06/12/2024

Gia đình là câu trả lời cho các thách đố của thế giới ngày nay

Gia đình, nghĩa là giao ưóc giữa một ngưòi nam và một người nữ, là câu trả lời cho thách đố lớn của thế giới chúng ta: đó là sự tan vỡ từng mảnh và đám đông hoá, là hai thái cực chung sống với nhau, tương trợ nhau và chúng cùng yểm trợ mô thức kinh tế duy tiêu thụ. ĐTC đã khẳng định như trên trong buổi tiếp kiến hơn 40.000 tín hữu và du khánh hành hương 5 châu sáng thứ tư 30-9.

Gia đình là câu trả lời cho các thách đố của thế giới ngày nay
 

ĐTC chào một đôi tân hôn và chúc lành cho bào thai trong bụng mẹ – OSS_ROM

Gia đình, nghĩa là giao ưóc giữa một ngưòi nam và một người nữ, là câu trả lời cho thách đố lớn của thế giới chúng ta: đó là sự tan vỡ từng mảnh và đám đông hoá, là hai thái cực chung sống với nhau, tương trợ nhau và chúng cùng yểm trợ mô thức kinh tế duy tiêu thụ.

ĐTC đã khẳng định như trên trong buổi tiếp kiến hơn 40.000 tín hữu và du khánh hành hương 5 châu sáng thứ tư 30-9. Sau khi chào tín hữu, ĐTC cho biết cùng tham dự buổi tiếp kiến trên màn truyền hình có nhiều anh chị em tàn tật và già yếu trong Đại Thính đường Phaolô VI. Vì thế, ngài mời mọi người chào nhau bằng một tràng pháo tay.

ĐTC vừa công du mục vụ Cuba và Hoa Kỳ về, vì thế trong bài huấn dụ ngài đã chia sẻ với tín hữu một số cảm tưởng và kinh nghiệm của chuyến viếng thăm này.


ĐTC đã cám ơn Chủ tịch Raul Castro, Tổng thống Barack Obama, ông Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon, nhân dân hai nước, cách riêng các giám mục và các cộng sự viên đã làm việc vì tình yêu thương đối với Giáo Hội linh hoạt các vị, và mọi người đã dành cho ngài một sự tiếp đón rất nồng hậu. 

ĐTC nói ngài đã tự giới thiệu như là “thừa sai của Lòng Thương Xót” tại Cuba, là một vùng đất giàu vẻ đẹp thiên nhiên, văn hoá và đức tin. Lòng xót thương của Thiên Chúa lớn lao hơn mọi vết thương, mọi xung khắc, mọi ý thức hệ. Và với cái nhìn của lòng thương xót tôi đã có thể ôm vào lòng toàn dân Cuba, tại quê hương cũng như bên ngoài, vượt qua mọi chia rẽ. Biểu tượng của sự hiệp nhất này của tâm hồn Cuba là Đức Trinh Nữ Bác Ái Mỏ Đồng, cách đây 100 năm đã được công bố là Bổn mạng của Cuba. Tôi đã đến Đền thánh Mẹ của niềm hy vọng, Đấng hướng dẫn trên con đường công lý, hoà bình, tự do và hoà giải. 

ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ:

“Tôi đã có thể chia sẻ với nhân dân Cuba niềm hy vọng việc thành toàn lời tiên tri của Thánh Gioan Phaolô II: Ước chi Cuba rộng mở cho thế giới, và thế giới rộng mở cho Cuba, Không còn đóng kín nữa, không còn khai thác nghèo túng nữa, nhưng tự do trong phẩm giá. Đây là con đường làm rung động con tim của biết bao nhiêu người trẻ cuba: không phải là một con đường của trốn tránh, của kiếm lời dễ dàng, nhưng là con đường của tinh thần trách nhiệm, phục vụ tha nhân, săn sóc những ai giòn mỏng. Một con đường rút tiả ra sức mạnh từ các gốc rễ Kitô của dân tộc ấy, đã đau khổ rất nhiều. Một con đường trong đó tôi đã khích lệ một cách đặc biệt các linh mục và tất cả những người sống đời thánh hiến, các sinh viên và các gia đình. Xin Chúa Thánh Thần, qua lời bầu cử của Mẹ Maria Rất Thánh, làm cho các hạt giống mà chúng ta đã gieo vãi lớn lên.”

Từ Cuba sang Hoa Kỳ: đây đã là một chuyển tiếp biểu tượng, một cây cầu đang được xây, tạ ơn Chúa. Thiên Chúa luôn luôn xây các cây cầu nối kết; chính chúng ta là những người xây các bức tường ngăn cách.

Tại Hoa Kỳ, tôi đã có 3 chặng viếng thăm: Washington, New York và Philadelphia. Tại Washington, tôi đã gặp gỡ các vị lãnh đạo chính trị, dân thường, các giám mục, linh mục, người sống đời thánh hiến và những người nghèo và bị gạt bỏ ngoài lề nhất. Tôi đã nhắc nhớ rằng kho tàng lớn nhất của đất nước và của nhân dân Hoa Kỳ là gia tài tinh thần và luân lý đạo đức. Và như thế tôi đã muốn khích lệ tiếp tục xây dựng xã hội trong sự trung thành với nguyên tắc nền tảng, nghĩa là tất cả mọi người đều được dựng nên bình đẳng và có các quyền bất khả nhượng, như quyền sống, quyền tự do và quyền theo đuổi hạnh phúc. Các giá trị này được mọi người chia sẻ, tìm thấy trong Phúc Âm việc thành toàn tràn đầy của chúng, như được minh nhiên bởi việc phong hiển thánh cho Chân phước Junipero Serra, một tu sĩ Phanxicô, vị truyền giáo lớn của vùng California. Thánh Junipero cho thấy con đường  của niềm vui: ra đi và chia sẻ tình yêu của Chúa Kitô với những người khác. Đó là con đường của Kitô hữu, nhưng cũng là con đường của mọi người đã biết tới tình yêu: không giữ nó cho chính mình nhưng chia sẻ nó với những người khác. Trên nền tảng tôn giáo và luân lý đạo đức này, Hoa Kỳ đã sinh ra và lớn lên, và trên nền tảng này, họ có thể tiếp tục là vùng đất của tự do và tiếp đón  và cộng tác để xây dựng một thế giới công bằng và huynh đệ hơn.

Tiếp tục bài  huấn dụ, ĐTC nói: Tại New York, tôi đã có thể viếng thăm Trụ sở của Liên Hiệp Quốc và chào các nhân viên  làm việc tại đây. Tôi đã có các cuộc thảo luận với ông Tổng Thư ký và các vị chủ tịch của các hội đồng khoáng đại cuối cùng cũng như của Hội đồng Bảo an. Khi nói chuyện với các vị đại diện các quốc gia, theo gót các vị tiền nhiệm, tôi đã canh tân lời khích lệ của Giáo hội Công giáo đối với tổ chức này và vai trò của nó trong việc thăng tiến sự phát triển và hoà bình, bằng cách đặc biệt nhắc lại sự cần  thiết cùng nhau dấn thân cụ thể săn sóc thụ tạo. Tôi cũng lặp lại lời kêu gọi chặn đứng và phòng ngừa các bạo lực chống lại các nhóm chủng tộc và tôn giáo thiểu số cũng như chống lại các thường dân.

Chúng tôi đã cầu nguyện cho hoà bình và tinh huynh đệ gần Đài tưởng niệm Ground Zero, cùng với các đại diện các tôn giáo, thân nhân những người đã chết, biết bao người đã ngã gục và nhân dân New York, giầu sự khác biệt văn hóa. Tôi cũng đã cử hành thánh lễ cho hòa bình và công lý tại Madison Square Garden.

Tại Washington cũng như tại New York tôi đã có thể gặp gỡ vài thực tại bác ái giáo dục, biểu tượng cho việc phục vụ khổng lồ  mà các cộng đoàn công giáo, các linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân cống hiến trong các lãnh vực này.

ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ: Tột đỉnh chuyến công du đã là cuộc găp gỡ quốc tế các gia đình tại Philadelphia, nơi chân trời đã rộng mở cho toàn thế giới, qua “lăng kính” của gia đình. ĐTC tái định nghĩa gia đình như sau:

Gia đình, nghĩa là giao ưóc giữa một ngưòi nam và một người nữ, là câu trả lời cho thách đố lớn của thế giới chúng ta: đó là sự tan vỡ từng mảnh và đám đông hóa, là hai thái cực chung sống với nhau, tương trợ nhau và chúng cùng yểm trợ mô thức kinh tế duy tiêu thụ. Gia đình là câu trả lời, vì nó là tế bào của một xã hội quân bình chiều kích cá nhân và chiều kích cộng đoàn, và đồng thời nó có thể là mô thức cho việc điều hành các của cải và

tài nguyên của thụ tạo một cách có thể chịu đựng nổi. Gia đình là chủ thể tác nhân của một môi sinh toàn vẹn, bởi vì nó là chủ thể xã hội đầu tiên, chứa đựng bên trong hai nguyên lý nền tảng của nền văn minh nhân loại trên trái đất: nguyên lý của sự hiệp thông và nguyên lý của sự phong phú. Nền nhân bản Kinh Thánh giới thiệu với chúng ta hình ảnh này: cặp vợ chồng con người hiệp nhất và phong phú, được Thiên Chúa đặt trong ngôi vườn của thế giới, để vun trồng và giữ gìn nó.

Tôi muốn gửi lời chào huynh đệ và cám ơn nồng nhiệt tới ĐC Chaput, TGM Philadelphia, vì sự dấn thân, lòng đạo đức, sự hăng say và tình yêu lớn lao của ngài đối với gia đình trong việc tổ chức biến cố này. Nhìn cho kỹ thì, không phải là tình cờ nhưng là quan phòng, sứ điệp và hơn nữa chứng tá của Cuộc Gặp gỡ Quốc tế các Gia đình diễn ra trong lúc này từ Hoa Kỳ, nghĩa là từ đất nước trong thế kỷ qua đã đạt tới sự phát triển tột bật về kinh tế và kỹ thuật mà không chối bỏ các gốc rễ tôn giáo của mình. Giờ đây các gốc rễ này đòi được tái khởi hành từ gia đình dể suy tư trở lại và thay đổi mô thức phát triển, cho thiện ích của toàn gia đình nhân loại.

ĐTC đã chào nhiều nhóm khác nhau, đặc biệt phái đoàn hành hương quốc gia Guinea do ĐC Coulibaly, TGM Conakry, hướng dẫn, cũng như các đoàn hành hương nước Côte d’Ivoire. Ngài xin mọi người cầu nguyện cho ngài và cho Thượng Hội đồng Giám mục sẽ bắt đầu trong vài ngày nữa. Ngài cũng chào các nhóm hành hương đến từ các nước như Kenya, Nigeria,  Nam Phi,  Ân Độ, Sri Lanka, Nhật Bản, Philippines, cũng như các đoàn hành hương các nước Bắc Mỹ và châu Âu và từ châu Mỹ Latinh như các nhóm Brasil; hay từ vùng Trung Đông như Liban và Thánh Địa. Ngài xin Chúa che chở mọi gia đình khỏi rơi vào cám dỗ lơ là hay chối bỏ ơn gọi của mình và xin Chúa che chở họ khỏi Kẻ Dữ.

ĐTC cũng chào một nhóm nữ tu và Nữ tu Tổng Phụ trách Dòng Nữ Thánh Tâm Chúa Giêsu về Roma tạ ơn vì lễ phong chân phước cho chị Klara Ludwika Szezesna, đồng sáng lập dòng. Nữ chân phước đã có cuộc sống tận hiến cho Chúa, khiêm tốn phục vụ tha nhân, sống theo tinh thần Tin Mừng, giúp đỡ người nghèo và lạc hướng. Khẩu hiệu sống của chân phước là “Tât cả cho Trái Tim Chúa Giêsu”. Xin chị bầu cử cho chúng ta biết sống theo thánh ý Chúa.

Trong các nhóm tiếng Ý, ĐTC đặc biệt chào các tín hữu sùng mộ Thánh Rita thành Cascia, do ĐC Renato Boccoardo TGM Spoleto-Norcia hưóng đẫn. Đoàn đã đem theo một bức tượng thánh nữ rất lớn để ĐTC làm phép. ĐTC nói khi làm phép bức tượng thánh nữ, tôi mời gọi mọi người trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, đọc lại kinh nghiệm nhân bản và thiêng liêng ngoại thường của thánh nữ như dấu chỉ quyền năng lòng thương xót của Thiên Chúa.

Ngài cũng chào các linh mục sinh viên Trường Thánh Phaolô, trong đó có một số linh mục Việt Nam là sinh viên mới của trường.

Chào người trẻ, rất đông người đau yếu theo dõi buổi tiếp kiến trên màn truyền hình trong Đại Thính đường PhaolôVI cũng như các đôi tân hôn, ĐTC nói: Hôm nay chúng ta kính nhớ Thánh Gierolamo. Ước chi lòng đam mê Thánh Kinh của ngài giúp giới trẻ say mê cuốn Sách Sự Sống, cuộc sống khổ hạnh của thánh nhân khiến cho các khổ đau của các người ốm yếu tràn đầy ý nghĩa và sức mạnh tinh thần của ngài giúp củng cố đức tin của các cặp vợ chồng mới cưới.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành Toà Thánh ĐTC ban cho mọi người.

 

Linh Tiến Khải