Phụ huynh đón con ở một trường THCS tại TP.HCM – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Đưa – đón đến chóng mặt
Cầm thời khóa biểu của con, chị Hằng than: “Hai đứa con tôi một đứa học lớp 6 một đứa học lớp 7. Trong đó có 4 – 5 ngày học 2 buổi. Tuy nhiên giờ học lại lệch nhau nên việc đưa đón rất mệt mỏi”.
Vừa nói chị Hằng vừa cầm thời khoá biểu của con nói một mạch: “Sáng 6 giờ 30 đưa đứa lớp 7 đi học. Đợi tới 8 giờ 45 lại đưa đứa lớp 6 đi. Tới 10 giờ 30 đón đứa lớp 6 về. 11 giờ 15 lại đi đón đứa lớp 7. Tới 11 giờ 45 lại đưa đứa lớp 6 đi. Rồi 15 giờ đưa đứa lớp 7 đi. Tới 16 giờ 45 đón đứa lớp 7 về. Tới 17 giờ 30 đón đứa lớp 6 về”. Chị Hằng nói thêm: “Với lịch học hiện tại của con, vợ chồng tôi phải cắt cử một người chuyên đưa đón”. Theo chị Hằng, mới vào năm học chưa bao lâu nhưng lịch học của con chị đã thay đổi tới 4 lần.
|
|
|
Sáng 6 giờ 30 đưa đứa lớp 7 đi học. Đợi tới 8 giờ 45 lại đưa đứa lớp 6 đi. Tới 10 giờ 30 đón đứa lớp 6 về. 11 giờ 15 lại đi đón đứa lớp 7. Tới 11 giờ 45 lại đưa đứa lớp 6 đi. Rồi 15 giờ đưa đứa lớp 7 đi. Tới 16 giờ 45 đón đứa lớp 7 về. Tới 17 giờ 30 đón đứa lớp 6 về
|
|
|
Chị Nguyễn Thị Hằng, phụ huynh học sinh Trường THCS Nguyễn Hiền (Q.12, TP.HCM)
|
|
|
Chị Trần Hải Phú cũng có con học lớp 9 Trường THCS Nguyễn Hiền cho biết: “Trước đây ở Q.12 nhưng hiện nay gia đình tôi chuyển về Hóc Môn, vì chưa chuyển khẩu nên chưa chuyển trường cho con được. Hiện tại từ nhà tôi tới trường mất gần 20 km. Với lịch học như hiện nay, việc đưa đón con lại gặp thêm nhiều khó khăn hơn trước. Để con đi xe đạp thì không được mà đưa đón con thật sự rất mệt mỏi, nên sau khi đưa con tới trường, tôi ở lại trường đợi con học xong rồi chiều đưa cháu về luôn”.
Tương tự là trường hợp Bảo Trang, HS lớp 6, vì nhà xa, ba mẹ không có điều kiện đưa đón nên Trang phải về nhà bạn tá túc buổi trưa để kịp học buổi chiều.
Còn vợ chồng anh Lê Công Bình (có con học lớp 7) lo âu nói: “Vợ chồng tôi là công nhân không có điều kiện đưa đón con đi học nên đành để con ở lại trường buổi trưa. Vì trường không tổ chức bán trú nên rất lo lắng, sợ con la cà chơi game nhưng vẫn phải chịu”.
Nhiều phụ huynh cũng thắc mắc không hiểu vì sao trường lại tổ chức học thêm vào ngày thứ năm và đẩy buổi học tăng tiết vào thứ bảy khiến học sinh không có được ngày nghỉ cuối tuần.
65 lớp nhưng chỉ có 33 phòng học
Bà Nguyễn Thị Thắm, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hiền, cho biết: “Nhà trường cũng đã cố gắng hết sức để đưa ra lịch học khoa học nhất cho HS”. Bà Thắm cho biết thêm trường hiện có 65 lớp nhưng chỉ có 33 phòng học. Đó là chưa kể việc trường không có chỗ cho lớp tiếng Anh tăng cường và chỉ có 2 phòng tin học cho toàn trường. Vì vậy bà Thắm cho biết việc học chéo ca của học sinh sẽ được luân chuyển thường xuyên. Nếu kỳ này lớp học nào bị xé lịch thì kỳ sau sẽ được ưu tiên nhưng vẫn có những học sinh bị trùng lặp trong quá trình xếp lớp.
Bên cạnh đó, theo bà Thắm, để tạo điều kiện cho các giáo viên bộ môn chính đi học nâng cao nghiệp vụ, nhà trường đã sắp xếp lịch học chính khoá vào sáng thứ bảy và học tăng tiết vào thứ năm để không ảnh hưởng tới học sinh.
Ông Trần Trung Hiếu, Trưởng phòng GD-ĐT Q.12, cho biết: “Trường THCS Nguyễn Hiền hiện có 33 phòng học nhưng thực tế chỉ có 30. Tôi đã đề nghị quận cho xây thêm 12 phòng cho trường. Hiện tại đang khảo sát, tới năm 2016 sẽ thực hiện. Chúng tôi cũng đang khởi công xây dựng thêm Trường THCS Hiệp Thành ở P.Hiệp Thành giáp ranh với P.Tân Thới Hiệp. Sau khi xây dựng xong sẽ giảm bớt áp lực cho Trường THCS Nguyễn Hiền”.