28/11/2024

Cả dân tộc kiên định bảo vệ Tổ quốc

Vấn đề bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trở thành tâm điểm trong cuộc gặp mặt giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với bà con Việt kiều tại New York (Mỹ).

 Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp mặt kiều bào tại New York:

Cả dân tộc kiên định bảo vệ Tổ quốc

 

Vấn đề bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trở thành tâm điểm trong cuộc gặp mặt giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với bà con Việt kiều tại New York (Mỹ).



 

Chủ tịch nước trò chuyện với bà con kiều bào và bạn bè Mỹ tại cuộc gặp mặt - Ảnh: Trường SơnChủ tịch nước trò chuyện với bà con kiều bào và bạn bè Mỹ tại cuộc gặp mặt – Ảnh: Trường Sơn
Khi thông báo với bà con về những vấn đề thời sự trong cuộc gặp ngày 26.9 (giờ địa phương), Chủ tịch nước cho biết một trong những thách thức ngày càng nghiêm trọng đối với hoà bình, ổn định, phát triển tại Đông Nam Á và châu Á – Thái Bình Dương là giải quyết tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Đặc biệt, việc Trung Quốc tiến hành cải tạo đảo, đá quy mô lớn tại Trường Sa, vi phạm luật pháp quốc tế và Tuyên bố về ứng xử tại Biển Đông (DOC) đang gây quan ngại cho hầu hết các nước.
Chủ tịch nước khẳng định Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân trong nước luôn kiên định quyết tâm bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ VN, bảo vệ hoà bình, ổn định, giải quyết hoà bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về luật Biển 1982, thực hiện DOC, tiến tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Phần lớn những câu hỏi được kiều bào gửi tới Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong buổi gặp mặt thể hiện trăn trở, suy tư về tình hình Hoàng Sa, Trường Sa.
Ông Lê Đức Lợi, một Việt kiều gốc Nam Định, chia sẻ lo lắng trước việc Trung Quốc ngày càng có nhiều hành động cứng rắn ở Biển Đông. “Ngoài vai trò của Chính phủ, làm thế nào để mọi người dân trong và ngoài nước có thể đóng góp, chung tay cho sự nghiệp này?”, ông đặt câu hỏi.
Nhấn mạnh câu chuyện Hoàng Sa, Trường Sa luôn luôn đau đáu hiện diện trong suy nghĩ và trái tim của hơn 90 triệu đồng bào VN trong lẫn ngoài nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhắc lại sự thật lịch sử về việc Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng Hoàng Sa vào các năm 1956, 1974 và Trường Sa năm 1988.
Theo Chủ tịch nước, khác với Trung Quốc, các thế hệ người Việt từ xa xưa đã thực hiện chiếm hữu và quản lý 2 quần đảo này một cách hoà bình và liên tục. Tại Hội nghị San Francisco 1951 ở Mỹ, các quốc gia tham dự đã bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Hoàng Sa và Trường Sa. Điều đó có nghĩa là từ năm 1951, cộng đồng quốc tế đã thừa nhận chủ quyền lịch sử và pháp lý của VN tại 2 quần đảo này.
Chủ tịch nước khẳng định Trung Quốc chiếm đóng Hoàng Sa và Trường Sa hoàn toàn chỉ dựa trên vũ lực và sức mạnh quân sự. “Về phía VN, chúng ta đã nhiều lần tuyên bố với thế giới rằng VN có đầy đủ bằng chứng lịch sử, cơ sở pháp lý và thực tiễn để khẳng định chủ quyền của mình ở Hoàng Sa và Trường Sa”, ông nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch nước, VN đã cùng các quốc gia liên quan đấu tranh đi đến khẳng định tiếp sau DOC phải có văn bản có tính chất ràng buộc chắc chắn là COC. Theo Chủ tịch nước, điều quan trọng là giải quyết tranh chấp phải dựa vào luật pháp quốc tế và cộng đồng quốc tế. Đây là điều VN đã kiên trì thực hiện xuyên suốt nhiều năm qua.
Về quan hệ VN – Mỹ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định rằng sau quá trình bình thường hoá suốt 20 năm và thiết lập khuôn khổ Đối tác toàn diện, “trong đời sống hằng ngày cũng như trên báo chí VN và cả Mỹ, nói đến quan hệ hai nước, không có ai dùng từ “kẻ thù” nữa, mà thay vào đó là “bạn bè”. Đó là điều nhân dân cũng như nhà nước hai bên đều mong muốn”.
Nhân dịp tham dự chuỗi hoạt động của LHQ ở New York, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tham dự Sự kiện cấp cao về mô hình phát triển nông thôn mới và cộng đồng bền vững do Chương trình Phát triển LHQ (UNDP), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Hàn Quốc tổ chức cũng như có các cuộc gặp với Tổng thống Turkmenistan Gurbanguly Berdimuhamedov, Tổng thống Mozambique Filipe Jacinto Nyusi và Thủ tướng Thuỵ Điển Stefan Lofven.

 

Trường Sơn 
(từ New York, Mỹ)