28/11/2024

Phương Tây hố nặng với chiến lược Syria

Kế hoạch quân sự của Mỹ và phương Tây tại Syria, bao gồm mục tiêu lớn là tiêu diệt tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), đang đi vào ngõ cụt sau những thất bại nghiêm trọng và đáng xấu hổ.

Phương Tây hố nặng với chiến lược Syria

 

Kế hoạch quân sự của Mỹ và phương Tây tại Syria, bao gồm mục tiêu lớn là tiêu diệt tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), đang đi vào ngõ cụt sau những thất bại nghiêm trọng và đáng xấu hổ.



 

Ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Nga triển khai nhiều vũ khí ở căn cứ quân sự tại Syria - Ảnh: Reuters
Ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Nga triển khai nhiều vũ khí ở căn cứ quân sự tại Syria – Ảnh: Reuters

Theo AFP, tại cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) ở New York, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và những người đồng cấp châu Âu đang nỗ lực đối thoại với cựu thù Iran và đối thủ Nga để tìm giải pháp chấm dứt cuộc chiến đẫm máu tại Syria.

Ông Kerry và Cao ủy đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini đều có cuộc gặp riêng với Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif.

“Chúng ta cần tìm kiếm hoà bình và con đường đi tới tương lai ở Syria, Yemen và khu vực” – ông Kerry nhấn mạnh. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cũng sẽ đối thoại với ông Zarif.

Ở New York, ông Kerry sẽ sớm có cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Cũng bên lề Đại hội đồng LHQ, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ hội kiến với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Giới quan sát nhận định chắc chắn đối thoại Mỹ – Nga sẽ tập trung vào khủng hoảng Syria.

Những cú vấp xấu hổ

Cả Iran và Nga đều ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, trong khi Mỹ và châu Âu cho rằng ông Assad là thủ phạm gây cuộc nội chiến đẩy 50% diện tích đất nước vào tay IS. Không chấp nhận một kế hoạch hoà bình tạo điều kiện cho ông Assad giữ chiếc ghế quyền lực, Washington chọn giải pháp chống lưng cho các nhóm đối lập “ôn hoà” để gây sức ép buộc ông Assad chấp nhận thương lượng và ra đi. Tuy nhiên, kế hoạch này đang sụp đổ một cách thảm hại.

Bất chấp mọi nỗ lực hỗ trợ của Chính phủ Mỹ và các nước đối tác, phe đối lập “ôn hoà” ở Syria vẫn bị chia rẽ nghiêm trọng, bị cực đoan kiểm soát, không thể trở thành thế lực đe doạ ông Assad.

Kể cả mục tiêu nhỏ hơn là đào tạo và vũ trang cho một lực lượng địa phương chống IS cũng đang trật đường ray. Bằng chứng là chương trình đào tạo và vũ trang cho các nhóm nổi dậy của Bộ Quốc phòng Mỹ tốn kém 500 triệu USD “phản thùng” gây choáng váng.

Cuối tuần qua, Lầu Năm Góc thú nhận một nhóm 70 tay súng nổi dậy được quân đội Mỹ đào tạo để chống IS, có tên là Lực lượng Syria mới (NSF), đã trao toàn bộ vũ khí và đạn dược cho nhóm khủng bố Mặt trận Al-Nusra (chi nhánh của Al-Qaeda ở Syria) để được trốn chạy an toàn.

Trước đó, 54 tay súng đầu tiên thuộc NSF, được đào tạo tại Thổ Nhĩ Kỳ và đến Syria chiến đấu, đã bị Al-Nusra tấn công và tiêu diệt hồi tháng 7.

Một tướng quân đội Mỹ thừa nhận trước quốc hội rằng hiện tại chỉ có bốn hoặc năm tay súng nổi dậy được Lầu Năm Góc đào tạo đang chiến đấu ở Syria. Trong khi đó, Bộ chỉ huy Trung ương Mỹ đang bị điều tra vì tội làm giả thông tin trong các báo cáo tình báo để “tô hồng” kết quả chiến dịch không kích IS.

Nga lấp chỗ trống

Chiến dịch không kích của liên quân Mỹ ở Iraq và Syria cũng tỏ ra kém hiệu quả khi IS tiếp tục kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ. Trên báo Observer, chuyên gia an ninh John Schindler, cựu thành viên Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA), mô tả “cuộc chiến chống IS của chính quyền Tổng thống Obama đang sụp đổ” và “ngày càng trở nên tồi tệ”.

Mỹ và phương Tây càng đau đầu khi Nga tiếp tục triển khai binh sĩ cùng máy bay chiến đấu, xe tăng, trực thăng và tên lửa tới căn cứ quân sự ở thành phố Latakia tại Syria. Quân đội Nga đã tổ chức các chuyến bay do thám ở Syria.

Từ tuần trước, lực lượng của Tổng thống Assad bắt đầu sử dụng máy bay không người lái do Nga cung cấp. Các quan chức Mỹ và phương Tây khẳng định Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn bảo vệ chế độ Assad.

Không chỉ có vậy, giới chuyên gia cho rằng với chiến lược Syria của mình, ông Putin đang thành công trong việc đưa Nga trở lại vai trò quyết định đối với an ninh toàn cầu.

Theo CNN, tình báo Mỹ đánh giá với việc triển khai lực lượng ở Syria, Nga có thể đảm bảo kể cả khi ông Assad sụp đổ thì một chính quyền mới ở Syria cũng sẽ thân thiện với Matxcơva. Và không chỉ có Nga, Iran cũng đang hỗ trợ chính quyền Assad và chủ động hợp tác với Matxcơva.

Mới hơn một tuần trước, Tổng thống Obama còn cảnh báo các bước đi của Nga ở Syria “sẽ thất bại”. Nhưng rốt cuộc ông đã phải chấp nhận gặp mặt đối mặt với ông Putin ở New York, lần đầu tiên sau gần một năm.

Ngoại trưởng Kerry cũng tỏ ý Mỹ sẵn sàng hợp tác với Nga để chống IS và chấp nhận đối thoại với Iran. Các đối tác phương Tây cũng như Mỹ cũng tỏ ra mềm mỏng hơn.

Ngoại trưởng Pháp Fabius vẫn cho biết Paris đòi hỏi ông Assad phải ra đi, nhưng đó là vấn đề “về lâu về dài”. “Chúng ta phải đàm phán” – ông Fabius nhấn mạnh.

Pháp bắt đầu không kích IS ở Syria

Theo AFP, hôm qua quân đội Pháp bắt đầu thực hiện các cuộc không kích IS ở Syria. Tổng thống Pháp François Hollande khẳng định đây là biện pháp tự vệ của Paris, bởi có nhiều bằng chứng cho thấy IS lên kế hoạch tấn công khủng bố phương Tây từ Syria. Ông Hollande cũng đánh giá IS là thủ phạm gây ra cuộc khủng hoảng tị nạn ở châu Âu.

 

HIẾU TRUNG ([email protected])