan vội lấy tay quẹt đi vệt bẩn rồi như chợt nhớ ra điều gì, bà nhìn lại đôi bàn tay cũng đen chẳng khác gì những hòn than im lìm trong góc phòng kia. Mỉm cười xuề xòa, bà đáp: “Thì em cũng là mèo mà chị”.

Gặp nhiều phụ nữ làm nghề này, nhưng ấn tượng với tôi không phải gương “mặt mèo” mà là đôi bàn tay của họ. Những đôi bàn tay nhỏ bám đầy than đen, chai sạn và nhăn nheo.

Than lấm bàn tay, than giắt kẽ móng, than quyện với keo dính chặt lên những đầu ngón. Bàn tay đen trở thành “thương hiệu” của những người thợ thủ công mỹ nghệ than.

Đời người – đời than

Dù đã có tuổi nghề hơn 20 năm nhưng so ra trong số những người cùng làm nghề, bà Lan vẫn thuộc “lớp trẻ”. Bà Nguyễn Thị Nụ (nhà tại khu 6, phường Yết Kiêu) năm nay đã 65 tuổi, bắt đầu chế tác than từ năm 18 tuổi. So về tuổi đời và tuổi nghề, chẳng người thợ nữ nào hơn được bà.

Trong ký ức của bà Nụ vẫn còn vẹn nguyên những thăng trầm, chìm nổi của “nghề không đâu có” ngoài đất mỏ Quảng Ninh.

Bà Nụ nhớ lại năm 1968, tỉnh Quảng Ninh thành lập công ty mỹ nghệ của tỉnh. Mảng chế tác sản phẩm mỹ nghệ từ than đá khi đó có hơn 20 thành viên thì hơn nửa trong số đó là những cô gái trẻ tuổi mới mười mấy, đôi mươi.

Cũng nhờ nghề này mai mối, cô Nụ ngày ấy quen biết và kết duyên cùng anh thợ cả Phạm Văn Toàn.

Hơn chục năm sau công ty giải thể, những người thợ đành đem theo nghề về dựng cơ nghiệp của riêng mình. Tượng than khi đó là món hàng xa xỉ chủ yếu để biếu tặng nhau, ngoài ra cũng được nhiều người mang nhỏ lẻ theo ra nước ngoài để bán.

Theo lời kể của bà Nụ, ông Toàn, những năm cuối thập kỷ 1970 một người thợ mang tượng than sư tử cao khoảng 20cm sang Đức, khi về đã đổi được một chiếc xe Simson do Đức sản xuất mới tinh giá vài cây vàng trong sự trầm trồ của nhiều người.

Cách đây mấy năm, vẫn còn nhiều du khách nước ngoài đến với Quảng Ninh chuộng món hàng mỹ nghệ từ than.

Có những đơn hàng của bà Lan hoặc bà Nụ lên đến hàng trăm sản phẩm, phải làm ngày làm đêm để kịp hoàn thiện đợt giao hàng. Giờ đây, người mua giảm nhiều, một số thợ đã không trụ nổi, phải chuyển đổi làm nghề khác.

Vợ chồng bà Nguyễn Thị Nụ và ông Phạm Văn Toàn cùng các sản phẩm điêu khắc than đá đã hoàn chỉnh. Hai vợ chồng này là những người cao tuổi nhất ở Quảng Ninh còn duy trì nghề điêu khắc trên than đá - Ảnh: Đ.Hiếu
Vợ chồng bà Nguyễn Thị Nụ và ông Phạm Văn Toàn cùng các sản phẩm điêu khắc than đá đã hoàn chỉnh. Hai vợ chồng này là những người cao tuổi nhất ở Quảng Ninh còn duy trì nghề điêu khắc trên than đá – Ảnh: Đ.Hiếu

Trăn trở nghề nghiệp

Căn xưởng của vợ chồng bà Vũ Thị Phương – ông Phạm Tiến Chính nằm cheo leo trên đỉnh ngọn đồi cao thuộc khu 3, phường Hồng Hải, TP Hạ Long. Để lên được đây, những chiếc xe máy phải rậm rịch bò bằng số 1 vì đường dốc. Bà Phương theo nghề đã gần 40 năm nay.

Gần 40 năm, tương đương hơn 100.000 giờ lao động chỉ ngồi và ngồi, bây giờ bà Phương bị căn bệnh đau lưng bám riết không ngồi lâu được, cứ trái gió trở trời là lưng lại đau nhức. Vậy mà có đơn hàng là vợ chồng bà lại mở cửa xưởng làm luôn.

Ở tuổi xế chiều, một ngày hai ông bà chỉ làm được một hoặc một vài sản phẩm nhỏ. Làm từ sáng đến chiều, tiền công của cả vợ chồng cộng lại được 5 – 7 triệu đồng/tháng.

Chỉ lên giàn mướp xanh mát mắt ngay trên đầu, bà Phương nửa đùa nửa thật: “Có khi thu nhập vợ chồng tôi giờ còn không bằng từ cái giàn mướp này”.

Bấp bênh là vậy nhưng khi được hỏi có ý định bỏ nghề hay không, bà Phương lắc đầu nguây nguẩy, khẳng định chắc nịch: “Làm từ bấy đến giờ rồi nên không dứt được ra. Khi nào không làm được nữa thì tôi mới thôi”.

Ở tuổi bà nội, bà ngoại, những người phụ nữ ấy vẫn không nỡ bỏ nghề vì “bỏ thì thương, mà vương thì tội”.

Trăn trở lớn nhất của “lớp người cũ” chính là việc khó tìm những người kế cận theo nghề. Người trẻ bây giờ chẳng còn mấy ai hứng thú với nghề mỹ nghệ than đá, phần vì thu nhập thấp, phần vì sự lấm lem của nghề. Nhà bà Nụ có ba người con, biết làm nhưng chẳng ai theo nghề vì vất vả.

Những người con của bà Phương hay bà Lan cố gắng tìm hướng thoát nghèo bằng con đường học vấn hoặc nghề thu nhập khá hơn. Những xưởng khác cũng trong tình trạng tương tự, tìm được lao động đã khó, gặp người sống chết bám lấy nghề còn khó hơn gấp bội.

Trong căn nhà của những người thợ làm mỹ nghệ than, những bức tượng than đẹp nhất, độc nhất luôn được trưng bày trong tủ kính một cách trang trọng, nâng niu. Cả cuộc đời và tuổi trẻ của họ đều nằm lại ở đó.

Và mỗi khi thấy ánh mắt họ hướng về chiếc tủ kính hào nhoáng đó, tôi lại thấy họ nén giữ lại một tiếng thở dài xa xăm.

ĐỨC HIẾU