29/11/2024

30 giây lay động lòng người

Đoạn phim Say thanks, make someone’s day (tạm dịch: Tạo niềm vui từ những lời cảm ơn) chỉ 30 giây nhưng đã khiến người xem phải suy ngẫm nhiều.

 

30 giây lay động lòng người

 

 

Đoạn phim Say thanks, make someone’s day (tạm dịch: Tạo niềm vui từ những lời cảm ơn) chỉ 30 giây nhưng đã khiến người xem phải suy ngẫm nhiều.


 


30 giây lay động lòng người  - ảnh 1
Thang máy dần khép lại, trông thấy cô gái tiến tới, cậu thanh niên nhoẻn miệng cười rạng rỡ và bấm nút mở cửa thang máy ra. Thay vì nói lời cảm ơn với nam thanh niên đã chờ đợi mình, cô gái chẳng nói gì, chăm chú sử dụng điện thoại.
Trong tình huống khác, một phụ nữ mang bầu bước lên xe buýt nhưng chẳng còn một ghế trống nào cả. Một cậu thanh niên vội nở nụ cười trìu mến và nhường chỗ. Thế nhưng điều mà thanh niên này đáng được nhận là lời cảm ơn vẫn không xuất hiện.
30 giây lay động lòng người  - ảnh 2
Đoạn phim đã thu hút hàng triệu lượt xem, được chia sẻ trên các mạng xã hội, diễn đàn và khiến nhiều người giật mình. Họ thẳng thắn thừa nhận việc nói lời cảm ơn chính là phép lịch sự tối thiểu trong giao tiếp nhưng ngày càng ít được sử dụng.
Nhiều thành viên đã kể lại những câu chuyện bản thân chứng kiến hoặc là người trong cuộc khiến nhiều người suy ngẫm. Như câu chuyện của Lê Anh trên YouTube: “Có lần mình nhặt được cái ví có những giấy tờ quan trọng, sau đó chủ động liên lạc với người mất. Vậy mà khi nhận lại, mình chẳng nhận được một lời cảm ơn. Cảm thấy khó chịu vô cùng”.
Thành viên Hoàng Tiễn thú thật trên Facebook: “Tự nhiên cảm thấy nhột nhột khi xem đoạn phim này, vì bản thân đã từng nhiều lần quên nói lời cảm ơn khi được giúp đỡ”.
30 giây lay động lòng người  - ảnh 3

Hàng loạt thành viên cũng bày tỏ sự xấu hổ vì bấy lâu nay đã vô tình bỏ qua phép lịch sự tối thiểu này trong giao tiếp. Có người lại cảm thấy bứt rứt, áy náy khi nghĩ lại sự việc vừa xảy ra: được người khác nhường đường, nhắc nhở gạt chân chống xe, mời ăn cơm… mà chưa cảm ơn.
Trên diễn đàn linkhay.com, thành viên Trần Anh cho rằng khi ai đó giúp đỡ người khác chẳng phải họ mong để được cảm ơn. Nhưng nếu người được giúp nói lời cảm ơn thì bản thân họ sẽ cảm thấy rất vui, thấy hành động vừa làm là có ích. Mặc dù vậy, có không ít người ngó lơ lời cảm ơn dù được giúp, đáng chú ý là trong đó có cả những người lớn.
Trong phần cuối đoạn phim, trông thấy đứa bé làm rơi con thú bông, chàng trai nhặt giúp và đưa trả. Đứa bé đã ríu rít cảm ơn. Cả hai cùng nhìn nhau tươi cười. Từ hình ảnh này, thành viên Nguyễn Huy cho rằng: “Thật không ngoa nếu nói rằng dường như trẻ em có ý thức hơn trong việc nói lời cảm ơn. Và khi lớn tuổi thì người ta bỗng nhiên quên lời cảm ơn, hoặc ngại nói cảm ơn”.
30 giây lay động lòng người  - ảnh 4

PGS-TS Huỳnh Văn Sơn (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cũng cho rằng đây là hiện tượng có thật, đã và đang diễn ra hằng ngày trong đời sống.
Ông Sơn lý giải nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là vì nhiều người sống vội. Bên cạnh đó, do hành vi này không được lặp đi lặp lại trong thời thơ ấu nên chưa tạo thành thói quen. Ngoài ra, không ít người với tư tưởng hiện đại cho rằng nói lời cảm ơn dễ thành khách sáo, nên không nói. Chưa kể việc trong thực tế cuộc sống ngày nay, không ít người dễ dàng nhận hơn là cho, và mặc định rằng được nhận, được người khác giúp đỡ là đương nhiên nên không cần cảm ơn…
Cũng theo ông Sơn, việc quên nói lời cảm ơn khi nhận được sự giúp đỡ của người khác sẽ dần khiến người ta cảm thấy bớt đi những trách nhiệm về sự ràng buộc mang giá trị nhân văn trong cuộc sống. Và chuẩn mực giao tiếp của con người, đặc biệt là giao tiếp thân tình, trong bình diện lịch sự giảm đi theo thời gian.
Ông Sơn khuyên những ai đã và đang quên nói lời cảm ơn hãy biến lời cảm ơn thành thói quen trong cuộc sống. Và điều này cần được thực thi ngay trong gia đình. Những người làm cha làm mẹ cần làm gương với con cái, và phải nhắc nhở trẻ khi giao tiếp phải nhớ lời cảm ơn là một tiêu chí về văn hoá.
Bình luận
“Lời cảm ơn nói ra rất dễ dàng, vừa bày tỏ được sự chân tình với người khác, lại khiến người khác vui, vậy mà nhiều người lại hờ hững và quên nói”.
“Thói quen cảm ơn người khác là một trong những thói quen tốt nhất mà con người chúng ta nên có, vì sẽ tạo nên sự phấn khích cho cả người nghe và người nói. Nhưng thật buồn khi chuyện này ngày càng phổ biến ở khắp các môi trường: trong trường học , nơi công sở, ngoài đời”.
(anh_tu_vu/ linkhay.com)
(Lan Thanh/YouTube)
“Nếu ai giúp đỡ mình, kể cả những việc nhỏ thì cũng cần nói lời cảm ơn. Đó là hành vi ứng xử văn minh, lịch sự”.
(Hiển Vinh/Facebook)
“Đừng đổ thừa rằng do quá vội, do tâm trạng không tập trung… nên lờ đi hoặc quên lời cảm ơn. Đó chỉ là nguỵ biện, vì nói lời cảm ơn không hề khó”.
(Kim Yến/YouTube)

 

Xuân Phương 
Ảnh cắt từ clip