09/01/2025

Sự oái oăm của tình thế làm người

Điện ảnh Thuỵ Điển luôn mang đến những bộ phim có phong vị rất lạ. Nếu cần trào lộng, nó mang đến rất nhiều tiếng cười như Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất…

 

Sự oái oăm của tình thế làm người

 

Điện ảnh Thuỵ Điển luôn mang đến những bộ phim có phong vị rất lạ. Nếu cần trào lộng, nó mang đến rất nhiều tiếng cười như Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất, nếu cần chiêm nghiệm cuộc sống dưới một góc nhìn dị biệt thì có Con bồ câu đậu trên cành chiêm nghiệm về sự hiện hữu.




Một phân cảnh ấn tượng trong phim - Ảnh tư liệu
Một phân cảnh ấn tượng trong phim – Ảnh tư liệu

A pigeon sat on a branch reflecting on existence (Con bồ câu đậu trên cành chiêm nghiệm về sự hiện hữu) – cái nhan đề dài ngoằng và nghe như một câu thơ là bộ phim đầy thách đố, nhưng đồng thời đem lại những khoái cảm điện ảnh không dễ có với những khán giả đã bão hòa với thứ điện ảnh giải trí nhan nhản khắp thế giới.

Phim từng đoạt giải Sư tử vàng tại LHP Venice năm ngoái và vừa đại diện điện ảnh Thụy Điển tranh giải Oscar phim nước ngoài 2016.

Bộ phim của đạo diễn Roy Andersson có gì đặc biệt? Không chỉ đặc biệt, phim quái dị một cách siêu thực, hài hước một cách lố bịch và cũng thê thảm rất hiện thực. Nó như một nụ cười nhếch mép, một cái nhìn có vẻ bề trên, như con bồ câu (nhồi bông) đậu trên cành cao trong bảo tàng nhìn xuống để chiêm nghiệm sự tồn tại của đám người.

Mở đầu phim, Roy giới thiệu “ba cuộc gặp gỡ với thần chết”. Đầu tiên là một cặp vợ chồng già đang chuẩn bị bữa ăn tối, bà vợ đang lúi húi nấu nướng ngoài bếp, ông chồng già hì hục mở nút một chai vang. Hì hục mãi mà nút chai chưa mở thì ông lão lên cơn nhồi máu cơ tim, lăn đùng ra chết. Ở ngoài bếp, bà vợ vẫn lúi húi nấu, không hề hay biết ông chồng đã về chầu trời.

Thứ hai là một bà lão hấp hối trên giường đang cố để mang theo túi kim cương lên thiên đường, mặc cho đám con chầu chực để chia nhau.

Và cuối cùng là một cụ già trên một chiếc tàu du lịch đang di chuyển trên sông. Cụ vừa mới gọi một chiếc bánh sandwich và một chai bia thì ngã lăn ra sàn đột tử. Đám đông cố hô hấp nhân tạo nhưng cụ không tỉnh lại nữa. Cô nhân viên phục vụ lỡ mang đồ ra cho cụ, hỏi đám đông có ai muốn ăn chiếc bánh và chai bia miễn phí mà cụ đã trả tiền không.

Ba cuộc gặp gỡ với thần chết là ba tình huống oái oăm và nực cười. Nhưng cuộc đời qua con mắt của vị đạo diễn 72 tuổi là một chuỗi những trò oái oăm và nực cười như thế.

Bộ phim tiếp diễn với những câu chuyện lộn xộn không liên quan, kết nối gì với nhau như thế từ đầu đến cuối. Hoặc nếu có một sự kết nối, đó là câu chuyện của hai nhân vật duy nhất có tên trong bộ phim, Sam và Jonathan, hai người bán hàng rong thất thểu với những món đồ không bao giờ bán được, một cặp răng nanh của ma cà rồng, một cái mặt nạ bằng da gớm ghiếc… dẫn dắt khán giả chu du vào chuyến du lịch vạn hoa – cả hiện thực lẫn siêu thực – về những tình thế tồn tại của con người.

Một phân cảnh dài khá rùng rợn và ám ảnh gần cuối phim đem đến một cú sốc về mặt thị giác, nhưng cũng là một cái nhìn đầy chiêm nghiệm về sự vô cảm của con người. Ở cảnh này, quân lính Anh đang lùa một nhóm nô lệ da đen bị xích với nhau bước vào một chiếc trống khổng lồ. Trên thân trống có đục những cái lỗ để gắn những chiếc loa lớn. Sau đó, chúng đóng cửa và đốt lửa bên dưới để… nấu chín nô lệ da đen.

Những tiếng thét kinh hoàng qua những cái loa tạo thành những âm thanh rất kỳ dị như một thứ âm nhạc thể nghiệm. Ở bên ngoài, một đám du khách nhà giàu quan sát chiếc trống bị đốt lửa từ xa qua cửa kính, rồi họ mở cửa kính để tiến lại gần hơn, như đang xem một hoạt cảnh sống động trong viện bảo tàng hay một vở kịch ở rạp hát…

Phim của Roy Andersson không cố để giải thích một điều gì, ông chỉ trưng ra một loạt câu chuyện, các sự kiện kỳ dị, quái đản và rất nhiều ẩn dụ. Cố để giải thích sẽ trở nên lố bịch.

Nhưng ta có thể cảm được phong cách kể chuyện của Roy, một thứ nghệ thuật thứ bảy độc nhất và không giống với bất cứ thứ gì ta xem trên màn ảnh từ trước tới nay. Máy quay của ông luôn đặt ở vị trí cố định và không bao giờ dịch chuyển, cũng không bao giờ quay cận cảnh nhân vật. Những cú máy dài mô tả sự ngưng đọng đến ngột ngạt của nhân vật, nhất là những nhân vật già, như thể họ ngồi đó mà đã chết từ lâu.

Roy Andersson năm nay đã 72 tuổi. Cả đời ông chỉ làm bốn, năm bộ phim. Phim đời đầu của ông là A Swedish love story, ra năm 1970 rất thành công, phim thứ hai thất bại nặng nề nên ông chuyển qua làm phim quảng cáo để kiếm sống. Trong vòng 30 năm, Roy đã làm hơn 400 phim quảng cáo thương mại và rất được khán giả ưa thích vì sự hài hước và châm biếm.

Ở tuổi gần 60, khi đã quá dư dả tiền nhờ phim quảng cáo, ông quay lại giấc mộng điện ảnh dang dở. Lần này là một bộ ba, mỗi phim cách nhau bảy năm. Phần đầu là Songs from the second floor (năm 2000), phần 2 là You, the living (2007) và phần 3 là bộ phim Con bồ câu… (2014). Bộ ba có chủ đề chung “being a human being”, đại ý là những cảnh ngộ, tình thế làm người.

Cả ba phim đều được giới phê bình đánh giá cao. Hai phim trước dự thi ở LHP Cannes, đoạt giải thưởng của ban giám khảo, phim Con bồ câu… năm ngoái đoạt giải cao nhất – Sư tử vàng, trong khi Birdman (Oscar 2015) được đánh giá rất cao trước đó ra về tay không.

LÂM LÊ